Các giáo viên nói "quy tắc sống còn" trong "cuộc chiến" con vào lớp 1 là Bố mẹ cũng cần tìm hiểu kỹ chương trình học, trao đổi tích cực với giáo viên và quan trọng nhất là phải KIÊN NHẪN với con!
Năm học 2020-2021, lớp 1 được chú ý hơn cả khi là khối đầu tiên học sách giáo khoa mới, chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều đáng nói là chương trình học mới với 5 bộ sách giáo khoa khác nhau để các trường tự lựa chọn tưởng chừng sẽ tạo nên một năm học cực kỳ lý tưởng và phấn khích. Thế nhưng, ngay khi tiếng trống khai giảng bắt đầu, hàng loạt phụ huynh đã nhận ra chương trình mới dường như quá "nặng đô" với học sinh lớp 1.
Chị N.P, phụ huynh sống tại Hà Nội bức xúc: "Con mình đi học 1 tuần đầu đã phải học viết hết bảng chữ cái, kể cả chữ ghép. Cháu học chưa được 1 tháng phải viết cả câu dài và siêu tối nghĩa kiểu như Bà có cờ cũ. Như thế này là đánh đố trẻ con. Sách giáo khoa năm nào cũng cải cách mà chưa thấy tiến đâu chỉ thấy lùi".
Anh T.H, ở Đà Nẵng, bày tỏ: "Con mình đang học lớp 1 theo chương trình mới và dù cháu cũng đã đọc viết, tính toán thành thạo nhưng nhiều bài trong sách giáo khoa thú thật là đọc đề cháu cũng không hiểu làm như thế nào? Bài tập yêu cầu quá cao đối với học sinh lớp 1 kể cả đã biết chữ rồi".
Không chỉ phụ huynh mà cả các giáo viên cũng phải quay cuồng trong từng tiết học mới có thể đảm bảo chất lượng cho từng học sinh của mình, thậm chí có giáo viên còn suy nghĩ đến việc cho học sinh ở lại lớp 1 để học lại cho chắc kiến thức. Những giáo viên khác dù cực kỳ tin tưởng vào chương trình mới cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để dạy các học trò viết chữ, đánh vần làm toán cho kịp với tiến độ của sách đưa ra.
Phần lớn các giáo viên tiểu học ở nhiều trường trên cả nước cho rằng, chương trình học đang khá nặng với các em học sinh, lượng thời gian học vẫn thế nhưng kiến thức và tiến độ thì tăng lên gần gấp đôi khiến cho học sinh bị choáng ngợp, giáo viên cũng vất vả không kém để dạy đúng tiến độ chương trình.
Cô Minh Nguyệt (giáo viên tiểu học ở Đà Nẵng) bày tỏ ý kiến của bản thân về chương trình học mới với những bất cập khiến cả giáo viên và học sinh phải "gồng mình lên".
"Trong chương trình học trước đây, lượng kiến thức mà lớp 1 được học tương đối vừa phải với khả năng tiếp thu của các em. Dù các em có được học chữ trước hay không thì giáo viên vẫn có thể kèm cặp từng em đạt được mục tiêu học tập theo đúng sách giáo khoa, nhưng ở chương trình mới thì điều đó dường như không thể", cô Nguyệt chia sẻ.
Nếu như muốn các em học nhanh hơn, biết chữ sớm hơn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cải cách từ mầm non trước chứ không phải "giáng" cho lớp 1 chương trình nặng nề như hiện nay. Nhìn lại chương trình cũ, các em được học vừa phải, mỗi ngày 2 tiết tiếng Việt học 2 âm, 4 từ và 1 câu. Tất cả những ví dụ đều đơn giản, dễ hiểu và gần gũi để các em tiếp thu kiến thức được dễ dàng. Thì sau cải cách, những cuốn sách giáo khoa chia thành nhiều bộ khác nhau, mỗi bộ có những ưu điểm riêng nhưng lại chung một nhược điểm là quá tầm với khả năng tiếp thu của học sinh lớp 1.
Cụ thể, trong bộ sách Cánh Diều, phải học bài đọc dài xuất hiện ngay từ những buổi học đầu tiên đã gây áp lực nặng trĩu với các em học sinh. Không chỉ vậy, thời gian tập viết của các em cũng bị rút ngắn khi qua hai bài đọc mới có một bài viết. Tức là mỗi bài viết các em phải viết được ngay 4 chữ, 2 tiếng và 2 từ. Con số này với người lớn là ít ỏi, nhưng với học sinh từ mầm non lên, nhất là chưa được làm quen với chữ cái, cầm bút còn run thì vô cùng khó khăn để theo kịp.
Hay trong cuốn Tiếng Việt của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thì thời lượng để học sinh thuộc hết bảng chữ cái chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng. Điều này gần như bất khả thi với những em học sinh chưa được học trước bao giờ. Nhất là thời gian tập viết quá chênh lệch với thời gian đọc, học sinh khó lòng ghi nhớ được các chữ cái khi cứ học mới liên tục mỗi ngày 2, 3 âm mà luyện tập không được bao nhiêu.
"Quy định là không được dạy chữ, dạy số, dạy viết ở cấp mầm non nhưng sách lớp 1 thì lại biên soạn với khối lượng kiến thức dành cho học sinh biết chữ rồi thì quả là đánh đố người dạy học như chúng tôi. Học sinh học chữ mới hôm nay, mai lại quên nhưng giáo viên cũng không có thời gian dạy lại vì sợ cháy giáo án", cô Nguyệt bày tỏ.
Tuy nhiên, nhược điểm là thế nhưng cũng không thể phủ nhận những ưu điểm mà chương trình mới đem đến cho các giáo viên nhiều không gian để sáng tạo trong việc giảng dạy, không còn bị bó buộc trong một bộ sách duy nhất như trước đây. "Các môn học cũng được biên soạn theo hướng tích cực lấy học sinh làm chủ đạo, chú ý đến tính trải nghiệm cao nhất cho các em học sinh. Đó cũng là điều mà bộ sách cũ chưa làm được", cô Minh Ngọc (giáo viên tiểu học ở Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét.
Để giúp các con không bị bỡ ngỡ và nhanh chóng theo kịp được chương trình học hiện tại, nhiều giáo viên tiểu học ủng hộ việc cho các con học chữ trước khi đến lớp. Bởi ở chương trình cũ, cô trò còn đủ thời gian ê a với nhau từng chữ từng âm, học đi học lại đến khi nào các con nhớ mới thôi thì ở chương trình mới lại là "vắt chân lên cổ" mới kịp tiến độ.
Cô Huệ Chi (giáo viên tiểu học quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ thẳng thắn rằng: "Tuy chương trình nặng thế, nhưng học sinh lớp mình đều được học trước nên không quá căng thẳng, chỉ có vài bạn chưa kịp viết tốt thì mình cũng đủ thời gian kèm riêng và thành lập những đôi bạn cùng tiến để giúp nhau. Nên mình ủng hộ việc cho học sinh học chữ trước khi đến trường".
Nhưng không phải học sinh nào cũng được học chữ trước khi đến trường, nhiều em thậm chí chưa biết cầm bút đúng cách, không phân biệt được ly, không biết đặt bút ở đâu, kết thúc chữ ở chỗ nào. Và khi lên lớp 1, các con bị "sốc kiến thức". Cô Huệ Chi đề xuất rằng: "Bộ nên đưa chương trình học chữ, đánh vần và tập viết vào từ bậc mẫu giáo mới mong học sinh theo kịp chương trình hiện hành".
Nếu như bố mẹ không muốn con học chữ trước, cô Nguyễn Hằng, giáo viên trường tiểu học Tân Dân, Hà Nội lại đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng để có thể đảm bảo việc con vừa học vừa chơi mà không bị áp lực về kiến thức như sau:
"Ngay từ khi các con còn nhỏ thì bố mẹ đã cần phải tạo dựng và duy trì thói quen đọc sách, hướng dẫn những trò chơi trí tuệ cho con. Việc đọc sách sẽ giúp con nhận biết mặt chữ tốt nhanh và tốt hơn trong bất kỳ chương trình giáo dục nào, việc chơi các trò chơi trí tuệ cung cấp kiến thức về số đếm, hình học, khoa học cho con mà không khiến con cảm thấy bị gò ép chán nản.
Bố mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu cho con làm quen với việc cầm bút từ 4 hoặc 5 tuổi để vẽ nguệch ngoạc, rồi học các nét thẳng, nét xiên, nét móc. Đó là tiền đề của việc viết chữ. Cầm bút đúng, biết đi nét thì khi học chữ, con sẽ không còn cảm thấy khó khăn khi học chữ nữa".
Chương trình học mới nhiều kiến thức, học sinh thì bỡ ngỡ nên nhiều giáo viên vẫn buộc lòng phải làm trái quy định khi giao nhiều bài tập về nhà cho các con. Lý do là vì thời gian trên lớp thực sự không đủ để cô giáo có thể theo sát và kèm cặp từng học sinh, các con cũng không được luyện tập đủ nhiều để trơn tru trong kỹ năng đọc, viết của mình nên việc giao nhiều bài tập về nhà là điều bắt buộc phải xảy ra.
"Bố mẹ cũng cần thông cảm cho giáo viên và đồng hành sát sao cùng con trong năm học này, không nên phó mặc toàn bộ trách nhiệm dạy học cho cô giáo ở lớp. Chỉ khi con được luyện tập đủ nhiều, mới có thể tiến bộ và ghi nhớ kiến thức rõ ràng. Nếu không, hệ quả xấu nhất có thể là việc con phải ở lại lớp khi không đạt đủ tiêu chuẩn kiến thức đề ra", cô Thu Hợp (giáo viên ở Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ.
Dẫu biết rằng bức xúc hay hoang mang là những cảm xúc rất thật khi phải chứng kiến con "còng lưng" gánh trên vai chương trình học mới khi vừa vào lớp 1. Nhưng thay vì ca thán, bố mẹ nên bắt đầu chuẩn bị những kỹ năng quan trọng để cùng con đồng hành qua năm học nhiều chuyển biến này. Bởi, việc dạy học không đơn thuần là giao phó toàn bộ cho giáo viên mà đó là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Chính trong bộ sách mới cũng có những phần tìm hiểu mang tên "Dành cho phụ huynh và giáo viên" với mục tiêu giúp bố mẹ sát sao trong việc học tập của trẻ hơn.
Cô Minh Hà, hiện đang giảng dạy tại trường tiểu học thuộc quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Bố mẹ chỉ cần thực hiện ba điều sau là đủ để dạy con hiệu quả tại nhà. Thứ nhất là bình tĩnh và kiên nhẫn với con. Thứ hai là tìm hiểu kỹ chương trình học của con, nắm được khả năng tiếp thu của con mình để đưa ra yêu cầu phù hợp. Và cuối cùng là tích cực trao đổi với giáo viên của con để biết được tiến độ học tập của con em mình, các giáo viên cũng sẽ đề xuất những phương pháp dạy kèm phù hợp mà bố mẹ có thể áp dụng tại nhà cho các con".
Trước thông tin phản ánh của phụ huynh học sinh cho rằng chương trình lớp 1 quá nặng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT cho biết Bộ đã nắm được thông tin.
"Gần đây, một số diễn đàn đăng tải thông tin phụ huynh nói về chương trình lớp 1 nặng sau gần một tháng học. Hiện tại, Bộ chưa nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản nào từ giáo viên, cơ sở giáo dục, nhà khoa học về vấn đề này. Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai, có chuẩn đầu ra, khung thời lượng năm học. Chương trình lớp 1 có 9 môn học. Tiếng Việt 1 có 5 bộ sách, được thiết kế theo những cách khác nhau.
Khung chương trình đã được hội đồng quốc gia thẩm định, thử nghiệm, lấy ý kiến. Vì vậy, những nhận định chương trình nặng chưa có căn cứ xác đáng, chưa đúng thời điểm này khi chương trình lớp 1 nặng sau gần một tháng học", ông Tài cho hay.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT tiếp tục lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh, nếu có đầy đủ căn cứ khoa học, đánh giá nhiều mặt về việc này. Nếu có bất cập, Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)