1. NGỰ UYỂN LÂM-TỲ-NI
Lâm-tỳ-ni (Lumbini), nằm dọc theo chân Hy-mã-lạp-sơn (Himalaya) thuộc Nepal ngày nay, cách vương thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) 25 km, là thánh tích đầu tiên trong bốn Phật tích, tọa lạc tại Rupandehi, gần biên giới Ấn-độ. Đây là nơi hoàng hậu Ma-da (Maya Devi) trên đường từ Ca-tỳ-la-vệ về thăm quê ngoại tại Devadaha, sau khi tắm tại hồ Puskarini, đã bất giác hạ sanh thái tử (người vào năm 35 tuổi đã khai sáng đạo Phật), vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 623 TTL (624 TTL theo Phật giáo Đại thừa) tại khu ngự uyển tuyệt đẹp, phủ đầy cây sala xanh tươi, rợp bóng mát.
Thời ấy, Lâm-tỳ-ni là vườn ngự uyển, được hai vương triều Kapilavastu và Devadaha cùng chăm sóc và sử dụng, có nhiều kỳ hoa, dị thảo đua nhau khoe sắc. Hiện nay, dù phong cảnh đẹp huy hoàng ngày xưa không còn nữa, có mặt tại Lâm-tỳ-ni, ta cảm nhận được cái không khí trong lành, rừng cây xanh thoáng mát và trường sinh học tâm linh của Phật giáo vốn đã một thời vang bóng. Tùy theo mùa, các loại hoa được trồng rải rác trong khuôn viên, tạo ra hương sắc nhất định.
Văn học Phật giáo mô tả bằng hình ảnh biểu tượng rằng, đức Phật được sinh ra từ hông phải của hoàng hậu Ma-da (Maha Devi), đi bảy bước trên hoa sen, tuyên bố rằng: “Đây là kiếp sống [sinh tử] cuối cùng của ngài”, thay vì mô tả thông thường là “sự ra đời của đức Phật mang lại an vui, cát tường (hông phải), thanh tịnh hóa (hoa sen) thân tâm của chúng sinh với sự chuyển hóa”.
Ngay sau khi đức Phật nhập niết-bàn, Lâm-tỳ-ni trở thành thánh địa, tưởng niệm sự kiện quan trọng đầu tiên của cuộc đời đức Phật.
Đức Phật sinh tại Ca-tỳ-la-vệ và sống tại đây đến năm 29 tuổi. Sống trong nhung lụa xa hoa, Ngài quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tầm đạo, hầu tìm ra con đường chấm dứt lưới bẫy và tình trạng khổ đau của kiếp người. Hành trình tâm linh và sự giác ngộ của Phật đã tạo nên sự ra đời của tôn giáo lớn thế giới, đạo Phật, con đường tuệ giác và minh triết.
Xung quanh Lâm-tỳ-ni là khu vực các tự viện, các dấu tích của tu viện cổ, cây bồ đề thiêng, hồ tắm và trụ đá vua A-dục. Sự có mặt của các tự viện Thượng tọa bộ, Đại thừa và Kim cang thừa làm cho không gian trở nên đặc sắc.
Trong chuyến ngự giá Lâm-tỳ-ni vào năm 249 TTL, đại đế A-dục đã sắc lệnh dựng 4 tháp, hàng rào đá hoa văn và trụ đá trên đỉnh có con ngựa, để đánh dấu địa điểm đản sanh của đức Phật vào năm 623 TTL (624 theo Phật giáo Bắc tông). Công trình nổi bậc khác chính là chùa Thánh mẫu Ma-da (Maya Devi) với bức tượng của hoàng hậu do đại đế A-dục sắc dựng. Bên trái ngôi chùa là hồ tắm (puskarni) tương truyền được hoàng hậu sử dụng trước khi khai hoa nở nhụy thái tử.
Lâm-tỳ-ni là một trong các Phật tích thiêng liêng nhất được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 07-12-1997. Lâm-tỳ-ni là bức tranh lộng lẫy với phong cảnh, rừng thiên nhiên xanh tươi và là nơi linh thiêng đối với các hành giả Phật tử đến đây để thiền quán hay tụng Kinh.
2. TRỤ ĐÁ A-DỤC (THE ASOKAN PILLAR)
Sách sử ghi rằng sau 20 năm lên ngôi vua, suốt lộ trình chiêm bái các Phật tích ở Ấn Độ và Nepal, đại đế A-dục (Emperor Asoka) đã sắc dựng 84.000 tháp lớn nhỏ (thực tế mới phát hiện 14 trụ đá và nhiều tháp đủ kích thước với nhiều kiến trúc và hình thù khác nhau, nhằm tưởng niệm cuộc đời hoằng hóa của đức Phật.
Trụ đá A-dục được dựng năm 249 TTL, bên cạnh chùa Thánh mẫu Ma-da có giá trị bằng chứng bia ký về địa điểm ra đời của đức Phật và được xem là tài liệu lịch sử quan trọng nhất về nơi đản sinh của Phật ở Lâm-tỳ-ni.
Đỉnh của trụ đá là con ngựa, đứng trên đế hình vuông, nối kết với hoa sen cách điệu. Các phần này đã bị hư mất. Trọng lượng của trụ đá là 37 tấn. Chiều cao của trụ đá là 31 feet, đế trụ đá có đường kính hơn 79cm trong khi ở đỉnh là gần bằng 67cm Đế của trụ đá nằm trên các phiến gạch đỏ.
Theo tư vấn của đại sư Upagupta, đại đế A-dục đã đến chiêm bái Lâm-tỳ-ni vào năm 249 TTL. Vua A-dục đã sắc dựng trụ đá xác định đây là nơi đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã sinh ra (Hida Budhe jate Sakyamuniti). Đoạn bia ký viết bằng chữ Brahmi và tiếng Pali có đoạn ghi: “Vì đức Phật sinh ra tại đây, làng Lâm-tỳ-ni sẽ được miễn các loại thuế và chỉ đóng 1/8 lợi tức từ đất”.
Vua Ripu Malla của xứ Karnali, thuộc Tây Nepal đã đến Lâm-tỳ-ni vào năm 1312 đã khắc lại câu thần chú quen thuộc trên đỉnh của trụ đá A-dục, đánh dấu sự thăm viếng lịch sử của mình: “Om Mani padme hum Ripu Malla Ciranjayatu”.
Tướng Khadga Shumsher, thống đốc khu Palpa và nhà khảo cổ tiến sĩ Alois Fuhrer phát hiện ra trụ đá A-dục vào năm 1896. Kể từ khi trụ đá được phát hiện và bia ký trên đá được dịch và công bố, lượng du khách quan tâm đến di sản văn hóa thế giới này được đến đông hơn nhiều.
3. CHÙA THÁNH MẪU MA-DA (MAYA DEVI TEMPLE)
Ngôi chùa này là trung tâm của công trình kiến trúc chính tại thánh địa Lâm-tỳ-ni, được trùng tu nhiều lần và được sơn màu khác nhau, có khi màu trắng và hiện nay là màu nâu đỏ.
Dựa vào nền phế tích, các nhà khảo cổ xác định niên đại xây dựng ngôi chùa Thánh mẫu Ma-da nguyên thủy khoảng thế kỷ III TTL, đánh dấu nơi đản sinh của Phật.
Vào thập niên 1930, tướng Khadga Shumsher tiến hành khai quật toàn diện ở khu di tích Lâm-tỳ-ni, cung cấp thêm nhiều dữ liệu quý về chùa Thánh mẫu Ma-da (Maya Devi Temple). Các khai quật và nghiên cứu được Cục Khảo cổ Nepal (DoA) tiến hành quy mô hơn vào năm 1972. Khi Quỹ phát triển Lâm-tỳ-ni (LDT) được thành lập vào năm 1985 thì các hoạt động phát triển ở Lâm-tỳ-ni được tiến hành rốt ráo. Kết quả là vào những năm 1990, hai tổ chức này và Hiệp Hội Phật giáo Nhật Bản phối hợp khai quật thành công chùa Thánh mẫu Ma-da. Công trình trùng tu ngôi chùa này do chính phủ Nepal và Quỹ phát triển Lâm-tỳ-ni thực hiện và khánh thành vào ngày 16-5-2003.
Trên đỉnh của chùa là một cấu trúc, dưới là hình vuông và trên là hình tháp nhọn, tạo ra dấp dáng của một ngôi chùa Phật giáo.
Gọi là chùa nhưng thật ra đây chỉ là một khu vực khảo cổ. Mái nhà với bốn bức tường được dựng lên để che nắng mưa, góp phần bảo quản một phần nào di tích của khu thánh địa, đánh dấu sự ra đời của bậc vĩ nhân siêu phàm. Bên trong chùa không có bàn thờ và các sinh hoạt tín ngưỡng. Chỉ có một lối đi hình vuông, theo đó, các du khách và người hành hương đi kinh hành, niệm tụng với sự thành kính về đức Phật sơ sinh.
Vào tháng 11-2013, nhóm khảo cổ học quốc tế do Robin Coningham của trường Đại học Durham, UK, và Kosh Prasad Acharya của Quỹ phát triển vùng Pashupati (Pashupati Area Development Trust), Nepal chủ trì khai quật bên dưới nền chùa Thánh mẫu Maya, phát hiện bệ thờ bằng cây có niên đại 550 trước Tây lịch. Đây là bằng chứng khảo cổ học sớm nhất về cuộc đời đức Phật lịch sử cho đến thời điểm hiện nay.
4. PHIẾN ĐÁ GHI DẤU ĐẢN SINH (THE MARKER STONE)
Khi khai quật vào năm 1996, các nhà khảo cổ tìm thấy phiến đá ghi dấu tích đản sinh chính xác của đức Phật nằm hơi sâu xuống ở giữa ngôi chùa Thánh mẫu Ma-da. Chiều kích của phiến đá này là 70cm x 40cm x 10cm, hiện được bảo quản trong thùng kiếng trong suốt.
5. PHÙ ĐIÊU ĐẢN SINH (NATIVITY SCULPTURE)
Ra đời vào khoảng thế kỷ IV, bức phù điêu này mô tả thánh mẫu Ma-da tay phải vịn nhành cây Vô Ưu, hạ sinh thái tử Tất-đạt-đa trên hoa sen. Đứng cạnh bà là em gái Ma-ha Ba-xà-ba-đề, người về sau làm kế mẫu của thái tử. Bức phù điêu này được xem là di vật quý giá của khu thánh địa, phản ảnh về một phong cách nghệ thuật Phật giáo thời xưa.
6. HỒ NƯỚC TẮM TRƯỚC KHI PHẬT ĐẢN SINH (PUSKARINI)
Theo các ký sự hành hương của các nhà chiêm bái Trung Quốc như Huyền Trang và Pháp Hiển, trước khi hạ sinh thái tử Tất-đạt-đa, hoàng hậu Ma-da đã tắm mát dưới hồ Puskarini. Sau khi khai hoa nở ngụy, thái tử sơ sinh cũng được tắm tại hồ này.
Hồ nước cách chùa thánh mẫu Ma-da và trụ đá A-dục khoảng 50 mét về hướng nam, được xây bằng gạch đỏ, hình vuông. Tính toàn thể cấu trúc của hồ, mỗi cạnh hồ dài khoảng 24,9m, có bốn bậc thang. Tính từ mặt hồ có nước, cạnh chiều ngang khoảng 12,2m, trong khi cạnh chiều dài khoảng 14.8m. Lần theo các bậc thang này, du khách có thể tiếp xúc với nước trong hồ thật trong xanh, mát mẻ. Mùa mưa, nước trong hồ tiếp giáp với bậc thang thứ nhất. Mùa nắng, mặt nước chỉ khoảng ở bậc thang thứ 3.
Trước khi được trùng tu, hướng góc đông nam và tây nam của hồ có hai giếng nước, có chiều sâu hơn nhiều so với chiều sâu của toàn hồ. Ngày nay, do mực nước hồ cao, ta không nhận dạng được hai giếng nước này.
Đứng từ cây bồ đề bên cạnh hồ, quan sát về chùa Thánh mẫu Ma-da, ta thấy mặt nước hồ lung linh, khắc hình chùa xuống mặt nước, hòa lẫn mầu nâu đỏ của chùa với màu nước xanh, rất thơ mộng.
Không có dữ liệu cổ xưa nào mô tả về hình dáng và kích thước nguyên thủy của hồ. Hồ mà du khách tham quan ngày nay được làm bằng gạch đỏ từ năm 1939, có thể được nới rộng diện tích và tái cấu trúc lại hình thù so với nguyên thủy, mà theo nhà khảo cổ Rijah vốn có hình oval, tượng trưng cho hoa sen cách điệu, nhỏ hơn hồ hiện nay.
7. CÂY BỒ ĐỀ (BODHI TREE)
Bên cạnh hướng nam của hồ nước là cây bồ đề hùng vĩ, có tuổi thọ trên 100 năm. Mặc dù không được liệt vào danh sách các cây bồ đề thiêng như tại Bồ-đề Đạo tràng và chùa Kỳ Viên, cây bồ đề này là nơi dừng chân và thiền quán của hàng trăm du khách và người hành hương. Các nhánh lớn của cây bồ đề vươn đến bề mặt trên của hồ nước, tạo ra bức tranh, hòa lẫn màu xanh của trời, màu lá của cây và sự trong xanh của nước.
Ngồi dưới tàng bóng bồ đề, hướng tâm về thiền chỉ, thiền quán, hoặc trải nghiệm con đường chuyển hóa, chắc hẳn sẽ giúp cho du khách cảm nhận được an lạc, tĩnh tại trong khu thánh tích quan trọng này.
Từ điểm nhấn của cây bồ đề này, các nhà sư Tây Tạng giăng hàng trăm các dãy cờ Phật giáo với nhiều màu sắc khác nhau đến các cây khác và các ngôi tháp trong vườn, tạo ra quang cảnh tâm linh ấn tượng và đặc sắc.
8. QUẦN THỂ THÁP TRONG LÂM-TỲ-NI
Các tháp đa dạng với diện tích lớn nhỏ trong khuôn viên Lâm-tỳ-ni được xây dựng sớm nhất vào thế kỷ III TTL và tiếp tục đến thế kỷ IX sau TL. Phần lớn các tháp này chỉ còn nền được phục dựng, một số tương đối hơn chỉ cao khoảng 1-2m. Nhóm 16 tháp được được bố trí thành bốn hàng song song, mỗi hàng bốn tháp, nay chỉ còn nền gạch ứng với kích thước thật. Phía đông bắc và nam của chùa thánh mẫu Ma-da còn rải rác các nền tháp vuông tròn khác nhau. Nền tháp 10 và 43 có cấu trúc hình vuông, có bốn bậc thang ở bốn mặt, tương đối lớn hơn các tháp trong quần thể tháp tại đây.
9. CÁC TU VIỆN TRONG LÂM-TỲ-NI
Các tu viện trong Lâm-tỳ-ni được xây dựng khoảng thế kỷ III TTL cho đến thế kỷ IV sau TL. Để thuận lợi cho việc khảo sát, các nhà khảo cổ mặc định tu viện nhóm A và tu viện nhóm B, nằm cạnh nhau và tiếp giáp một phần với Hồ tắm đản sinh. Tu viện thường bao bọc bởi các phòng Tăng, thời xưa được xây dựng bằng tre hay gỗ, dần dần được xây bằng gạch. Thường trong mỗi khu tu viện đều có giếng nước trong. Các phế tích của tu viện, tăng xá, giảng đường và tháp cho thấy Lâm-tỳ-ni đã từng là trung tâm tu học lớn của Phật giáo thời xưa.
10. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN LÂM-TỲ-NI
Vào năm 1967 khi tổng thư ký LHQ, ông U. Thant chiêm bái Lâm-tỳ-ni, thánh địa này được vua Mahendra và chính phủ hoàng gia Nepal quan tâm và phát triển thành trung tâm hành hương thế giới. Dưới sự giúp đỡ của ông Thant, Ủy ban quốc tế Lâm-tỳ-ni được thành lập gồm 15 nước thành viên cam kết phát triển thánh địa này.
Năm 1978, kế hoạch phục dựng Lâm-tỳ-ni được giáo sư Tange, Nhật Bản, phác thảo được chính phủ Nepal và Liên Hiệp Quốc chuẩn thuận. Theo bản vẽ này, vườn Lâm-tỳ-ni bao gồm 3 khu vực:
a) Khu vườn Vô Ưu thiêng liêng (Sacred Garden), nằm phía nam, với không gian tâm linh, hòa bình, yên tĩnh;
b) Khu các chùa Phật giáo quốc tế (Monastic zone) chia làm hai dãy: Các chùa Phật giáo Nguyên thủy và các chùa Phật giáo Đại thừa. Ngoài ra còn có trung tâm nghiên cứu Phật giáo thế giới, nằm ở chính giữa;
c) Làng Lâm-tỳ-ni mới (new Lumbini Village) nằm ở phía bắc, nối kết với các khách sạn, nhà hàng và các phương tiện hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
11. CHÙA VIỆT NAM GIỮA CÁC CHÙA QUỐC TẾ
Việt Nam Phật Quốc Tự, là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi đất Phật, do Hòa thượng Thích Huyền Diệu xây dựng. Khởi công xây dựng vào năm 1993, nay ngôi chùa này đã hoàn tất. Từ cổng chùa, chánh điện, bảo tháp cho đến các hoa văn họa tiết, cây cảnh trong chùa đều mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Sự có mặt của ngôi chùa này đã mở màn cho hàng loạt các ngôi chùa Phật giáo ở các nước lần lượt mọc lên. Thái Lan có ngôi chùa màu trắng tráng lệ. Nhật Bản có tháp hòa bình. Trung Quốc có chùa mô phỏng từ kiến trúc Thiếu Lâm Tự. Hơn 20 nước bao gồm Hàn Quốc, Tây Tạng, Tích Lan, Bhutan, Mông Cổ, Miến Điện, Bangladesh và một vài nước phương Tây đều xây dựng chùa mang kiến trúc đặc sắc của nước mình.
bodedaotrang.vn tổng hợp