Đạo Phật đã đến gia đình tôi như thế nào?
Tôi không nhớ vì sao gia đình tôi làm lễ cầu an nhưng tôi thấy rất nhiều bác mặc đồ lam, áo tràng đến tụng kinh, cúng thí và yêu cầu ba tôi ra quỳ hương. Ba tôi vốn là người không mê tín, nhất là những khi má đi coi bói, xin xăm ở đền này đền kia, về nói kiểu gì ba tôi cũng không nghe. Nhưng không hiểu sao, hôm ấy, ba ra mặc áo tràng và làm lễ rất trang nghiêm. Ba cũng chưa một lần đọc kinh nhưng khi được các bác đưa kinh bảo tụng, ba tụng rất hay. Từ đó, các bác hay khuyên ba má tôi đi chùa, tìm hiểu Phật pháp. Trong ban đại diện của ngôi chùa quê tôi, có một ôn rất già (ôn là cách xưng hô của người Huế dành cho một vị cao niên), hiền như một ông bụt vậy đã có những lời khuyên với ba tôi, và ông nghe theo. Từ đó, tôi thấy ba má hay đi chùa, ba hay xem sách, nghiên cứu Phật giáo. Thay vì những buổi chiều, sau giờ đi làm, ba đi nhậu với hàng xóm, ba má tôi đến chùa. Thay vì những buổi tối, sau khi uống say, ba hay quậy phá trong nhà, thậm chí đánh má cùng anh chị em tôi, giờ ba dành thời gian tụng kinh, nghe pháp. Ba tôi học giỏi từ nhỏ, chỉ vì thời cuộc mà ba dở dang sự học của mình. Vì vậy, khi nghiên cứu những giáo lý của Đức Phật, ba cảm thấy rất chi lí rồi tin theo. Không những vậy, những bài kinh ba đều nhớ rất nhanh, tụng rất hay, rồi nhanh chóng ba trở thành một Phật tử thuần thành của ngôi chùa gần nhà. Dù công việc làm nông rất vất vả nhưng những lúc rảnh rỗi, tối nào, ba má tôi cũng tranh thủ đi chùa, tụng kinh, sám hối. Đạo Phật đã giúp cho chúng tôi có một cuộc sống bình yên hơn, nhẹ nhàng hơn cũng như lấy đi biết bao phong ba, bão táp, xào xáo trong gia đình tôi.
Chúng tôi đã được và mất gì từ khi theo đạo Phật
Trước đây, nhà tôi nuôi heo, gà, vịt, bồ câu rất nhiều. Ở nông thôn vào thời đó, người ta hay cùng nhau giết một con heo rồi chia cho cả xóm. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ tiếng heo kêu khi bị làm thịt tại nhà mình. Rồi cả việc giết gà, vịt, bồ câu đều được làm rất bình thường. Đến khi được biết đến đạo Phật, cả gia đình tôi đều sợ hãi với những gì mình từng làm. Một trong ngũ giới nhà Phật là “không sát sanh”. Bởi vì, mỗi chúng sanh đều ham sống sợ chết như nhau. Hơn thế, dù súc vật như heo, gà chó… thì có thể chúng là cha mẹ anh chị em từ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta. Phạm giới sát thì sau này chính chúng ta phải nhận lấy quả của mình. Các con vật bị giết hại đau thương oán hận mà ngày đêm tìm cách trả thù, oan oan tương báo chất chồng. Lúc ấy, chúng tôi mới hiểu, mới thương hơn những con vật kia. Từ đó, cả gia đình không còn nuôi heo hay gà, vịt để bán và làm thịt nữa. Ba tôi chỉ còn thú vui nuôi cá cảnh trong hòn non bộ, phía trên có tượng Bồ Tát Quan Thế Âm. Mỗi khi cá lớn và sinh sôi nhiều quá, ba lại đem chúng đi phóng sanh. Đến với Phật giáo, chúng tôi mất dần đi tâm hiếu sát, hân hoan trước cái chết của chúng sinh mà thay vào đó là nảy nở tình yêu thương cho dù đó chỉ là những con vật rất đỗi bình thường.
Phật giáo có thể nói là cứu cánh của hàng triệu triệu người nhất là với những người suốt năm tháng tuổi trẻ không hề biết đến đạo Phật, không hề biết những hành động tạo tác của mình là gây nên ác nghiệp. Đến khi biết Phật pháp rồi, mới ăn năn, mới gấp rút tu tập. Ngoại tôi cũng vậy. Bà ân hận vì những gánh cá bán mưu sinh nuôi má và dì tôi. Ngoại nào có biết đó là sát sinh, là tội lỗi. Đến cuối cuộc đời, hiểu được lời dạy của Đức Phật, dù mắt đã mờ, chân đã mỏi, dù vẫn phải cố gắng gượng chút tuổi già phụ giúp con cháu công việc thì mỗi tối ngoại đều dành cho mình thời khóa để niệm Phật, sám hối, đều đặn mãi từ năm này qua năm khác. Đến lúc lâm chung, dẫu bệnh nặng và thần thức không còn minh mẫn nhưng ngoại vẫn có duyên lành được quý thầy cùng đông đảo Phật tử khắp nơi đến trợ niệm, hồi hướng công đức mong ngoại vãng sanh cực lạc. Đó là may mắn mà tôi nghĩ không phải ai cũng có thể có được. Bởi nếu con cháu không hiểu, cứ cho rằng khóc lóc mới thể hiện tình yêu thương, giết nhiều gà vịt đãi người sống mới là tận hiếu thì chỉ càng làm cho người chết tội chồng thêm tội, biết bao giờ mới thoát khỏi biển khổ trầm luân. Phật giáo đã cho chúng tôi biết làm thế nào mới thật sự là báo hiếu và lấy đi sự vô minh ngu dốt khi thể hiện tình yêu thương như thế gian thường tình.
Cám ơn những lời dạy của Đức Phật
Đạo Phật không chỉ có những giáo điều khô khan, triết lý, chỉ dạy con người đến giác ngộ giải thoát mà ngay cả những mối quan hệ cũng được đức Phật dạy bảo. Đó là đạo vợ chồng; trách nhiệm nuôi dạy con theo chánh pháp, chữ hiếu của con đối với cha mẹ, những mối quan hệ giữa bạn bè, trong công việc….
Tất cả đều được Đức Phật chỉ dạy rõ ràng và những bài học ấy như là là chìa khóa giúp ba má tôi dạy con, là chất liệu để anh em chúng tôi gắn kết yêu thương nhau hơn. Thậm chí, trong giao tế với mọi người, mỗi khi làm một việc gì gây tổn hại đến người khác, chúng tôi đều bị một sợi dây vô hình của nhân quả thức tỉnh mà tự ngăn mình lại. Thế đấy, nếu không có Phật giáo, không biết đến Phật pháp, có lẽ bây giờ chúng tôi đã không thể được sống trong một bầu trời đong đầy yêu thương của gia đình, đã không thể biết đâu là việc ác mà tránh xa, mà sửa mình.
Chắc hẳn, gia đình tôi cũng như hàng triệu gia đình khác, Phật giáo giống như liều thuốc chữa tâm bệnh của con người. Để con người nhận thức đâu là yêu thương đúng cách, đâu là tội lỗi để tránh xa, để giang tay tha thứ cho tất cả, nâng niu tất cả và cùng nhau tu tập, hưởng an vui ngay trong cõi Ta Bà này. Đạo Phật như chất keo nối kết để con người gần nhau hơn, cùng sống trong ánh sáng Phật đà, được tắm mát trong giọt nước từ bi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những oán thù, những mê mờ được xóa tan khi nhờ biết đến Phật giáo. Bới vậy, đến với Phật giáo, chúng tôi được nhiều mà mất đi cũng rất nhiều thứ. Còn bạn và gia đình bạn thì sao? Hãy cùng nhau chia sẽ những cảm xúc và suy nghĩ của mình khi biết đến Đạo Phật, bạn nhé.
> Xem thêm video: Cúng Dường Chuỗi 108 Hạt Trong Bồ Đề Đạo Tràng
Phật Tử LH