1. BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG: NƠI KHAI SINH ĐẠO PHẬT
Bồ-đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Phật tích quan trọng nhất, là nơi đức Phật thành tựu đạo quả vô thượng. Tọa lạc 7 dặm về phía nam Gaya, Bồ-đề Đạo tràng là trung tâm văn minh và văn hóa Phật giáo trong nhiều thế kỷ, cho đến khi bị quân Hồi giáo phá hủy vào thế kỷ XIII.
Nhận diện được 6 năm khổ hạnh ép xác là sự sai lầm nghiêm trọng về phương pháp luận giải thoát, Sa-môn Cồ-đàm đã mạnh dạn rời Khổ hạnh lâm, hướng về Bồ-đề Đạo tràng. Sau 49 ngày đêm miên mật với con đường trung đạo, ngài đã chiến thắng được các ngoại ma và nội ma.
Đêm trước giác ngộ, ma vương đã hiện thành các kỹ nữ duyên dáng, xinh đẹp để cản trở sự tu đạo của ngài nhưng chúng đã thất bại. Chúng liền giả làm Da-du-đà-la để gợi lại các tham ái trước đây nhưng cũng không thành công. Vượt qua các ma chướng, vào canh thứ nhất Bồ-tát chứng được Túc Mạng minh, thấy rõ các kiếp sống quá khứ từ đại cương đến chi tiết. Vào canh hai, Ngài chứng được Thiên Nhãn minh, thấy rõ nhân quả sinh tử của các loại chúng sinh. Vào canh cuối, Ngài thấu hiểu được chân lý duyên sinh, nhận diện rõ phiền não trần ô đã hoàn toàn rơi rụng trong tâm ngài. Khi mặt trời mọc, Ngài trở thành bậc toàn giác đầu tiên trong lịch sử nhân loại, khai sinh ra ánh đạo từ bi và giác ngộ. Nơi này được biết đến là Bồ-đề Đạo tràng.
Sau sáu năm khổ hạnh ép xác, không thể đạt được đạo quả, Tất-đạt-đa từ bỏ phương pháp khổ hạnh, thực tập con đường trung đạo. Ngồi trong thiền quán dưới cội cây bồ đề (Ficus religiosa) gần bờ sông Ni-liên-thiền (Nairanjana), ngài phát đại nguyện sẽ không rời khỏi nơi này, cho đến lúc đạt được giác ngộ. Các nỗ lực chân chính đã được đền đáp sau bảy ngày thiền định miên mật, ngài trở thành bậc giác ngộ. Sau khi chứng đắc, đức Phật đã ngồi bất động, cảm nhận chất liệu giải thoát. Sau đó, ngài du hành đến Sarnath truyền bá con đường giải thoát.
Cây bồ đề nơi đức Phật thành đạo là cây bồ đề tuổi thọ nhất được sùng bái nhiều nhất trên thế giới. Công trình chính tại Bồ-đề Đạo tràng được gọi Tháp Bồ-đề Đạo tràng (Bodhimanda-vihāra) cao 55m (180 feet), trong đó tôn trí tượng Phật thép vàng. Ngôi chùa này được đại đế A-dục xây dựng năm 260 TTL, nhân chuyến hành hương vào thời điểm 250 năm sau khi đức Phật qua đời. Điện thờ nguyên thủy có hàng rào đá bao quanh. Cảnh phù điêu về cuộc đời đức Phật được chạm khắc trên vách chùa. Năm 2002, UNESCO công nhận đây là Di tích văn hóa thế giới.
Dưới cây bồ đề là tòa kim cương, nơi đức Phật tu tập thiền định suốt 49 ngày. Quanh đây có bảy đền thờ và được xem là trung tâm vũ trụ. Các khu vực thu hút du khách khác bao gồm nhiều tự viện lớn. Nhiều nhân vật đến từ các quốc gia Phật giáo chiêm bái Phật tích này để tận mắt nhìn thấy cây bồ đề thiêng và đảnh lễ Phật.
Nhà khảo cổ học Cunningham có công phát hiện ra và khôi phục Thánh địa này vào thế kỷ XIX. Vào năm 1885, ông Edwin Arnold, tác giả của quyển sách nổi tiếng “Ánh Sáng Á Châu” [The Light of Asia], đã thu hút sự chú ý của thế giới phương Tây về Bồ-đề Đạo tràng bị bỏ quên, kể từ khi quân Hồi giáo tấn công thánh địa này vào thế kỷ XIII.
Vua Meghavarna của Tích Lan đã xây dựng một tu viện tại Bồ-đề Đạo tràng và được Ngài Huyền Trang mô tả như sau:
“Bên ngoài cổng, hướng bắc cội bồ đề là tu viện Mahabodhi Sangharama, do vua nước Tích Lan xây dựng. Tu viện này có 6 phòng lớn và những ngọn tháp có thể quan sát cả 3 tầng nhà. Tăng sĩ của tu viện này hơn cả ngàn người, họ nghiên cứu Đại thừa thuộc trường phái Thượng tọa. Họ nghiên cứu cẩn thận Luật tạng và phẩm hạnh rất thanh cao”.
Sau khi Anagaarika Dharmapaala chiêm bái thánh địa này vào tháng 1 năm 1891, ngài đã thành lập “Hội Đại Giác” (Mahaa Bodhi Society) ở Colombo vào tháng 5 sau đó, để vận động thế giới trùng tu Bồ-đề Đạo tràng và đấu tranh đòi lại quyền quản trị thánh địa cho người Phật giáo. Chính quyền Bihar đã ban hành Đạo luật Bồ-đề Đạo tràng năm 1949, theo đó, Uỷ Ban Quản Lý Tháp gồm bốn tín đồ Phật giáo và bốn tín đồ Ấn Độ giáo được thành lập. Sau nhiều năm đấu tranh, hiện nay, Bồ-đề Đạo tràng vẫn được quản lý bởi một ủy ban của hai tôn giáo như nêu trên.
***
Bồ-đề Đạo tràng ngày nay không còn là một ngôi làng hẻo lánh như trước đây. Tại đây, có đầy đủ tiện nghi như: bưu điện, nhà băng, điện thoại, thư viện, khách sạn, phòng trọ, bệnh xá, chợ búa, dịch vụ thông tin, trạm xe buýt, trạm cảnh sát, trạm cung cấp điện nước, dịch vụ du lịch, tiệm sách và rất nhiều quầy hàng lưu niệm. Du khách có thể đi bằng nhiều tuyến giao thông khác nhau để đến các địa điểm quan trọng như Delhi, Varanasi, Calcatta và Sanchi.
2. CỘI BỒ ĐỀ THIÊNG (HOLY BODHI TREE)
Cây bồ đề (Bodhi tree) được gọi là “asvatthi”, hoặc là cây đa (Pipal, pippali). Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ đề là “ficus religiosa” nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên gọi là “cây giác ngộ,” hoặc thường được gọi là “cây bồ đề”.
Cội bồ đề thiêng có hàng rào đá bao bọc tự nhiên là nơi thu hút giới chiêm bái nhiều nhất trong các Phật tích, nằm phía tây của tháp Đại Giác, vốn là nơi đức Phật đã thiền định 49 ngày và thành tựu đạo quả giác ngộ. Cây bồ đề thiêng mà ta chiêm bái ngày nay chỉ là một cây con được nhà khảo cổ Cunningham trồng ngay vị trí nguyên thủy vào năm 1870 khi ông khai quật và phát hiện Bồ-đề Đạo tràng. Cây bồ đề nguyên thủy đã bị vua Sasanka theo Ấn giáo chặt phá vào thế kỷ thứ VI.
Cây bồ đề hiện tại là cây cháu đời thứ 20 của cây bồ đề gốc, có tuổi thọ khoảng 100 tuổi. Nhiều người đã bái lạy, nguyện cầu, cúng dâng nhiều phẩm vật xung quanh bức rào chắn, nơi được xem là biểu tượng của sự giác ngộ cao quý.
3. TÒA KIM CANG (VAJRASANA)
Tòa Kim Cang nằm giữa tháp Đại Giác và cội bồ đề, được phát hiện vào năm 1881, đánh dấu nơi Đức Phật đã ngồi thiền định 49 ngày miên mật trong chánh niệm bất động và trở thành bậc đại giác ngộ, bậc minh triết vĩ đại nhất hành tinh.
Đại đế A-dục có công lớn trong việc xây dựng Tòa Kim Cương bằng loại đá quý màu xám, có chiều dài 2,38m (7 feet 10 inches), chiều rộng 1.4m (4 feet 7,5 inches), chiều dày khoảng 0,15m (6 inches). Mặt trên và xung quanh của Tòa Kim Cương có khắc các hoa văn, công phu và hoàn hảo. Các di chỉ khảo cổ cho thấy dưới nền của Tòa Kim Cương là cục đất nung có nhiều đồ đất, đá và vàng, góp phần xác định niên đại của Đại tháp.
Theo các nhà tâm linh, Tòa Kim Cương là vật thiêng liêng ở Bồ-đề Đạo tràng, vì nó được xem là trung tâm năng lượng tuệ giác của vũ trụ. Chính tại nơi này, đất Phật đã giác ngộ. Rào chắn xung quanh cội bồ đề thiêng và bảo tòa kim cương ngăn chặn không cho khách hành hương sờ chạm vào cho thấy đây là bảo vật cần được giữ gìn và tôn thờ.
4. ĐƯỜNG THIỀN HÀNH CỦA PHẬT, CANKAMANA
Bên cạnh về hướng Bắc của cội bồ đề thiêng là nơi ghi dấu địa điểm đức Phật đi thiền hành sau khi thành đạo. Những bức chân tĩnh, từng bước nở hoa sen của ngài đã được ghi dấu bằng các bệ sen đá thật tinh xảo. Tương truyền, ngài đã bước mười tám bước từ đông sang tây. Ngày nay, 18 bệ sen đá được sắp thành hai hàng, một hàng đặt trên bục cao và một hàng đặt song song bên dưới. Khách hành hương thường thiền hành dọc theo các bệ sen này để trải nghiệm thiền quán.
5. RÀO CHẮN
Các rào chắn bằng đá hồng xám được dựng xung quanh điện thờ của đại đế A-dục, tòa Kim Cang và cây bồ đề thiêng. Theo mô-típ hình tượng và nghệ thuật, ta có thể đoán rằng rào chắn này đánh dấu thời kỳ đầu của nghệ thuật Phật giáo tại Ấn Độ. Hai hình ảnh quan trọng nhất được khắc trong rào chắn là hình vua Đế-thích dưới hình thức Brahmin Santi và hình thần mặt trời cưỡi ngựa.
6. THÁP ĐẠI GIÁC NGỘ
Công trình được ghi nhận là cổ xưa nhất và quan trọng nhất về phương diện kiến trúc tại Bồ-đề Đạo tràng là ngôi Tháp Đại Giác Ngộ, cao 55m, được xây dựng bên cạnh bảo tòa Kim Cương vào năm 260 TTL.
Theo nhà khảo cổ học Cunningham, ngôi bảo tháp Đại Giác Ngộ nguyên thủy do chính đại đế A-dục sắc dựng vào thế kỷ III TTL để kỷ niệm nơi đức Phật thành đạo. Trong khi theo nhà nghiên cứu Barua, ngôi tháp mà ta hiện được dựng sau khi ngài Pháp Hiển chiêm bái Bồ-đề Đạo Tràng, có thể được xây dựng cách đây vào thế kỷ thứ VI hoặc thứ VII TL. Vì trong bút ký hành hương của ngài Pháp Hiền không thấy đề cập đến sự hiện hữu của tháp này. Điều này có thể hiểu hoặc là ngôi tháp nguyên thủy không có gì đặc biệt để thu hút những người hành hương, hoặc là nó chưa có mặt lúc đó. Đến năm 637, khi ngài Huyền Trang chiêm bái Bồ-đề Đạo Tràng, thì tháp này mới được giới thiệu đến.
Từ thế kỷ XIII-XVIII, tháp Đại Giác Ngộ bị quên lãng cùng với số phận bi đát của Phật giáo Ấn Độ, khi Hồi giáo ngự trị tại Ấn Độ. Lần trùng tu gần nhất do công của vua Miến Điện, đại vương Kyanzitha, cử phái đoàn kiến trúc sư của ông sang Ấn Độ vào cuối thể kỷ XIX. Với sự đóng góp to lớn của các những nhà chuyên môn Anh quốc, các Phật tử Miến Điện, Tích Lan và Tây Tạng, ngôi tháp đã được trùng tu như nguyên thủy.
Tháp 9 tầng, hình chop như kim tự tháp có chiều cao khoảng 51m (170 feet), mỗi cạnh dài 15m. Ở bốn góc tháp chính còn có 4 tháp nhỏ, vốn thu nhỏ tỉ lệ của tháp chính. Trong nhiều thế kỷ, tháp này đã trở thành mô hình kiến trúc lý tưởng về tháp Phật giáo tại các nước Phật giáo Nam tông ngoài Ấn Độ.
Mỗi mặt tháp có khắc hình Phật và Bồ-tát của Đại thừa, trong đó, mô-típ tượng thiền định, xúc địa và chuyển pháp luân tượng trưng cho cuộc đời tu đạo, nhập thế và hoằng hóa của đức Phật, là nổi bậc nhất.
Bên trong tháp là tượng Phật Thích-ca bằng ngọc, mạ vàng, trong tư thế xúc địa, hướng mặt về phía đông, ghi dấu nơi đức Phật đã thành đạo. Tượng được tạc vào năm 380 sau Tây lịch có kiến trúc đặc biệt, mà gần đây tượng Phật ngọc triển lãm tại Việt Nam năm 2008 là một mô phỏng thành công. Nhiều đoàn hành hương khi bái viếng, đã thỉnh những chiếc y vàng với chất liệu quý giá dâng cúng lên tượng Phật. Cứ khoảng 15-30 phút, vị sư trông coi đại tháp thỉnh y xuống, đồng thời, dâng y mới của các đoàn khác đến bái viếng.
Nhiều đoàn hành hương đã dừng chân tụng các bài kinh theo tiếng mẹ đẻ để tưởng niệm nơi thiêng liêng nhất này. Sau đó, đi thiền hành quanh tháp thiêng từ 3 đến 7 vòng theo chiều kinh đồng hồ. Sau đó, họ ngồi xung quanh cội bồ đề để thiền quán hoặc tụng niệm, hoặc nghe pháp.
Tháp đại Giác Ngộ là di sản văn hóa và tâm linh quan trọng nhất của Phật giáo. Hằng năm, hàng ngàn phái đoàn Phật giáo quốc tế và triệu triệu du khách khắp nơi đã đến Bồ-đề Đạo tràng trải nghiệm đời sống tâm linh. Đây là nơi các phái đoàn dừng chân lâu nhất trong chuyến chiêm bái. Tại đây, quanh năm suốt tháng, các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng ngày đêm lễ bái và trì kinh. Các phái đoàn luân phiên đốt nến cầu nguyện hòa bình thế giới.
7. CÁC TRỤ ĐÁ VUA A-DỤC
Về xuất xứ, trụ đá Asoka bị gẫy đầu được trang trí tại tháp Sujata. Vào thập niên 1800, trụ đá được chuyển đến ngã tư Gol Pather ở Gaya. Vào năm 1956 được dựng trước hồ rắn Muchalinda.
Quanh trụ có khắc các chữ Brahmi đánh dấu nơi đức Phật thành đạo. Ngoài ra, còn có ba trụ đá nhỏ do vua A Dục dựng ngay cổng ra vào của đại tháp.
8. BẢY TUẦN LỄ ĐẦU CỦA ĐỨC PHẬT
Theo kinh điển Đại thừa, ngay sau khi thành đạo dưới cội bồ đề thiêng, đức Phật bắt đầu con đường hoằng hóa với bài Kinh Hoa Nghiêm cho các vị Bồ-tát ở các hành tinh khác. Theo văn học Pali, sau khi thành đạo, đức Phật đã trải qua 7 tuần lễ trải nghiệm an lạc sâu lắng của niết-bàn tại khu vực xung quanh cội bồ đề.
1. Tuần lễ thứ nhất: Sau khi tắm ở hồ Sakra, Đức Phật ngồi bất động dưới cội bồ đề thiêng để trải nghiệm sự an lạc tuyệt đối của Niết-bàn, trạng thái không còn khổ đau mà trước ngài, chưa từng được ai khám phá và giảng dạy.
2. Tuần lễ thứ hai: Rời cội bồ đề khoảng vài chục mét, đức Phật đứng tại tháp Animeslochana lặng nhìn chăm chú về cây bồ đề với lòng biết ơn vô hạn vì sự che chở của cây cho ngài trong suốt 49 ngày thiền quán.
3. Tuần lễ thứ ba: Đức Phật đi kinh hành tới lui về phía bắc của đại tháp Giác Ngộ. Đoạn đường ngắn được xem là thiêng liêng này được đánh dấu bằng 18 đóa sen nâng gót ngài, tượng trưng cho sự an lạc trong từng bước hoa sen độ đời. Ngày nay, trụ Chankramenar được dựng trước bệ chữ nhật bằng xi-măng dài 53 feet (khoảng 18,2 mét), rộng 3 feet, 6 inches và cao 0,9 mét, với bệ 18 hoa sen đá được trang trí rất đẹp mắt.
4. Tuần lễ thứ tư: Đức Phật ngồi thiền tại ngôi đền Ratnagraha (không có mái che) quán chiếu về lý duyên khởi thuận và nghịch, theo công thức: “Cái này có tạo tiền đề cho cái kia có; cái này không dẫn đến sự không hiện hữu của cái khác”. Lúc ấy, toàn thân ngài tỏa ra các vầng hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, cam.
5. Tuần lễ thứ năm: Đức Phật ngồi dưới cây Ni-câu-đà (Ajapala Nigrodha) thuyết giảng cho hai thương gia Bà-la-môn về hạnh nghiệp và đạo đức tạo thành một Bà-la-môn, chứ không phải huyết thống và định mệnh.
6. Tuần lễ thứ sáu: Từ cây Ajapala, đức Phật đến ngồi thiền ngoài trời bất chấp mưa gió. Lúc đó, rồng mù Muchalinda đã quấn lấy toàn thân đức Phật để che chở cho ngài. Nơi này được gọi là Rồng mù Muchailinda. Ngôi làng Mocharin về hướng nam của tháp Đại Giác khoảng 1,6km (1 dặm) sở dĩ có tên gọi đó là do bắt nguồn từ tên gọi của rồng mù Muchilinda.
7. Tuần lễ thứ bảy: Đức Phật ngồi trong chính niệm dưới cây Rajyatana và giáo hóa hai vị thương gia Bà-la-môn là Tapussa (Đế-lê-phú-bà) và Balluka (Bạt-lê-ca), đến từ Utkala, nay là bang Orissa. Tại đây, đức Phật thành lập Nhị Bảo, đức Phật và Giáo pháp.
Tại đây, sau khi quán sát nhân duyên, đức Phật quyết định rời Bồ-đề Đạo tràng, đến vườn Nai ở Sarnath (Isipatana), cách đó khoảng 250km để hóa độ năm người bạn đồng tu.
9. QUẦN THỂ THÁP VÀ TU VIỆN
Trong các Phật tích tại Ấn Độ, có thể nói, nơi còn nhiều ngôi tháp lớn nhỏ như một quần thể trải là nhóm tháp trong khuôn viên tháp đại Giác Ngộ. Các tháp này có kiến trúc đa dạng, được kiến dựng và trùng tu trải qua nhiều thời đại. Các tháp được bố trí trong khu đất hình chữ nhất, bao bọc tháp Đại Giác Ngộ, tạo sức thu hút đặc biệt đối với các du khách.
Tương truyền rằng sự có mặt của quần thể tháp này là do các vị vua, hoàng tử và giới quý tộc ở khắp nơi (Jambudviipa) và các vị lãnh đạo Phật giáo đã xây dựng các tháp này trước khi phát nguyện cho các Phật sự và quốc sự quan trọng, mong sự thành tựu mỹ mãn và hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh. Trên một số tháp có tạc những hóa thân đa dạng của bồ-tát Quán Thế Âm (Avolokitesvara).
Theo ký sự của ngài Pháp Hiển, xung quanh tháp Bồ-đề Đạo tràng có 3 tu viện lớn, nơi các vị Tăng sĩ đã từng sinh hoạt tâm linh và hoằng hóa trải qua nhiều thế kỷ. Các tu viện này ngày nay chỉ là các nền đá vụn, đổ nát, do quân Hồi giáo tàn phá. Một trong ba tu viện xưa có tên là tu viện Đại Bồ-đề do vua Simhala Tích Lan xây dựng. Bọc theo tu viện là các phòng lớn 3 lầu và các tháp nhỏ, vốn một thời được điêu khắc công phu và trang hoàng lộng lẫy.
10. VIỆN BẢO TÀNG VÀ CHÙA QUỐC TẾ
Ngày nay, Bồ-đề Đạo tràng ngoài ngôi tháp Đại Giác, nơi thu hút hàng triệu khách hành hương, còn được biết đến là nơi có nhiều chùa chiền tự viện của các nước Phật giáo trên thế giới. Viện Bảo tàng khảo cổ Bồ-đề Đạo tràng nằm phía tây tháp khoảng hơn 1km, là nơi trưng bày các tượng Phật, Bồ-tát và pháp khí vốn được khai quật tại khu vực Bồ-đề Đạo tràng. Số lượng du khách tham quan Viện bảo tàng không nhiều lắm.
Tại đây còn có nhiều chùa viện, thể hiện văn hóa và phong cách nghệ thuật của các nước Phật giáo thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Taiwan, Trung Hoa, Việt Nam, Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Sikim.
Chùa Phật giáo Thái Lan
Chùa Thái được chính phủ hoàng gia Thái Lan xây dựng vào năm 1957 là ngôi chùa lớn nhất tại Bồ-đề Đạo tràng. Chùa được trùng tu vào năm 1970-1972. Trong chánh điện, có tượng Phật bằng vàng đẹp và quý giá.
Chùa Phật giáo Nhật Bản
Có hai ngôi chùa Phật giáo Nhật Bản tại Bồ-đề Đạo tràng, thu hút lượng du khách khá đáng kể. Một ngôi được Hiệp hội Liên hữu quốc tế Nhật Bản khánh thành năm 1973 và ngôi còn lại nằm sát bên ngôi thứ nhất, được Hội Daijokoyo khánh thành năm 1983. Tượng đại Phật của Phật giáo Nhật Bản làm bằng đá hoa cương màu nâu, hai bên trái phải có tượng của 10 đại đệ tử đức Phật, tạo ra phong cách nghệ thuật và tín ngưỡng rất đặc biệt.
Các chùa Việt Nam
Hiện tại có 3 ngôi chùa của Việt Nam được xây dựng tại khu vực Bồ-đề Đạo tràng. Ngôi chùa đầu tiên là Việt Nam Phật Quốc tự do Hòa thượng Thích Huyền Diệu xây dựng, tọa lạc trên một khu đất rộng 15 công, giữa những ruộng đất bao la, cách Bồ-đề Đạo tràng và khu thị tứ 2 km về phía Tây Nam. Chùa có kiến trúc Việt Nam, tháp Vạn Phật, Quan Âm các, pháp xá và vườn cây ăn trái, đậm đà hương vị Việt Nam tại đất Phật.
Ngoài ra còn có Trung tâm Tu học Viên Giác do thầy Hạnh Nguyện và thầy Hạnh Tấn xây dựng và khánh thành năm 2002; và chùa Linh Sơn do Sư cô Trí Thuận xây dựng gần đây.
11. SÔNG NI-LIÊN-THIỀN
Sông Ni-liên-thiền (Neranjara) còn gọi là Lilajan, cách thành phố Gaya khoảng 10km về phía Nam, cách tháp Đại Giác khoảng 180m, là nơi đức Phật đã tắm và phát nguyện trước khi ngồi thiền định dưới cội bồ đề.
Sông rộng 1km, chỉ có nước chảy vào 3 tháng mùa mưa Ấn Độ, khoảng tháng 9-11 dương lịch. Do không có nhu cầu nạo vét lòng sông, sông Ni-liên-thiền như một bãi cát trắng trong các tháng còn lại. Du khách khó hình dung đây là một con sông đúng nghĩa.
Tương truyền, lúc Bồ-tát Tất-đạt-đa phát nguyện tu trì, nước sông chảy xiết. Ngài đặt cái bát xuống nước theo chiều ngược dòng và phát nguyện rằng nếu con đường trung đạo mới khám phá có khả năng dẫn đến sự giác ngộ toàn mãn thì chiếc bát sẽ chảy ngược dòng nước.
Quả thực như ước nguyện, chiếc bát ngược dòng tượng trưng cho chánh đạo mới khám phá đi ngược lại với các giả định chân lý trước đây của Bà-la-môn giáo và các truyền thống Sa-môn.
Cầm bó cỏ trên tay, Bồ-tát lội sang sông Ni-liên-thiền, trải cỏ Kusa dưới cội bồ đề và đã trở thành bậc chánh đẳng chánh giác sau 49 ngày thiền quán.
LÀNG SUJATA
Từ bỏ khổ hạnh lâm, sa-môn Cồ-đàm tiến về Gaya, cách đó khoảng 25km, khoảng 45 phút lái xe. Vì kiệt sức, sa-môn Cồ-đàm đã ngất xỉu ở làng Sujata. Thôn nữ Sujata tình cờ ngang qua, liền cho ngài uống bát cháo sữa (milk rice). Không lâu sau đó, ngài tỉnh lại. Điều này đã khiến cho năm người bạn khổ hạnh từ bỏ ngài vì nghĩ rằng ngài đã bỏ đường tu. Bồ-tát Tất-đạt-đa phải một mình tiếp tục tìm cầu chân lý.
Ngôi làng Sujata mang tên nàng Sujata, có nghĩa đen trong tiếng Sanskrit là “cô gái nhà lành” hay “người mang may mắn,” cách sông Ni-liên-thiền (Niranjana) khoảng 2km về hướng Nam.
Tại đền Sujata dâng sữa, có tượng đức Phật ngồi và cô Sujata dâng sữa theo phong cách dân gian, rất đơn giản. Khách hành hương phải đi bộ trên đường ruộng khoảng 2 km từ chỗ đậu xe mới đến được nơi này.
Mặt sau của đền Sujata này, cư dân địa phương đã dựng thêm một đền thờ Sujata nhỏ hơn để thu hút khách hành hương cúng dường. Bên trái đền (từ ngoài vào) là trung tâm nuôi trẻ mồ côi, thu hút sự cúng dường của bá tánh. Phía trước đường vào đền Sujata là ngôi chùa Ấn Độ giáo to lớn hơn nhiều lần, lấn át khu di tích quan trọng.
THÁP SUJATA
Cách đó vài cây số, đi từ hướng sông Ni-liên-thiền là phế tích tháp Sujata, tương truyền, được xây dựng trên nền nhà của Sujata (Sujata Kuti).
Tháp được xây vào khoảng thế kỷ II TTL. Từ thế kỷ III TTL đến cuối thế kỷ XVIII, có trụ đá Asoka trang trí. Vào năm 1880, trụ đá Asoka được chuyển đến ngả tư Gol Pather và năm 1956 được chuyển đến Bồ-đề Đạo tràng.
Tháp được khai quật vào những năm 1973-1974 và 2001-2006. Khi khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy bảng đá thế kỷ VIII-IX ghi hàng chữ “Devapala Rajasya Sujata Griha” có nghĩa đen là “Nhà Sujata do Vua Devapala [xây]” đánh dấu nơi ở của Sujata được đức vua Devapala sắc dựng tháp này vào thế kỷ IX .
Đây là tháp hình tròn, to lớn, đỉnh tháp và xung quanh tháp không còn nguyên vẹn, được dựng lên để tưởng niệm công lao Sujata cứu mạng đức Phật. Nếu không có nàng, có lẽ ta chỉ biết đến một sa-môn Cồ-đàm chết do ép xác và tu sai phương pháp. Sujata vì thế được tôn trọng như người đã giúp cho bồ-tát Tất-đạt-đa trở thành bậc giác ngộ.
Ngày nay, nơi đức Phật nhận bát cháo sữa của Sujata vẫn còn gốc cây và tảng đá khoảng 1,82m (6 feet) và cao khoảng 0,6m (2 feet). Tại đây, Phật đã nhận từ một già làng bó cỏ Kusa, một loại cỏ đặc biệt, mềm mại, không ngứa, có thể giúp hành giả ngồi thiền định trong an tường. Khi đến cội bồ đề, bồ-tát Cồ-đàm trải cỏ Kusa ngồi xoay mặt vê hướng đông suốt 49 ngày cho đến lúc giác ngộ.
KHỔ HẠNH LÂM (DUNGESWARI)
Không thỏa mãn với những hạnh phúc thế gian, mà đỉnh cao nhất là hạnh phúc của một vị vua tương lai của dân tộc Sakya, thái tử Sĩ-đạt-ta rời bỏ vương thành Ca-tỳ-la-vệ, đến Vaishali học thiền với đạo sư Ārāḷa Kālāma và đạo sư Uddaka Rāmaputta. Sau khi chứng đạt thiền định như hai vị thầy, sa-môn Cồ-đàm sớm nhận ra rằng đây là không phải là chân lý tối thượng mà ngài đang tìm kiếm nhằm kết thúc khổ đau cho nhân loại.
Rời Vaishali, sa-môn Cồ-đàm đến tu tại núi khổ hạnh (Dungeswari) thuộc khu Pragbodhi. Tại đây, ngài và năm đạo sĩ (Ājnāta Kaundinya, Ashvajit, Mahānāma, Bhadrika và Vāshpa) cùng tu ép xác khắc nghiệt với niềm hy vọng sẽ đạt được giác ngộ.
Sau gần 6 năm sai lầm về phương pháp hành trì, Sa-môn Cồ-đàm nhận ra rằng khổ hạnh không phải giải pháp của các bế tắc kiếp người. Sự hành xác chỉ tạm thời làm cho hành giả có cảm giác không còn ham muốn dục lạc thế trần, nhưng từ trong sâu thẳm của vô thức, khát ái vẫn còn rình rập, níu kéo. Chỉ có con đường trung đạo, từ bỏ hưởng thụ và khổ hạnh, mới có thể giúp hành giả tìm ra giải pháp tâm linh cao thượng cho mình và người.
Trong hang khổ hạnh có tượng Phật khổ hạnh, da bọc xương, rất ấn tượng. Tượng ngồi tư thế thiền định, cao khoảng 1,2m. Hang động tối om, cao khoảng 2m, rộng 3m, dài khoảng 4m. Khách hành hương chỉ thắp các ngọn nến lung linh, không đốt nhang bên trong, để tưởng niệm nơi đức Phật đã trải qua sáu năm dài ép xác. Khách hành hương chỉ có thể vào trong lễ bái mỗi đợt khoảng 4 người.
Bên phải hang khổ hạnh có chùa nhỏ của Phật giáo Tây Tạng được xây dựng gần đây.
bodedaotrang.vn tổng hợp