1. VÀI NÉT VỀ KUSHINAGAR
Câu-thi-la (Kushinagar, Kusinagar, Kusinara, Kasia và Kasia Bazar) là Phật tích gắn liền sự nhập vô dư niết-bàn của đức Phật, thời Phật là một thị trấn nhỏ, lạc hậu; nay gần Gorakhpur thuộc đông bắc bang Uttar Pradesh.
Kushinagar hiện tại cũng chính là Kusavati thời tiền Phật giáo và Kushinara thời hậu Phật giáo. Kushinara là thủ phủ của Malla, 1/16 tiểu quốc (mahajanpads) thời đức Phật.
Theo lịch sử, đại đế Asoka chiêm bái Kushinagar vào năm 260 TTL, đồng thời, xây dựng nhiều tháp (caityas, stupas). Di tích Kushinagar được mở rộng trong đế chế Kushan (khoảng năm 50-241), trong khi Kushinagar chứng kiến thời kỳ vàng son trong đế chế Gupta (khoảng năm 320-647).
Công trình khai quật Kushinagar do nhà khảo cổ Alexander Cunningham tiến hành vào thế kỷ XIX. C.L. Carlleyle tiếp tục khai quật vào năm 1876. Vào các năm 1904-5, 1905-6 và 1906-7, J. Ph. Vogel có công phát hiện nhiều di vật Phật giáo quan trọng khác.
2. ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT-BÀN
Vào mùa an cư cuối cùng tại Vaishali, đức Phật tuyên bố rằng ngài sẽ nhập niết-bàn vô dư tại Kushinagar khi ngài tròn 80 tuổi, hoàn tất sứ mệnh truyền bá chân lý và đạo đức, khải mê, khai ngộ, giúp nhiều người giác ngộ, giải thoát.
Giữa rừng cây Ta-la, bên bờ sông Hiranyavati thuộc Kushinagar, đức Phật nằm nghiêng bên phải, chân trái áp lên chân phải, trong tư thế chánh niệm, làm chủ toàn thân, rồi nhắc nhở: “Này các đệ tử, tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ đừng buông lung”. Nói xong, đức Phật nhập vào thiền định và vô dư niết-bàn.
Lễ hỏa thiêu đức Phật được cử hành trọng thể tại Mukut Bandhan (Rambhar), tại đây, ngôi tháp lớn được xây dựng, về sau được đại đế A-dục trùng tu.
Sau lễ hỏa thiêu, dưới sự điều phối của Bà-la-môn Dona, toàn bộ xá-lợi của đức Phật được phân thành 8 phần, chia đều cho 8 vua trị vì 8 vương quốc miền Bắc Ấn Độ để xây tháp đá tôn thờ. Tám vương quốc được vinh dự nhận xá-lợi của Phật gồm:
1) Vua A-xà-thế (Ajatasattu) nước Ma-kiệt-đà (Magadha),
2) Bộ tộc Licchavi của vương quốc Tỳ-xá-ly (Vaishali),
3) Bộ tộc Thích-ca (Sakya) của Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu),
4) Bộ tộc Bulias của vương quốc Allakappa,
5) Bộ tộc Koliyans của vương quốc Ramagama,
6) Bà-la-môn ở Vethadipa,
7) Bộ tộc Malla ở Pava,
8) Bộ tộc người Malla ở Kushinagar.
Đến thế kỷ III TTL, các xá-lợi Phật được đại đế Asoka phân chia và tôn thờ trong 84.000 tháp do ông sắc dựng. Ngày nay các xá-lợi xương của Phật được tôn trí trong nhiều tháp khắp nơi trên thế giới.
3. CHÙA NIẾT-BÀN (PARINIRVANA TEMPLE)
Nổi bật nhất tại Kushinagar là tháp Đại Bát-niết-bàn (Parinirvana Stupa), thường được người Việt Nam gọi là chùa Đại bát Niết-bàn (Mahaparinirvana Temple) hay chùa Niết-bàn (Nirvana Temple), nơi tưởng niệm đức Phật trút hơi thở cuối đời vào năm ngài tròn 80 tuổi.
Đại đế Asoka xây dựng chùa Niết-bàn vào thế kỷ thứ III nhằm kỷ niệm nơi dừng chân cuối cùng của đức Phật. Các vua Ấn giáo trong triều đại Gupta (thế kỷ IV-VII) có công mở rộng chùa Niết-bàn và tổng thể khu di tích. Chùa bị bỏ hoang phế vào khoảng năm 1.200 khi quân đội Hồi giáo xâm chiếm, tàn phá và sát hại người Phật giáo.
Chùa Niết-bàn có kiến trúc đặc thù, chỉ có một tòa nhỏ, được xây lớn vào khoảng thế kỷ V và được cộng đồng Phật giáo Miến Điện bảo trợ trùng tu vào năm 1927 với kiến trúc đặc biệt. Chùa Niết-bàn với diện mạo hiện nay do Chính phủ Ấn Độ trùng tu vào năm 1956 nhằm kỷ niệm 2.500 năm nhập niết-bàn của đức Phật theo Phật lịch.
Nhà khảo cổ Anh Alexander Cunningham có công phát hiện địa điểm này, khi chứng minh rằng đây là nơi đức Phật Gautama đã qua đời. Tiếp nối công trình khảo cổ của nhà khảo cổ Anh Alexander Cunningham tiến hành vào thế kỷ XIX, vào năm 1876, ông C.L. Carlleyle có công phát hiện tượng Phật nhập niết-bàn bằng đá sa thạch đỏ, dài 6,1m, có tuổi thọ khoảng 1.500 năm. Tượng nằm nghiêng bên tay phải, mắt khép lại, biểu tượng cát tường theo Phật giáo.
Khi tượng Phật Niết-bàn được tôn trí chính giữa chùa Niết-bàn, Tăng, Ni và Phật tử cũng như du khách khắp nơi trở về chiêm bái nhiều hơn, trở nên thiêng liêng hơn.
Đường vào chùa có Đại hồng chung do cộng đồng Phật giáo Tây Tạng hiến cúng. Phía trước chùa Niết-bàn có tăng xá và các cây sa-la với hình thù dàn-ná tự nhiên. Xung quanh chùa Niết-bàn có nhiều tháp nhỏ có cấu trúc vuông, tròn.
Kể từ khi Hòa thượng Chandra Swami người Miến-điện đến Kushinagar xây Chùa Miến Điện vào năm 1903, Chùa Niết-bàn trở thành điện thờ Phật rất sống động.
4. THÁP NIẾT-BÀN (NIRVANA CHAITYA)
Tháp Niết-bàn (Nirvana Chaitya/ Stupa) còn gọi là “tháp chính” (Main Stupa) tọa lạc phía sau của chùa Niết-bàn, được nhà khảo cổ Carlleyle khai quật vào năm 1876.
Trong lúc khai quật, một bảng đồng được tìm thấy có ghi tên Kinh Nidana (Nidana-Sutra) trong đó ghi nhận Haribala là người tôn trí tượng Phật nhập Niết-bàn trong Chùa Niết-bàn. Một bình bằng đồng chứa các đồng tiền bằng bạc thuộc triều đại vua Kumar Gupta, thế kỷ V, cũng được tìm thấy.
5. THÁP HỎA THIÊU (RAMABHAR STUPA)
Tháp hỏa thiêu (Ramabhar Stupa) còn gọi là Mukutbandhan Chaitya, đánh dấu nơi làm lễ hỏa thiêu đức Phật. Cách chùa Niết-bàn khoảng 1,5km về phía đông, tháp hỏa thiêu nằm trên đường Kushinagar-Deoria.
Tháp được xây dựng bằng gạch đỏ, cao 15,24m với đường kính gần 30m, có ý nghĩa tâm linh đối với cộng đồng Phật tử toàn cầu. Tháp hỏa thiêu có hình bầu dục, do bị vô thường tàn phá nên kiến trúc xung quanh và đỉnh tháp không còn nguyên vẹn.
Khi viếng tháp hỏa thiêu, các phái đoàn thường đi kinh hành, niệm Phật hoặc mặc niệm xung quanh tháp từ 3-7 vòng. Có nhiều người ngồi thiền xung quanh tháp. Có người lễ bái chí thành. Có người thắp nến và làm lễ cầu siêu cho người thân và thập loại cô hồn.
6. ĐỀN MATHA KUAR (MATHA KUAR SHRINE)
Đền Matha Kuar hay Mathakuar, diện tích khoảng 16m2, cách chùa Niết-bàn khoảng 600m, nằm dọc theo bờ sông Gandak. Đây là nơi đức Phật dạy bài kinh cuối cùng là Kinh Di giáo, nhắc nhở người xuất gia tinh tấn tu hành và làm Phật sự.
Trong đền có thờ tượng Phật bằng sa thạch, khoảng thế kỷ X-XI, trong ấn tướng xúc địa (Bhumi Sparsh Mudra) dưới cội bồ đề.
Các phái đoàn hành hương thường dừng chân tại đây tụng kinh ngắn, hoặc niệm danh hiệu Phật Thích-ca, chụp hình lưu niệm, trước khi đến tháp hỏa thiêu chiêm bái.
Xung quanh quần thể chùa Niết-bàn có một số công trình Phật giáo quan trọng như chùa Miến Điện, chùa Indo-Japan-Sri Lanka, chùa Thái Lan, chùa Việt Nam, một số chùa khác, Viện bảo tàng Kushinagar và công viên đẹp mắt.