Đức phật A Di Đà

date
17/10/2020
Đức phật A Di Đà

Ý nghĩa

Vía Phật - Bồ Tát trong năm

---o0o---

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ

Thích Hữu Thiện

I. DẪN NHẬP

Nói đến Phật A Di Đà, là người ta nghĩ ngay đến một vị Phật của đại chúng, công đức hoá độ khắp các quốc gia trên khắp thế giới. Mọi thành phần xã hội từ thấp đến cao, không phân biệt giới tính, màu da sắc tộc, ai cũng có thể niệm đến danh hiệu ngài từ một đến mười niệm; hoặc niệm liên tiếp từ một đến bảy ngày, tâm được chuyên nhất thanh tịnh, chỉ trong giây phút niệm cũng cảm ứng được sự mầu nhiệm từ tự tâm phát khởi thánh thiện. Mọi nguyện vọng chính đáng đều được đáp ứng.

Do đó danh hiệu ngài như một bài Kinh được truyền tụng phổ thông. Kể cả thuyền tông giáo ngoại chủ trương tự lực, mỗi thời đại vẫn có một số thiền sinh niệm danh hiệu ngài để được minh tâm Kiến tánh.

Lưu ý, cầu nguyện không niệm Phật nhất tâm không hiệu quả. Vì đạo phật là đạo giác ngộ chứ không phải một tôn giáo quyền năng. Đức phật được xem như một vị đạo sư gương mẫu đáng tôn kính cho đệ tử noi theo hơn là ban phát ơn phước cho những kẻ cầu xin thiếu phần tự lực.

II. NỘI DUNG

1. Tiểu sử: Theo kinh Bi Hoa, thuở xa xưa vào một đại kiếp gọi là Thiện Trì, cõi nước Tản đề Lam, có một vị chuyển luân Thánh Vương là vô Tránh Niệm, thống trị bốn châu thiên hạ: Một là Đông Thắng Thần Châu, hai là Nam Thiện Bộ Châu, ba là Tây Ngưu hoá Châu, bốn là Bắc cưu lô Châu. Theo cách nói nay, bốn châu này gồm các nước trên mặt đất, tức là tất cả địa lý nhân sinh trên thế giới (?)

Bắt đầu từ chữ Phạn La tinh hoá Cakra-Var-Tira. Vị chuyển luân Thánh Vương có 32 tướng tốt như Phật, dùng pháp hiền thiện minh triết giáo hoá thống trị quốc dân. Người hành Thập thiện được khen thưởng quí trọng, người hành Thập ác bị trừng phạt bằng tiếng sét như sấm trời xẹt lửa loại người ấy ra khỏi cộng đồng sự sống. Đến khi nhiều người sống thập ác, vị chuyển luân thánh vương ấy và triều thần quyến thuộc không xuất hiện nữa, vì ngài không nỡ diệt hết bọn xấu, để cho quy luật nhân quả đủ cơ duyên vận hành dạy cho chúng kinh nghiệm. “Bài học kinh nghiệm bao giờ cũng đánh trước dạy sau!”

Theo luận Câu Xá quyển 12, thời vua chuyển luân thánh vương xuất hiện tuổi thọ nhân loại cao đến tám vạn tuổi, môi trường sinh thái tinh khiết, đất đai mầu mở, cây cỏ xinh tươi, vật chất sung mãn. Vị vương này chuyển luân ứng phó nên gọi chuyển luân vương. Có bốn loại chuyển luân vương là Kim, ngân, đồng, thiết. Theo thứ tự đó các vị vương ấy lần lượt cai quản bốn Châu thiên hạ.

Khế kinh ghi: Vua sinh vào dòng Sát đế lợi (giai cấp quyền quý của Ấn Độ xưa), đến tuổi trưởng thành nối ngôi soái đỉnh, sau 15 ngày tắm gội sạch sẽ nghiêm tịnh khiêm cung cử hành đại lễ, thụ đủ các loại giới luật của Đại Phạm Thiên Vương, rồi bay lên đài cao, thần liêu phụ tá. Phía đông tức thì Kim luân bảo xuất hiện hai ngàn luân xa, vành trục mọi thứ đều toả ánh hào quang lóng lánh chiếu dọi đến vương sở; vị ấy chắc chắn là Kim chuyển luân Vương.

Theo Chuyển luân Thánh Vương tu hành kinh, Trường A Hàm quyển sáu, chuyển luân Vương có bảy báu: 1. Kim luân bảo; 2. Bạch tượng bảo; 3. Cam mã bảo; 4. Thần châu bảo; 5. Ngọc nữ bảo; 6. Cư sĩ bảo; 7. Chư binh bảo và Ngài có một ngàn người con thông sáng hùng dũng!

Bảo thứ sáu, Kinh Niết Bàn gọi là Chủ tàng thần bảo, Kinh Tạp thí dụ gọi là: Điển Tài Bảo. Bảo vật dùng để trấn quốc, gọi Chung Thất bảo. Vua chúa xưa có nhiều vợ thì có nhiều con. Ngày nay ở thành phố Hồ Chí Minh  cô Tiểu Hương ở dưới đáy xã hội vươn lên cao sống độc thân có hơn một nghìn người con nuôi được cô cho đào tạo trí thức, đạo đức, tài nghề từ tiểu học đến đại học sống tốt với xã hội.

Vua Vô Tránh Niệm cai quản Bốn Châu Thiên hạ là vị Chuyển luân thánh Vương địa vị thống soái đĩnh cao nhất thời bấy giờ. Trong triều đình của vua có quan đại thần Bảo Hải, dòng Phạm Chí rất tinh thông Thiên văn học, mến mộ Phật giáo ( Bảo Hải là tiền thân Phật Thích Ca) ông có người con trai tướng hảo thông tuệ, khi mới đản sinh được các nhà tôn quí kính tặng nhiều châu báu nên đặt tên là Bảo Tạng.

Bảo Tạng nhận thấy thân tâm thế giới vô thường khổ, nên xin với cha mẹ xuất gia tu Phật. Cha mẹ thương mến không nở xa lìa, nhưng thấy con kiên quyết quá đến quên ăn bỏ ngủ, rồi cũng chiều ý con. Thế là vị đại công tử hưởng thụ cao lương mỹ vị xa hoa trở thành Sa Môn Khất sĩ đầu trần chân đất xin giáo pháp Phật nuôi tâm, xin cơm bá tánh nuôi thân, tam y nhất bát, mỗi ngày độ ngọ một lần, đêm ngủ một giấc, dùng trí bát nhã ba la mật giãi trừ ác kiến, tự phá ma tâm, thiền định kiên cố. Tu tập tinh chuyên  không bao lâu sau tu sĩ Bảo Tạng chứng quả vô thượng chánh đẳng giác thành Phật hiệu Bảo Tạng Như Lai.

Đức Phật Bảo Tạng đến nhiều nơi đô hội trong nước hoằng khai đạo tràng giảng dạy Kinh Pháp, người đến nghe quy ngưỡng rất đông. Người nhàm chán sinh tử xin xuất gia, tu hạnh Thinh văn, Phật thuyết Trung đạo Tứ đế; Người thích hạnh độc cư nghiên cứu tu quả  Duyên giác Bích chi Phật siêu thoát sinh tử, ngài thuyết Thập Nhị Nhân duyên; người tích cực nhập thế giúp đời ngài thuyết Bồ tát Lục độ vạn hạnh, người cầu thành Phật, thượng báo Tứ đại trọng ân hạ tế tam đồ khổ, ngài thuyết Nhất thừa Phật đạo; Người muốn vượt Giáo môn minh tâm Kiến tánh thành Phật, ngài chỉ thẳng chân như tự tính. Hạng người nào đến thính pháp qui y cũng đều được tăng tiến phúc huệ.

Danh thơm tiếng tốt của Phật Bảo Tạng đến tai Vua Vô Tránh Niệm, Vua cũng thỉnh Phật và chư tăng vào vương cung cúng dường y phục, phẩm thực, y dược toạ cụ trong ba tháng hạ chu đáo. Lúc bấy giờ quan đại thần Bảo Hải, giống như vua Tịnh Phạn sau khi nghe pháp chứng thánh quả Tu đà hoàn trở thành cư sĩ Bồ Tát, nhân một buổi thiết triều bàn luận quốc sự xong, hành lễ tâu với vua Vô Tránh Niệm: “-Bệ hạ cúng dường cầu quả phúc nhân thiên mỹ mãn cũng chỉ ở trong tướng vô thường biến đổi như gió thoảng mây tan. Do túc nghiệp tu phúc huệ hữu lậu đời trước nay được quả vị tôn quí không ai sánh kịp, thuận tiện giúp đời khôn sáng, cơm no, áo ấm; nhưng chiều sâu tâm lý bệ hạ và thần dân vẫn bất an vì sanh lão bịnh tử khổ. Chi bằng phát tâm bồ đề, hành Bồ tát đạo Kiến tạo nước Phật thì hạnh phúc cho toàn dân biết mấy!

Vua vô Tránh Niệm nghe qua đẹp ý, thu xếp việc triều chánh, xa giá đơn giản, quan đại thần Bảo Hải cởi ngựa tháp tùng đến vườn Diêm phù đàn cận thành vua cúng dường Phật tăng thính pháp. Đến nơi thấy Bảo Tạng Như Lai nhập định phóng quang sáng suốt, soi rõ mười phương thế giới Tịnh Độ của chư phật cho chúng hội Chiêm bái. Vua Vô Tránh Niệm cũng nhập chúng, xét thấy nhân dân của mình sắc thân không ngời sáng như dân Phật, trí tuệ cũng kém hơn, quốc độ đền đài cung điện thô thiển bằng cây đá chạm trổ, trong khi đó cung điện xứ Phật làm bằng bảy báu lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách v.v... Đặt biệt không có cõi Phật nào có dân nghèo khó, bệnh viện, nghĩa trang!

Chiều đến quan đại thần Bảo Hải từ tạ Vua về dinh thự riêng, vua hồi cung suốt đêm không ngủ hồi tưởng tư duy, suy xét rút tinh tuý các nước Phật làm thành đại nguyện xây dựng nước Phật cho mình. Sáng sớm Vua đến lễ bái Phật Bảo Tạng xin chứng minh đại nguyện Bồ đề, dù trăm ngàn kiếp khổ khó thực hiện quyết không thối chí như sau:

- “Bạch đức thế tôn! Nguyện khi tôi thành Phật, đặng một thế giới đủ sự vui đẹp, hình dáng nhân dân trong cõi ấy toàn sắc vàng, không có những đường địa ngục, ngã quỉ, súc sanh xen ở. Hết thảy chúng sanh cõi ấy hiền thiện tu tiến không thối đoạ vào ba đường dữù, người nào cũng có sáu phép thần thông, căn thân tốt đẹp.

- Tôi nguyện tất cả chúng sanh được về cõi ấy đều hảo tướng nam tử, không thọ báo nữ thân. Hết thảy chúng sanh được sanh vào đó, thần thức gá vào hoa sen báu, hoa nở căn thân xinh tốt thọ mạng lâu dài.

- Tôi nguyện cõi ấy, cảnh vật xinh tươi thanh tịnh trang nghiêm thường có hoa tốt, hương thơm thoảng bay lan toả các hướng.

- Tôi nguyện chúng sanh trong cõi ấy, vị nào cũng có ba hai tướng tốt, sáu phép thần thông, trong một giây phút dạo khắp các cõi Phật mười phương cúng dường Phật nghe pháp rồi trở về không trễ bữa ăn trưa.

- Tôi nguyện nhân dân trong cỏi ấy đều được thọ dụng như ý, đúng giờ thọ thực, có đủ các món ngon vật lạ hiện ra trước mặt, y phục tinh tươm hiện đến bên mình, không cần sắm sửa như cõi nhân gian bận bịu.

- Tôi nguyện cầu cõi Phật được như thế, để đời đời kiếp kiếp vị lai thường tu Bồ tát hạnh lợi ích chúng sinh, làm phật sự hy hữu tạo thành cõi Tịnh Độ. Đến khi chứng đạo, thân ngồi nơi cội cây bồ đề, tâm toả sáng thành quả chánh giác, phóng hào quang đến tận cùng mười phương pháp giới, chư Phật xem thấy khen ngợi danh hiệu tôi.

- Tôi nguyện sau khi thành Phật, các loài chúng sanh ở thế giới khác, đã có tu tập thiện căn ( tín, tấn, niệm, định, tuệ) muốn sanh về cõi nước tôi, khi lâm chung, tôi và thánh chúng hiện thân đến trước người ấy tiếp dẫn về Tịnh dộ.

- Tôi nguyện khi tôi nhập Niết Bàn đến vô số kiếp mai sau, nữ nhân trong thế giới mười phương nghe đến danh hiệu tôi, phát bồ đề tâm chăm chỉ tu niệm đến khi thành phật, luôn cảm quả thân đại trượng phu chứ không mang thân người nữ nữa.

Bạch đức thế tôn, tôi nguyện được cõi phật chúng sanh thanh tịnh trang nghiêm viên mãn mới thành Phật.

Đức Bảo Tạng Như Lai và đại chúng lắng nghe vua Vô Tránh Niệm phát đại nguyện xong hoan hỉ thọ ký:

- “Lành thay đại vương, ông hãy nhìn qua phương tây, cách nơi đây muôn ngàn trăm ức cõi Phật có một thế giới là Thiện vô cấu thanh tịnh hoàn hảo, giáo chủ cõi ấy hiệu Tôn ÂmVương Như lai hiện đang thuyết pháp. Vị Phật nối pháp đời thứ hai là Bất Khả Tư Nghị công Đức Như lai, đổi hiệu thế giới ấy thành An Dưỡng quốc và Kiến thiết Cực lạc thế giới; Vị Phật ấy là thân sau của ông đấy! –Thời gian còn dài, nay tôi đặt pháp danh cho ông là vô lượng Thanh Tịnh. Vua vô Tránh Niệm nghe qua rất mừng, tâm lành phát khởi trí tuệ vô nhiễm vi diệu, Phật Bảo Tạng mỉm cười cất tiếng phạm âm: “Thiện lai Tỷ Khưu!” tức thì vua Vô Tránh Niệm râu tóc rụng hết, áo hoàng bào đổi thành manh áo vá nhiều mảnh của một nhà sư đầu trần chân đất tinh tiến tu học.

- Kinh vô Lượng Thọ, quyển thượng ghi rằng: “Lúc bấy giờ có vị đế vương cung kính nghe Phật Thế Tự Tại Vương thuyết pháp, tâm đắc, phát tâm bồ đề vô thượng, xả bỏ quốc thành, thê tử quyến thuộc, xuất gia thực hành hạnh Sa môn hiệu là Pháp Tạng. Ngài có tài đức cao siêu mà rất khiêm tốn đến dưới pháp toà của Phật đãnh lễ, đi nhiễu ba vòng quỳ xuống chấp tay nói kệ khen ngợi:  

Dung nhan Phật cao vời

Oai đức lớn cùng cực

Chiếu sáng thật rực rở

Soi đến chổ tối tăm

Giãi trừ các phiền não

Cho chúng sanh an lành.

(...)

Tỳ kheo Pháp Tạng nói bài tụng xong liền bạch Phật: -Kính lạy đức Thế Tôn, nguyện thế tôn vì con diễn nói pháp vô thượng chánh giác, để con tu hành gìn giữ cõi Phật nhiệm mầu trang nghiêm, sớm thành tựu quả chánh giác giáo hoá chúng sanh thoát khỏi mê lầm đau khổ trong sinh tử.

Phật Thế tự tại vương biết được ý chí cao siêu, tín  nguyện sâu chắc của Tỳ Kheo Pháp Tạng nên thuyết giảng: “Nếu có người tinh tấn chí tâm cầu đạo không dừng sẽ được kết quả. Rồi ngài nói rõ 210 ức quốc độ của chư Phật, từ thô sơ đến vi diệu, việc lành dữ của nhân thiên. Do thần lực của Phật tác động các cỏi Phật mười phương cũng hiển hiện trước pháp nhãn của Tỳ Kheo Pháp Tạng. Ngài biết được phải làm thế nào cho tâm thanh tịnh để nghiêm tịnh quốc độ, rồi thực hành tư duy, Thiền định cho phát sanh trí tuệ; thực hiện nghiêm túc, trải qua năm kiếp tinh chuyên cần mẫn, Phật Thế Tự Tại Vương thấy Tỳ Kheo Pháp Tạng đã viên mãn hạnh trang nghiêm Phật độ nên bảo: “Thật đúng thời, ông nên vì tất cả đại chúng, rút tinh tuý 210 ức cõi Phật lập thành nguyện lớn tuyên thuyết để các vị Bồ Tát ấy tu hành theo cho đúng pháp.

Tỳ kheo Pháp Tạng bạch Phật: “Cúi mong đức Thế Tôn từ mẫn chứng minh 48 điều nguyện lớn của con sau đây:

1. Nguyện khi tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi có địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, thời tôi không ở ngôi chánh giác.

(....)

Tỳ kheo Pháp Tạng thuyết xong 48 điều đại nguyện, cõi đất sáu thứ chấn động. Trời rưới  mưa hoa trỗi nhạc vui mừng khen ngợi. Trong hư không tiếng chư Phật như hải triều âm vang vọng: “ Tỳ kheo Pháp Tạng quyết thành tựu quả vô thượng chánh giác”. Từ đó về sau số kiếp nhiều không thể nghĩ bàn, Tỳ kheo Pháp tạng thực hành đầy đủ đại nguyện lực ấy, Kiến tạo xong Thế giới cực lạc, thành Phật hiệu A Di Đà.

Có đôi điều khác biệt giữa hai Kinh. Kinh Bi Hoa nói Bảo Tạng Như Lai, (là vị Phật nắm giữ tạng pháp quí báu dùng hoá độ nhân thiên.) Kinh vô Lượng Thọ nói đức Thế Tự Tại Vương Như Lai (là vị Phật nắm giữ tạng pháp tự tại giữa thế gian hoá độ nhân thiên.) Phật hiệu hai đức Như Lai khác, ý nghĩa không khác. Phật nào cũng có đủ 10 danh hiệu: Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, Phật thế tôn.

Kinh Bi Hoa nói Vua Vô Tránh Niệm phát nguyện lớn, được đức Phật Bảo Tạng Thọ ký sẽ thành Phật A Di Đà và đặt pháp danh ngay thời điểm ấy là Vô Lượng Thanh Tịnh. Kinh vô lượng Thọ nói, thuở ấy có vị quốc vương xuất gia hiệu là tỳ kheo Pháp Tạng, phát 48 điều đại nguyện được đức Phật Thế tự tại vương thọ ký cho sẽ thành Phật A Di Đà giáo chủ cực lạc thế giới ở phương tây. Tạng pháp của Phật hàm chứa vô lượng thanh tịnh người sử dụng sẽ vô tranh, được vô tránh tam muội (chánh định). Tiền thân đức Phật A Di Đà có quá nhiều kiếp là quốc vương xuất gia làm Bồ Tát Tăng, nghiêm tịnh quốc độ thì mỗi đời quy y với mỗi vị Phật khác, được pháp danh khác, nhưng đặc biệt ý nghĩa nghiêm tịnh vẫn y như mãi mãi thì người mới nhận ra tâm lý của một vị Bồ Tát tu chứng chuyển thân, tuy danh tướng có khác, nhưng nguyện vương không dời đổi.

Đối chiếu đại nguyện của vua vô Tránh Niệm và 48 đại nguyện của Tỳ Kheo Pháp Tạng, lời văn có đồng dị nhưng ý nghĩa vẫn một. Đại nguyện của vua Vô Tránh Niệm như bản văn cô động 48 điều đại nguyện của Tỳ Kheo Pháp Tạng.- Trái lại 48 điều đại nguyện của Tỳ Kheo Pháp Tạng như khai triển đại nguyện của vua Vô Tránh Niệm.

Vua Vô Tránh Niệm (Bồ Tát vô lượng Thanh Tịnh), Tỳ Kheo Pháp Tạng là hai hay một tiền thân Phật A Di Đà, cũng không cần phải đào sâu tìm biện chứng, bởi trí Phật không vướng bận danh tướng, chỉ nhấn mạnh chỗ giác ngộ duyên sanh vô ngã nhìn ra thực tướng, là đệ tử Phật cần thực hành Phật trí vô ngã, vô ngại, toả sáng.

- Vì Kinh sách Tịnh Độ không ghi rõ ngày đản sinh, xuất gia thành đạo của Phật A Di Đà, nên người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là ngày 17 tháng 11 âm cữ hành lễ vía, nhớ lại đức Phật A Di Đà. Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư được xem như là hoá thân của Phật A Di Đà, qua câu nói của Hoà thượng Hành Tu giải đáp câu hỏi của Ngô Việt Vương. Ngài Vĩnh Minh Thọ thiền sư cũng được tôn là tổ thứ sáu, của Tông Tịnh Độ, Trung Hoa. Theo sách Đường về cực Lạc:- Ngài sinh vào đời Tống, người Tiền Đường, họ Vương tự Xung Huyền. Thuở thiếu niên thường trì tụng Kinh Pháp Hoa, cảm bầy dê quì mọp nghe Kinh.

Trưởng thành làm quan coi về thuế vụ cho Văn Mục Vương, nhiều lần lấy tiền công đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh. Bị phát giác hình quan thẩm định án tử. Khi áp giải ra pháp trường sắc mặt vẫn bình thản, vì tin rằng do công đức phóng sinh hồi hướng sẽ được sinh Tịnh độ. Văn Mục Vương cảm động tha bổng. Ngài xin xuất gia, Vương cho phép, ngài đến Tứ Minh thọ pháp với Tuý Nham Thiền Sư. Sau tham học với Thiền Quốc sư tỏ ngộ chân tánh được ấn khả. Ngài tụng Pháp Hoa Sám, thấy Bồ Tát Quan Thế Âm rưới nước cam lồ vào miệng, được biện tài vô ngại. Ngài tu Thiền nhưng rất mến mộ Tịnh, một hôm đến thiền viện của Trí giả đại sư làm hai lá thăm: Một đề Nhứt tâm thiền định, một đề Trang nghiêm Tịnh độ. Sau 7 lần rút thăm đều rút nhằm lá thăm Trang Nghiêm Tịnh độ. Từ đó ngài tận lực tu niệm hoằng hoá pháp môn Tịnh độ.

Năm long Kiến thứ hai, Trung ý vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu Trí giác Thiền Sư, ngài trụ ở đây 15 năm, độ được 1700 vị tăng và cư sĩ qui hướng Tịnh độ rất nhiều. Ngài trứ tác tập Vạn Thiện đồng quy, chủ ý khuyến tu các pháp lành qui hướng về Tịnh độ, lời văn thiết yếu như sau: “Sanh về duy tâm Tịnh Độ là phần của bậc liễu đạt tự tâm (...).Người quán trí cạn, tâm tưởng thô, trần cảnh mạnh, tập khí nặng, cần phải sanh Tịnh độ, để được nơi duyên thù thắng, nhẫn lực mới dễ thành, mau viên mãn Bồ Tát Đạo” – Năm Khải Bửu thứ 8, ngày 26 tháng 02, sáng sớm thức dậy, ngài lễ Phật xong, gọi đại chúng lại răn dạy, dặn dò, rồi ngồi Kiết già thẳng lưng thị tịch, thọ 72 tuổi.

2. Danh hiệu và hình tượng biểu trưng

-     Danh hiệu Phật A Di Đà:

Bắt đầu từ tiếng Phạn Brahama, ở Ấn Độ, nguyên âm đọc là Amita; La tinh hoá là Amitabha. Từ điển Phật học Hán Việt, dịch là Vô lượng thọ, cộng với 12 danh hiệu trong Kinh Vô Lương Thọ và giải đến 13 danh hiệu: Vô lượng quang Phật, Vô biên quang Phật, Vô đối quang Phật v.v... nói lên những đặc tướng của Phật tính. Kinh A Di  Đà yếu giải Sa môn Trí Húc dịch là Vô lượng Thọ, vô lượng quang; dung hội lại có 3 nghĩa: Vô lượng Thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức.

Vô lượng quang, là hào quang thanh tịnh của Phật A Di Đà toả sáng tận cùng mười phương pháp giới như ánh sáng mặt trời soi rọi bóng đêm. Có người thấy được người không. Người thấy được do niệm danh hiệu Phật ý thức Thanh tịnh như hoa sen vượt khỏi mặt nước tham dục tự tâm sáng tõ; người không thấy được là vì bóng tối vô minh che phủ như mặt trời bị mây áng, hoặc tâm xoay vòng theo ngũ dục như trái đất xoay vòng lẩn khuất nên có tối, có sáng khi ẩn, khi hiện.

Vô Lượng Thọ, là thọ mạng của Phật A Di Đàvà nhân dân của ngài vô cùng lâu xa. Ngài thành đạo trước Phật Thích Ca rất lâu mà hiện tại vẫn còn đang thuyết pháp và tiếp dẫn người hữu duyên. Ở cõi này thân ngũ uẩn sống trong môi trường ô nhiễm dễ hư hoại, phúc đức kém, người sống đến trăm tuổi là hiếm. Thế mà các vị sư thiền định yoga trên núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn, Ấn Độ sống đến ba, bốn trăm tuổi, thì Cực lạc thế giới liên hoa hoá thân, môi trường tinh khiết, thức ăn chính là thiền duyệt vi thực, thiền duyệt vi lạc trường thọ là lẽ đương nhiên.

Vô Lượng công đức, ngài có nhiều công đức không cùng tận như là trí tuệ, thần thông, đạo lực, chánh báo (căn thân) y báo (cảnh giới) trang nghiêm, thuyết pháp, giáo hoá, tế độ... Trước khi thành đạo, ngài có nhiều kiếp vì chúng sanh hành Lục độ ba la mật. Có thể nói ngày xưa trên mặt đất nầy nơi nào cũng có dấu chân hành đạo của ngài. Đến khi kiến tạo Thế giới Cực lạc Phương Tây xong, ngài tiếp dẫn chúng sinh mười phương thế giới về nước Phật của ngài định cư, sinh sống tu học thành thanh tịnh đại hải chúng không thể nghĩ bàn. Hiện nay trên mặt địa cầu có khoảng 6 tỷ người, Phật giáo đồ khoảng 600 triệu, trong đó số người niệm Phật A Di Đà hành thiện, bố thí giúp đời hơn 300 triệu người. Các ngành công an, an ninh trật tự, giáo dục... canh chừng giáo hoá tội phạm của các quốc gia có Phật giáo đồ Tu tịnh được lợi ích vơi bớt đi gánh nặng không phải là nhỏ !

-     Hình tượng biểu trưng:

Trong Phật giáo, nơi chánh điện chùa Thiền Tông và các tông phái khác thường thờ đức bổn Sư Thích ca ngự chánh giữa, bên phải là Phật A Di Đà, bên trái là Đại Bồ Tát Di Lặc.- Phật Thích Ca là Phật hiện tại, Phật A Di Đà là Phật quá khứ, Đại Bồ Tát Di Lặc là Phật tương lai. Đối với người dụng tâm hành đạo giác ngộ, Phật Thích Ca tượng trưng cho bản giác, phật Di Đà tượng trưng cho thỉ giác, Đại Bồ Tát Di Lặc tượng trưng cho hoạt dụng từ bi trí tuệ của thỉ bản giác từ pháp tánh Tỳ lô giá na! Thì nơi chánh điện chùa Tịnh Độ thờ Tam Thánh Tây phương cực lạc. Chính giữa là tượng Phật A Di Đà đứng trên toà sen, tượng Bồ Tát Đại Thế Chí đứng trên toà sen bên phải, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm đứng trên toà sen bên trái. Hai vị đại sĩ này thường phụ trợ Phật A Di Đà giáo hoá, tiếp dẫn chúng sanh. Toàn thân Tây phương tam thánh đều rực rỡ toả ánh hào quang như sắc vàng Diêm phù đàn. Đức Phật A Di Đà cao 1 trượng sáu, trên đảnh có tướng nhục kế đỏ tươi như sen hồng biểu thị cho trí tuệ tuyệt vời sáng suốt. Tướng bạch hào sáng trắng như ngọc uyển chuyển xoay về bên hữu phóng hào quang. Đôi mắt Phật sáng ngời như nước biển long lanh, tay trái ngài nâng hoa sen, tay phải duổi xuống tiếp dẫn.- Bồ Tát Đại Thế Chí đầu đội thiên quang có 500 bảo hoa, mỗi bảo hoa có 500 bảo đài. Trong mỗi bảo đài hiện rõ tướng quốc độ tịnh diệu của chư Phật. Nhục kế nơi đỉnh đầu ngài hình hoa bát đầu ma. Trên nhục Kế có một bình bảo tượng đựng các thứ quang minh hiện thân khắp mười phương giúp người niệm Phật thu thúc sáu căn đi vào địa vị bất thối chuyển. Tay trái của Bồ Tát đưa lên ngang ngực hình nửa hoa sen búp, lòng bàn tay hướng về phía trước như sẳn sàng chào đón chúng sanh tu tịnh, tay phải hình nửa hoa sen búp lật ngửa trân trọng những ai tìm đến cõi Phật.- Bồ Tát Quán Thế Âm đầu đội thiên quang bằng chất báu Tỳ Lăng già Mâu Ni, nơi thiên quang có một vị Phật ngồi nhập định. Tay trái Bồ Tát cầm tịnh bình trút xuống cõi đời nóng bức, tay phải hình nửa hoa sen búp đưa lên ngang ngực; tai lắng nghe, xem xét tiếng kêu đau thương của chúng sanh cứu giúp.

Đối với hành giả dụng tâm hành đạo, Bồ Tát Đại Thế Chí tượng trưng cho ý chí dũng mãnh, bồ đề tâm kiên cố niệm Phật thu thúc 6 căn. Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho tâm thanh tịnh toả sáng. Bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho hoạt dụng của tâm thanh tịnh trí tuệ từ bi.

Xuất xứ tượng Tây phương Tam thánh từ pháp quán thứ 13, Phật Bồ Tát của Quán Kinh.

Cũng có nơi thờ tượng đức A Di Đà Phật đứng lơ lững giữa hư không, phía dưới là biển cả sóng dậy chập chùng, mắt ngài nhìn xuống, tay trái Kiết ấn, tay phải duỗi xuống tiếp dẫn. Gọi là tượng Di Đà phóng quang. Căn cứ vào ý nghĩa tượng trưng nầy bậc Cổ Đức làm kệ khuyến tu:

“Sông ái sóng cao ngàn thước

Bể khổ dậy muôn trùng

Muốn thoát luân hồi khổ

Phải gấp niệm A Di Đà!”

- Phật, Bồ Tát ngự trên hoa sen tượng trưng cho tâm vô nhiễm, tác pháp thanh tịnh lợi ích chúng sanh, như hoa sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” - Nhưng hoa sen trên đời này phải chịu quy luật vô thường sinh diệt, dù tươi đẹp, có hương thơm cũng phải tàn héo. “Hoa nở để rồi tàn, trăng tròn để rồi khuyết, người hợp để mà tan.” Hoa sen ở thế giới cực lạc là tinh tuý của bảy báu: Vàng, ngọc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não... lưu xuất từ tánh chân như diệu dụng. Cho nên nói hoa sen trong cỏi hồng trần cũng chỉ mang ý nghĩa biểu trưng mà thôi!

3. Niệm Phật hiệu quả hiện tiền

Ảo và thật là hai vấn đề khó phân tách. Giống như Trang Chu mộng thấy mình hoá bướm, thức dậy không biết ông là bướm hay bướm là ông. Nhưng nếu chịu sưu tầm nghiên cứu, tư duy có biện chứng thì người ta có thể thuyết minh được. Pháp môn niệm Phật A Di Đà cầu sinh cực lạc thế giới có ba thành phần: -Tịnh độ truyền thống, Tịnh độ nhân gian, Tịnh độ tâm. Tịnh độ nào vừa dẫn cũng lấy tâm làm chủ. Nơi đây vấn đề hiện thực liên quan đến Tịnh độ nhân gian. Trong Tịnh độ nhân gian có hai yếu tố: Thứ nhất, bậc đại thiện trí thức rao giảng, kêu gọi những người tu tịnh nhóm họp định cư lại thành một tập thể xã hội. Nơi ấy Tam quy ngũ giới được duy trì nghiêm túc, nhất quán, không có phần tử nhiễm ô bất tịnh; tức không có ba đường dữ  địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là tham sân si mạn nghi; ngũ trược giảm thiểu tối đa, ác thế không có. -Kế đến là người tu tịnh độ niệm Phật nhất tâm định tỉnh ứng xử, đối phó hằng ngày với sinh hoạt rối ren, biến động có hiệu quả tốt.

Ví dụ, một học sinh học bài lâu thuộc, em liền cầu đức Phật A Di Đà gia hộ, rồi cung kính niệm danh hiệu ngài liên tiếp trong mười phút, sau đó em học thuộc bài nhanh chóng. -Một thương gia sắp sạt nghiệp vì thua lỗ, lo sợ buồn rầu, thay vì dùng gian kế cũng cố sự nghiệp, ông cầu Phật gia hộ rồi niệm danh Phật A Di Đà liên tiếp ngày đêm đến khi tâm ổn định ông giải quyết vấn đề ổn thoả, hợp lý đạo và pháp luật qua kiểm soát của trọng tài kinh tế, tuy có nghèo hơn trước rồi từ từ khắm khá. -Một ông bác sĩ phục dược sai lầm bệnh nhân chết ngay trong phòng điều trị; hoảng hốt, lo toan, nhưng ông dám chịu trách nhiệm, không nhờ một luật sư nguỵ biện trước toà, vị bác sĩ này cầu Phật A Di Đà gia hộ cho tai qua nạn khỏi rồi niệm danh hiệu Phật liên tiếp cho đến khi tâm an ổn nhẹ nhàng. Ít ngày sau, thân nhân người bệnh chết nộp đơn xin bãi nại. Ta có thể giải thích em học sinh tâm phân tán không thuộc bài, niệm phật tâm tập trung học bài mau thuộc? Ông thương gia niệm Phật tâm định tỉnh sáng suốt giải quyết việc thương hiệu thuận tiện? Vị bác sĩ ăn năn niệm Phật tinh chuyên, tâm hiền hậu hiện lên nét mặt cảm hoá được người; Hay cả ba người nầy niệm Phật được Phật gia hộ? –Điều quan trọng xin đừng quên hiệu quả của niệm Phật nhất tâm, tâm người niệm và tâm Phật chan hoà cảm ứng.

Pháp môn niệm Phật hiệu quả hiện tiền trong Tịnh độ nhân gian còn nhiều, quí vị hãy thực hiện niệm Phật để có kinh nghiệm phong phú.

4. Tâm linh diệu dụng

Nếu Kinh tạng Nguyên thỉ dùng Giới - Định -Tuệ làm thể chất (cốt tuỷ), thì các Kinh điển đại thừa đều lấy thực tướng làm thể chất. Đặc biệt trong các Kinh Tịnh độ thực tướng được phát triển cùng cực vi diệu qua sự mô tả cảnh giới, nhân dân và pháp tu tịnh ở cực lạc thế giới: Đất bằng vàng, thảo mộc bằng châu, liên hoa hoá thân, ao thất bảo, nước bát công đức... hàng xóm là thánh nhơn, bồ tát, Phật, chư thượng thiện nhơn câu hội về một xứ an dưỡng tu học. Chim, nước, rừng cây, tiếng gió đều phát ra tiếng pháp: Ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần và các môn chánh định tam muội ba la mật khác.

Tâm người ta có ba phần: Một là trung tâm điều phối máu luân lưu cơ thể là trái tim. Hai là tâm vọng tưởng như khỉ vượn leo trèo khó đứng yên. Ba là chân tâm thực tướng. Nơi người thực tướng gọi là pháp thân, nơi cảnh vật gọi là pháp tính. Gọi chung là pháp tính thân. Pháp tính thân chan hoà khắp nơi, khắp chốn như chân không trong vũ trụ.

Thực ra, chơn vọng tâm chỉ là một thể tánh đối với người có thâm độ công phu tịnh niệm luyện thành một khối nhất như.

Theo Trí Húc Đại Sư, viết trong quyển Phật thuyết A Di Đà kinh yếu giải, thể chất của thực tướng chẳng phải  yên lặng (tịch), chẳng phải soi sáng (chiếu), thường soi mà vắng, thường vắng mà soi. Tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, nên gọi Thường tịch quang độ.

Suy rộng ra, trong thực tướng có hai đức: Một đức thuộc về phần tính, “Bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh”. Một đức thuộc về phần tu, tức vừa tịch vừa chiếu gọi pháp thân. Vừa chiếu vừa tịch gọi báo thân. Vừa tịch vừa chiếu nội quan được thọ dụng thân. Tịch chiếu tiến dần lên giúp đời gọi Ứng hoá thân.

Tam thân Phật A Di Đà, nhân dân và cảnh giới cực lạc cũng từ chơn tâm phát sinh.

Trong quyển sách Đường về cực lạc, có ghi lời dạy của Diên Thọ Đại Sư như sau:

“Nếu tâm niệm thanh tịnh thời đài vàng hoa báu, hoá sanh nơi Tịnh độ. Còn tâm niệm nhơ đục thời gò nổng hầm hố, thọ thai nơi cõi ô uế. Đây đều là “quả đẳng luân”, cảm lấy “duyên tăng thượng”. Cho nên nhơn cùng quả, rời ngoài tâm nguyên, không có tự thể riêng khác. Muốn đặng quả báo thanh tịnh thời phải thực hành nhơn thanh tịnh. Như nước thời tánh chảy xuống, lửa thời tánh bốc lên, tất nhiên như vậy!”

Như thế, người tu tịnh hay tu pháp môn nào trong Phật giáo cũng phải công phu niệm Phật, hành thiền, quán tưởng trong khuôn khổ Giới-Định-Tuệ để ngộ chân tánh là điều trọng yếu!

5. Phật A Di Đà như một tấm gương soi:

Xét về mặt thế gian Sa Hoàng cải trang thành thường dân du học các nước văn minh về xây dựng nước Nga hùng mạnh một thời. Tổng thống Lý Quang Diệu, cha già dân tộc Singapor đã kêu gọi nhân tài nước nhà ở các nước văn minh trên thế giới rút tinh tuý văn minh về biến đảo quốc không quá 7 triệu dân thành một nước đoàn kết, tiên tiến, hưởng thụ tiện nghi khoa học đỉnh cao. Bác Hồ, cha già dân tộc Việt Nam, một thân một mình rời bến Nhà Rồng ra đi du học trên thế giới rèn luyện tài đức trở về giúp dân thoát khỏi ách nô lệ của Thực dân đế quốc xây dựng độc lập tự do hạnh phúc cho nước Việt Nam. Thì về mặt xuất thế gian đức Phật A Di Đà rút tinh tuý 210 ức Thế giới Tịnh độ của chư Phật kiến tạo An dưỡng Quốc thành Cực lạc thế giới cũng không có chi lạ.

Đối với toàn thể nhân sinh thế giới ngày nay, trong đó có Phật giáo đồ Việt Nam, tiểu sử nói về thân thế, sự nghiệp của Phật A Di Đà qua ý chí hướng thượng, phấn đấu cùng cực phi thường như một tấm gương soi. Đã là một vị Chuyển luân thánh vương phúc đức, trí tuệ, quyền oai và sự huởng thụ tột đỉnh mà ngài xét đến qui luật vô thường của kiếp sống tìm cách vươn lên, không phải cho riêng ngài mà cho toàn thể quốc dân trong nước và chung cho tất cả chúng sinh nhàm chán cõi đời Ngũ trược ác thế khắp mười phương thế giới.

Khi ngài thành tựu quả Phật, làm giáo chủ cực lạc thế giới đứng duỗi tay tiếp dẫn chúng sinh, thân sắc vàng ròng, hào quang tõ rạng. Người ta dễ liên tưởng đến một vị sư được cúng dường hậu hỉ, sắc mặt hồng hào làm Phật sự nên quên đi một vị Bồ tát tăng khổ hạnh áo thâm vá đùm vá đụp trăm khiếp nghìn đời, chắt mót từng chút phúc tuệ cho mình, cho đệ tử và cho tất cả chúng sanh!

Chí nguyện ngài cao xa, tâm Phật thanh tịnh bao la, đạo lực thần thông quảng đại. Bi trí thiết tha vì chúng sanh nhân loại. Ngài không bao giờ ở yên hưởng thụ quả vị Phật, vẫn tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật hướng về cực lạc thế giới.

Chúng ta, là một công dân Phật tử yêu nước có tài đức, đủ điều kiện du học hải ngoại phải làm sao? Lo hưởng thụ riêng mình hay lo phục vụ tổ quốc, là một tu sĩ Phật giáo Việt Nam, chúng ta phải làm gì cho đạo pháp dân tộc? Câu giãi đáp thông thường là tuỳ theo đạo đức, trí thức và năng lực của mỗi người. Nhưng hãy nhìn lên, Kia! Là một tấm gương soi lớn!

6. Nhận Định

Đức Phật A Di Đà thành đạo trước Phật Thích Ca 10 kiếp. Thời đức Phật Thích Ca chữ viết chưa có người phát minh! Cũng có thể thời đức Phật A Di Đà thành đạo, có chữ viết ghi thành tiểu sử; trãi qua các cuộc đại chấn của quả địa cầu chữ viết mất đi. Hơn nữa, ngài là một vị Phật quá khứ lâu xa, giai đoạn tu nhơn ở cõi Ta Bà thời Vua Chuyển luân Thánh vương, tuổi thọ loài người rất cao, như Phật Thế Tự Tại Vương trụ thế đến 12 kiếp, giai đoạn cuối kết Phật quả Kiến tạo Cực lạc thế giới ở phương tây (phương tây có nhiều cõi chúng sanh và cõi Phật) cách xa quả địa cầu chúng ta 10 muôn ức Phật độ. Mỗi Phật độ một triệu ngàn triệu thế giới tinh cầu làm sao người viết sử nơi đây ghi nhận được!

Nếu người tin đức Phật Thích Ca lịch sử truyền bá pháp tu tại Ấn Độ và thánh chúng của ngài có thật, nên quy y Tam bảo. Trong đó, đức Phật Thích Ca có tuyên thuyết về pháp tu Tịnh độ giới thiệu đức Phật A Di Đà, làm sao dám lấy tâm phàm xét đến Phật trí không tin được? Vị Tỳ kheo Bồ Tát nào muốn thành Phật cũng phải nghiêm trì giới luật trăm đời nghìn kiếp mới thành Phật. Đã là Phật, phải nói chơn thật ngữ, khuyên bảo chúng sanh không vọng ngữ.

Qua Kinh pháp lưu truyền của Phật Bổn Sư Thích Ca, người tin có đức Phật A Di Đà, thì cũng tin được Nhân dân và Cảnh giới cực lạc. Đọc quyển Đường về cực lạc, Mấy điệu sen thanh, sự tu tịnh độ chứng đắc của người xưa và người tu tịnh độ thời nay phút lâm chung xả bỏ thân phàm biết trước ngày giờ, có hương thơm ánh sáng, biện minh cho việc tiếp dẫn của Phật A Di Đà là thật thì pháp môn Tịnh độ càng thêm được xác chứng.

III. KẾT LUẬN

Đức Phật A Di Đà, nhân dân thế giới cực lạc có thật hay chỉ là huyền thoại biểu trưng cho chơn tánh, thì pháp môn niệm Phật từ xưa đến nay cũng đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh.

Nếu ta tin đức Phật A Di Đà có thật, lại để cho tâm nhiễm ô bất tịnh, cũng không làm nên tích sự gì! Nếu người tin đức Phật A Di Đà là hình tượng biểu trưng cho chơn tánh rồi hạ thủ công phu tu niệm cho tâm vô nhiễm tương tự Phật trí sẽ được nhiều phúc lạc và ảnh hưởng tốt đến xã hội. Còn như bàn cãi suông có được gì ngoài hơn thua buồn phiền nhân ngã! -Những ai tin được pháp môn Tịnh độ kết quả hữu hiệu phát bồ đề tâm, với tín nguyện niệm Phật cho tâm an lòng tịnh cũng không lỗi lầm gì, lại có thêm phúc trí, vì pháp môn tịnh độ vào cửa bằng đức tin. Ai vào ra được sẽ trở nên hiền thánh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ sanh công đức”; phải vậy!

Trong khi sưu tầm tài liệu tham khảo, chúng tôi thấy có nhiều Kinh sách nói về tiền thân đức Phật A Di Đà, sanh ở cõi nước, thân thế, pháp hiệu, quy y với mỗi vị Phật khác nhau như Kinh Pháp Hoa, phẩm hoá Thành Dụ thứ 7, Kinh Đại thừa phương đẳng tổng trì, Kinh hiền kiếp, Kinh quán Phật Tam muội, quyển thứ 9; Kinh Như huyển Tam Ma địa vô lượng Ấn pháp môn, Kinh Nhất hướng xuất sanh Bồ Tát v.v... Để tránh phân tâm cho người đọc tiểu sử ngài, chúng tôi chỉ sử dụng Kinh Bi Hoa, Kinh Vô Lượng Thọ, Văn khố từ bi âm, Phật học phổ thông, quyển nhứt; Phật thuyết A Di Đà Kinh yếu giải, Đường về cực lạc v.v...

Tiểu sử ngài như một câu chuyện cổ tích hay đẹp, nội dung nghĩa lý thâm thuý, tình đại bi  chan hoà, ánh sáng trí tuệ toả chiếu qua từng chi tiết sáng tõ bổn nguyện (48 điều nguyện). Những ai muốn làm được như ngài nên nghiên cứu Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Phật thuyết A Di Đà Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh, kinh Hoa Nghiêm phẩm phổ hiền hạnh nguyện và Vãng sanh Tịnh độ luận của Thiên Thân Bồ Tát...Tinh tấn tu Tịnh độ sẽ thành tựu như ý nguyện bởi lực gia trì hộ niệm của đức A Di Đà Phật.

Mục Lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19
TIN KHÁC