Những chia sẻ kinh nghiệm Công phu niệm Phật

date
06/10/2020
Sách luận giải về pháp môn niệm Phật hiện đang lưu hành rất nhiều, do đó, hành giả thiển nghĩ điều quan trọng mật thiết hơn là chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi hành trì theo Pháp môn này, mong sao có thể mang lại Pháp lạc thiết thực cho công phu tu hành của Đại chúng. Vì vậy, vấn đề được đặt ra là ta phải thực hành niệm Phật như thế nào để được “nhất tâm bất loạn”?

1. Giới Đức nghiêm trì

Dù là cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia thì Giới luật là điều căn bản tối trọng, là nền tảng cần yếu cho sự tu hành giải thoát. Nếu không nghiêm trì Giới luật thì Tăng-bảo bất thành, Tam-bảo khiếm khuyết, mạng mạch Phật Pháp tại thế gian sẽ tự diệt, từ đó chúng sanh sẽ lại đắm chìm trong vô minh tăm tối. “Giới còn thì Ta (Phật – Pháp) còn vậy” – Đó là lời Phật trao truyền, phó thác, cảnh tỉnh hàng hậu học muôn đời về sau thúc liễm tu chơn, hộ Pháp Như Lai cửu trụ Ta-Bà!

Nói rốt ráo thì nhiếp Tâm thành Giới, nghĩa là Tâm tịch tịnh thì Giới đức tròn đầy – viên mãn. Để tâm tịch tịnh thì không có con đường nào khác ngoài Giới – Định – Huệ, tức hành giả phải hạ thủ công phu tham Thiền – niệm Phật – trì Chú để đoạn tận Tham – Sân – Si, trưởng dưỡng tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả. Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, hành giả cần giữ cho 3 thời Thân – Khẩu – Ý trong sạch, y theo Bát Chánh Đạo và Lục Độ mà hành trì, làm mọi việc thiện – tránh làm điều ác dù nhỏ nhặt đến đâu. Cho nên, trì Giới tu hành nào có phải chỉ trì 5 hay 10 giới (cho cư sĩ), 250 hay 348 giới (cho tu sĩ) mà thôi.

Khi GIỚI thể tròn đầy, nhờ tu hành chơn chánh và tinh tấn dụng công không buông lung, giải đãi mà công phu niệm Phật sẽ tự có ĐỊNH lực. Khi ĐỊNH lực sâu dày thì HUỆ khai mở (có nhiều tầng bậc). Cứ thế nhẫn lực hành trì theo thời gian, đến khi Giới – Định – Huệ tròn đầy (tuy ba nhưng không khác), tâm hạnh viên mãn thì thành tựu Niệm Phật Ba-la-mật hay Niệm Phật Tam Muội. Do đó, Giới là điều cần yếu cho sự tu tiến trên lộ trình hướng tới giác ngộ – giải thoát (dù niệm Phật, tham thiền hay trì chú).

2. Niệm Phật phải niệm từ TÂM (TỌA THIỀN NIỆM PHẬT)

Vì sao? Trực tâm niệm Phật thì tâm mau chuyên nhất, công phu mau tiến vì niệm Phật tức NIỆM TỰ TÂM (Tánh Phật của chính mình). Nếu dùng miệng niệm thì đó là dụng tướng âm thanh để niệm Phật, kết quả không sao sánh bằng.

Thực hành: Tốt nhất là ngồi kiết già (nếu già yếu hay bệnh tật, sức khỏe không cho phép thì có thể ngồi bán già), thân ngay thẳng, mắt nhắm vừa kín, khởi câu niệm Nam mô A Di Đà Phật trong tâm sao cho niệm sau tiếp nối niệm trước miên mật không gián đoạn. Có đôi điều lưu ý:

–   Mắt phải nhắm vừa kín để tâm chuyên nhất nơi Phật hiệu. Nếu mở hờ thì mắt thấy cảnh trần sẽ động tâm phân biệt, nghĩ tưởng mông lung mà ảnh hưởng đến hiệu quả công phu. Cũng cần nói thêm, nếu công phu miên mật thì sẽ có lúc mắt tự hơi hé mở “chẳng động” như ta thường thấy ở các tượng Phật. Đây là trạng thái của Định, là ứng hiện tự nhiên mà không hề tác ý bởi tâm niệm vẫn miên mật chuyên nhất nơi Phật hiệu. Còn công phu chưa sâu dày đạt đến “sự tự nhiên” đó thì mắt phải nhắm vừa kín mới tốt được.

–   Giữa niệm trước kết thúc bằng chữ Phật và niệm sau bắt đầu bằng chữ Nam trong câu Phật hiệu “Nam mô A Di Đà Phật”, hành giả phải trì liên tục sao cho không gián đoạn, không kẽ hở đan xen, như dòng nước chảy không ngừng. Nếu có vọng niệm xen vào thì đừng dụng tâm gạt bỏ nó đi vì có khác gì vọng lại thêm vọng trên đầu. Tốt nhất là chỉ chú ý nơi câu niệm Phật, TÂM NIỆM – TAI LẮNG NGHE – TRÍ GHI NHẬN KHẮC SÂU TỪNG TỪ TỪNG CHỮ TRONG CÂU PHẬT HIỆU, ngoài ra đều “không biết” thì vọng nếu tự đến sẽ tự đi mà thôi. Làm được thế thì sự tiến bộ sẽ trên từng giờ, từng ngày mình công phu. Điều này chỉ tự mình biết mà thôi.

–   Không kết hợp niệm Phật với hơi thở mà hỏng đại sự. Muốn nhất tâm thì chỉ duy nhất nơi câu niệm Phật mà dụng công, sao lại kết hợp hít vào đếm niệm mấy tiếng, rồi thở ra biết niệm mấy câu… Làm như thế thì chẳng khác gì tự mình chủ trương sanh vọng, mong đạt “nhất tâm” sao có thể được (?)!

–   Không liên tưởng khi niệm Phật. Nhiều người đang công phu, khi thì lại tưởng nhớ bài giảng pháp về niệm Phật của vị Hoà-thượng này, lúc thì lại nhớ về công đức niệm Phật mà mình đọc được đó đây, hoặc tính đếm mình niệm được bao nhiêu lần… Như trên nói, tất cả đều là vọng làm tán loạn tâm, khiến tâm khó trụ nhất như nơi câu Phật hiệu.

–   Không tính đếm mình niệm Phật bao nhiêu lần. Cũng vậy, không kể mình lạy Phật sám hối bao nhiêu lạy. Lạy đến khi không còn sức nữa thôi. Nghiệp tạo sâu dày bao đời, nay niệm Phật – lạy Phật cũng tính đếm thì với tâm địa nhỏ hẹp như thế, công phu chỉ uổng công vô ích, trách sao giậm chân tại chỗ.

–   Tự xưa nay, câu niệm Nam mô A Di Đà Phật đã đi sâu vào tâm khảm bao đời người con Phật, bao bậc minh Tâm kiến Tánh cũng nương nơi câu niệm này mà xuất sanh. Nay lại thay “Di” thành “Mi” gây bao điều luận bàn vô bổ khiến lao nhọc thân tâm, chẳng lợi lạc gì cho công phu mà chỉ xáo trộn thật hư. Xét rõ, họ tên cha mẹ, ông bà, tổ tiên, ta còn không dám nghĩ phạm, huống gì Phật danh của vị cổ Phật, ai có thể thay đổi? Gương giác ngộ xưa từ câu “Nam mô A Di Đà Phật” còn đó, chẳng lẽ tất cả đều là hư nguỵ? Ai đủ phước trí sẽ tự biết mình nên thế nào.

3. Công phu TỌA THIỀN NIỆM PHẬT

Niệm Phật tức hành giả nương nhờ Chánh niệm Nam mô A Di Đà Phật (tự lực + tha lực) để thu nhiếp vọng tâm, tịnh hóa nghiệp chướng bao đời. Đến khi công phu thuần thục sẽ đạt nhất tâm bất loạn, tức trong tâm chỉ còn duy nhất câu niệm Phật miên mật không ngừng. Tinh tấn như vậy mà không tự mãn, khoe khoang, giải đãi, chấp trước…, đến khi công hạnh tròn đầy thì câu niệm Phật sẽ tự biến mất từng từ, từng chữ rồi mất hẳn, không thể khởi lên được nữa dù hành giả vẫn đang trì niệm. Nói cách khác, tâm hành giả không còn trụ vào câu Phật hiệu – tâm Vô Trụ, đạt đến cảnh giới Vô Niệm. Lúc đó, không niệm mà niệm – niệm mà không niệm, thành tựu Niệm Phật Tam Muội (Niệm Phật Ba-la-mật), hành giả kiến Tự Tánh Phật.

Khi mới công phu, hành giả nên tập trung hết tâm lực niệm Phật lúc tọa thiền (kiết già hay bán già) sao cho có hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, hành giả nên tập niệm Phật khi đang làm việc, ăn uống, ngủ nghĩ… trong sinh hoạt thường nhật, giúp tâm định tĩnh chuyên nhất với mọi động – tịnh, trần cấu ở đời thường.

Khi công phu đạt Niệm Phật Ba-la-mật thì hành giả có thể làm chủ tâm mình niệm Phật trong mọi thời – mọi sinh hoạt mà tâm vẫn nhất như, không bị thức trần chi phối.

Rõ thấy, tu Phật chơn chánh nào có gì là dễ đâu bởi tham-sân-si là gốc rễ bao đời, phải tự mình điều phục thân tâm, sám hối tu hành mà thôi chứ không ai khác, kể cả Phật, giúp được. Hãy giác lấy vạn sự vô thường, tiền tài danh lợi như cỏ rác, sống đời tạm bợ, sanh tử chẳng hẹn trong chớp mắt nào có từ ai. Công danh sự nghiệp ở đường đời còn không ai trải thảm cho mình đi, huống gì đại sự liễu sanh thoát tử, minh tâm kiến tánh của chính mình khi tu Đạo. Hãy nhẫn nhục và tinh tấn tu chơn!

4. Vãng sanh

Thử nghĩ xem, khi sống tạo bao điều bất thiện huân tập trong tâm thì vài câu niệm Phật lúc tàn hơi có thể giúp “thăng” sao. Nếu không tu hành chơn thật thì vãng sanh là chuyện xa vời. Còn chân thật niệm Phật đạt được NHẤT TÂM nhẫn đến VÔ NIỆM thì không nguyện vãng sanh cũng đã vãng sanh hay kiến Tánh rồi, dù chưa mạng chung. Nhân-Quả công bằng!

Lưu ý: điều kiện duy yếu để được vãng sanh trong nguyện lực của Đức Phật A Di Đà là NIỆM PHẬT NHẤT TÂM BẤT LOẠN trước khi lâm chung, chứ không phải niệm Phật “loạn tâm” với nhiều vọng tưởng, tạp niệm đan xen. Rõ ràng, khi khoẻ mạnh dụng công phu, tâm niệm còn chưa chuyên nhất nổi thì lúc sắp lâm chung, sức tàn lực kiệt, nghiệp lực nhiều đời chiêu cảm khiến tâm tán loạn, hốt hoảng, thất kinh… mà rất khó hay chẳng thể nhớ câu niệm Phật, hỏi sao vãng sanh được chứ (?). Quý vị tự nghiệm rõ lý này mà lo miên mật công phu, đừng nghĩ vãng sanh là chuyện dễ mà mãi mê tạo nghiệp, chẳng sám hối lo tu, phút cuối bèn niệm trả đối phó thì thác đi phải trôi lăn trong Lục đạo Tam đồ khổ não, hối hận muộn màng. “Thân Người khó được, Phật Pháp khó nghe”, xin đừng dễ duôi, biếng lười, giải đãi…!

5. Vô chấp, vô tranh

Người tu Mật chê kẻ tu Thiền, người tu Thiền chê kẻ niệm Phật… Chê bai lẫn nhau chỉ mang tội phỉ báng Phật-Pháp mà đoạ địa ngục. Tâm địa như vậy dẫu có niệm Phật muôn vạn lần (hay tham thiền, trì chú), dẫu có thao thao Kinh điển, luận giải tài giỏi đến đâu cũng chỉ là kẻ tà tâm hành tà hạnh, tà nghiệp. Người tu hành tuyệt đối đừng phạm!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật 
Diệu A Di Đà Phật 

Cổ Thiên