Thời của chúng ta, việc trốn học đi chơi là một tội nặng, bị đánh toét mông chứ đùa đâu. Nhìn bọn trẻ bây giờ càng kinh hơn, chúng học từ sáng tới tối, ba tháng hè rút còn có hơn tháng. Chả hiếu học quá lắm nhất thế giới ấy chứ, sao tôi lại dám nói người Việt lười học và phải sửa điều đó, có gì sai đâu mà phải sửa cơ chứ?!
Cái sai nằm ở chỗ nào giờ chúng ta thường học như con vẹt. Ông cha ta ngày xưa đi học chữ là để làm quan. Làm được ông quan là thỏa mãn. Người không đi học chữ mà làm các ngành nghề khác như buôn bán, nông nghiệp, thợ… thì cũng chỉ ở mức học lấy cái nghề để kiếm tiền và làm nghề ở mức tàng tàng bậc trung trở xuống, rất ít người theo học đến mức nghệ nhân, càng hiếm người có thành tựu để đời trong ngành của mình.
Câu hỏi, “Tại sao người Việt nào giờ không có một đóng góp, phát minh nào to lớn cho nền văn minh nhân loại?” là một câu hỏi nhức nhối và nó làm chúng ta cảm thấy thấp kém, tự ti lẫn thèm khát. Lười học quá mà sao có phát minh, sáng tạo được mà đóng góp?!
Cái việc học của ta xưa nay luôn vì bản thân, không vì xã hội. Vì bản thân không có gì sai. Nhưng nếu chỉ vì bản thân thì sẽ không có ước vọng lớn. Một người nông dân vui mừng vì lúa năm nay trúng mùa, cảm ơn trời đất, hết, người nông dân không có nhu cầu tìm hiểu về cục đất của mình đang canh tác, cách mới để trồng trọt, chẳng muốn nghiên cứu gì. Chỉ làm theo kinh nghiệm đời trước truyền lại mà không hề hiểu thời tiết, đất đai, môi trường đã biến đổi theo thời gian, có những kinh nghiệm xưa đã không còn phù hợp.
Ta có thể thấy rất rõ cảnh người nông dân ra cửa hàng phân bón nói lúa tui bị vàng lá, cửa hàng phân bón bán cho họ vài loại thuốc mà cửa hàng được công ty sản xuất chia lợi nhuận nhiều hơn, không phải loại thuốc tốt cho cây và cho môi trường nhất. Người nông dân không hề biết thuốc đó có gây hại gì cho chính mảnh đất của mình hay không. Người nông dân ít học và có học đều lười học về chính công việc của mình làm, như nhau.
Một anh thợ cất cái nhà tốt, nhận được công cán đủ, vậy là ổn và thỏa mãn, không có nhu cầu học thêm để thiết kế, cất cái nhà đẹp và tốt hơn nữa. Thậm chí, hiện nay, ngày càng nhiều người lười cả việc làm đúng việc của mình. Các bạn có việc cất nhà hay làm một điều gì bất kỳ sẽ thấy con người trong xã hội ngày nay làm việc gì cũng chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng cho xong để lụm tiền, họ thậm chí còn không cần nghĩ đến cả việc làm tốt nói gì đến làm đẹp. Cứ người trông coi sểnh ra là làm ẩu cho nhanh cho xong bất chấp tốt dở đẹp xấu. Không học nghề để làm nghề chu đáo thì dĩ nhiên sẽ không có đạo đức nghề nghiệp. Không có đạo đức nghề nghiệp, không có đam mê thì không bao giờ có sáng kiến, phát minh, không có phát triển bền vững.
Trong các lĩnh vực khác cũng vậy, ta thường tự mãn và nghĩ làm được vậy là giỏi lắm rồi và đứng lại ở đó. Ấy là chưa nói đến việc rất nhiều khi học sai, làm sai mà không biết, cứ thế làm mãi và thậm chí tự đắc với cái sai của mình và bảo thủ, đóng khung tư duy không hề muốn thay đổi.
Cái việc học để bản thân giỏi hơn, tốt hơn, sáng tạo hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng những thành tựu của mình là điều hiếm hoi trong xã hội Việt. Lười.
Người học được cái bằng tiến sĩ, có chức danh, nghĩ mình là trí thức rồi, chẳng cần nghiên cứu đóng góp gì, chỉ cần kiếm tiền là đủ và cũng chẳng cần quan tâm đến trách nhiệm của người có học đối với đất nước là gì. Vai trò của trí thức đã bị triệt tiêu hoặc bị lợi dụng phục vụ cho mục đích dẫn dụ quần chúng, không còn là dẫn đạo quần chúng. Cũng không ngoa khi nhiều người cho rằng Việt Nam hiện nay không có tầng lớp trí thức.
Bọn trẻ học cả ngày lẫn đêm, học chính khóa, học thêm, làm bài, toàn chương trình năm sau nặng hơn năm trước, cả nước như cái lò luyện thần đồng, nhưng bọn trẻ không hề có tư duy khát vọng gì cao xa hơn là sau này kiếm được việc nhàn hạ, lương cao để có tiền ăn sang đi du lịch sắm hàng hiệu. Cái sự học hóa ra không học được gì.
Chính phủ tổ chức hết đợt học tập này đến tập huấn khác tốn nhiều tiền thuế của dân nhưng hiệu quả vẫn không có. Ngày càng nhiều quan chức phát biểu ngớ ngẩn, lộ liễu hoặc khinh nhờn dân ra mặt nhưng vẫn nhơn nhơn. Lười học những tiến bộ văn minh nhưng lại giỏi tài học những chiêu trò thủ đoạn.
Những người đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước không phải người nào cũng hiểu rõ, nắm chắc về các khái niệm chính trị xã hội. Trong các tranh luận ta thường thấy các khái niệm bị hiểu sai dẫn đến cãi nhau rất vớ vẩn gây mất đoàn kết và chia rẻ cùng cực trong mọi vấn đề. Có một nền tảng chung: Muốn Việt Nam có một tương lai tốt đẹp. Nhưng chúng ta vẫn lười học để hiểu rõ chúng ta đang làm gì, như thế nào, ra sao, cần gì,… Lúng túng, vướng mắc, thất vọng, bỏ cuộc, chửi nhau, từ mặt, làm sai, tan rã… đều từ việc chúng ta lười học mà ra. Rõ ràng chúng ta không có kiến thức về chính trị, nhưng không có thì phải học, không thể nói ta không có thì ta cứ làm việc theo cảm tính với tình yêu là đủ.
Quan sát cách người ta trao đổi, tranh luận ở đời thường và trên mạng xã hội ta thấy rất rõ chúng ta rất thiếu kiến thức. Rất nhiều người thiếu kiến thức nhưng thích thể hiện, không chịu học trau dồi thêm nên bao nhiêu năm trôi qua vẫn cứ ỳ một chỗ trong tư duy, nhận thức. Đôi khi vì thiếu kiến thức mà gây hại nhưng vẫn cứ nghĩ mình đang đóng góp. Người Việt chúng ta vô lễ với tri thức nên cả dân tộc phải trả giá đắt.
Để thay đổi một cách tổng thể, phải thay đổi cả một thể chế, xây dựng triết lý giáo dục mới, thay đổi một cách dứt khoát để học ra học, kiến thức phải đem lại lợi ích và tri thức cho con người để phát triển đất nước, không phải để phục vụ cho mục đích chính trị của nhóm cầm quyền.
Nhưng để có thể thay đổi thể chế và xây dựng lại các giá trị đúng đắn trên đất nước này thì phải có những người đi trước trong việc sửa mình để phục vụ cho việc chung một cách tốt nhất. Mình còn xấu thì mình sửa thôi, không khó, nhận ra và cố gắng hướng đến là sẽ được.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)