Truyền Pháp là gì? Ý nghĩa của Truyền Pháp

date
05/10/2020
Chúng ta chắc hẳn đã nghe đến câu như Truyền Pháp hay Thuyết Pháp, nhưng liệu chúng ta đã thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhiệm màu của chữ Truyền Pháp? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm tìm hiểu về Truyền Pháp là gì? Từ đó ta sẽ biết thương hơn những công trình Truyền Pháp của các Đức Thầy trên bước đường truyền đạo.

Tìm hiểu về Truyền Pháp

Truyền Pháp là gì?

Truyền Pháp (hay còn được gọi là Thuyết Pháp, Pháp Thuyết, Giảng Pháp, Pháp Truyền) là hình thức sử dụng ngôn ngữ chuyển tải giáo pháp của Đức Phật đến công chúng và tứ chúng. Thông qua phương tiện ngôn ngữ giáo pháp sẽ thâm nhập vào tri thức của thính chúng, của tâm trí của chúng sanh, khởi nguồn trí tuệ, làm phát khởi tín âm, tỏ ngộ chân lý, chứng quả giải thoát. Hoặc diễn giảng Kinh điển, hoặc giải bày Giới Luật, hoặc tuyên truyền các bài Luận Pháp cao siêu. Dù là biện minh Đạo lý, giải bày Chánh Pháp với một vài người, hay tuyên bố Pháp lý giữa một Pháp hội, đều gọi là Thuyết Pháp.

Đức Phật Tổ cả một đời Thuyết Pháp, chẳng cần viết Kinh hay soạn sách, ngài chỉ cần nói ra mà giác ngộ cho người ta. Bài Thuyết Pháp đầu tiên là “Chuyển Pháp Luân” được khởi xướng gần thành Ba La Nai, Phật độ cho 5 vị Chơn như đắc đạo. Và buổi Thuyết Pháp cuối cùng trường giờ nhập Niết Bàn, Ngài độ cho ông lão sư Tu Bạt Đa La đắc đạo.

Ngài tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà Truyền Pháp:

– Đối với hạng độn căn, tức căn tánh chậm lụt: Ngài truyền cho cái Tiểu Pháp.

– Đối với hạng Trung căn, tức căn tánh vừa vừa: Ngài truyền cho cái Trung pháp.

– Đối với hạng lợi căn, tức căn tánh lanh lợi, sáng suốt: Ngài truyền cho Đại Pháp.

Tuy nhiên, đứng về mức Trung Đạo, Phật đã phán rằng: Ngài không có truyền Pháp cũng không có độ chúng sanh. Vì xét theo lý chơn không thì làm gì có Pháp mà Truyền, đâu có chúng sanh mà Độ. Chỉ tạm gọi đó là Truyền Pháp và tạm gọi là độ chúng sanh mà thôi!

Bất Tịnh Truyền Pháp là gì?

Bất Tịnh Truyền Pháp được hiểu là Truyền pháp không trong sạch, trong ý không trong sạch. Truyền pháp sai với Chơn lý: nói ra lời bợ đỡ kẻ quyền thế và giàu có, tự tưng bốc bản thân, thuận theo tánh mê hoặc người nghe nhằm mục đích khiến họ cung cấp tiền bạc vật chất cho mình. Đó còn được gọi là Tà Mạng Truyền Pháp.

Theo “Truyền Pháp Minh Nhãn Luận”, Bất tịnh Truyền Pháp có 5 khoa:

  1. Chẳng nói về Phật Pháp mà chỉ nói về thế sự.

  2. Nói ra những điều hư vọng, khiến người ta nghe theo, vậy phải đọa ác đạo.

  3. Ăn thịt, uống rượu, phạm phải chánh dâm và tà dâm. Tức mặc áo Pháp vào chùa mà làm dơ Tam Bảo.

  4. Chê bai người có đức; tự mình không đức lại tự khen lấy mình.

  5. Chẳn chứng ngộ Chơn lý giải thoát cao viễn, Chơn lý Nhứt thùa mà ham kẻ quyền thế, mắc vào các giáo Pháp có Tướng.

Trong “Phật Tạnh Kinh”: Bất Tịnh Truyền Pháp sẽ phạm 5 điều lỗi:

  1. Tự xưng mình biết hết Phật Pháp.

  2. Nói ra những điều lầm lỗi, trái nghịch với Kinh Phật trong khi Giảng Pháp.

  3. Tâm nghi chẳng tin đối với các Pháp của Phật Giáo.

  4. Những điều mình đã biết đều chẳng phù hợp với Kinh Pháp.

  5. Vì ham tiền của, cầu cho người ta cúng dường nhiều hơn nên mới thuyết pháp cho người ta nghe.

Nhơn duyên và các mức độ của Truyền Pháp

Hai nhơn duyên trong Truyền Pháp

Trong Truyền Pháp có hai Nhơn duyên sau:

  1. Truyền Pháp vì lợi dưỡng: Truyền Pháp vì sự lợi dưỡng cho mình, vì lợi lộc và danh tiếng. Đây không phải là hạnh Truyền pháp của Phật.

  2. Truyền pháp vì chúng sanh: Truyền pháp vì cần giáo hóa chúng sanh. Đây là sự Truyền pháp trong sạch, chơn chánh theo đạo Phật.

Các mức độ của Truyền pháp

Truyền pháp có 3 mức sau:

– Đối với người bình thường, căn cơ còn thấp: các bài thuyết giảng đơn giản là đưa con người sống đúng đạo là người, bình đẳng và biết yêu thương tôn trọng mọi người, phấn đấu xây dựng hạnh phúc gia đình, biết góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp, phồn vinh.

– Đối với người có căn cơ cao hơn: các bài thuyết giảng hướng con người biết sống tu hành để đời sau được về với cảnh giới chư thiên hạnh phúc dài lâu.

– Đối với người căn cơ cao tột độ: các bài thuyết pháp giảng đạo giải thoát, con người tu tập chỉ hướng về một con đường là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Và đây chính là mục đích cuối cùng của đạo Phật.

Nghệ thuật Truyền Pháp của Đức Phật

Trong gần nửa thế kỷ Truyền Pháp Độ Sanh, Đức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương pháp giảng khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Ngài thương xót chúng sanh và Ngài biết rõ căn lực của họ, đối với 5 hạnh chúng sanh Ngài chẳng Thuyết pháp 5 việc:

  1. Đối với hạng tham lam: Ngài chẳng khen sự Bố thí.

  2. Đối với hạng lười biếng: Ngài chẳng khen sự Đa văn.

  3. Đối với hạng si đần: Ngài chẳng khen sự Trí huệ.

  4. Đối với hạng bất tín: Ngài chẳng khen sự Chánh tín.

  5. Đối với hạng phá giới: Ngài chẳng khen sự Trì giới.

Trong Truyền Pháp, có khi Ngài dùng lời dịu dàng để khuyên răn chúng sanh. Có khi ngày dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục. Có khi Ngài dùng các định nghĩa. Có khi Ngài dùng những ngụ ngôn, ví dụ. Cũng có khi Ngài dùng các phép ẩn dụ mạnh mẽ.

Đức Phật đã sử dụng một phương pháp rất biệt tài trong tập Kinh Pháp Cú là dùng các ví dụ linh động và chính xác để gợi cảm cho người nghe, giải thích thêm cho cặn kẽ những điều Ngài nói. Các ví dụ Ngài dùng rất phong phú và khác biệt, giản dị, trong sáng, hướng thiện và giải thoát. Sau đây là một số ví dụ nổi bật về nghệ thuật Truyền Pháp này của Ngài trong tập Kinh Pháp Cú:

Pháp cú 47

Truyện tích kể rằng, ngày xưa có vua Lưu Ly chỉ vì nghe thuật lại một lời nói mang tính khinh khi đến nguồn gốc, dòng dõi bên ngoại của mình mà sinh lòng thù oán sâu đậm dòng dõi Thích Ca của Đức Phật. Vua mang quan sang tiêu diệt toàn bộ những người cùng họ này. Trên đường về, quân đội của vua đóng trại bên một bờ sông để nghỉ thì giữa đêm bị một trận lụt to cuốn tất cả vua và binh lính theo dòng nước chết hết. Nghe câu chuyện thương tâm ấy, Đức Phật đã dùng hình ảnh nước lũ cuốn trôi xóm làng để ghi nhận nhiều người đã đi đến sự sụp đổ của chính mình trong khi thực hiện mưu đồ để đạt được mục tiêu, tâm phóng túng, miệt mài trong dục vọng mà không biết rằng “Diêm vương đang cắt ngắn mạng sống của họ”:

Tựa như nước lũ cuốn đi

Xóm làng say ngủ li bì nửa khuya

Tử thần cũng sẽ rước về

Những người phóng túng, đam mê tối ngày

Chỉ chuyên thu nhặt luôn tay

Cánh hoa dục lạc chất đầy trong tâm.

Cũng nhân truyện tích trên, chúng ta thấy vua Lưu Ly vì tàn sát quá nhiều người trong dòng họ Thích Ca mà phải chịu quả báo là bị nước lụt cuốn trôi ngay.

Khi thấy những người trong dòng họ Thích Ca bị giết quá nhiều, Thầy A Nan khóc xin nhờ Đức Phật cứu giúp, nhưng Đức Phật liền bảo đó là quả báo dòng họ Thích Ca phải gánh chịu. Vì trong một tiền kiếp, họ đã bỏ thuốc độc vào một hồ nước và giết hết các loài cá trong hồ, kiếp này cá ấy đầu thai ở nước của vua Lưu Ly và đến báo oán.

Pháp Cú 287

Đức Phật dạy nên chấm dứt tham luyến. Người còn mê luyến hay đang say đắm về tài sản, về con cháu sẽ bị thần chết dẫn đi một cách bất ngờ, cũng như dân chúng trong làng đang ngủ say bị cơn lụt to thình lình cuốn trôi ra biển:

Người mà tâm mãi hằng ngày

Cháu con, gia sản đắm say chẳng ngừng

Khó mà thoát khỏi tử thần

Giống như thảm họa xóm làng ngủ say

Bị cơn nước lũ cuốn ngay.

Từ hình ảnh lũ lụt, Đức Phật đưa ra hình ảnh ao hồ. Ngài dạy sau khi nghe Pháp thời tâm của người hiền trí an tịnh như nước trong hồ sâu yên lặng. Lần khác Ngài dạy rằng tâm của những bậc thánh nhân không dao động thời an tịnh như cõi đất bằng, kiên cố như trụ đồng và cũng trong suốt, phẳng lặng như ao sâu không bị bùn đất làm nhơ bẩn.

Ý nghĩa của Truyền Pháp

Các vị Bồ Tát khi Thuyết pháp không được điên đảo, không sai thánh giáo và phải theo bốn ý nghĩa và bốn mục đích sau:

Thiện tịnh Pháp luân

Thiện tịnh Pháp luân là thuyết pháp giúp tiêu trừ nghiệp chướng, làm tăng trưởng căn lành của chúng sanh. Bởi lẽ chúng sanh có đầy đủ nhân duyên mới được thân người, đủ sáu căn, gặp được Tam Bảo và nghe được chánh pháp. Do đó, kinh thuyết pháp làm khơi dậy thiện căn sẵn có và nuôi dưỡng căn lành cho thính chúng. Căn lành ấy là gì? Chính là Níp bàn và Bồ đề, là căn lành sâu sắc nhất nên gọi là tối thắng thiện căn. Đồng thời làm tăng trưởng tự tánh thiện căn là Vô tham – Vô sân – Vô si.

Phương tiện Pháp luân

Khi con người ta làm điều sai trái, họ thường giải thích đó là phương tiện. Tuy nhiên, phương tiện không có nghĩa là như vậy, theo Phật giáo phương tiện là những gì được dùng nhằm mục đích đưa con người đến với chân lý, không phải lừa dối.

Nếu xem Pháp là phương tiện dùng để chuyển tải chân lý, đạo lý, là phương tiện giúp con người vượt qua sông mê biển khổ thì ngôn ngữ chính là khả năng diễn đạt chân lý ấy. Nhưng phương tiện đó là gì? Trong cõi Phật mười phương, chí có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói: “Song tất cả đều là phương tiện. Đã là phương tiện thì không được chấp trước, nếu chấp trước thì thành chấp pháp”.

Chân Thật Pháp Luân

Trên bình diện chân lý có hai giai đoạn nhận thức: đó là chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối.

  • Chân lý tương đối là tục đế, như nói: con người sinh ra là phải sinh lão bệnh tử. Các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh…

  • Chân lý tuyệt đối pháp tánh là thường trụ bất sinh bất diệt: Niết bàn là chân lạc, chân thường, chân tịnh, chân ngã. Các pháp là vô ngã. Vô ngã ấy chính là pháp không chân như và ngã không chân như.

Vô Vi Pháp Luân

Vô Vi Pháp Luân là thuyết pháp của Phật làm cho chúng sinh giác ngô, thành phật, giải thoát, chứng Niết Bàn. Chính vì vậy, trong phạm vi tuyệt đối thì mục đích ấy là tiêu chí cho mọi sự hướng dẫn tu hành giải thoát.

Kết Luận Về Truyền Pháp

Truyền Pháp là một nghệ thuật, cũng là một quy trình ấy phải được định hình theo giáo pháp. Tại sao vậy? Vì nếu không theo một giáo pháp nào thì sẽ trở thành điên đảo thuyết pháp và làm sai thánh giáo. Thế nên các vấn đề thuyết pháp đều thống theo một quy trình nhất định về: Trình bày giáo pháp, chỉ rõ nghĩa lý, hướng dẫn tu tập và định hướng kết quả.

Bằng phương tiện ngôn ngữ, các hình thức giáo lý, phân biệt trái phải, vận dụng chánh trí, chuyển động pháp táng, truyền thông và chuyển hóa tâm thức của thính chúng, làm lợi ích, an lạc, giải thoát cho chúng sanh và thế gian.