Ứng phó với bão số 9, thủ tướng khẩn cấp chủ trì cuộc họp

date
27/10/2020
Sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Molave của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Molave của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trung ương, địa phương không tổ chức cuộc họp không cần thiết, trừ các cuộc họp quan trọng, để tập trung lực lượng, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ. 

Trước tình hình khẩn trương và tiên lượng rất xấu liên quan đến dịch chuyển nhanh của cơn bão số 9 hướng vào  Miền Trung đang ngổn ngang do sự càn quét của những trận bão trước và lũ lớn, sáng hôm nay Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết đây là cơn bão mạnh đặc biệt. Trên biển, bão số 9 có thể khiến sóng cao từ 8 - 10 m, khu vực ven biển các tỉnh Trung bộ sóng cao 5 - 7 m, trọng tâm là khu vực Đà Nẵng đến Phú Yên; còn ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định, dự báo có nước biển dâng cao đến 1 m.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 27 – 29/10, bão số 9 sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to ở các tỉnh Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 200 - 350 mm. Sau đó, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây ra mưa lớn kéo dài cho các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ.

Đặc biệt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to, với tổng lượng mưa đạt trên 500 mm/đợt. Theo đó, vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ có nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Cơn bão này đã làm 123 người chết, mất tích và 134 nghìn nhà, hơn 73 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, cùng với đó là 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại Quy Nhơn, Bình Định. Thiệt hại vật chất của cơn bão Damrey năm 2017 lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Trước dự báo rất đáng lo ngại của ngành chuyên môn và tâm thế của chính phủ khẩn cấp họp trước nhằm chủ động hơn trong đối phó phòng chống, càng nhấn mạnh yêu cầu cảnh giác hơn với cơn bão này, như đòn đánh bồi của thiên tai vào vùng đất vốn đã tổn thất nhiều qua một loạt trận bão lịch sử và cũng đặt ra yêu cầu với công tác cứu trợ đang diễn ra trong vùng để bảo vệ tốt nguồn tiền, hàng hóa, an toàn trong dịch chuyển lưu thông...

chuaviet.org tổng hợp