Với quan điểm giáo dục hiện nay, giáo dục phổ thông là nền tảng văn hóa đất nước là tương lai của dân tộc. Giáo dục trong gia đình không thể tách rời nhà trường và xã hội, trường học không chỉ là nơi dạy chữ mà phải cùng với gia đình và cộng đồng tạo nên môi trường xã hội lành mạnh do sự phát triển toàn diện của con người nói chung, nhất là Tăng Ni, Phật tử ngày nay.
Thực tế cho thấy, khi các cháu còn nhỏ rất siêng năng học tập và theo cha mẹ thực hành Phật pháp. Nhưng theo độ tuổi, cùng với sự tác động tiêu cực của môi trường xã hội chung quanh khiến các cháu thấy việc làm của cha mẹ dần dần xa lạ và thiếu thực tế. Ðiều này rất dễ xảy ra ở các bậc cha mẹ chỉ lo vào chùa tu tập để tìm sự yên tĩnh cho riêng mình; thậm chí có người còn xem con cái là những ràng buộc, cản trở cho việc tu tập. Ðiều đó, không phải bạn đang học cách giải thoát mà bạn đang tự tước bỏ điều kiện tu tập và phát triển từ tâm của chính mình. Có nhiều cha mẹ sau thời gian tu tập cảm thấy chán cảnh sống thường nhật, tìm cách ăn chay trường..
Cha mẹ với việc thực hành nết hạnh Phật pháp
Hạnh phúc chỉ hiện diện trong gia đình khi các thành viên tin yêu và chăm sóc lẫn nhau. Ðể có một gia đình hạnh phúc, trước tiên, cha mẹ cần phải làm gương cho con trong việc tu tập, điều gì nói được thì nên thực hành. Không nên ngại ngùng khi lấy những sai lầm của mình ra để hướng dẫn kinh nghiệm tu tập cho cả gia đình. Ở đời, ít ai có thể tránh khỏi việc mắc phạm những sai lầm, nhưng điều quan trọng là biết sửa chữa sai lầm. Khi thực hành năm giới, bạn sẽ biết mình phải đối xử như thế nào với con cái. Bạn có thể đặt câu hỏi: Nếu bạn thêu dệt chuyện phải trái, nói lời gây chia rẽ và căm thù thì con bạn sẽ học được gì ở đó? Rượu, bia, thuốc lá, ma túy... sẽ gây ra những hậu quả xấu như thế nào trong gia đình? v.v...
Rất có thể, những điều đi ngược lại với năm giới sẽ làm cho bạn mất đi cơ hội xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Phật giáo luôn phát đi những thông điệp từ bi, yêu thương, hiểu biết và tha thứ, bạn nên động viên cả gia đình sống theo chiều hướng đó. Con bạn sẽ nhận ra các giá trị đời sống ngay nơi những hành động tốt đẹp của bạn. Tất nhiên, bạn không những cần phải dạy con biết cảm thông, chia sẻ với những cảnh đời éo le, bất hạnh mà còn khuyên con biết chia vui với thành công của người khác. Ðiều này có thể làm giảm nguy cơ gia tăng sự ích kỷ, đố kỵ nơi lòng con trẻ. Tuy việc thực hành năm giới trong gia đình rất có ý nghĩa, nhưng cha mẹ cũng nên khuyên con tuân thủ luật pháp, để chúng biết mình có quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào trước các quy định của luật pháp.
Bạn cũng nên chú ý đến việc tạo cho gia đình một truyền thống tâm linh tốt đẹp, điều đó có ý nghĩa thiêng liêng trong việc đoàn kết, nâng cao trình độ tu tập cho toàn thể gia đình. Truyền thống ấy có thể được tạo lập từ những việc rất nhỏ như ăn chay 2 ngày hoặc 4 ngày... trong một tháng; vào ngày sám hối cùng nhau tụng đọc hay thảo luận về năm giới; tuần rằm lên chùa dâng hương cúng Phật, học hỏi giáo lý; chuẩn bị cho những ngày lễ lớn như lễ Phật đản, lễ Vu Lan... Bên cạnh đó, các dịp lễ giỗ ông bà tổ tiên cũng là lúc để mọi người ôn lại kỷ niệm, tưởng nhớ người đã qua...
Vị trí của cha mẹ trong lòng con cái
Chúng ta cần thay đổi dần quan niệm cha mẹ có quyền quyết định tất cả các vấn đề của con cái. Bạn cần uyển chuyển đặt mình vào các vị trí khác nhau trong lòng con cái, có thể bạn sẽ học được rất nhiều điều thú vị. Hiện nay, lớp trẻ thường hay phàn nàn về việc cha mẹ ít quan tâm đến chúng. Thế nên, việc thờ ơ của bạn là nguyên nhân khiến con cái không tin tưởng thổ lộ những vui buồn cùng bạn. Nên biết, chia sẻ vui buồn với con cái là một nghệ thuật mà bạn cần học cách tiếp cận. Nếu con cái coi việc nào đó là quan trọng, bạn không nên xem nhẹ mà cần tìm hiểu, phân tích, để cùng con giải quyết các tình huống tâm lý phức tạp nơi bản thân chúng.
Nếu cảm thấy khó lắng nghe những điều "vớ vẩn" của con cái, bạn có thể học cách lắng nghe đầy từ tâm nơi đức Quán Thế Âm Bồ Tát; làm được như vậy, bạn sẽ hiểu không có một lời "vớ vẩn" nào trong sự thổ lộ của con bạn. Chỉ có lắng nghe, bạn mới hiểu được con cái nghĩ gì và muốn gì, từ đó vận dụng các phương tiện thích hợp để khuyên bảo chúng. Không nên sớm đem cái nhìn cuộc sống là vô thường, khổ đau gieo vào đầu con trẻ. Bởi thông thường, sau một thời gian tu tập, cha mẹ hay áp đặt cách hiểu, cách nghĩ của mình lên con cái; trong khi đó, điều chúng cần ở cha mẹ chính là kinh nghiệm sống và sự sẻ chia.
Ở tuổi vị thành niên, tâm sinh lý con trẻ có nhiều biến đổi phức tạp, bạn không nên coi đó là việc mình cũng từng trải qua mà chẳng có vấn đề gì. Trẻ có suy nghĩ trước tuổi là một thực tế của xã hội hiện đại, nên bạn cần có những kiến thức căn bản về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản vị thành niên... để có những tư vấn kịp thời khi thấy chúng có những biểu hiện khác thường. Nếu có ít kinh nghiệm về lĩnh vực này, bạn hãy đến các trung tâm tư vấn để chia sẻ kinh nghiệm đó từ các nhà chuyên môn. Ðừng nên có những can thiệp thô bạo vào đời sống riêng tư của con cái, ở tuổi đó chúng rất cần những lời khuyên mềm mỏng, tế nhị. Vì vậy, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa vững chắc để con cái vượt qua những khủng hoảng về tâm sinh lý.
Thực tế cho thấy, khi các cháu còn nhỏ rất siêng năng học tập và theo cha mẹ thực hành Phật pháp. Nhưng theo độ tuổi, cùng với sự tác động tiêu cực của môi trường xã hội chung quanh khiến các cháu thấy việc làm của cha mẹ dần dần xa lạ và thiếu thực tế. Ðiều này rất dễ xảy ra ở các bậc cha mẹ chỉ lo vào chùa tu tập để tìm sự yên tĩnh cho riêng mình; thậm chí có người còn xem con cái là những ràng buộc, cản trở cho việc tu tập. Ðiều đó, không phải bạn đang học cách giải thoát mà bạn đang tự tước bỏ điều kiện tu tập và phát triển từ tâm của chính mình. Có nhiều cha mẹ sau thời gian tu tập cảm thấy chán cảnh sống thường nhật, tìm cách ăn chay trường... tách khỏi đời sống quen thuộc của gia đình. Ðó là một việc làm thiếu tế nhị.
Con cái không những trở nên xa lánh với cha mẹ mà còn có những biểu hiện không tốt khi thấy những người rủ cha mẹ đi chùa, cũng như chư tăng ni nơi chùa mà cha me chúng hay lui tới. Thực hành Phật pháp không có gì lợi ích bằng việc áp dụng đời sống Phật pháp vào ngay những sinh hoạt thường nhật, con cái cũng sẽ cảm nhận được những chuyển hóa sống động từ nơi cha mẹ. Chắc chắn chúng mong ước được nhìn thấy sau khi thực hành tu tập, cha mẹ càng gần gũi yêu thương hơn, giàu cảm thông tha thứ hơn, chăm lo tới con cái nhiều hơn và luôn có nụ cười tươi nhẹ, đầm ấm trên môi. Cuộc sống có không ít sự cố bất ngờ xảy ra, những điều trái ý nghịch lòng có thể đến từ các mối quan hệ gia đình, bè bạn, làng xóm... Ðây chính là tình huống để bạn thực hành Phật pháp. Mọi ứng xử thiếu bình tĩnh, tế nhị làm nảy sinh hiềm khích, thù hằn, mất đoàn kết đều có tác động tiêu cực đến niềm tin mong manh của trẻ đối với Tam bảo.
Giáo dục nhân quả trong gia đình không phải lúc nào cũng đem thiên đường hay địa ngục ra để tác động vào con cái. Nhân quả cần phải được vận dụng thích hợp bằng những tấm gương cụ thể, như thế mới khơi gợi tư duy nhân quả nơi con bạn. Bên cạnh đó, bạn nên thẳng thắn nhận lỗi, kể cả với con mình nếu bạn phạm sai lầm. Bạn có thể nói với con những câu chuyện ngày xưa khi bạn phạm phải lỗi lầm với ông bà, cha mẹ, cũng cần nói thêm cả những day dứt, hối hận nữa. Sẽ là thiệt thòi nếu con bạn không được nghe những câu chuyện tương tự như thế. Bạn phải chịu trách nhiệm trước những hành động của chính mình, sẽ không quá muộn nếu bạn biết chia sẻ cho con cái những kinh nghiệm đó.
Nhà trường không thể hoàn toàn thay thế bạn trong việc truyền đạt những kiến thức ứng xử trực tiếp trong gia đình. Ðơn giản như việc cùng các con dâng thức ăn ngon cho ông bà, mắc mùng, trải chăn gối cho ông bà ngủ, tập cho con cái các kỹ năng quan sát mọi việc trong gia đình, biết quan tâm hỏi han tới sức khỏe, bệnh tật của các thành viên... Cũng cần nói cho các con hiểu, tiền bạc và sự chăm sóc từ bên ngoài không thể thay thế được những tình cảm thiêng liêng đó.
Cha mẹ và mối quan hệ bạn bè của con cái
Con cái bạn chắc chắn dù nhiều hay ít cũng phải có bạn. Bạn bè là phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng chung của các bậc cha mẹ là con cái của họ kết bạn với ai, người đó tốt hay xấu.... Chúng ta có thể chia sẻ với các bậc cha mẹ điều này, tuy nhiên, bỏ một chút ít thời gian để tâm sự, tìm hiểu bạn bè của con cái không phải là chuyện khó. Ðừng đổ hết trách nhiệm lên đầu con khi bạn nhận ra chúng lỡ chơi với một đứa "hư hỏng", nên biết, cha mẹ không thể hoàn toàn chọn bạn thay cho con. Là một người thực hành Phật pháp, bạn cần phải hiểu không có lỗi lầm nào không thể sửa chữa. Không nên thành kiến với bạn của con chỉ vì hoàn cảnh gia đình của bạn con không được tốt. Bạn sẽ thấy vui nếu yêu chúng như yêu chính con mình. Ðó là cơ hội để bạn đem giáo lý tình thương vào đời sống bạn bè của chúng. Nếu bạn không học cách chấp nhận sai lầm của con, rất có thể bạn sẽ thất vọng khi thấy con tiếp tục sai lầm.
Bằng kinh nghiệm sống, bạn có thể định hướng cho quan hệ bạn bè của chúng, nếu cần bạn có thể trở thành nhịp cầu nối. Làm được như vậy, bạn đang đặt con cái trong vòng kiểm soát an toàn mà không mất đi sự tin yêu nơi con trẻ. Biết đâu bạn sẽ trẻ lại khi nhìn thấy chúng vui cười trong hạnh phúc. Trong cuộc sống, tình bạn đến với chúng một cách rất tự nhiên và không khỏi cảm tính. Một nụ cười thân thiện, một giúp đỡ nho nhỏ, một tương đồng trong sở thích...đều có thể gây ấn tượng tốt để chúng có thể kết bạn. Ðừng nói những câu gây đổ vỡ như: "Con biết nó sống trong gia đình như thế nào không? Cha mẹ nghe người ta nói rằng nó là đứa thế này, thế khác...". Phản ứng đột ngột, thiếu tế nhị này có thể gây ra những chống trái gay gắt, hay buồn chán nơi con bạn. Ðừng để con bạn nghĩ rằng người lớn chẳng hiểu gì về chúng cả.
Tuy nhiên đến một độ tuổi nào đó, bạn có thể chỉ ra một cách khéo léo rằng thế giới này không chỉ có một màu hồng. Có rất nhiều cạm bẫy, cám dỗ luôn rình rập, chỉ một phút lơ là, con bạn có thể sẽ nhận lấy những vết thương tâm hồn khó lành. Bạn có trách nhiệm phân tích cho con bạn nghe bằng thực tế những gì đang diễn ra quanh cuộc sống, để chúng có thể tự bảo vệ mình. Bạn nên khuyên con ưu tiên cho các mối quan hệ bạn bè có tác động tích cực đến sức khỏe, học hành, tâm hồn và lối sống hướng thiện; nhưng cũng không nên để con xa lánh, mất niềm tin vào bạn bè chỉ vì một vài khuyết điểm nhất thời của họ.
Trong các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp... sẽ có những khác biệt về truyền thống tôn giáo. Ðừng ngạc nhiên và cảm thấy bất an về điều đó nếu nó là vấn đề nhạy cảm của con bạn. Ðiều trước tiên, bạn không nên tỏ thái độ cấm cản, kỳ thị mà nên khuyên con tránh những tranh luận, so sánh hơn kém về tôn giáo. Ðiều đó sẽ nảy sinh những bất hòa không cần thiết. Một tôn giáo nào đó có thể có ý nghĩa quan trọng với người này nhưng lại rất mờ nhạt với người khác. Không nên cực đoan khi cho rằng chỉ có tôn giáo của mình mới là chân lý. Người theo một tôn giáo bao giờ cũng có quá trình huân tập giáo lý và sống trong tình cảm thiêng liêng của tôn giáo đó, không nên có ý đồ gây chia rẽ tình cảm tôn giáo nhằm khuyến khích họ cải đạo.
Tránh đưa ra sự áp đặt giáo lý khi nói chuyện về một hướng giải quyết nào đó trước các tình huống khác nhau trong cuộc sống. Sẽ là cực đoan nếu ai đó cho rằng hạnh phúc lứa đôi, tình cảm bạn bè chỉ bền vững khi có cùng một đức tin tôn giáo. Phật pháp là bất định pháp, nếu bạn chỉ cho con sống bằng yêu thương, hiểu biết, từ bi, bình đẳng, rộng lượng... thì chúng sẽ thể hiện được nết hạnh Phật pháp trong mọi hoàn cảnh. Bạn nên biết, không có sự chống đối trong thiện pháp và lòng thương yêu con người.
chuaviet.org tổng hợp