Chứng Đạo Ca
Trực chỉ đề cương
Nguyên tác: Huyền Giác Thiền Sư
Biên dịch: Từ Thông Thiền Sư
Sài Gòn 1998 - 2543
---o0o---
Mục lục
THI CA 2
CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO
VỀ NHƠN PHÁP
Phiên âm:
Chứng thực tướng vô nhơn pháp
Sát na diệt khước a tỳ nghiệp
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh
Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp
Dịch nghĩa:
Chứng "thật tướng" thấy rõ cõi đời "vô tướng"
VÔ TƯỚNG đồng với "vạn pháp giai không" Tướng
"PHÁP", "NHƠN" mà còn chẵng có gì!
A tỳ nghiệp vì gì mà hiện hữu
Đấy lẽ thật, đây lời nói thật
Nói cho mình và hy vọng đến với ai kia
Không có ý chi dối gạt phỉnh phờ
Được phép thệ! Dù thề độc cũng xin cam nhận
TRỰC CHỈ
Người chứng đạo quán triệt thật tướng của vạn pháp là vô tướng, người ta sẽ không còn chấp NHƠN và PHÁP. Do diệt bỏ ý niệm chấp mà tâm hồn thanh thoát khinh an đến độ tự tại NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG. Vì vậy, cái gọi là nghiệp A tỳ nếu có, cũng tự hóa giải tiêu dong. Đó là sự thật mà đạo lý có thể chứng minh.
Nghiệp A tỳ nếu có, nó phát nguyên từ ý niệm chấp mắc. Chấp nhơn và chấp pháp là hai đối tượng chấp, nó sanh ra vô vàn đâu khổ và là nguyên nhân đau khổ. Tám mươi bốn ngàn trần lao phiền não đều do hai thứ chấp VÔ NHƠN mà ra. Thấy biết rõ tánh chất VÔ NHƠN, VÔ PHÁP thì diệt hết khổ nạn A tỳ trong sát na là chân lý đương nhiên vậy.
Người học Phật, tu Phật không được THỀ. Vì thiết tha với chân lý, vì muốn truyền trao chánh pháp trong sáng cho mọi người con Phật, tác giả CHỨNG ĐẠO CA, phải thốt ra lời: như cam kết, như tự THỀ để nói lên nỗi lòng thành thật và tha thiết đối với chánh pháp.
"Được phép thệ, dù thề độc cũng xin cam nhận".
---o0o---
Trình bày:Hồng Anh
Cập nhật : 09-2020