Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Tùng địa dũng xuất

date
15/10/2020
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Tùng địa dũng xuất

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Hán Dịch

Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Việt Dịch

--- o0o ---

 

Mục Lục

TÂM NGUYỆN CỦA DỊCH GIẢ

Thay Lời Tựa

NGHI - THỨC SÁM HỐI TRƯỚC KHI TỤNG KINH

QUYỂN 1

1. Phẩm Tựa

2. Phẩm Phương tiện 

Quyển II

3. Phẩm Thí dụ 

4. Phẩm Tín giải 

Quyển III

5. Phẩm Dược thảo dụ 

6. Phẩm Thọ ký 

7. Phẩm Hóa thành dụ 

Quyển IV

8. Phẩm Ngũ bá đệ tử thọ ký 

9. Phẩm Thọ-học vô-học nhơn-ký 

10. Phẩm Pháp sư

11. Phẩm Hiện Bảo tháp

12. Phẩm Đề-Bà-Đạt-Đa 

13. Phẩm Trì 

Quyển V

14. Phẩm An-lạc hạnh

15. Phẩm Tùng địa dũng xuất 

16. Phẩm Như Lai thọ-lượng 

17. Phẩm Phân biệt công đức

Quyển VI

18. Phẩm Tùy-hỷ công đức

19. Phẩm Pháp-sư công-đức

20. Phẩm Thường-Bất-Khinh Bồ-Tát

21. Phẩm Như Lai thần-lực

22. Phẩm Chúc-lụy

23. Phẩm Dược-Vương Bồ-Tát bổn-sự

Quyển VII

24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-Tát

25. Phẩm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Phổ-Môn

26. Phẩm Đà-La-Ni

27. Phẩm Diệu-Trang-Nghiêm-Vương bổn-sự

28. Phẩm Phổ-Hiền Bồ-Tát khuyến-phát 

Quyển Thứ Năm

Phẩm 'Tùng-Địa Dũng Xuất'

Thứ Mười Lăm

  1. - Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ-tát ở cõi nước phương khác đông hơn số cát của tám sông Hằng, ở trong đại-chúng đứng dậy chắp tay làm lễ mà bạch Phật rằng: "Thế-Tôn! Nếu bằng lòng cho chúng con lúc sau khi Phật diệt-độ ở tại cõi Ta-Bà này siêng tu tinh tấn, giữ-gìn đọc-tụng, biên chép cúng-dàng kinh-điển này, thời chúng con sẽ ở trong cõi đây mà rộng nói đó". 

Khi đó Phật bảo các chúng đại Bồ-tát: "Thiện nam-tử! Thôi đi chẳng cần các ông hộ-trì kinh này. Vì sao? Vì cõi Ta-bà của ta tự có chúng đại Bồ-tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng. Mỗi vị Bồ-tát có sáu muôn hằng-hà-sa quyến-thuộc, những người đó có thể sau khi ta diệt-độ hộ-trì đọc tụng rộng nói kinh này".

  1. - Lúc Phật nói lời đó, cõi Ta-Bà trong tam-thiên đại-thiên cõi nước đất đều rúng nứt, mà ở trong đó có vô-lượng nghìn muôn ức vị đại Bồ-tát đồng thời vọt ra. Các vị Bồ-tát đó thân đều sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt cùng vô-lượng ánh-sáng, trước đây đều ở dưới cõi Ta-Bà này, cõi đó trụ giữa hư-không. Các vị Bồ-tát đó nghe tiếng nói của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nên từ dưới mà đến. Mỗi vị Bồ-tát đều là bậc đạo thủ trong đại chúng, đều đem theo sáu muôn hằng-hà-sa quyến-thuộc, huống là những vị đem năm muôn, bốn muôn, ba muôn, hai muôn, một muôn hằng-hà-sa quyến thuộc. Huống là nhẫn đến những vị đem một hằng-hà-sa, nửa hằng-hà-sa, một phần hằng-hà-sa, nhẫn đến một phần trong nghìn môn ức na-do-tha phần hằng-hà-sa quyến-thuộc. Huống là những vị đem nghìn môn ức na-do-tha quyến-thuộc, huống là đem muôn ức quyến-thuộc, huống là đem nghìn trăm muôn nhẫn đến một muôn, huống là đem một nghìn, một trăm nhẫn đến mười quyến thuộc, huống là năm, bốn, ba, hai, một người đệ-tử. Huống lại là những vị riêng một mình ưa hạnh viễn-ly, số đông vô lượng vô-biên dường ấy, tính đếm thí-dụ chẳng có thể biết được.
  2. - Các vị Bồ-tát đó từ dưới đất lên, đều đến nơi tháp đẹp bảy báu, chỗ của đức Đa-Bửu Như-Lai và Thích Ca Mâu-Ni Phật, đến nơi rồi hướng về hai vị Thế-Tôn mà đầu mặt lạy chân Phật, và đến chỗ các đức Phật ngồi trên tòa sư-tử dưới cội cây báu, cũng đều làm lễ. Đi quanh bên mặt ba vòng, chắp tay cung-kính dùng các cách ngợi-khen của Bồ-tát mà ngợi-khen Phật, rồi đứng qua một phía, ưa vui chiêm-ngưỡng hai đấng Thế-Tôn.

Từ lúc các vị Bồ-tát do từ dưới đất vọt lên dùng các cách ngợi-khen của Bồ-tát mà khen-ngợi Phật, thời gian đó trải qua năm mươi tiểu-kiếp. Bấy giờ, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nín lặng ngồi yên, cùng hàng tứ-chúng cũng đều nín lặng, năm mươi tiểu kiếp, vì do sức thần của Phật, khiến hàng đại-chúng cho là như nửa ngày.

Bấy giờ, hàng tứ-chúng cũng nhờ sức thần của Phật, thấy các Bồ-tát đầy khắp vô-lượng nghìn muôn ức cõi nước hư-không.

  1. - Trong chúng Bồ-tát đó có bốn vị đạo sư: 1. Thượng-Hạnh. 2. Vô-biên-Hạnh. 3. Tịnh-Hạnh. 4. An-Lập-Hạnh. Bốn vị Bồ-tát này là bậc thượng-thủ Xướng-đạo sư trong chúng đó, ở trước đại-chúng, bốn vị đồng chắp tay nhìn đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật mà hỏi thăm rằng: "Thưa Thế-Tôn! Có được ít bịnh, ít não, an-vui luôn chăng, những người đáng độ thụ-giáo dễ chăng, chẳng làm cho đức Thế-Tôn sinh mỏi nhọc chăng?"

Khi đó, bốn vị Bồ-tát nói kệ rằng:

Thế-Tôn được an-vui

Ít bện cùng ít não,

Giáo hóa các chúng-sinh,

Được không mỏi nhọc ư?

Lại các hàng chúng-sinh

Thụ hóa có dễ chăng?

Chẳng làm cho Thế-Tôn

Sinh nhọc mệt đó ư?

  1. - Lúc bấy giờ đức Thế-Tôn ở trong đại-chúng Bồ-tát mà nói rằng: "Đúng thế! Đúng thế! Các thiện-nam tử! Đức Như-Lai an vui, ít bịnh, ít não, các hàng chúng-sinh hóa-độ được dễ, không có nhọc mệt.

Vì sao? Vì các chúng-sinh đó, từ nhiều đời nhẫn lại, thường được ta dạy bảo, mà cũng từng ở nơi các Phật quá-khứ, cung-kính, tôn-trọng, trồng các cội lành. Các chúng-sinh đó vừa mới thấy thân ta, nghe ta nói pháp, liền đều tín nhận, vào được trong tuệ của Như-Lai, trừ người trước đã tu-tập học-hành tiểu-thừa; những người như thế ta cũng khiến được nghe kinh này, vào trong tuệ của Phật".

Lúc ấy các vị Bồ-tát nói kệ rằng:

Hay thay! Hay thay!

Đức đại-hùng Thế-Tôn

Các hàng chúng-sinh thảy

Đều hóa độ được dễ

Hay hỏi các đức Phật

Về trí-tuệ rất sâu

Nghe pháp rồi tin làm

Chúng con đều tùy-hỷ.

Khi đó, đức Thế-Tôn khen-ngợi các vị đại Bồ-tát thượng-thủ: "Hay thay! Hay thay! Thiện-nam-tử! Các ông có thể đối với đức Như-Lai mà phát lòng tùy-hỷ".

  1. – Bấy giờ ngài Di-Lặc Bồ-tát cùng tám nghìn hằng-hà-sa các chúng Bồ-tát đều nghĩ rằng: "Chúng ta từ xưa nhẫn lại chẳng thấy, chẳng nghe các chúng đại Bồ-tát như thế, từ dưới đất vọt lên, đứng trước đức Thế-Tôn, chắp tay cúng-dàng thăm hỏi Như-Lai".

Lúc đó, ngài Di-Lặc Bồ-tát biết tâm-niệm của tám nghìn hằng-hà-sa chúng Bồ-tát, cùng muốn tự giải quyết chỗ nghi của mình, bèn chắp tay hướng về phía Phật, nói kệ rằng:

Vô-lượng nghin muôn ức

Các Bồ-tát đại-chúng

Từ xưa chưa từng thấy

Nguyện đấng Lưỡng-Túc nói

Là từ chốn nào đến

Do nhân-duyên gì nhóm

Thân lớn đại thần-thông

Trí tuệ chẳng nghĩ bàn

Chí niệm kia bền vững

Có sức nhẫn-nhục lớn

Chúng-sinh chỗ ưa thấy

Là từ chốn nào đến?

Mỗi mỗi hàng Bồ-tát

Đem theo các quyến-thuộc

Số đông không thể lường

Như số hằng-hà-sa

Hoặc có đại Bồ-tát

Đem sáu muôn hằng-sa

Các đại-chúng như thế

Một lòng cầu Phật-đạo,

Những đại-sư đó thảy

Sáu muôn hằng-hà-sa

Đều đến cúng-dàng Phật

Cùng hộ-trì kinh này.

Đem năm muôn hằng-sa

Số này hơn số trên

Bốn muôn và ba muôn

Hai muôn đến một muôn

Một nghìn một trăm thảy

Nhẫn đến một hằng-sa

Nửa và ba bốn phần

Một phần trong ức muôn

Nghìn muôn na-do-tha

Muôn ức các đệ-tử

Nhẫn đến đem nửa ức

Số đông lại hơn trên.

Trăm muôn đến một muôn

Một nghìn và một trăm

Năm mươi cùng một mươi

Nhẫn đến ba, hai, một

Riêng mình không quyến-thuộc

Ưa thích ở riêng vắng

Đều đi đến cõi Phật

Số đây càng hơn trên.

Các đại-chúng như thế

Nếu người phát thẻ đếm

Quá nơi kiếp hằng-sa

Còn chẳng thể biết hết.

Các vị uy-đức lớn

Chúng Bồ-tát tinh-tấn

Ai vì đó nói pháp

Giáo-hóa cho thành-tựu

Từ ai, đầu phát tâm?

Xưng-dương Phật-pháp nào?

Thụ-trì tu kinh gì?

Tu-tập Phật-đạo nào?

Các Bồ-tát như thế

Thần-thông sức trí lớn

Đất bốn-phương rúng nứt

Đều từ đất vọt lên

Thế-Tôn! Con từ xưa

Chưa từng thấy việc đó

Xin Phật nói danh-hiệu

Cõi nước của kia ở.

Con thường qua các nước

Chưa từng thấy chúng này

Con ở trong chúng đây

Bèn chẳng quen một người

Thoạt vậy từ đất lên

Mong nói nhân-duyên đó.

Nay trong đại-hội này

Vô-lượng trăm nghìn ức

Các chúng Bồ-tát đây

Đều muốn biết việc này

Hằng Bồ-tát chúng kia

Gốc ngọn nhân duyên đó

Thế-Tôn đức vô-lượng

Cúi mong quyết lòng nghi.

  1. - Khi ấy các vị Phật của đức Thích-Ca Mâu-Ni phân thân, từ vô-lượng nghìn muôn ức cõi nước ở phương khác đến, ngồi xếp bằng trên tòa sư-tử, dưới các gốc cây báu nơi trong tám phương. Hàng thị-giả của Phật đó, đều thấy đại-chúng Bồ-tát ở bốn-phương cõi tam-thiên đại-thiên, từ đất vọt lên trụ trên hư-không, đều bạch với Phật mình rằng: "Thế-Tôn! Các đại-chúng vô-lượng vô-biên a-tăng-kỳ Bồ-tát đó, từ chốn nào mà đến?"

Lúc ấy các đức Phật đều bảo thị-giả: "Các Thiện-nam tử! Hãy chờ giây lát, hiện có vị đại Bồ-tát tên là Di-Lặc, là vị mà đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật thụ-ký kế đây sẽ làm Phật đã hỏi việc đó, đức Phật sẽ đáp, các ông tự đương, nhân đây mà được nghe."

  1. – Bấy giờ, đức Thích-Ca Mâu-ni Phật bảo ngài Di-Lặc Bồ-tát: "Hay thay! Hay thay! A-Dật-Đa (9), bèn có thể hỏi Phật việc lớn như thế, các ông phải chung một lòng, mặc giáp tinh-tấn, phát ý bền vững. Nay đức Như-Lai muốn hiển-phát tuyên-bày trí-tuệ của các đức Phật, sức thần-thông tự-tại của các đức Phật, sức sư-tử mạnh nhanh của các đức Phật, sức uy thế mạnh lớn của các đức Phật".

Khi đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Phải một lòng tinh-tấn

Ta muốn nói việc này

Chớ nên có nghi-hối

Trí Phật chẳng nghĩ bàn

Ông nay gắng sức tin

Trụ nơi trong nhẫn thiện

Chỗ pháp xưa chưa nghe

Nay đều sẽ được nghe

Nay ta an-ủi ông

Chớ ôm lòng nghi sợ

Phật không lời chẳng thực

Trí-tuệ chẳng nghĩ bàn

Phật được pháp bậc nhất

Rất sâu khó phân biệt

Như thế nay sẽ nói

Các ông một lòng nghe.

  1. - Khi đức Thế-Tôn nói kệ đó, bảo ngài Di-Lặc Bồ-tát: "Nay ta ở trong đại-chúng này, tuyên bảo các ông. A-Dật-Đa! Các hàng đại Bồ-tát vô-lượng vô-số a-tăng-kỳ, từ dưới đất vọt ra mà các ông từ xưa chưa từng thấy đó, chính ta ở cõi Ta-bà lúc được vô-thượng chính-đẳng chính-giác rồi, giáo-hóa chỉ dẫn các Bồ-tát đó, điều-phục tâm kia khiến phát đạo-tâm.

Các vị Bồ-tát đó, ở phía dưới cõi Ta-bà, cõi đó trụ giữa hư-không, ở trong các kinh điển đọc tụng thông lẹ, suy ngẫm rõ hiểu, nghĩ tưởng chân-chính. A-Dật-Đa! Các Thiện-nam-tử đó chẳng thích ở trong chúng nhiều nói bàn, thường ưa ở chỗ vắng, siêng tu tinh-tấn chưa từng thôi dứt. Cũng chẳng nương tựa người trời mà ở, thường ham trí-tuệ sâu không có chướng-ngại, cũng thường ham nơi pháp của đức Phật, chuyên lòng tinh-tấn cầu tuệ vô-thượng.

Lúc đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

A-Dật ông nên biết!

Các Bồ-tát lớn này

Từ vô-số kiếp lại

Tu-tập trí-tuệ Phật

Đều là ta hóa-độ

Khiến phát đại-đạo tâm

Chúng đó là con ta

Y chỉ thế-giới này

Thường tu-hạnh đầu-đà

Chỉ thích ở chỗ vắng

Bỏ đại-chúng ồn náo

Chẳng ưa nói bàn nhiều,

Các vị đó như thế

Học tập đạo-pháp ta

Ngày đêm thường tinh-tấn

Vì để cầu Phật-đạo

Ở phương dưới Ta-bà

Trụ giữa khoảng hư-không

Sức chí niệm bền-vững

Thường siêng cầu trí-tuệ

Nói các món pháp mầu

Tâm kia không sợ-sệt.

Ta ở thành Già-Da

Ngồi dưới gốc Bồ-Đề

Thành bậc tối chính-giác

Chuyển pháp-luân vô-thượng

Rồi mới giáo-hóa đó

Khiến đều phát đạo-tâm

Nay đều trụ bất-thối

Đều sẽ được thành Phật.

Nay ta nói lời thực

Các ông một lòng tin

Ta từ lâu xa lại

Giáo-hóa các chúng đó.

  1. - Lúc bấy giờ, ngài Di-Lặc Bồ-tát cùng vô-số chúng Bồ-tát, lòng sinh nghi-hoặc, lấy làm lạ chưa từng có mà nghĩ rằng: "Thế nào đức Thế-Tôn ở trong thời-gian rất ngắn mà có thể giáo-hóa vô-lượng vô-biên a-tăng-kỳ các đại Bồ-tát đó, làm cho trụ nơi vô-thượng chính-đẳng chính-giác".

Liền bạch Phật rằng: "Thế-Tôn! Đức Như-Lai lúc làm Thái-Tử rời khỏi cung dòng Thích, ngồi nơi đạo-tràng cách thành Già-Da chẳng bao xa, được thành vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Từ đó đến nay mới hơn bốn mươi năm, đức Thế-Tôn thế nào ở trong thời-gian ngắn đó làm nên Phật sự lớn! Do thế-lực của Phật, do công-đức của Phật, giáo-hóa vô-lượng chúng Bồ-Tát lớn như thế sẽ thành vô-thượng chính-đẳng chính-giác?

Thế-Tôn! Chúng đại Bồ-tát này giả sử có người trong nghìn muôn ức kiếp đếm không thể hết, chẳng được ngằn mé, chúng đó từ lâu nhẫn lại, ở nơi vô-lượng vô-biên các đức Phật, trồng các gốc lành, thành-tựu đạo Bồ-tát thường tu phạm-hạnh.

Thế-Tôn! Việc như thế đời rất khó tin. Thí như có người sắc đẹp tóc đen, tuổi hai mươi lăm, chỉ người trăm tuổi, nói đó chỉ là con của ta. Người trăm tuổi nọ cũng chỉ gã tuổi nhỏ nói là cha ta, đẻ nuôi ta thảy, việc đó khó tin. Đức Phật cũng như thế.

Từ lúc thành đạo nhẫn đến nay, kỳ thực chưa bao lâu, mà các đại-chúng Bồ-tát đó, đã ở nơi vô-lượng nghìn muôn ức kiếp, vì Phật-đạo nên siêng tu tinh-tấn, khéo nhập xuất trụ nơi vô-lượng nghìn muôn ức tam-muội (11) được thần-thông lớn, tu hạnh thanh-tịnh đã lâu, khéo hay thứ đệ tập các pháp lành, giỏi nơi vấn-đáp, là báu quý trong loài người, tất cả thế-gian rất là ít có.

Ngày nay đức Thế-Tôn mới nói, lúc được Phật đạo, bắt đầu khiến kia phát tâm, giáo-hóa chỉ dạy dìu-dắt, làm cho kia hướng về vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Đức Thế-Tôn thành Phật chưa bao lâu mà bèn có thể làm được việc công-đức lớn này.

Chúng con dầu lại tin Phật tùy cơ-nghi nói pháp, lời Phật nói ra chưa từng hư-vọng, chỗ Phật biết thảy đều thông suốt, như các Bồ-tát mới phát tâm, sau khi Phật diệt-độ nếu nghe lời này boặc chẳng tin nhận, sinh nhân-duyên tội-nghiệp phá chính-pháp.

Kính thưa Thế-Tôn! Mong vì chúng giải nói trừ lòng nghi của chúng con, và các-thiện-nam-tử đời vị-lai nghe việc này rồi cũng chẳng sinh nghi.

Lúc đó ngài Di-Lặc muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

  1. Phật xưa từ dòng Thích

Xuất-gia gần Già-da

Ngồi dưới cây Bồ-đề

Đến nay còn chưa xa.

Các hàng Phật-tử này

Số đông không thể lường

Lâu đã tu Phật-Đạo

Trụ nơi sức thần-thông

Khéo học đạo Bồ-tát

Chẳng nhiễm pháp thế-gian

Như hoa sen trong nước

Từ đất mà vọt ra

Đều sinh lòng cung-kính

Đứng nơi trước Thế-Tôn,

Việc đó khó nghĩ bàn

Thế nào mà tin được

Phật được đạo rất gần

Chỗ thành-tựu rất nhiều

Mong vì trừ lòng nghi

Như thực phân-biệt nói

Thí như người trẻ mạnh

Tuổi mới hai mươi lăm

Chỉ người trăm tuổi già

Tóc bạc và mặt nhăn:

Bọn này của ta sinh

Con cũng nói là cha

Cha trẻ mà con già

Mọi người đều chẳng tin.

Thế-Tôn cũng như thế

Được đạo đến nay gần

Các chúng Bồ-Tát này

Chí vững không hiếp nhược

Từ vô-lượng kiếp lại

Mà tu đạo Bồ-tát

Giỏi nơi gạn hỏi đáp

Tâm kia không sợ-sệt

Nhẫn-nhục lòng quyết-định

Đoan-chính có uy-đức

Mười-phương Phật khen-ngợi

Khéo hay phân-biệt nói

Chẳng thích ở trong chúng

Thường ưa ở thuyền-định

Vì cầu Phật đạo vậy

Trụ hư-không phương dưới.

Chúng con từ Phật nghe

Nơi việc này không nghi

Nguyện Phật vì người sau

Diễn nói khiến rõ hiểu,

Nếu người ở kinh này

Sinh nghi lòng chẳng tin

Liền phải đọa đường dữ

Mong nay vì giải nói:

Vô-lượng Bồ-tát đó

Thế nào thời-gian ngắn

Giáo-hóa khiến phát tâm

Mà trụ bậc bất-thối?


 

TIN KHÁC