Cúng tế nhiều chưa hẳn phước đã nhiều

date
06/10/2020
Tổ chức đại hội tế lễ, hiến tế thần linh, cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, phổ thí cho người nghèo để cầu thành tựu phước báo cũng như nguyện cầu âm siêu dương thái là tín niệm của Bà-la-môn giáo, là tập tục phổ biến trong xã hội Ấn Độ thời Thế Tôn còn tại thế và kéo dài cho đến tận ngày nay.

Tổ chức đại hội tế lễ, hiến tế thần linh, cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, phổ thí cho người nghèo để cầu thành tựu phước báo cũng như nguyện cầu âm siêu dương thái là tín niệm của Bà-la-môn giáo, là tập tục phổ biến trong xã hội Ấn Độ thời Thế Tôn còn tại thế và kéo dài cho đến tận ngày nay.

cung_te_nhieu_chua_han_phuoc_da_nhieu.jpg

Đối với vua quan và các trưởng giả phú gia thì đại hội tế lễ của họ được tổ chức rất hoành tráng (nhưng cũng rất dã man, đẫm máu) với việc giết hàng ngàn gia súc làm lễ phẩm tế thần và vô số các cúng phẩm khác. Ở những đại hội tế lễ như thế này, các vị Sa-môn, Bà-la-môn được thỉnh mời đến rất đông, trong đó có cả một số Sa-môn Thích tử.


Đức Phật đã khuyến cáo các Tỳ-kheo không nên đến các tế đàn mà có sự giết hại quá nhiều. Ngài cũng rất nhiều lần khuyến nghị mọi người nên tổ chức những đại hội tế lễ với các cúng phẩm thanh tịnh, hạn chế tối đa việc sát sinh. Quan trọng là, Đức Phật còn giới thiệu một phương cách tạo phước khác, không cần phải tổ chức tế lễ, đó là chánh tín phụng trì Tam bảo Phật-Pháp -Tăng và rải tâm từ đến muôn loài.


“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc tổ chức đại hội rộng rãi. Vì đại hội nên đem cả nghìn con bò đực cột vào trụ và những đồ vật cúng tế. Cho mời hết các ngoại đạo khác nhau, từ xa đến tụ tập đông đủ nơi đại hội của vua Ba-tư-nặc.


Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo, sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực, nghe vua Ba-tư-nặc mở đại hội rộng rãi… Nghe rồi, sau khi khất thực xong, trở về tinh xá cất y bát, rửa chân rồi, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay, các Tỳ-kheo chúng con đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực, nghe vua Ba-tư-nặc mở đại hội rộng rãi. Vì đại hội nên đem cả nghìn con bò đực cột vào trụ và những đồ vật cúng tế. Cho mời hết các ngoại đạo khác nhau, từ xa đến tụ tập đông đủ nơi đại hội của vua Ba-tư-nặc.


Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Tháng tháng mở đại hội
Cho đến số trăm nghìn
Không bằng chánh tín Phật,
Bằng một phần mười sáu.
Cũng vậy, tín Pháp, Tăng
Từ tâm với chúng sanh
Phước của đại hội kia
Không bằng phần mười sáu.
Nếu người ở thế gian,
Ức năm tạo nghiệp phước
Không bằng một phần bốn
Kính lễ vị trực tâm.


Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1234)


Pháp thoại này Đức Phật đã cho biết, dù tổ chức các đại hội tế lễ to lớn đến mấy thì phước đức cũng không bằng một phần mười sáu (1/16) của việc kính tin Tam bảo và rải tâm từ bi. Ngài còn nhấn mạnh, nếu một người ở thế gian trải qua hàng ngàn năm tạo phước bằng cách tế tự cũng không bằng một phần tư (1/4) phước đức của người kính lễ vị Trực tâm (vị Tỳ-kheo chân chính, thực hành Bát chánh đạo).


Liên hệ thực tiễn, trong các Phật sự của Phật giáo Việt Nam hiện nay, nhất là vào mùa Vu lan thì tổ chức đại trai đàn chẩn tế (và các biến thể của nó như giải oan cắt kết, giải oan bạt độ) để cầu phước đức, cầu an siêu cũng khá phổ biến. Thông qua hoạt động trai đàn này, nếu chư Tăng có thể làm cho người Phật tử phát khởi niềm kính tin Tam bảo, sống với tâm từ thì thật phước hạnh cho hàng Phật tử. Còn nếu như hàng Phật tử chưa hội đủ nhân duyên tài lực tổ chức trai đàn cầu phước thì vẫn có cách khiến cho tăng trưởng phước báo đầy đủ (có thể hơn cả người tổ chức trai đàn), đó là kính tín phụng hành Phật-Pháp-Tăng.

chuaviet.org tổng hợp