Đến các đền chùa miếu mạo, lăng tẩm, người ta thi nhau đốt vàng mã. Lễ của người này phải nhiều hơn người khác, để van xin, để cầu khấn, mục đích cuối cùng là mặc cả với thánh thần. Một xã hội còn nhiều mê tín dị đoan, một cộng đồng còn mê muội, lạc hậu như vậy thì khó nói đến phát triển, đừng hy vọng chạm đến ngưỡng văn minh.
Theo tớ là cứ phải phạt thật nặng. - Bác muốn phạt cái gì? - Thì phạt cái anh đốt vàng mã ấy. - Bác muốn nói đến vụ cháy hôm qua tại tòa nhà 9 tầng do đốt vàng mã phải không?
- Đúng đấy. Đã có biết bao nhiêu vụ cháy, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng cũng chỉ bởi nguyên nhân đốt vàng mã mà không tránh được. Thật vô lý quá.
- Đúng là đốt vàng mã đã thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam. Mà cái tiềm thức này phải nói là tiềm ẩn nhiều nguy cơ hoả hoạn. Theo em chỉ phạt nặng như bác vẫn chưa đủ.
- Ý chú nói là phải cấm tiệt chứ gì.
- Rõ là như thế. Một thói quen có hại về nhiều mặt như thế mà vẫn cứ tồn tại là không thể chấp nhận được.
- Chẳng nói đâu xa, chỉ tính ngày hôm qua (09/10) thôi, tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy do đốt vàng mã. Vụ thứ nhất như đã nói tại một quán karaoke trên phố Hào Nam; vụ thứ hai tại một ngôi nhà 6 tầng trên phố Núi Trúc. Rất may cả hai vụ không có thiệt hại về người, song xét về hậu quả xã hội là hết sức nặng nề.
- Đúng là hậu quả đối với xã hội là rất nặng. Ví như vụ cháy ở tòa nhà 9 tầng. Đã phải huy động 8 xe cứu hỏa tới hiện trường thực hiện công tác chữa cháy, mới ngăn chặn được thiệt hại nặng nề. Đấy là rất may không có thiệt hại về người đó. Chứ nhiều vụ trong khi chữa cháy cứu tính mạng và tài sản của nhân dân, có chiến sĩ đã phải bỏ mạng trong sự tiếc thương vô hạn.
- Trước đây, khi nhà một vị hàng xóm xảy ra cháy do sơ suất thắp nến khi mất điện, tớ thấy gia chủ bị gọi lên nộp phạt, đã nghĩ cháy có ai muốn, họ đã bị cháy mất bao nhiêu tài sản, còn bị nộp phạt, thật không nên. Giờ mới thấy hậu quả của các vụ cháy là khôn lường, đáng phải phạt lắm.
- Phạt vẫn là còn nhẹ ấy chứ bác. Chỉ bàn riêng việc cháy do đốt vàng mã em nghĩ là phải cấm tiệt.
- Cấm tiệt là đúng rồi, nhưng trên chú nói, đốt vàng mã là thói quen ăn vào tiềm thức của người dân rồi, cấm cũng khó. Cần phải tuyên truyền vận động mạnh mẽ và sâu rộng hơn, mới hy vọng giảm được.
- Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Theo quan điểm của Phật giáo, việc đốt vàng mã không có ý nghĩa, chỉ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
- Theo tớ tiếng nói của Giáo hội phật giáo trong lĩnh vực này rất có hiệu quả. Này nhé, trước đây ở khu nhà tớ mỗi dịp lễ tết, mùng 1 hôm rằm, các gia đình đốt vàng mã ghê lắm, vậy mà nhân một dịp thỉnh kinh, một bậc sư thầy khuyên rằng không nên đốt vàng mã, vậy mà từ đấy cả xóm không nhà nào đốt nữa.
- Đúng là bao nhiêu con số tiền tỷ tiêu theo vàng mã, bao nhiêu vụ hỏa hoạn do đốt vàng mã, bao nhiêu cuộc vận động… không hiệu nghiệm bằng một lời của thầy. Thế nhưng xóm nhà bác “dân trí cao” nghe vậy thực hiện liền, chứ nhiều nơi hậu quả nhãn tiền ra đấy, đốt vẫn đốt.
- Bây giờ người ta chẳng những chỉ đốt tiền vàng mã, mà đốt đủ thứ, người sống có gì, người ta đốt cho người chết thứ ấy. Thế mới xảy ra ối chuyện cười ra nước mắt.
- Kiểu như đốt ô tô thì phải đốt thêm một ông lái xe, rồi muốn thân nhân làm “sếp” thì phải đốt cho cô thư ký…
- Rồi ô tô muốn chạy được ngoài lái xe phải có xăng… thế là mang xăng ra đốt, khi cháy nhà mới biết mình dại thì đã quá muộn.
- Đùa vậy thôi, chứ tác hại về nhiều mặt của tệ đốt vàng mã thì đã rõ. Theo em, vận động, phạt, phạt nặng vẫn chưa đủ mà cần một chủ trương mạnh hơn.
- Mạnh hơn như thế nào? Tiền mất tật mang, thiệt hại to lớn về người và của qua các vụ cháy do đốt vàng mã đều đã xảy ra mà không biết sợ, phỏng còn sợ gì nữa mà “mạnh” được.
- Em ví dụ nhé. Việc đốt pháo ấy. Lãng phí có, ô nhiễm môi trường có, nguy hiểm có, nguy cơ cháy nổ cao có… và nhất là đã ăn sâu vào tiềm thức, phong tục của người Việt có. Vậy sao cấm được?
- Ừ nhỉ, việc đốt pháo ngày tết, ngày cưới, ngày vui… của ta còn phổ biến bằng mấy đốt vàng mã ấy chứ. Ai cũng nghĩ không thể cấm được. Vậy mà giờ cứ tịnh không một tiếng pháo.
- Đó, chỉ thị đã có, cứ ai đốt, nhẹ thì phạt, nặng thì bắt. Khu vực nào có pháo nổ, lãnh đạo chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm. Rồi quyết liệt truy quét sản xuất, buôn lậu pháo. Chặn cứng đầu ra, đầu vào. Vậy là thành công.
- Cũng như việc quy định đội mũ bảo hiểm ấy, bây giờ ra đường ai không đội mũ; nhà ai đốt pháo thấy mình lạc lõng. Phải có chế tài để ai đốt vàng mã cũng thấy mình lạc lõng mà tự thẹn.
- Đúng thế bác ạ!
Việt Nam đã có những đạo luật được xem là "cách mạng", đó là cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, cấm lái xe sau khi uống bia rượu.
Hiệu quả của Nghị định 100 đã thấy quá rõ khi đi áp dụng vào đời sống.
Vậy cũng đã đến lúc đặt vấn đề về quy định cấm đốt vàng mã.
Bởi vì, vàng mã là hủ tục, chính các chức sắc có uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng lên tiếng về việc này, và khẳng định nhà Phật không có giáo huấn Phật tử về đốt vàng mã như sự thể hiện niềm tin tôn giáo.
Đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường. Không khí nhiễm độc, trong đó có sự đóng góp của hàng ngàn tấn vàng mã và nhang độc đốt hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.
Đốt vàng mã gây lãng phí cho xã hội. Ngày nay con người hình như còn mê tín hơn, đốt cả ngựa xe, nhà lầu to vật. Người ta có niềm tin mù quáng rằng, tặng cho người âm của cải vật chất, vàng, đô la thì sẽ được người âm cho lại những thứ đó.
Đến các đền chùa miếu mạo, lăng tẩm, người ta thi nhau đốt vàng mã. Lễ của người này phải nhiều hơn người khác, để van xin, để cầu khấn, mục đích cuối cùng là mặc cả với thánh thần.
Một xã hội còn nhiều mê tín dị đoan, một cộng đồng còn mê muội, lạc hậu như vậy thì khó nói đến phát triển, đừng hy vọng chạm đến ngưỡng văn minh.
Sẽ có ý kiến phản đối về việc cấm đốt vàng mã, vì cho rằng đây là tín ngưỡng của người dân. Đồng ý, tín ngưỡng của người dân thì người dân cứ giữ, nhưng trong nhà, cấm tuyệt đối nơi công cộng. Cũng giống như thuốc lá vậy thôi, ai muốn giết lá phổi của mình thì cứ hút ở nơi riêng tư, còn cấm không được giết lá phổi khác.
Cũng giống như ai uống rượu bia thì cứ uống, muốn hại sức khỏe của mình thì cứ việc, nhưng không lái xe gây nguy hiểm cho người khác.
Ai muốn đốt vàng mã trong nhà thì cứ đốt, nhưng cấm không cho đốt ngoài đường. Cấm không cho các xe tang rải vàng mã khi chạy trên đường, vì đây là một trong những hoạt động xả rác kinh khủng và ngang nhiên nhất.
Các chùa không khuyến khích và cũng không cho Phật tử đốt vàng mã, đó cũng là cách để thay đổi nhận thức của cho cộng đồng.
Tương tự, các đền miếu, lăng tẩm, không cho đốt vàng mã, vậy thì sẽ hạn chế được rất nhiều. Là một cuộc cách mạng về văn minh.
Soạn thảo quy định phù hợp, vừa tôn trọng tín ngưỡng của người dân, nhưng đảm bảo chất lượng về quản trị xã hội, đó mới là làm luật giỏi.
chuaviet.org tổng hợp