Nét đẹp đậm chất cổ xưa - Chùa Cầu Hội An

date
23/10/2020
Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt và cũng là biểu tượng giao lưu văn hóa Nhật – Hoa – Việt ở Hội An. Chùa được xây dựng với mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu nhưng bên trong lại không có tượng Phật. Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng vẫn được nhiều người thành kính chiêm bái.

Phố cổ Hội An nằm nép mình bên dòng sông Hoài thơ mộng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước. Hội An có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh làm say lòng người, đi vào trong thơ ca, nhạc họa. Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Đến Hội An mà chưa ghé thăm chùa Cầu thì coi như chưa đến Hội An.

Chùa Cầu - giống như tên gọi - là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản, đây là công trình duy nhất có gốc tích từ xứ sở Phù Tang trong lịch sử. Cầu Nhật Bản cũng là tên gọi khác của chùa Cầu.

Nhưng tại sao người Nhật lại xây cầu ở đây? Tương truyền, lai lịch của ngôi chùa này gắn liền với truyền thuyết quái vật Namazu (còn gọi là con Cù) - một thủy quái trong truyền thuyết của Nhật Bản. Con quái thú này có đầu nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam, còn đuôi thì chạy tuốt sang Nhật. Vậy nên mỗi lần nó cựa mình, thảm họa như lũ lụt, động đất... sẽ xảy ra.

Do đó, ngôi chùa được xây với ý nghĩa giống một thanh kiếm chắn ngang lưng Namazu, ngăn không cho nó cựa mình, giúp cuộc sống người dân của... cả 3 quốc gia bình yên hơn (tất nhiên là chỉ về mặt tâm linh).

Nét đẹp của chùa Cầu nằm ở chính kiến trúc cổ xưa được đánh giá là rất độc đáo và cuốn hút. Đây là nơi tiếp giáp với các đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai với đường Trần Phú.

Với chiều dài là 18 mét và có thiết kế mái che để che nắng, che mưa. Xưa kia khi ghé thăm chùa, chúa Nguyễn đã ngợi khen nơi đây và ban tặng cho 3 chữ quý đó là Lai Vãn Kiều. Đây chính là lời khen ngợi ca vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.

Khi được ngắm nhìn, bạn sẽ thấy sự độc đáo rất riêng của nơi đây. Phía dưới là hình ảnh một nhánh nhỏ sông Thu Bồn rất trong xanh và mát mẻ. Bên trên là nóc nhà chở che luôn chan chứa sự bình yên và ấm áp.

Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp.

Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Chùa và cầu đều làm bằng gỗ, sơn son và chạm trổ nhiều họa tiết rất công phu, hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái, thờ tự từ xa xưa (cũng có thể xuất phát từ ý nghĩ cây cầu xây từ năm thân đến năm tuất mới hoàn thành).

Ngày nay Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm. Cùng với chức năng điều tiết giao thông, thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong khu phố cổ, chùa Cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng có liên quan đến truyền thuyết về việc trấn yểm thủy quái, thủy tai và là một biểu tượng đặc trưng của du lịch Hội An. Hình ảnh chùa Cầu có trên tờ tiền 20.000 đồng bằng polymer của Việt Nam.

Hồng Anh/chuaviet.org (tổng hợp)