Chiều ngày 06/11/2020 (nhằm ngày 21/09 AL), tại Thiền viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) đã tổ chức Lễ ra mắt ấn bản Kinh Trường bộ và Kinh Trung bộ. Đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của việc phát hành các ấn bản Kinh thuộc bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (TTTĐPGVN).
Lễ ra mắt chiều nay được đặt dưới sự chứng minh và chủ trì của Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Thượng thủ Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch TTTĐPGVN, HT. Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Phân VNCPHVN tại Hà Nội, Giáo phẩm Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch TTTĐPGVN, HT. Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Cố vấn Ban Biên tập và Ấn hành TTTĐPGVN, HT. Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng VNCPHVN, Giáo phẩm Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch TTTĐPGVN, Trưởng Ban Biên tập và Ấn hành TTTĐPGVN, TT. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Tổng Thư ký, Phó Ban Biên tập và Ấn hành TTTĐPGVN,... cùng sự tham dự của chư Tôn đức Ban Biên tập và Ấn hành TTTĐPGVN, Thành viên, Ủy viên Thường trực.
Đồng thời, quý mạnh thường quân, quý Phật tử gần xa góp phần cho công cuộc ấn hành TTTĐ PGVN cũng có mặt trong Lễ ra mắt ấn bản Trường bộ Kinh và Trung bộ Kinh.
Sau phần phát biểu khai mạc của TT. Thích Tâm Đức, TT. Thích Minh Thành đã giới thiệu đôi nét về 2 ấn bản mới. Theo đó, về hình thức, Kinh Trường bộ và Kinh Trung bộ trong ấn bản mới được in bằng giấy siêu nhẹ, định lượng 36 gsm (Grams per Square Meter), sản xuất tại Hà Lan. Ưu điểm của loại giấy này là mỏng, dai, bền màu, thời gian sử dụng trên 100 năm. Ấn bản được thiết kế, trình bày công phu với khổ in 19×27cm; các trang nén khoảng cách 40-41 dòng/ trang; cỡ chữ 13, font Times New Roman. Mỗi quyển được mạ vàng 3 cạnh trên máy mới theo công nghệ của Thụy Sĩ có mặt tại lần đầu tiên Việt Nam. Về nội dung, 2 ấn bản này cũng được đối chiếu với phiên bản Pali, đánh số trang theo Pali text society. Đồng thời, Kinh Trường bộ và Kinh Trung bộ sử dụng bộ quy ước chung để biên tập (đây cũng là quy ước biên tập cho các văn bản Hán Tạng).
Tiếp nối chương trình, TT. Thích Nhật Từ thông tin kế hoạch in ấn và phát hành từng bộ Kinh thuộc TTTĐPGVN tính từ thời điểm hiện tại đến năm 2022. Theo đó, trong 2 tháng cuối năm, Viện sẽ cố gắng ấn tống 3 bộ Kinh Pali còn lại của Trưởng lão HT. Thích Minh Châu; đó là Tương Ưng bộ Kinh, Tăng Chi bộ Kinh và Tiểu bộ Kinh.
Sau phần báo cáo tài chính từ TT. Thích Phước Tiến - Trưởng Ban Tài chính, buổi lễ được tiếp tục với phần phát biểu của các đơn vị liên kết, mà đại diện là Tổng Giám đốc Công ty Giấy Toàn Lực.
“Dầu đó là lời dạy của đức Phật, nhưng chữ Hán là của người Trung Hoa, không phải tiếng Việt của người Việt. Cho nên, việc chuyển ngữ Kinh - Luật - Luận sang tiếng Việt là tâm nguyện bao đời, để biểu thị nền văn hóa Phật giáo Việt Nam” - HT. Thích Thiện Nhơn tha thiết. Qua đó, Hòa thượng sơ lược lịch sử của Viện cũng như đề cao công đức của nhị vị Cố Trưởng lão HT. Thích Trí Tịnh và HT. Thích Minh Châu trong công tác phiên dịch và ấn hành các tập Kinh thuộc Tam Tạng Thánh Điển. Đồng thời, Hòa thượng cũng tán thán công đức của quý mạnh thường quân, quý Phật tử gần xa góp phần tạo nên thành công cho việc ấn tống TTTĐPGVN.
Cuối chương trình là phần phát biểu đúc kết, cảm tạ của Hòa thượng Viện trưởng và Lễ ký kết với đơn vị Bưu điện TP. HCM.
chuaviet.org tổng hợp