Những quan điểm sai lầm của người đời về đạo Phật

date
23/12/2020
Nhắc đến đạo Phật là đạo Từ bi, đạo Trí Tuệ Đóng góp của đạo Phật cho đạo đức xã hội là điều không ai có thể phủ nhận được, dù ở bất kỳ tôn giáo, giáo phái, khuynh hướng tư tưởng nào. Tuy vậy, trong cuộc sống, vẫn không ít người còn có những quan điểm sai lầm về đạo Phật. Dưới đây là một số quan điểm sai lầm đó.

1. Đức Phật là vị thần linh có thể ban phước giáng họa cho con người

Đây là một sai lầm rất căn bản dễ thấy ở một số người, kể cả những người Phật tử đến chùa nhưng chưa có điều kiện học tập, tìm hiểu giáo lý nhà Phật

Sai lầm này có thể khiến cho người ta có những hành động thiếu chuẩn mực trong thực hành tôn giáo của đạo Phật. Chẳng hạn như vì cho đức Phật là vị thần linh, có thể ban phước giáng họa, nên người ta đến chùa khấn vái, cầu xin đức Phật ban cho họ mọi thứ trong khi bản thân họ không nỗ lực tạo nên các điều kiện cần và đủ để cho sự mong muốn đó trở thành hiện thực. Vì không hội đủ các điều kiện cần thiết nên những mong muốn của họ thường không thể xảy ra. Trong trường hợp đó, họ dễ dàng mất niềm tin nơi đức Phật, nơi Pháp, nơi Tăng, thậm chí từ bỏ, phỉ báng Phật pháp.

Đức Phật không phải thần linh, Đức Phật là một con người lịch sử, một nhân cách lịch sử

Cũng có một số trường hợp sau khi khấn vái, cầu xin xong, họ liền được toại nguyện, có thể ở mức độ tuyệt đối hoặc tương đối. Trong những trường hợp như vậy, họ lại tự cho rằng đức Phật là một đấng linh thiêng, cầu gì được nấy. Họ không biết rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là kết quả của một nhân nào đó trong quá khứ đã tới thời kỳ chín muồi. Vì tin sai lầm, tin mù quáng, họ dễ dàng bỏ qua các cơ hội tiếp thu các phương pháp chuyển hóa tâm thức mà lẽ ra một tín đồ, một người Phật tử chân chính chắc chắn sẽ có được nhờ gần gũi Tam bảo. Đó là một bất hạnh lớn lao và rất đáng thương mà ta có thể thấy trong cuộc sống.

Đức Phật không phải là vị thần linh. Đức Phật là một con người lịch sử, một nhân cách lịch sử. Ngài từ bỏ mọi vương quyền, phú quý và gia đình hạnh phúc để dấn thân vào con đường tìm kiếm chân lý. Trải qua nhiều năm, bằng nhiều phương pháp và cuối cùng ngài đã thành đạo sau 49 ngày thiền định dưới cội cây Bồ Đề nay thuộc huyện Gaya, bang Bihar, Ấn Độ.

Sau khi thành Phật, Ngài đã vân du khắp nơi để chia sẻ sự thấy biết của mình về chân lý cuộc đời cho mọi người. Từ mạch nguồn giáo lý ấy, nhiều người, từ hạng bần cùng dưới đáy xã hội cho tới hạng vương quyền, những người nắm đặc quyền tôn giáo, đã thiết lập cho mình một đời sống an lạc, hạnh phúc. Điều đó cho thấy, đức Phật không phải là một vị thần linh có thể ban phước hay gián họa cho bất kỳ ai. Đức Phật chỉ là vị đạo sư chỉ đường. Ngài cống hiến cho chúng ta những phương pháp tu học, chuyển hóa thân tâm, sống hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Còn tu học, chuyển hóa được hay không là do chính chúng ta quyết định.

Người Phật tử lạy Phật, Bồ Tát như là cách bày tỏ sự tín ngưỡng của mình trước một nhân cách vĩ đại, từ đó phát nguyện noi theo gương nhân cách ấy để dần dần hoàn thiện đạo đức bản thân mình

Khi chúng ta đến chùa hay đến các tự viện, thấy ở đó người ta thờ tượng Phật, tượng các Bồ tát và các Phật tử thường xuyên lễ lạy các tượng Phật, Bồ tát đó. Nếu ta nghĩ, những người Phật tử đó lạy Phật, lạy các vị Bồ tát để cầu xin đức Phật, các vị Bồ tát ban phước cho họ thì ta đã rất sai lầm. Người Phật tử lạy Phật, Bồ tát như là cách bày tỏ sự kính ngưỡng của mình trước một nhân cách vĩ đại, từ đó phát nguyện noi theo gương nhân cách ấy để dần dần hoàn thiện đạo đức bản thân mình. Người Phật tử chân chánh không cầu xin bất kỳ điều gì từ đức Phật, các vị Bồ tát. Họ hiểu rằng, cuộc sống là một quá trình nhân quả. Muốn đạt được bất kỳ điều gì trong cuộc sống cần phải có những nỗ lực tương xứng. Ta không thể cứ chờ đợi sự ngẫu nhiên xảy ra như một phép mầu. Phép mầu trong đạo Phật chính là sự nỗ lực hoàn thiện đạo đức, thiền định và trí tuệ, thông qua con đường, những phương pháp mà đức Phật đã hướng dẫn.

2. Đạo Phật là đạo mê tín

Bản chất của Đạo Phật không bao giờ là mê tín

Hoàn toàn không phải như vậy. Bản chất của đạo Phật không bao giờ là đạo mê tín. Đạo Phật lấy từ bi, trí tuệ làm đầu, lấy sự chuyển hóa thân tâm làm mục tiêu hướng tới đời sống an lạc, giải thoát cho bản thân và tha nhân. Trong quá trình hướng tới mục tiêu ấy, đạo Phật luôn khuyến khích người Phật tử hãy cân nhắc, thẩm sát mọi vấn đề trước khi tin và thực hành theo con đường mà mình lựa chọn. Đoạn kinh sau đây mô tả rất cụ thể nội dung vừa nêu ở trên:

Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện,các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú.” 

Rõ ràng, qua đoạn kinh trích dẫn này ta thấy đạo Phật không chủ trương một niềm tin mù quáng hay mê tín.

Đạo Phật luôn luôn đề cao và khuyến khích niềm tin chân chính, với nỗ lực khảo sát, thẩm tra, cân nhắc ở mỗi cá nhân.

Đạo Phật luôn luôn đề cao và khuyến khích niềm tin chân chính, với nỗ lực khảo sát, thẩm tra, cân nhắc ở mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, cũng không phủ nhận ở một góc độ nào đó, đạo Phật còn khá nhiều hình thức sinh hoạt mang tính tín ngưỡng, thậm chí mê tín. Chính vì những hình thức sinh hoạt này vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại bền chắc trong đạo Phật mà người ta đi tới kết luận đạo Phật là đạo mê tín, chẳng hạn như nạn xin xăm bói quẻ, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã trong nghi thức ma chay được tổ chức trong chùa…

Thực chất những tập tục hay hình thức sinh hoạt này không thuộc về tín ngưỡng Phật giáo. Đó chỉ là những hình thức tín ngưỡng dân gian được Phật giáo dung nhiếp nhằm mục đích làm phương tiện hướng dẫn người ta đến với đạo. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, các hình thức tín ngưỡng này không được sử dụng trong ý nghĩa phương tiện nữa mà bị lợi dụng trở thành những hủ tục khiến cho người ta nhìn vào và hiểu sai về đạo Phật. Đó là một điều đáng tiếc cần phải nhanh chóng điều chỉnh.

Là người Phật tử, chúng ta nên mạnh dạn "tẩy chay" các hình thức mê tín bằng cách không tham gia và cảnh báo người khác không tham gia vào các hoạt động như thế.

Như vậy, nhận thức sai lầm rằng đạo Phật là đạo mê tín xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Về chủ quan, vì ta không có tri thức về Phật pháp nên ta không có đủ dữ liệu để tư duy, để đánh giá, phân biệt đúng đắn bản chất của đạo Phật với các hình thức, các lối sinh hoạt ngoài đạo Phật. Do đó, để tránh tình trạng này cần phải nỗ lực tìm hiểu, trao dồi Phật pháp. Về khách quan, vì các hình thức mê tín vẫn tồn tại trong đời sống sinh hoạt của đạo Phật nên người ta tưởng rằng đạo Phật là như thế. Do đó, để tránh tình trạng này, là người Phật tử, chúng ta nên mạnh dạn “tẩy chay” các hình thức mê tín đó bằng cách không tham gia và cảnh báo người khác không tham gia vào các hoạt động như thế. Chỉ khi nào các hoạt động đó không còn tồn tại nữa thì tình trạng hiểu sai lầm về đạo Phật, trong trường hợp này, mới có thể không còn nữa.

3. Đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế

Đây là một sai lầm phổ biến nhất khi đánh giá về đạo Phật. Có ít nhất hai nguyên nhân dẫn đến sai lầm này.

Thứ nhất:

Vì đạo Phật nhận định cuộc đời là khổ đau, bất toại nguyện. Thánh đế thứ nhất trong Tứ thánh đế của đạo Phật là Khổ đế, tức chân lý về sự khổ khẳng định cuộc đời là khổ đau, bất toại nguyện. Trong nhiều bản kinh, đức Phật cũng cho thấy, cuộc đời là một chuỗi các sự kiện khổ đau như thế:

Này các thầy tỳ-khưu! Sanh là sự hội họp của ngũ uẩn, là dukkha. Lão là suy nhược, già yếu, là dukkha. Bệnh hoạn, đau ốm là dukkha. Tử là sự tan rã của ngũ uẩn, là dukkha. Uất ức, bực tức là dukkha. Thương mà phải lìa xa là dukkha. Ghét mà phải cùng ở là dukkha. Muốn mà không toại lòng, là dukkha. Nói tóm lại, thủ ngũ uẩn là dukkha”.

Thứ hai:

Trong khi phản ánh quan điểm của đạo Phật về cuộc đời, các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng thường chú trọng tới phương diện này, tức cho rằng đạo Phật xem cuộc đời là bể khổ. Ngay cả một số các vị thầy, các vị sư cô trong chùa, khi hướng dẫn Phật tử tu học cũng quá say sưa trọng việc chứng minh cuộc đời là khổ đau, bất như ý, bất toại nguyện. Điều đó khiến cho người ta có cảm tưởng rằng đạo Phật nhìn nhận cuộc đời bằng đôi mắt bi quan, yếm thế.

Đức Phật không bi quan, yếm thế, dù đạo Phật nói tới khổ đau. Đạo Phật cũng không lạc quan dù đạo Phật nói tới Niết bàn. Đạo Phật chỉ khẳng định bản chất của cuộc đời đúng như bản chất của nó. 

Trong khi đó, theo lời dạy của đức Phật, khổ đau, bất toại nguyện chỉ là một phương diện của đời sống. Bên cạnh khổ, đức Phật cũng nói tới an vui, hạnh phúc đích thực, tức Diệt khổ hay Niết-bàn. Đó là trạng thái dập tắt mọi ảo tưởng, tham, sân, si, vô minh, ái dục và vọng nghiệp. Đó là chưa kể, nếu suy xét kỹ, ta sẽ thấy rằng, việc đạo Phật vạch ra bản chất thực sự của đời sống là khổ đau, bất toại nguyện là nhằm mục đích giúp con người nhận thức đúng bản chất của đời sống, từ đó nỗ lực vượt thoát khỏi các trói buộc của cuộc đời, chứ không ru ngủ con người trong đêm trường khổ đau, bất toại nguyện.

Kết luận cho nhận định này ta có thể khẳng định, đạo Phật không bi quan, yếm thế, dù đạo Phật nói tới khổ đau. Đạo Phật cũng không lạc quan, dù đạo Phật nói tới Niết bàn. Đạo Phật chỉ khẳng định bản chất của cuộc đời đúng như bản chất của nó. Do đó, mọi quan điểm cho rằng đạo Phật bi quan, yếm thế là hết sức sai lầm, thể hiện cái nhìn thiên lệch và thiếu khách quan đối với đạo Phật.

4. Đạo Phật đi ngược lại quy luật tự nhiên vì chủ trương diệt dục

Diệt dục là một vấn đề thường được tranh cãi trong các tôn giáo. Đối với đạo Phật, nhìn từ góc độ nào đó, vấn đề diệt dục tưởng chừng như quá hiển nhiên, nhưng trên thực tế không hẳn như vậy.

Trước hết có thể khẳng định ngay rằng đạo Phật không hề chủ trương diệt dục, do đó không thể nói đạo Phật đi ngược lại quy luật tự nhiên. Không có luật lệ tôn giáo trong đạo Phật bắt buộc hay ngăn cấm một người phải lấy vợ lấy chồng hay sống một cuộc đời độc thân. Đức Phật chỉ khuyên dạy người cư sĩ nên giới hạn đời sống hôn nhân của mình thông qua tiêu chuẩn một vợ một chồng. Bởi vì, theo đức Phật, sự dan díu trong hôn nhân sẽ dẫn đến một đời sống đầy đau khổ, bất trắc – trái với mục tiêu hướng tới đời sống an lạc, hạnh phúc của đạo Phật.

Trong Ngũ giới, tức năm nguyên tắc đạo đức của người Phật tử, đức Phật cũng không cấm người cư sĩ có vợ có chồng mà chỉ ngăn cấm tà dâm, tức gian dâm hay đồi bại về nhục nhục. Cũng không có chỗ nào cho thấy đức Phật khuyến khích hay cấm đoán người Phật tử trong vấn đề sinh con. Đức Phật cho phép các cá nhân quyết định mọi vấn đề thuộc hôn nhân của mình. Trong những trường hợp cần thiết đức Phật chỉ đưa ra những lời khuyên phù hợp giúp cho đời sống hôn nhân của họ được hạnh phúc hơn mà thôi.

Còn đối với người tu sĩ, tại sao họ sống đời sống độc thân không gia đình? Lý do là vì chỉ có đời sống độc thân mới có thể giúp cho họ có nhiều thời gian và năng lực cần thiết cho lý tưởng giác ngộ bản thân và chia sẻ an lạc, hạnh phúc với mọi người. Cứ tưởng tượng, làm sao một người có vợ có chồng, có con cái, với mọi thứ lo toan về cuộc sống lại có thể có đủ thời gian và năng lực cho một đời sống tâm linh cao nhất.

Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, ngay cả những vị cư sĩ lỗi lạc cũng chỉ dừng lại ở quả vị A-na-hàm, tức chưa thể hoàn toàn giải thoát mọi ràng buộc của vô minh, phiền não như các vị A-la-hán được. Trong khi đó, các vị tu sĩ xuất gia sống độc thân có đủ điều kiện để tu học, chứng ngộ các quả vị A-la-hán, quả vị cao nhất của tứ quả Thanh văn. Sự khác biệt đó là lý do cho các vị tu sĩ Phật giáo tự nguyện sống độc thân để được tự do tu tập, phát triển đời sống tâm linh.

Do đó, cho rằng đạo Phật đi ngược lại quy luật tự nhiên vì chủ trương diệt dục là hoàn toàn phiến diện, không phản ánh đúng bản chất của đạo Phật trong vấn đề này.

5. Đạo Phật chỉ dành riêng cho người già

Đây càng là một sai lầm thường thấy, xuất phát từ thái độ tư duy hời hợt, thiếu khách quan của người nhận định.

Ảnh minh họa: Khóa tu mùa hè tại chùa 

Có thể, những người đó quan sát và thấy phần lớn người đến chùa thường là từ tuổi trung niên trở lên, nên đi đết kết luận như vậy. Đó là sự kết luận vội vàng, thiếu thái độ cân nhắc, thẩm tra. Thực tế đạo Phật không phân biệt tuổi tác, cũng không dành riêng cho bất kỳ cá nhân, nhóm, cộng đồng xã hội nào. Ai cũng có thể đến với đạo Phật, miễn là người đó có nhu cầu tâm linh ở đạo Phật.

Khi đức Phật còn tại thế, đạo Phật đã thể hiện là một đạo dành cho tất cả mọi người. Giáo đoàn của đức Phật bao gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, từ vua quan cho tới các sĩ dân thuộc giai tầng thấp nhất trong xã hội. Bởi vì, theo quan điểm của đức Phật, ai cũng có khả tính giác ngộ, tức khả năng hoàn thiện đạo đức, thiền định và trí tuệ. Do đó, không có lý do gì để đức Phật xem thường người này, trọng thị người khác. Ngay cả phụ nữ, những người thường bị xã hội xem nhẹ vẫn được đức Phật cho gia nhập Tăng đoàn, dĩ nhiên là với một số điều kiện căn bản. Điều đó cho thấy, ngay từ đầu đạo Phật đã là đạo dành cho mọi thành phần trong xã hội.

Hiện nay, có thể ở đâu đó có hiện tượng người già thường xuyên đến chùa, trong khi người trẻ lại không thích tới chùa. Đó là hiện tượng bình thường, nhưng không phải là duy nhất.

Nam Bộ

Chỉ tính riêng ở nước ta, có rất nhiều đạo tràng sinh hoạt tu học tại chùa có hàng ngàn người trẻ tham gia định kỳ và mô hình sinh hoạt này đang ngày càng lan rộng trong cả nước, đặc biệt là ở Nam Bộ.

Bắc Bộ

Ở Bắc Bộ tình hình cũng đang trên đà thay đổi. Nếu như trước đây, sinh hoạt Phật giáo Bắc Bộ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng thì hiện nay nhu cầu đó đã được thay đổi. Nhiều đạo tràng sinh hoạt thanh thiếu niên hình thành và đang phát triển ở vùng đất này.

Khi đức Phật còn tại thế, đạo Phật đã thể hiện là một đạo dành cho tất cả mọi người.

Đông Nam Á

Ở nước ngoài, đặc biệt các nước Phật giáo Đông Nam Á, tuổi trẻ đến chùa tu học trong một khoảng thời gian nhất định còn là một tập tục lâu đời và là một trong những điều kiện để đánh giá nhân cách của một cá nhân. Ở Đài Loan, thanh thiếu niên đến chùa sinh hoạt Phật pháp rất được các bậc cha mẹ, gia đình khuyến khích.

Châu Âu – Mỹ – Úc

Ở Mỹ, ở châu Âu, thanh thiếu niên đến với đạo Phật bằng cách tìm hiểu và thực hành thiền không còn xa lạ với cái nhìn của xã hội nữa.

Như vậy, có thể nói, đạo Phật với tư cách là con đường đưa tới an lạc, hạnh phúc cho con người thực sự là đạo dành cho mọi người. Ai có nhu cầu tâm linh, rèn luyện nhân cách và đạo đức đều có thể tìm đến đạo Phật. Do đó, cho rằng đạo Phật chỉ là đạo dành riêng cho người già là một nhận định sai lầm, do thiếu dữ liệu trong đánh giá nhận định một vấn đề liên quan tới đời sống sinh hoạt của đạo Phật. Cái nhìn đó cần phải được điều chỉnh để có thái độ đúng đắn và khách quan trong nhận định, đánh giá đạo Phật.

Diệu Âm Chí Hiếu