Các cộng đồng cư dân trên dãy núi Himalaya nổi tiếng với nền văn hóa bản địa đặc sắc, thể hiện qua nhiều sản phẩm văn hóa liên quan đến đạo Phật, trong đó có tranh Thangka.
Thangka (hay Thangga, Tangka) là một trong những loại hình nghệ thuật hội họa truyền thống độc đáo của người Tây Tạng. Dòng tranh dân gian Thangka có nguồn gốc từ Nepal và du nhập vào Tây Tạng bởi công chúa Bhrikuti Devi (người vợ đầu tiên của vị vua Tây Tạng vĩ đại, Songtsen Gampo).
Những tác phẩm Thangka thường dùng để treo thờ hoặc cuộn tròn cất giữ. Các chủ đề hội họa trong Thangka thường liên quan đến những lĩnh vực cuộc sống như: lịch sử, nhân vật, văn hóa, xã hội và đặc biệt phong phú nhất là các tác phẩm liên quan đến Phật giáo. Đó là những bức tranh chân dung, tranh kể chuyện như: tích La Hán qua sông, Avalokitesvara với một biển lòng yêu thương, hay chân dung Guru Dragbo…
Mỗi loại Thangka thường mang một ý nghĩa khác nhau, giúp những điều ước trở thành hiện thực như hòa bình, sức khỏe, trường thọ, thịnh vượng, thành công hay may mắn…
Lịch sử Thangka
Việc vẽ tranh Thangka bắt đầu ở Nepal vào thế kỷ 11. Từ đo, Thangka phát triển ở các vùng đất phía Bắc Himalaya. Từ thế kỷ 15 về sau, các màu sắc rực rỡ bắt đầu xuất hiện ở tranh Thangka. Các tranh vẽ tôn giáo được thờ như tượng thờ ở Newari gọi là Paubha và ở Tây Tạng gọi là Thangka. Nguồn gốc của tranh Paubha hay Thangka có thể quy công cho các nghệ nhân Nepal, chuyên tạo tác một khối lượng tác phẩm kim loại, tranh tường cũng như các bản kinh có vẽ hình minh họa ở Tây Tạng. Nhận thấy nhu cầu to lớn về tượng thờ ở Tây Tạng, những nghệ nhân này đã theo chân các nhà sư và đội ngũ thương nhân. Họ mang theo không chỉ các tác phẩm điêu khắc kim loại mà cả những bản kinh Phật chép tay. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng địa phương, các nghệ nhân Nepal đã khởi xướng một loại tranh tôn giáo mới trên vải có thể cuốn lại dễ dàng để mang đi. Loại tranh này trở nên phổ biến ở cả Nepal lẫn Tây Tạng và một trường phái tranh Thangka mới thịnh đạt và vẫn được ưa chuộng đến ngày nay.
Trong lịch sử, Tây Tạng từng có có 2 ngôi trường dạy vẽ Thangka chuyên nghiệp. Người họa sĩ trước khi được cầm bút tỉ mẩn vẽ từng nét nhỏ cần phải thông tuệ tiếng Tạng, am hiểu các tích truyện, phải cảm được cái hồn của nhân vật trước khi đặt bút vẽ. Một bức Thangka có thể phải thực hiện ròng rã trong nhiều tháng mới có thể hoàn thành.
Các loại Thangka
Dựa trên kỹ thuật và chất liệu, có thể chia Thangka làm 2 loại: một là tranh vẽ trên vải britan và hai là làm bằng lụa, bao gồm cả kỹ thuật kết các mảnh lụa hoặc thêu. Thangka cũng có thể phân loại theo các tiêu chí đặc thù như
1/ Tranh sơn màu tson-tang (loại phổ biến nhất).
2/ Tranh khâu kết các mảnh lụa go-tang.
3/ Tranh nền đen: vẽ nét bằng vàng kim trên nền màu đen, gọi là nagtang.
4/ Tranh in từng mảng – thể hiện bằng đường nét trên giấy hay trên vải bằng những bản in khắc trên gỗ.
5/ Tranh thêu, gọi là tshim tang.
6/ Tranh vẽ trên nền màu vàng kim – một biểu tượng kiết tường, được dùng một cách cẩn trọng để vẽ chư thần và chư Phật đạt trình độ giác ngộ viên mãn.
7/ Tranh nền đỏ: vẽ nét tỉ mỉ bằng màu vàng kim, nhưng thường là dùng nét vàng kim trên màu đỏ son – gọi là martang.
Thông thường, tranh Thangka điển hình thường nhỏ khổ có chiều dài hay chiều rộng khoảng 40 cm đến hơn 100 cm, song vẫn có những bức tranh Thangka lễ hội rất lớn, thường là loại tranh khâu kết bằng nhiều mảnh vải/ lụa lại với nhau và vẽ hình tượng trên đó. Loại tranh này thường treo trên vách tự viện trong những lễ lạc đặc biệt. Loại tranh này có chiều rộng lớn hơn chiều cao, có thể rộng đến trên dưới 15 mét và cao hơn 7 mét.
Kỹ thuật vẽ tranh Thangka
Không phải ai cũng vẽ được một bức họa đức Phật mang vẻ đẹp trang nghiêm, mà phải do chính các vị Lạt-ma Tây Tạng ngồi thiền trong nhiều tháng trời tạo nên.
Đề tài chính của Thangka là tôn giáo. Nét vẽ, quy tắc trắc lượng nhân thể, trang phục, trì vật và trang sức hoàn toàn dựa theo phong cách Ấn Độ. Việc vẽ hình tướng được dựa theo phong cách Nepal và hậu cảnh của tranh là theo phong cách Trung Hoa. Nhờ đó, Thangka trở thành nghệ thuật độc đáo và cá biệt.
Bố cục của tranh Thangka, thành tố chủ đạo của nghệ thuật Phật giáo, là có tính trang trí hình học. Tay, chân, mắt, mũi, tai và các bửu bối/ trì vật mang tính nghi thức đa đạng đều được bố trí trên một mạng kẻ ô gồm những góc và những đường thẳng giao nhau. Một họa sĩ vẽ tranh Thangka tài ba sẽ chọn lựa một cách bao quát từ những đề mục khởi thảo đa dạng để đưa vào bố cục, sắp xếp từ cái bình bát và những con thú đến hình dáng, kích cỡ và những góc vẽ mắt, mũi, miệng của hình tượng.
Người nghệ sĩ phải rèn luyện tay nghề và phải có đầy đủ hiểu biết tôn giáo, kiến thức và bối cảnh để sáng tạo nên một bức Thangka chính xác và mỹ thuật.
Ý nghĩa việc treo tranh Thangka trong nhà
Người Tây Tạng rất trân trọng Thangka. Những tấm Thangka thường được che phủ bằng một tấm lụa và có giá đỡ cầu kỳ, nhưng đôi khi tranh cũng được cuộn lại bỏ vào ống và khoác trên vai các nhà sư trong suốt hành trình.
Đối với Phật tử, khi chiêm ngưỡng những bức Thangka treo trên tường họ không chỉ cảm nhận vẻ đẹp trang nghiêm mà còn tin rằng sẽ nhận được những điều mầu nhiệm phát tỏa ra từ đó. Các Thangka vẽ các thần linh được coi là thần bảo hộ hoặc phù hộ tín đồ vượt qua khổ nạn, bệnh tật.
Thangka, khi sáng tạo một cách riêng lẻ, hàm chứa nhiều công năng khác nhau: để tín đồ cầu nguyện và quan trọng hơn thảy, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo này được dùng như một công cụ thiền quán giúp cho hành giả giác ngộ. Những nhà sư theo Phật giáo Kim Cang thừa dùng tranh Thangka như một hướng dẫn: qua sự quán tưởng mình hóa thân với đối tượng được vẽ trên tranh, nhờ đó mà nhập vào Phật tánh. Thangka được bảo quản trong chính điện, được thánh hóa bằng nước thiêng, đọc thần chú khi mở ra. Thangka chứa một quyền năng bí nhiệm nên luôn được phủ che bằng một tấm kuđa (tấm lụa dài 60 cm)…
Chuaviet.org tổng hợp