Thức Thứ Tám - Chương chín

date
31/10/2020

CHƯƠNG  CHÍN 

HÀNH TRÌNH CHUYỂN THỨC THÀNH TRÍ 

 

 

I- HẠNH VỊ TƯ LƯƠNG

 Những phần trên đã khảo sát qua về TƯỚNG và TÁNH của Thức Thứ Tám.

Sau đây là những hạnh vị mà hành giả phải tu chứng trải qua để chuyển Thức thành Trí, đạt đến giác ngộ viên mãn.

Những ai có đủ hai chủng tánh đại thừa như sau và trải qua năm hạnh vị sẽ ngộ nhập Duy Thức đạt giác ngộ viên mãn, chuyển thức thành trí:

Hai chủng tánh đó là:

* Bản Hữu Chủng Tử được tàng chứa trong Thức Thứ Tám đó là Chủng tánh vốn tánh có sẵn, là pháp nhân vô lậu, pháp nhĩ sẵn có, từ vô thủy lại, y phụ nơi bản thức. 

* Tân huân chủng tử trong Tàng Thức đó là chủng tánh do huân tập thành, tức do nghe chánh pháp, từ pháp giới bình đẳng lưu xuất, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ rồi tu tập, huân tập thành.

 Năm hạnh vị phải trải qua để ngộ nhập Duy Thức, đạt đến toàn giác đó là: Tư Lương Vị, Gia Hạnh Vị, Thông Đạt Vị, Tu Tập Vị, Cứu Cánh Vị.

 Đây là hạnh vị tu tập thuận theo giải thoát phần (Niết Bàn) của Ðại Thừa.

 Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có bài tụng như sau:

 Nãi chí vị khởi thức       

(Yãvad vijnãptimãtratve)  

Cầu trụ duy thức tánh     

(Vijnãnam na avatisthati)

Ư nhị thủ tùy miên

(Grãha dvayasya  anusayas)

Du vị năng phục diệt       

(Tãvan na vinivartate)

 Dịch:

Đến lúc thức chưa khởi

Cầu trụ duy thức tánh

Còn tùy miên  hai thủ

Chưa thể phục diệt được

(Như Tạng Việt dịch)

 “Thức chưa khởi”, hành giả từ khi phát đại bồ đề tâm đến khi chưa khởi lên thức thuận theo phần quyết trạch của Gia Hạnh Vị cầu trụ tánh chơn thắng nghĩa của Duy Thức, siêng năng tu tập cầu giải thoát.   

Hành giả ở hạnh vị nầy còn phải nương vào bốn lực thù thắng đó là: Nội nhân, thiện hữu, tác ý và tư lương; nhưng chưa thực sự liễu ngộ được năng thủ và sở thủ đều không. Và vì hai thủ còn tiềm ẩn nên chưa thể khắc phục được.

Hai thủ đó là năng thủ kiến phần của Thức Thứ Tám và sở thủ tướng phần của thức nầy vậy. Tập khí của hai thủ nầy gọi là “tùy miên “ của hai thủ. Nó là những chủng tử được chứa nhóm trong Thức Thứ Tám. Nó cũng chính là những chủng tử của sở tri chướng và phiền não chướng.

 Hành giả trụ trong Tư Lương Vị nầy, tuy khắc phục được hai chướng hiện hành về phần thô, nhưng đối với hai chướng hiện hành về phần vi tế và hai tùy miên của hai chướng đó thì vì sức chỉ quán còn yếu kém nên chưa thể dứt trừ. 

 Muốn đạt đến hạnh vị nầy hành giả phải tu Phước và Trí. Đó là tu hạnh Ba La Mật. Ba hạnh đầu (bố thí, trì giới, nhẫn nhục) là tu Phước Đức. Hai hạnh Tinh Tấn và Thiền Định thông cả Phước và Trí. Hạnh sau cùng Trí Tuệ là tu về Trí.

Trong các thắng hạnh nếu do tuệ làm tánh thì gọi là Trí, ngoài ra thì gọi là Phước.

Đó là các thắng hạnh mà hành giả phải tu tập để đạt đến Tư Lương Vị nầy.  

 II- HẠNH VỊ GIA HẠNH

 Đây là hạnh vị tu tập thuận theo quyết trạch phần (Kiến Đạo) của Đại Thừa.

 Cũng trong Tam Thập Tụng, có 4 câu tụng về Gia Hạnh Vị như sau:

 Hiện tiền lập thiểu vật       

(Vijinaptimãtram eva idam)

Vị thị Duy Thức Tánh       

(Ity api hy upalambhatah)

Dĩ hữu sở đắc cố    

(Sthãpayannagratah kimcit)

Phi thật trụ Duy Thức        

(Tanmãtre na avatisthate)

 Dịch:

 Trước giờ lập một ít

Cho là Duy Thức tánh

Vì còn chỗ sở đắc

Chưa  thật trụ Duy Thức

(Như Tạng Việt dịch)

 Về câu “Trước giờ lập một ít”, hành giả đã trải qua nhiều kiếp tiến tu, tích tập Phước Đức, Trí Tuệ, khắc phục được hai chướng, muốn tiến lên hạnh vị Kiến Đạo, trụ Duy Thức Tánh, tiếp tục tu bốn gia hạnh, diệt trừ hai thủ và tu đắc Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ  Nhất. Bốn pháp nầy gọi chung là phần quyết trạch.

Bốn pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất là nương vào bốn pháp Tầm Tư mà tu tập.

Bốn pháp Tầm Tư đó là: Tầm Tư Danh, Tầm Tư Nghĩa, Tầm Tư Tự Tánh, Tầm Tư Sai Biệt. Nhưng bốn pháp nầy cũng chỉ là giả lập chứ không phải chân thật. Vì nếu lìa Thức thì các pháp ấy không tồn tại, cả năng thủ và sở thủ đều không thật, chỉ là do thức biểu hiện.

Danh và Nghĩa là hai tướng khác nhau nên Tầm Tư Riêng Biệt. Tự Tánh và Sai Biệt của Danh và Nghĩa tướng đồng nhau nên hợp lại mà suy tầm, tư sát.

 Từ nơi bốn định (Minh Đắc Định, Minh Tăng Định, Ấn Thuận Định, Vô Gián Định) mà đắc được Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất.

 A- Từ Minh Đắc Định chứng được Noãn vị:

 Hành giả phát sinh Tầm Tư bậc hạ, quán thấy không có tướng sở thủ,  quán bốn pháp sở thủ là Danh, Nghĩa, Tự Tánh, Sai Biệt đều do Thức Thứ Tám biến hiện, giả thi thiết nói là có, nhưng không có gì thật có mà có thể nắm bắt được.

“Minh Đắc”  là đạt được tướng sáng của mặt trời trí tuệ, tướng nóng của lửa Đạo nên cũng gọi là  “Noãn”.

 B- Từ Minh Tăng Định chứng được Đảnh vị

 Hành giả phát khởi Tầm Tư bậc thượng, quán thấy không có sở thủ, vẫn tiếp tục quán bốn pháp Danh, Nghĩa, Tự Tánh, Sai Biệt đều do Thức biến hiện, giả thi thiết thấy có nhưng không có gì là chân thật. Lúc ấy tướng sáng của mặt trời trí tuệ bừng sáng dần tăng lên nên gọi là “Minh Tăng”, vì là tột đỉnh của hạnh vị Tầm Tư nên gọi là “Đảnh”.

 C- Từ Ấn Thuận Định chứng được Nhẫn vị

 Khi hành giả phát khởi trí như thật bậc hạ, ấn nhập giữ gìn đối với “không sở thủ”, vui nhẫn đối với “không năng thủ”. Năng thủ, sở thủ chỉ do đối đãi mà có, không thật có, chỉ do Thức biến hiện. Khi Ấn nhập, tùy thuận, chấp nhận, chung gọi là “Nhẫn”.

Ấn nhập “không sở thủ” trước và tùy thuận “không năng thủ” sau nên gọi là “Ấn Thuận”. Nhẫn chịu Cảnh và Thức đều không nên còn gọi là “Nhẫn Vị”.

 D- Từ Vô Gián Định chứng được Thế Đệ Nhất Vị

 Hành giả tiếp tục phát khởi trí như thật bậc thượng, ấn nhập lý giải cả hai thủ không (năng thủ không và sở thủ không) đều không, liên tục không gián đoạn sẽ chứng đạt vào Kiến Đạo Vị. Vì liên tục không gián đoạn nên gọi là “Vô Gián”. Đây là pháp tối thắng nên gọi là “Thế Đệ Nhất”. 

 Hành giả ở hạnh vị nầy vì còn thấy tướng “không” để chứng nên chưa thật chứng. Do đó chưa dứt trừ hai tướng có và không nên nói chưa thật chứng được Duy Thức Tánh.

 Vì công đức tu tập từ trước đến hiện tại tích tụ được và đã trải qua bốn hạnh vị kể trên nên tụng nói là  “Trước giờ lập một tí” là nghĩa như vậy. Thế nhưng vì còn thấy “có” phải diệt trừ để đến “không” nên vẫn còn có tướng chứng đắc có không và do đó chưa thật sự “Trụ Duy Thức” là như vậy.

Do nghĩa trên mà trong tụng có những câu như sau:

“Bồ Tát ở trong định. Quán ảnh chỉ là tâm

Tướng nghĩa đã diệt trừ. Thẩm quán chỉ tự tưởng

Như vậy trụ nội tâm. Biết “sở thủ” chẳng có

Biết “năng thủ” cũng không. Sau chứng vô sở đắc”.

III-  HẠNH VỊ THÔNG ĐẠT

Đây là hành giả trụ địa vị thấy đạo.

Bốn câu tụng về Thông Đạt Vị trong Tam Thập Tụng như sau:

 Nhược thời ư sở duyên      

(Yadãlambanam vijinãnam)

Trí độ vô sở đắc       

(Na eva upalabhate tadã)

Nhĩ thời trụ duy thức        

(Sthitam vijinãnamãtratve)

Ly nhị thủ tướng cố 

(Grãhya abhãve tad agrahãt)

 Dịch:

 Khi nào cảnh sở duyên

Trí độ không sở đắc

Đó mới trụ Duy Thức

Lìa được hai tướng thủ.

(Như Tạng Việt dịch)

Khi hành giả đối với cảnh sở duyên, trí không phân biệt hoàn toàn không sở đắc, bấy giờ mới thật sự là an trụ chơn thắng nghĩa Duy Thức. Trí và chơn như bình đẳng đều lìa hai tướng năng thủ và sở thủ. Vì hai tướng nầy đều là những tướng hý luận do tâm phân biệt có sở đắc biểu hiện ra.

Trí Không Phân Biệt nầy không có hai phần Kiến và Tướng, vì không còn tướng năng thủ và sở thủ.

 Hành giả tiếp tục tinh tấn tu Gia Hạnh đến khi Trí Không Phân Biệt phát sanh thì thể hội chân như được gọi là hạnh vị Thông Đạt. Đạt được hạnh vị nầy mới bắt đầu thấu đạt chân lý nên cũng gọi là Kiến Đạo.

 Kiến đạo nầy lại chia hai phần là Chơn Kiến Đạo và Tướng Kiến Đạo.

 A- Chơn Kiến Đạo

 Trí Không Phân Biệt thực chứng chơn lý, thực đoạn được tùy miên chủng tử của hai chướng phân biệt. Hai không được thực chứng, hai chướng được thực đoạn.

 B- Tướng Kiến Đạo

 Về Tướng Kiến Đạo có những điểm liên hệ như sau:

1- Quán Phi An Lập Đế

 Trừ bệnh lấy hữu tình giả làm duyên. Trừ bệnh lấy pháp giả làm duyên. Nó có thể dứt hết thảy phân biệt tùy miên.

Dứt được hai chướng thông qua vô gián đạo, giải thoát đạo, kiến lập tướng kiến đạo.

2- Quán Duyên An Lập Đế (Tứ Đế)

* Quán tánh chơn như của Khổ Đế trong ba cõi.

* Chứng được giải thoát khỏi phiền não.

* Phát sanh tuệ vô lậu.

* Phát sanh trí vô lậu.

 Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế cũng theo thứ lớp mà quán sát tánh chơn như để đạt chơn tánh của từng diệu đế.

 Cũng trong phần Kiến Đạo nầy lại phải thực hành sáu hiện quán theo thứ lớp như sau:

 3- Tư hiện quán

 Tuệ được thành tựu bởi Tư Tâm Sở, quán sát tướng chung của các pháp.

 4- Tín hiện quán

 Duyên quán theo Tam Bảo Thế và xuất thế gian, phát khởi lòng tin thanh tịnh quyết định, giúp cho hiện quán không bị thối chuyễn nên gọi là Tín Hiện Quán.

 5- Giới hiện quán

 Thuộc về Vô Lậu giới, giải trừ cấu uế của sự phá giới, giúp cho quán trí càng thêm phát huy năng lực nên gọi là Giới Hiện Quán.

 6- Hiện quán trí đế hiện quán

 Tất cả trí căn bản và trí hậu đắc không phân biệt duyên phi an lập đế.

 7- Hiện quán biên trí đế hiện quán

 Các Trí duyên an lập đế của thế gian và xuất thế gian tiếp theo sau hiện quán trí hiện quán mà thành đạt quán nầy.

 8- Cứu cánh hiện quán

 Cứu cánh hiện quán là Trí ở hạnh vị cứu cánh.

IV-  HẠNH VỊ TU TẬP

Hành giả trụ ở địa vị tu đạo.

Nói về Tu Tập Vị, Tam Thập Tụng có bốn câu tụng:

Vô đắc bất tư nghì     

(Acitto  ‘nupalambho  ‘sau)

Thị xuất thế gian trí   

(Jnãnam lokottaram ca tat)

Xả nhị thô trọng cố    

(Ãsrayasya parãvrttir dvidhã)

Tiện chứng đắc chuyển y    

(Dausthulya hãnitah)

 Dịch:

“Vô Đắc”,  không nghĩ bàn

Tức “Trí Xuất Thế gian” (vô phân biệt trí)

Do dứt hai “thô trọng”

Nên chứng được “chuyển y”

(Như Tạng Việt dịch)

 Hành giả tiến tu muốn đoạn trừ hai chướng câu sanh, chứng đắc chuyển y nên thường tinh tấn tu tập trí không phân biệt. Trí nầy xa lìa sở thủ và năng thủ nên nói là vô đắc và không thể nghĩ bàn. Đoạn trừ được tùy miên của hai thủ là gốc thế gian, chứng được thể vô lậu và chơn như. Bởi lẽ đó  nên gọi là trí xuất thế gian, vô phân biệt trí.

 Đây là vô phân biệt trí trong mười địa, tinh tấn tu tập thì xả bỏ được hai thô trọng. Chủng tử của hai chướng, phiền não chướng và sở tri chướng, vì tánh của chúng thô kệch nặng nề, không có khả năng kham nhậm nên gọi là “thô trọng”.

Khi tu chứng được trí vô phân biệt, xả bỏ hai thô trọng kia xong mới chứng được “chuyển y”. 

“Y” trong “chuyển y”, đây là chỗ nương, tức là Thức Thứ Tám, làm chỗ nương tựa cho pháp nhiễm và pháp tịnh. Pháp nhiễm đây là chỉ cho Biến Kế Sở Chấp hư vọng. Pháp tịnh là Viên Thành Thật.

“Chuyển” tức là hai phần Nhiễm, Tịnh nương nơi Thức Thứ Tám y tha khởi. chuyển bỏ phần nhiễm, gạn lọc để được phần tịnh.

Chuyển bỏ phiền não chướng để đạt được Niết Bàn tịch tịnh, chuyển bỏ sở tri chướng để chứng đắc vô thượng giác.

 Trong bài tụng nói “chuyển y” ý muốn nói rõ chuyển tánh Duy Thức (vì Duy Thức Tánh tức Niết Bàn) ở địa vị viên mãn của Nhị Thừa được gọi là “thân giải Thoát”, còn ở đức “Đại Mâu Ni” (Phật)  được gọi là pháp thân.

 Muốn chứng được hai chuyển y là “Thân Giải Thoát” và “Đại Mâu Ni” thì phải ở trong mười địa, tu mười thắng hạnh, dứt mười trọng chướng, chứng mười chơn như, sau mới chứng đắc hai chuyển y nói trên.

 A- Trụ trong Mười hạnh Địa

 1- Hạnh địa Cực Vui

Chứng được tánh của bậc thánh, chứng hai không, lợi lạc cho chính mình và cho chúng sinh, được pháp hỷ rộng lớn.

 2- Hạnh địa Lìa Cấu Nhiễm

 Chứng đắc giới hạnh thanh tịnh xa lìa các cấu nhiễm của chướng phiền não tránh sai phạm các sự phạm giới vi tế.

 3- Hạnh địa Phát Sáng

 Hành giả thành tựu thắng định, tổng trì đại pháp, phát sinh vô biên ánh sáng trí huệ.

 4- Hạnh địa Diệm Huệ

 Hành giả an trụ nơi pháp bồ đề phần tối thắng, đốt cháy các chướng phiền não, lửa trí tuệ càng tăng.

 5- Hạnh địa Cực Khó Thắng

 Hai trí tục và chơn, hành tướng hoàn toàn trái nghịch nhau, hợp lại làm cho tương ứng nhau đó là điều rất khó thực hiện nên gọi là cực khó thắng.

 6- Hạnh địa Hiện Tiền

 Hành giả an trụ vào trí biết về duyên khởi, dẫn khởi khiến cho trí bát nhã tối thắng vô phân biệt phát khởi ra hiện tiền.

7- Hạnh địa Viễn Hành

 Hành giả đã đạt đến ngằn mé cuối cùng của công dụng vô tướng trú, vượt biên cảnh của thế gian và nhị thừa nên gọi là Viễn Hành hạnh địa.

 8- Hạnh địa Bất Động

 Hành giả chứng đắc trí vô phân biệt, nhậm vận tương tục do đó các chướng phiền não không còn lay chuyển được nữa.

 9- Hạnh địa Thiện Huệ

 Hành giả thành tựu được vô ngại giải vi diệu, biến khắp mười phương, khéo nói những diệu pháp nên gọi là Thiện Huệ.

 10- Hạnh địa Pháp Vân

 Hành giả đã thành tựu Trí Đại Pháp như mây chứa nước công đức che trùm hư không lấp hai tướng thô trọng, làm pháp thân sung mãn.

Hành giả chứng đắc trải qua được mười địa nói trên là đã tổng nhiếp tất cả công đức hữu vi, vô vi, gìn giữ những thắng pháp khiến cho sự tu hành tinh tiến, tăng trưởng hạnh đức thù thắng của Bồ Tát.

 B- Tu mười món Thắng Hạnh

 Hành giả phải tu mười thắng hạnh đó là: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Tịnh Lự, Bát Nhã (tuệ không phân biệt về sanh không, pháp không và không phân biệt cả hai không), Phương Tiện Thiện Xảo, Nguyện, Lực, Trí (trí thọ dụng pháp lực và trí thành thục hữu tình).

 C- Thực hành bảy điều Tối Thắng

 Mười Thắng Hạnh trên phải dựa vào bảy điều tối thắng nhiếp thọ mới có thể lập thành Ba La Mật Đa.

Bảy tối thắng đó là: An Trú Tối Thắng (an trú chủng tánh Bồ Tát), Y Chỉ (y chỉ tâm đại bồ đề), Ý Lạc (thương xót chúng hữu tình), Sự Nghiệp (hành đủ các việc thù thắng), Xảo Tiện (phải được trí vô tướng nhiếp thọ), Hồi hướng (hồi hướng vô thượng bồ đề), Thanh Tịnh (không bị hai chướng xen tạp).

 D- Tu dứt trừ mười chướng nặng nề

 Mười chướng nặng nề đó là:

 1- Chướng của tánh Dị Sanh (phàm phu):

 Dựa vào phần chủng tử của hai chướng phân biệt khởi mà lập làm dị sanh tánh.

 2- Chướng của Tà Hạnh:

 Đó là một phần câu sanh trong sở tri chướng, và những điều lỗi lầm phạm phải trong ba nghiệp, thân, khẩu, ý, do câu sanh sở tri chướng khởi lên làm chướng ngại đối với giới rất thanh tịnh của hàng nhị địa.

 3- Chướng của sự ám độn:

 Nó là một phần câu sanh trong sở tri chướng, khiến những giáo pháp đã được nghe, suy niệm thực hành, bị lãng quên, làm chướng ngại đối với thắng định tổng trì của địa thứ ba.

 4- Chướng của phiền não vi tế hiện hành:

 Thân kiến chung khởi với thức thứ sáu. Vì nó là tối hạ phẩm, không tác ý mà vẫn duyên, từ vô thủy vẫn theo hiện hành, hành tướng rất vi tế. 

 5- Chướng của hạ thừa Bát Niết Bàn:

 Một phần câu sanh trong sở tri chướng, tác động làm chán khổ tìm vui, chán sanh tử, không muốn vào cảnh khổ mà độ chúng sinh chỉ thích an vui nơi Niết Bàn đồng với nhị thừa bậc dưới. 

 6- Chướng của thô tướng hiện hành:

 Một phần câu sanh trong sở tri chướng chấp có thô tướng nhiễm tịnh làm chướng ngại đối với đạo không nhiễm tịnh của địa thứ sáu.

7- Chướng của tế tướng hiện hành:

 Một phần câu sanh trong sở tri chướng chấp có tướng vi tế sanh diệt hiện hành, làm chướng ngại đạo vi diệu của địa thứ bảy.

 8- Chướng của sự tác ý gia hạnh vô tướng:

 Một phần câu sanh trong sở tri chướng tác động khiến cho vô tướng quán không không thể nhậm vận khởi lên làm chướng ngại đạo vô công dụng của địa thứ tám. Trong khi quán vô tướng có tác ý gia hạnh nên chưa thể nhậm vận hiện ra thân tướng và quốc độ. Và gia hạnh như thế làm chướng ngại cho đạo vô công dụng của địa thứ tám.

 9- Chướng không muốn thực hành việc lợi tha:

 Một phần câu sanh trong sở tri chướng tác động làm chướng ngại cho việc làm lợi tha lợi lạc chúng hữu tình. Chính nó làm chướng ngại đối với vô ngại giải của địa thứ chín.

 10- Chướng đối với các pháp chưa được tự tại

 Một phần câu sanh trong sở tri chướng tác động khiến cho đối với các pháp không được tự tại làm chướng ngại mây trí đại pháp và công đức được hàm tàng, sự nghiệp được khởi lên từ trong trí đó của địa thứ mười.

 E- Chứng mười Chơn Như

 Mười chơn như đó là:

 1- Biến hành chơn như Chơn như do hai không hiển lộ, trong pháp nào cũng có sự hiển lộ của nó nên gọi là biến hành chơn như.

 2- Tối thắng chơn nhưChơn như đủ cả vô biên đức,  đối với tất cả pháp nó là tối thắng hơn cả.

 3- Thắng lưu chơn nhưTừ chơn như nầy lưu nhuận dòng giáo pháp, tối thắng vô tỷ.

 4-  Không nhiếp thọ chơn nhưChơn như không hệ thuộc, không nhiếp thọ, không phải làm chỗ nương cho chấp ngã, chấp pháp v.v…

 5- Loại vô biệt chơn nhưChơn như loại không sai biệt, không như mắt , tai, v.v… sai khác nhau, sai biệt nhau.

 6- Không nhiễm tịnh chơn nhưChơn như vốn bản tánh không nhiễm, thể tánh hằng tịnh, không phải trước nhiễm rồi sau mới thanh tịnh.

7- Pháp không sai biệt chơn nhưDù chơn như có nhiều thứ giáo pháp an lập nhưng vẫn không có sự khác biệt về pháp tánh.

 8- Không tăng giảm chơn nhưChơn như lìa các chấp tăng, giảm. Nó không tùy thuộc vào tịnh nhiễm nên không có tăng giảm, cũng gọi là chơn như làm chỗ nương tựa cho thân tướng quốc. Nó tự tại hiện thân tướng, quốc độ vô ngại.

 9- Trí tự tại sở y chơn như: Nó là sở y của trí tự tại hiểu biết vô ngại.

 10-  Nghiệp tự tại sở y chơn như:  Khi chứng đắc chơn như nầy rồi, hành giả được tự tại với tất cả thần thông, định môn, tổng trì, tác nghiệp.

 Đã là chơn như thì tánh chơn như vốn thật không sai khác, nhưng có sai khác tùy theo đức tính thù thắng của nó nên mới phân làm mười loại như thế.

 Đến đây hành giả đã chứng đắc được Chuyển Y như trong bài tụng nói. Nhưng Chuyển Y có những chủng loại như thế nào?

 F- Chứng đắc Chuyển Y

 Nói về Chuyển Y lại chia làm sáu loại Chuyển Y Sai Khác đó là:

1- Tổn lực ích năng chuyển:

 Ở địa vị Tư Lương và Gia Hạnh, do tu tập thắng giải ở những Hạnh Địa đã trải qua như trên và có tâm tàm, quý tác động làm suy giảm thế lực chủng tử tạp nhiễm nơi Thức Thứ Tám, tuy chưa dứt trừ sạch chủng tử của hai chướng để thực chứng Chuyển Y nhưng đã dần dần khắc phục được hiện hành của hai chướng nên gọi là Chuyển.

 2- Thông Đạt Chuyển:

 Khi hành giả ở Hạnh vị Thông Đạt do sức kiến đạo, thông đạt chơn như, dứt phần thô trọng của hai chướng phân biệt, chứng được một phần chơn như chuyển y nên gọi là Thông Đạt chuyển.

 3- Tu Tập Chuyển:

 Khi ở Địa Vị Tu Tập, hành giả tu tập mười thắng hạnh, đoạn được phần thô trọng của hai chướng câu sanh, theo thứ lớp chứng được Chuyển Y chân thật.

 4- Quả Viên Mãn Chuyển:  

 Hành giả ở địa vị Cứu Cánh tu tập vô biên thắng hạnh khó hành trải qua ba đại A Tăng Kỳ Kiếp, cho đến khi Kim Cang dụ định hiện tại tiền thì vĩnh viễn dứt sạch được tất cả thô trọng xưa nay, chứng được Phật quả tức là Viên mãn Chuyển Y.

 5- Hạ Liệt Chuyển:

 Đây là chỉ cho hàng nhị thừa vì chỉ muốn nơi tịch tịnh, chán khổ, ưa tịch diệt, chỉ dứt được chủng tử phiền não chướng và chỉ chứng được chơn trạch diệt vô vi không có sức kham năng nên gọi là Hạ Liệt Chuyển.

 6- Quảng Đại Chuyển:

 Hành giả thuộc hàng Đại Thừa, vì lòng quảng đại lợi tha mà hướng tới Đại Bồ Đề, không chán sanh tử, vì muốn vào cõi sanh tử để độ chúng sinh, không thích trụ nơi Niết Bàn để an hưởng.  Hành giả đã dứt cả chủng tử của hai chướng phiền não và sở tri, thông đạt chơn như do hai không hiển lộ, chứng được Vô Thượng Bồ Đề Niết Bàn. Do có sức kham  năng quảng đại như vậy nên gọi là Quảng Đại Chuyển.

 G- Những Chuyển Y sai khác

 1- Năng chuyển đạo:  Chia làm hai:

 a- Đạo năng phục: Khắc phục thế lực tùy miên của hai chướng, chế ngự không cho dẫn danh ra hiện hành của hai chướng. Đạo Năng Phục thông cả hai đạo hữu lậu và vô lậu, thông cả ba trí gia hạnh, căn bản và hậu đắc, khắc phục hiện hành hai chướng nên gọi là Đạo Năng Phục.

 b- Đạo năng đoạn:  Vĩnh viễn dứt tùy miên của hai chướng. Có ý kiến cho rằng trí căn bản vô phân biệt thân chứng chơn lý do hai không hiển lộ, vì không có tướng cảnh nên có thể dứt tùy miên. Có ý kiến cho rằng trí hậu đắc vô phân biệt có thể dứt vĩnh viễn tùy miên mê sự. 

Luận Du Già viết: “Trong địa vị Tu Đạo (Tu Tập vị) có đạo thế xuất  thế đoạn hoặc”.

 2- Sở chuyển y:  Có hai nghĩa:

 a- Chỗ nương duy trì chủng tử Thức Thứ Tám, căn bản thức, duy trì chủng tử các pháp nhiễm tịnh, và làm chỗ nương chung cho các pháp nhiễm tịnh.

 b- Chỗ nương của mê ngộ Ðây tức là chơn như, làm căn bản cho mê ngộ, các pháp nhiễm tịnh nương đó mà sanh khởi.

 3- Sở chuyển xả: Có hai nghĩa:

 a- Bị dứt bỏ: Đây là chủng tử của hai chướng, khi chơn vô gián đạo hiện tại tiền, vì chướng bị đối trị và đạo đối trị trái nhau, do đó chủng tử hai chướng kia tức khắc phải bị đoạn diệt, mãi mãi không thể thành tựu lại gọi đó là “bỏ”.

Ngã pháp và tướng pháp bị chấp cũng không còn đối với  vọng tình biến kế, nên cũng gọi là bỏ biến kế sở chấp.

 b- Bị vứt bỏ:  Chủng tử thiện hữu lậu và chủng tử vô lậu yếu kém, khi kim cang dụ định hiện tại tiền dẫn phát ra bản thức viên minh thuần tịnh không còn làm chỗ nương tựa cho chủng tử thiện hữu lậu và chủng tử vô lậu yếu kém nên hai chủng tử nầy đều bị “vứt bỏ”.

 4- Sở chuyển đắc (đắc do chuyển đổi): 

 Có hai đó là Sở hiển đắc, Sở sanh đắc.

 a- Sở Hiển Đắc (đắc do hiển lộ): Là Đại Niết Bàn. Niết Bàn tuy xưa nay tự tánh thanh tịnh nhưng vì các chướng che lấp nên không hiển lộ. Khi chơn thánh đạo phát sanh dứt hết các chướng,  Niết Bàn sẽ hiển lộ nên gọi là Đắc, Sở Chuyển Đắc.

 Niết Bàn sai biệt có bốn thứ:

 a.1- Niết Bàn Bản lai tự tánh thanh tịnh.

 a.2- Hữu Dư Y Niết Bàn: Tức chơn như đã ra khỏi chướng phiền não đạt tịch lặng vĩnh viễn nên gọi là  Niết Bàn. Nhưng còn có thân trí làm chỗ nương cho khổ vi tế nên gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn.

 a.3-Vô Dư Y Niết Bàn: Chơn như ra khỏi sanh tử, sạch hết các chướng phiền não, thân dư thừa cũng diệt, dứt tất cả khổ não, tịch tịnh, nên gọi là Vô Dư Niết Bàn.

 a.4- Không trú xứ Niết Bàn: Chơn như ra khỏi luôn cả sở tri chướng, có đại bi và bát nhã thường hiển hiện, không trụ sanh tử, không trụ Niết Bàn. Lợi lạc hữu tình, tuy phổ hóa mà thường tịch lặng nên gọi là Không Trú Xứ Niết  Bàn.

 Tất cả chúng hữu tình đều có Niết Bàn tánh tịnh. Hàng nhị thừa vô học chứng được ba loại Niết Bàn  trên.  Chỉ có quả vị Phật mới có đủ cả bốn loại Niết Bàn.

 b- Sở Sanh Đắc (đắc do phát sinh)

 Tức Đại Bồ Đề. Bồ Đề vốn có chủng tử năng sanh, nhưng vì sở tri chướng ngăn ngại nên không phát sinh được, nay do sức Thánh Đạo khiến chủng tử ấy sinh khởi nên gọi là đắc Bồ Đề.

 Trí không phải là Thức, nhưng ở hạnh vị nầy Thức đã chuyển thành Trí. Thức hiện hành khi hành giả còn ở trong những hạnh vị hữu lậu. Khi đạt đến hạnh vị vô lậu nầy tám thức đã chuyển thành bốn trí theo thứ tự như sau:

b.1- Đại Viên Cảnh Trí: Thức Thứ Tám chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí.

Tâm phẩm nầy lìa các phân biệt, hành tướng và sở duyên của nó rất vi tế khó biết, tánh tướng thanh tịnh, lìa các tạp nhiễm, làm chỗ nương cho các hiện hành và duy trì chủng tử của công đức thuần tịnh viên mãn. Nó có thể biểu hiện ra ảnh tượng ba thân tự thọ dụng, bốn độ và ba trí tiếp theo là Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quang Sát Trí và Thành Sở Tác Trí, bản tánh trong sáng như tấm gương viên mãn tròn đầy rực sáng.

Luận Trang Nghiêm nói: “Đại Viên Cảnh Trí đối với hết thảy cảnh không ngu, không mê”.

Kinh Phật Địa nói: “Trong Đại Viên Cảnh Trí của Như Lai hiện đủ các ảnh tượng căn, trần, thức”.

 b.2- Bình Đẳng Tánh Trí: Thức Thứ Bảy chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí. 

Tâm phẩm nầy quán tất cả pháp hữu tình tự tha thảy đều bình đẳng, tánh đại từ bi thường tương ưng, tùy căn cơ chúng hữu tình ở mười địa mà thị hiện và độ tha thọ dụng với ảnh tượng sai khác. Trí nầy là chỗ sở y của Diệu Quang Sát Trí, và là nơi dựng lập Niết Bàn Vô Trú Xứ.

 Luận Trang Nghiêm viết: “Duyên các hữu tình tự tha bình đẳng. Tùy theo chỗ thắng giải của hữu tình mà thị hiện vô biên ảnh tượng Phật”.

Kinh Phật Địa viết: “Bình Đẳng Tánh Trí chứng được mười thứ tánh bình đẳng”.

Trí nầy là trí phẩm bình đẳng tánh duyên cả chơn và tục, nhiếp luôn hai trí.

 b.3- Diệu Quan Sát Trí: Thức thứ sáu, tức Ý Thức, chuyển thành Diệu Quan Sát Trí.

Tâm phẩm nầy phát sinh trí vô ngại, khéo quán sát tự tướng và cộng tướng các pháp. Tổng nhiếp vô lượng pháp môn tổng trì quán sát và phát sinh vô lượng trân bảo công đức, tự tại hiện ra vô lượng vô biên tác dụng sai khác giữa chúng hữu tình.

 Trường hợp Diệu Quan Sát Trí có chia thành hai “Quán” đó là Bậc Sanh Không Quán và Bậc Pháp Không Quán

b3.1- Bậc Sanh Không Quán:  Nhị Thừa ở Kiến Đạo vị Trí Sanh Không Quán bắt đầu khởi lên, triển chuyển đến vô học mới trọn vẹn rốt ráo. Hay là mãi đến cuối cùng địa vị giải hạnh của Bồ Tát Trí nầy mới phát khởi. Cũng có thể là đến địa thứ bảy, hay khi hành giả nhập Diệt Tận Định Vô Tâm Trí nầy mới khởi lên.

b3.2- Bậc Pháp Không Quán Bồ Tát khi ở Hạnh Vị Kiến Đạo, Trí nầy mới phát khởi, từ đó triển chuyển cho đến khi lên đến mười địa.

 b.4- Thành Sở Tác Trí Năm Thức trước là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân chuyển thành Thành Sở Tác Trí.

Bồ Tát ở hạnh vị Tu Đạo nhờ trí Hậu Đắc tương ưng thức thứ sáu dẫn dắt nên Thành Sở Tác Trí nầy mới phát khởi.

Luận Trang Nghiêm viết: “Năm căn của Như Lai, mỗi mỗi đều đối năm cảnh mà sanh khởi”.

Kinh Phật Địa viết: “Thành Sở Tác Trí khởi làm các việc biến hóa nơi ba nghiệp, quyết trạch tâm hành sai khác của hữu tình, lãnh thọ các pháp quá khứ, hiện tại”.

Tóm lại bốn Trí nầy tuy là duyên khắp tất cả pháp nhưng về công dụng thì có khác nhau.

Đại Viên Cảnh Trí hiện tướng thân và tịnh độ tự thọ dụng, duy trì chủng tử vô lậu.

Bình Đẳng Tánh Trí  hiện tướng thân và tịnh độ tha thọ dụng.

Diệu Quan Sát Trí quán sát công năng và lầm lỗi của tự và tha, phát khởi mưa đại pháp, giải phá lưới nghi, độ thoát chúng hữu tình.

Thành sở Tác Trí hiện tướng thân và độ biến hóa.  

V-  HẠNH VỊ CỨU CÁNH

Đây là hành giả đạt đến hạnh vị vô thượng chánh đẳng Bồ Đề.

Hạnh vị nầy là sự chứng đạt sau cùng của hành giả. Duy Thức Tam Thập Tụng có bốn câu tụng như sau:

Thử tức vô lậu giới    

(Sa eva anasarvo dhãtur)

Bất tư nghì thiện thường      

(Acintyah kusalo dhruvah)

An lạc giải thoát thân 

(Sukho vimuktikãyo‘sau)

Đại mâu ni danh pháp

(Dharmãkhyo‘yam mahãmuneh)

 Dịch:

Đây, cảnh giới vô lậu

Không nghĩ bàn, thiện, thường

An vui thân giải thoát

Pháp Thân, Mâu Ni lớn

(Như Tạng Việt dịch)

 A- Cảnh giới Vô Lậu, Thiện, Thường, Bất  khả tư nghì

 Chữ “đây” trong bài tụng có nghĩa là các quả vị đã trải qua và đến quả vị nầy toàn là cảnh giới vô lậu. Vì các lậu hoặc đã vĩnh viễn dứt trừ xong. Chữ “Giới” là cảnh giới, có vô biên công đức hy hữu, có thể sinh ra sự lợi lạc cho cả năm thừa thế gian và xuất thế gian. Vì nó nhiếp về Đạo Đế nên chỉ là vô lậu.

Công đức và thân độ của Phật đều từ chủng tánh vô lậu phát sinh.

Vì các chủng tử hữu lậu đã hoàn toàn dứt bỏ, tuy có thị hiện làm thân sanh tử và các phiền não tợ như Khổ đế, Tập đế nhưng vì bản tính vô lậu thấu suốt nên thật sự là  thuộc về Vô Lậu Đạo Đế.

 Có nghi vấn cho rằng, ở hạnh vị nầy, năm Thức của Như Lai đã không phải là năm thức giới, như thế Thành Sở Tác Trí tương ứng với thức thanh tịnh nào?

Thành sở Tác Trí tương ứng với tịnh thức thứ sáu, do nó quán căn cơ mà khởi lên tác dụng biến hóa thành ba loại phân thân.

“Cảnh giới vô lậu” nói đây là “thiện”, toàn thiện, cực lạc viên mãn, “không thể nghĩ bàn”, vì là cảnh giới của chư Phật không phải các hàng Bồ Tát trở xuống có thể suy nghĩ bàn luận mà có thể thấu suốt được. 

 Vì là tánh thanh tịnh, vi diệu thậm thâm, đồng với pháp giới thanh tịnh, xa lìa sanh diệt, cùng cực an ổn.

Tâm phẩm bốn Trí diệu dụng vô biên, cùng cực thiện xảo, tướng thuận chánh lý, ích quần sanh, trái với pháp bất thiện nên gọi là Thiện.

Tất cả thân và độ của Như Lai đều thuộc về Diệt Đế và Đạo Đế cho nên chỉ gọi là Thiện. Từ những chủng tử vô lậu của Như Lai dù có biến hiện ra các tướng hữu lậu, bất thiện, vô ký, cũng đều thuộc vô lậu thiện.

 Quả Chuyển Y nầy được gọi là “Thường” vì pháp giới thanh tịnh, không sanh, không diệt, tính không biến đổi, không có thời kỳ cùng tận nên gọi là “Thường”.

Thêm nữa sở dĩ được gọi là thường vì tâm phẩm bố trí nương nơi pháp giới không có thời kỳ cùng tận, do sức bản nguyện hóa độ chúng hữu tình không có thời kỳ cùng tận, tột đời vị lai không dứt nên gọi là thường.

Cảnh giới vô lậu nầy là Thiện, Thường, là không thể dùng ngôn thuyết, suy niệm mà có thể diễn dạt hay hiểu biết được thấu đáo nên gọi là bất tư nghì, như những lý lẽ đã nêu ra ở phần trên.

 B- An vui, thân giải thoát

 Ở Hạnh vị nầy, không có bức não, pháp giới thanh tịnh, tĩnh lặng các tướng, vĩnh viễn xa lìa sự nhiễu hại của trí thể ngã chấp, pháp chấp, phiền não chướng, sở tri chướng, hay hóa độ khiến chúng hữu tình được an lạc, giải thoát, được pháp hỷ nên gọi là “an vui”.

 Xa lìa các chấp pháp, chấp ngã, các chướng  hữu lậu, vô lậu, dứt bỏ luôn cả nhị biên hữu vô, chứng vô sở đắc, tự tại thậm thâm vô ngại nên gọi là chứng pháp thân giải thoát.

C- Pháp thân, Mâu Ni Lớn

 Hành giả đã đạt đến giác ngộ hoàn toàn, thành tựu pháp tịch mặc vô thượng vĩ đại nên gọi là Đại Mâu Ni (tịch mặc vĩ đại).  

Hành giả đã chứng đắc pháp vô lượng vô biên công đức như mười lực, bốn vô úy v.v… Chứng đắc Pháp Thân gồm cả năm pháp là chơn như và bốn trí làm bản tánh. Phước Trí,  Đức trí vô biên, vô lượng nhập vào pháp giới tánh của chư Phật nên gọi là chứng đắc Pháp Thân.

 D- Ba tướng của Pháp Thân

 1- Pháp Thân tự tánh

 Đây là pháp giới chơn tính mà Như Lai chứng đắc. Nó là chỗ nương của thân thọ dụng và thân biến hóa, đầy đủ công đức chơn thường, không có biên tế. Đó là thực tánh bình đẳng của hết thảy pháp. Đó cũng là pháp thân của ba thân.

 2- Pháp Thân thọ dụng: 

 Pháp Thân nầy có hai đó là tự thọ dụng và tha thọ dụng.

 a- Pháp Thân tự thọ dụngHành giả đã phát khởi được bốn trí Bồ Đề và vô biên công đức chơn thật, thành tựu sắc thân thanh tịnh viên mãn, tương tục lặng lẽ, thường hằng biến khắp, tư thọ dụng pháp lạc vô biên. 

 b- Pháp Thân tha thọ dụngChư Như Lai do năng lực của Bình Đẳng Tánh Trí biểu hiện công đức ở cõi thuần tịnh, công đức vi diệu thanh tịnh. Đức Như Lai chuyển bánh xe pháp, biến hiện thần thông rộng lớn, phá những lậu hoặc, nghi mạn khiến chúng hữu tình thọ dụng được pháp lạc Đại Thừa.

 3- Pháp Thân biến hóa

 Đức Như Lai từ năng lực của Thành Sở Tác Trí biến hiện ra vô lượng hóa thân theo loài hữu tình ở các cõi vừa uế, vừa tịnh để hóa độ chúng hữu tình, giải thoát họ nhập vào tánh giác, tri kiến của Như Lai.

 Trong luận viết: “Chuyển Tạng thức (Thức Thứ Tám) được tự tánh thân”. Đó là do chuyển diệt thô trọng hai chướng trong Thức Thứ Tám mà Pháp Thân được hiển lộ.

Pháp Thân là thật tánh của bốn trí. Tư Tánh Pháp Thân tuy có vô biên công đức chơn thật, nhưng nó là vô vi không thể khẳng định đó là sắc hay tâm

---o0o---

Mục Lục Chương một Chương hai Chương ba Chương bốn Chương năm Chương sáu Chương bảy Chương tám Chương chín Chương mười

TIN KHÁC