Chùa tọa lạc ở thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Từ Tuy Hoà ra, theo quốc lộ 1, đến gần cầu Lò Vôi, có đường quẹo trái vào chùa.
Giới thiệu Chùa Triều Tôn
Tên thường gọi: Chùa Triều Tôn
Chùa tọa lạc ở thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Từ Tuy Hoà ra, theo quốc lộ 1, đến gần cầu Lò Vôi, có đường quẹo trái vào chùa. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa do ngài Liễu Diệu khai sơn vào năm 1803. Huynh đệ của ngài là ngài Liễu Năng, khai sơn chùa Phước Sơn ở huyện Đồng Xuân và ngài Liễu Căn khai sơn chùa Bảo Sơn ở huyện Tuy An, hợp thành 3 ngôi tam bảo danh tiếng ở Phú Yên xưa nay.
Chùa qua 7 đời truyền thừa. Hòa thượng trụ trì Thích Phước Trí đã tổ chức trùng tu ngôi chùa vào năm 1984. Chùa có nhiều tháp cổ.
Cây lồng xóm mạc xa xa thấy
Mắt lóa phong trần bước bước gay
Cái thú trên non chừng vẫn ấy
Bên mây đủng đỉnh dáng sư thầy.
(Cụ Tam Nguyên Yên Đổ)
Vùng đất Xuân Thọ, phía Bắc có dốc Găng tọa trấn, phía Nam là miễu Ông Cọp linh thiên, phía Đông là vịnh Xuân Đài di tích thắng cảnh quốc gia, phía Tây là dãy núi trải dài giáp huyện Đồng Xuân.
Chùa Triều Tôn tọa lạc tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu
Dọc quốc lộ 1A, đến ngã ba Triều Sơn, hướng về phía Tây theo con đường tỉnh lộ khoảng 1km, chúng ta sẽ gặp ngôi chùa lớn nhất vùng đất này. Chùa Triều Tôn tọa lạc tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu. Diện tích đất chùa khoảng 8000m2, phía sau dựa vách núi, mặt hướng ra đồng ruộng, xa xa là dòng sông uốn lượn đổ ra vịnh Xuân Đài. Thật đúng với câu đối cổ mà người xưa để lại:
Hậu đầu sơn ánh sắc
Tiền diện thủy triều ba
“Phía sau núi non ánh ngời nhiều màu sắc
Mặt trước biển cả lao xao những sóng triều.”
Đến chùa, dừng chân trước cổng, chúng ta sẽ gặp cổng tam quan thật đồ sộ với kiến trúc cổ lầu, mái đao kiểu truyền thống, pha cách điệu theo lối hiện đại. Cổng Tam Quan được xây dựng ba lối vào tuy to lớn uy nghiêm nhưng không kém phần thanh nhã. Trước cổng có câu đối:
Hai bên góc Tam Quan còn có hai câu:
Phật pháp diệu huyền phổ hóa nhân quần đăng giác lộ
Chúng tăng đoàn tụ hoằng dương Phật lý cứu mê đồ
Tạm dịch:
Phật pháp huyền diệu hóa khắp chúng sanh lên bờ giác
Chúng tăng hòa hợp hoằng dương Phật lý cứu đường mê.
Qua cổng Tam Quan, chúng ta sẽ vào điện Quan Âm, nơi tôn trí tượng Bồ Tát được tạo tác bằng đá. Khuôn mặt Ngài được nghệ nhân thể hiện tài tình và toát lên vẻ đại từ đại bi, sáng ngời trí tuệ. Thật đúng với câu tán thán Ngài:
Trí tuệ thâm sâu đại biện tài
Đứng trên sóng biển tuyệt trần ai.
Điện Quan Âm được xây dựng với lối kiến trúc hình lục giác, trên là mái đao được điêu khắc họa tiết, đường nét hoa văn sống động.
Phía sau, Điện Quan Âm là khoảng sân rộng, được bài trí những chậu cây kiểng và cắt tỉa rất công phu, đứng nơi đây ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa. Chính Điện xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu pha nét đương đại, mái kề nối nhau với dãy mái nhà Đông, nhà Tây, tạo nên sự liên kết hài hòa. Trên mái được bàn tay nghệ nhân khéo léo điêu khắc rồng uốn lượn, phượng tung bay, tuy nguy nga đồ sộ nhưng không mất đi vẻ đẹp truyền thống của mái chùa làng Việt.
Bên trong Đại Hùng Bảo Điện được bài trí cũng giống như những ngôi chùa Bắc tông khác. Tượng đức Bổn Sư được thờ nơi chính giữa, sau lưng tượng là bức bích họa có cội bồ đề, có dòng sông, xa xa là dãy Tuyết sơn được nghệ nhân vẽ rất sinh động. Hai bên tượng của đức Bổn Sư là tượng Bồ Tát Quan Âm và Bồ Tát Địa Tạng.
Trong Bảo Điện có câu đối:
Thành đạo đương sơ, tại Bồ đề thọ hạ, tam thất tư duy hoằng khai đại pháp
Niết bàn thùy chí, ư Sa la song thọ, thuyết truyền di giáo phó chúc tăng luân.
Dịch:
Vừa mới thành đạo, dưới cội Bồ đề, ba thất tư duy hoằng khai đại pháp
Sắp vào niết bàn, trong rừng Sa la, thuyết kinh Di giáo phó chúc chúng Tăng.
Phía sau hậu Tổ có thờ bức họa Tổ Đạt-Ma. Bức hình Tổ được họa sĩ vẽ với đường nét truyền thần, đang đạp sóng quảy dép về Tây. Trên bàn Tổ, thờ rất nhiều Long vị của lịch đại cao tăng, được xếp đặt thứ tự, từ Tổ khai sơn cho đến các Tổ kế thế.
Đến chùa, dừng chân trước cổng, chúng ta sẽ gặp cổng tam quan thật đồ sộ với kiến trúc cổ lầu, mái đao kiểu truyền thống
Hai bên tượng tổ Đạt-Ma có cặp đối:
Nhãn tạng truyền trì vạn thế lưu phương quang tổ ấn
Tâm đăng điểm xuyến thiên thu tục diệm hiển tông phong.
Tam dịch:
Chánh pháp truyền trì muôn đời tỏa hương vang tổ ấn
Đèn tâm thắp sáng ngàn năm rực rỡ rạng tông phong.
Tổ Đình Triều Tôn được thiền sư húy Liễu Diệu, hiệu Chánh Quang, phái Lâm Tế, đời thứ 37 ( theo dòng kệ của ngài Vạn Phong Thời Uỷ: Tổ Đạo Giới Định Tông, Phương Quảng Chứng Viên Thông, Hành Siêu Minh Thiệt Tế, Liễu Đạt Ngộ Chân Không…) khai sơn vào đầu triều nhà Nguyễn (1803). Ban đầu chùa chỉ là một thảo am được Tổ dựng lên tu hành, trên đồi cây Dừng, Đồng Găng. Xứ Đồng Găng ngày xưa là nơi thâm u tĩnh mịch, rất hợp với người thích tu hành mật hạnh. Đứng ở nơi đây, chúng tôi nhìn xuống làng mạc thôn xóm, chợt ngẫm lại bài thơ của Thiền Sư Không Lộ:
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Dịch:
Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê chang chứa suốt ngày vui
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng hú vang lạnh cả trời.
Sau khi Tổ Liễu Diệu viên tịch, vì không có đệ tử thừa kế, do đó Ngài Chương Tánh, hiệu Quảng Nhuận được tông môn Tổ Đình Từ Quang – Đá Trắng cử về thừa kế tổ nghiệp. Ngài nhận thấy rằng, nơi đây tuy phong cảnh thâm u tĩnh mịch dễ bề tu niệm nhưng đường xá xa xôi không thuận tiện, nhất là về mùa mưa thì lầy lội khó đi, mùa nắng lại thiếu nước sinh hoạt, khó khăn trăm bề. Trước sự khó khăn đó, Ngài quan sát và thấy phía đối diện nơi chùa cũ, là một vị trí có cảnh quan tươi đẹp, đường xá thuận lợi, không gần cũng không xa làng xóm, nhiều điều kiện dễ bề truyền đạo. Sau một thời gian đắn đo cân nhắc, Ngài Quảng Nhuận quyết định dời chùa về vị trí ấy (nay là chùa Triều Tôn). Chùa xưa trở thành phế tích, chỉ còn lại ngôi Tháp Tổ rêu phong đứng đó phủ màu thời gian.
Trải qua bao thăng trầm theo dòng thời gian, chùa Triều Tôn nhiều lần được trùng tu, lần gần nhất, được hòa thượng hiệu Liên Tâm tu sửa. Đến năm 1985, được hòa thượng Phước Trí đại trùng tu lại lần nữa.
Đến năm 2000, hòa thượng thích Đồng Tiến trùng tu lại mặt tiền chính điện, xây dựng thêm nhiều công trình sinh hoạt phụ, thêm phần khang trang và có được diện mạo như ngày hôm nay.
chuaviet.org tổng hợp