Trong sự khởi đầu tốt đẹp này, cô dâu và chú rể được nghe những lời giáo huấn quý báu do thầy chủ lễ giảng giải về nền tảng quan trọng để đảm bảo xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc lâu dài bền vững cho gia đình và cho cả con cháu sau này.
Hiện nay, việc tổ chức lễ thành hôn tại chùa hay còn gọi Lễ Hằng Thuận không còn xa lạ với nhiều đôi bạn trẻ. Đây được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù thể hiện rõ tinh thần nhập thế giữa đạo Phật và hạnh phúc đời thường của người cư sĩ Phật tử thông qua sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời mỗi người.Lễ Hằng Thuận không chỉ đơn thuần là lễ cưới mà ở đó lồng ghép các nghi thức trang nghiêm của đạo Phật với sự chứng kiến của Tam Bảo và hai họ.
Trong sự khởi đầu tốt đẹp này, cô dâu và chú rể được nghe những lời giáo huấn quý báu do thầy chủ lễ giảng giải về nền tảng quan trọng để đảm bảo xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc lâu dài bền vững cho gia đình và cho cả con cháu sau này. Cùng với sự gia hộ của mười phương Chư Phật, tất cả những việc làm tốt đẹp mang tính nhân văn đó sẽ tạo dựng cho cô dâu và chú rể nền tảng tín ngưỡng, đạo đức tâm linh hướng thiện, vững chắc để cùng nắm tay nhau vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời.
1. Khái niệm và nguồn gốc Lễ Hằng thuận
Hằng là mãi mãi, thường xuyên, luôn luôn; thuận là hòa hợp, thuận thảo, yên ấm; Hằng thuận nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng.Hằng thuận là vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng trong đời sống gia đình, với ông bà, cha mẹ và con cái; hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát chánh đạo.
Vậy lễ Hằng thuận đầu tiên được tổ chức ở đâu và do ai? Nhiều nguồn tư liệu cho rằng người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu Nam Tử (1883 – 1940), quê ở Hải Dương, là nhà Nho, sau quy y theo Phật, nhiệt thành phụng sự Phật pháp. Ông nghĩ việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Vào năm 1930, bác sĩ Phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành với Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng thuận.
2. Nghi thức tổ chức lễ Hằng thuận
Đa số uyên ương chọn chùa đã quy y để làm lễ Hằng thuận. Nghi thức tổ chức lễ Hằng thuận có trình tự cơ bản như sau:
– Chủ hôn tại chùa thường là một vị hòa thượng hoặc thầy trụ trị tại chùa. Nghi lễ diễn ra tại chính điện của chùa.
– Nơi làm lễ gồm một chiếc bàn dài, là nơi chủ hôn thực hiện nghi thức kết duyên. Cặp đôi sẽ quỳ trước bàn, hướng về nơi thờ Phật, làm theo chỉ dẫn của các vị hòa thượng chủ hôn. Bạn bè, người thân của cô dâu chú rể ngồi hai bên theo đúng quy cách “nam tả, nữ hữu” (nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải).
– Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì thầy sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới.
– Cô dâu, chú rể đọc lời nguyện, sau đó nhận lời chúc tốt lành cũng như lời dặn dò của vị chủ trì buổi lễ. Vị thầy chủ hôn sẽ buộc dây tơ hồng tượng trưng cho cô dâu, chú rể, với ý nghĩa gắn bó uyên ương trọn đời bên nhau.
– Tiếp đến là nghi lễ “phu thê giao bái”, cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.
– Cùng với uyên ương, đại diện hai bên gia đình sẽ khấn nguyện trước Đức Phật và các vị chư tăng về việc chỉ bảo cho cặp đôi vợ chồng xây dựng gia đình hạnh phúc.
– Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, hai bên gia đình mời các vị chư tăng cùng họ hàng và bạn bè dự tiệc chay. Thông thường, bữa tiệc này sẽ được tổ chức ngay tại chùa với các món ăn đều được chế biến từ thực vật như nấm, mộc nhĩ, khoai, đậu phụ, ngũ cốc…
Việc tổ chức lễ trong chùa sẽ không những mang lại cho cô dâu, chú rể một lễ cưới trang nghiêm mà còn mang lại lợi ích cho khách mời hai bên vì trong buổi tiệc hoàn toàn không có những món ăn mặn, thay vào đó chỉ là những thực phẩm chay thanh tịnh; không tổn hại dù một sinh linh, không dùng bia, rượu gây tổn hại sức khỏe và tốn kém, lãng phí tiền bạc.
3. Mục đích và ý nghĩa lễ Hằng thuận
Theo thống kê của một số trang báo điện tử thì có một thực tế đáng buồn là chúng ta đang sống trong thế giới có đến 50% cặp vợ chồng ly thân và ly dị, trên 20% cặp vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc mà vẫn chung sống vì nghĩ đến lợi ích lâu dài của con cái. Gần 20% cặp vợ chồng tạm gọi là có hạnh phúc trong hôn nhân và đời sống gia đình. Đây là thực trạng đáng báo động về sự thiếu hiểu biết trước và sau hôn nhân đã và đang xảy ra trên thế giới.
Nhưng có một điều rất bất ngờ là trong số gần 20% cặp vợ chồng đạt được hạnh phúc trong đời sống gia đình trên toàn thế giới hiện nay có đến 90% là gia đình Phật tử thuần thành, có nền tảng đạo đức và căn bản tu tập. Đây là tín hiệu đáng mừng và thật sự thêm niềm tin cho thấy hiệu quả hữu ích của việc ứng dụng nghiêm túc lời Phật dạy vào đời sống để có một gia đình đạo đức, an lạc và hạnh phúc.
Đó cũng là mục đích chính của lễ Hằng Thuận. Và có thể nói, tất cả những yếu tố cấu thành nên hạnh phúc viên mãn của gia đình người Phật tử đa phần đều được khởi đầu và ghi dấu ấn thiêng liêng kể từ lễ Hằng thuận.
Ý nghĩa đầu tiên có thể nói, trong buổi lễ Hằng thuận, Quý phật tử là cô dâu, chú rể tự phát nguyện giữ gìn ngũ giới, tiến đến tu hành thập thiện, đồng thời trau dồi bốn đức hạnh từ – bi – hỷ – xả, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiêm khắc với mình, khoan dung độ lượng với người, suy nghĩ điều chánh đáng, nói lời chánh ngữ, hành nghiệp chánh nghiệp…
Đó là những việc làm đạo đức căn bản vô cùng quan trọng để xây dựng hạnh phúc gia đình trên cơ sở “hiểu” và “thương”, đồng thời là nền tảng các phương pháp nuôi dạy con cái ngoan hiền, thuận thảo. Trong kinh Tăng Chi, đức Phật cũng nhấn mạnh rằng một người phụ nữ thực hiện thật tốt đạo làm vợ thì “Sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú thiên giới”.
Như vậy, chính ngay nơi đạo vợ chồng, nếu mỗi bên thực hiện đầy đủ các bổn phận thì vẫn có thể được ngay quả phước sanh thiên, chứ chưa cần nói đến công quả do tu thập thiện.
Trong ngày vui trọng đại và trang nghiêm này, chú rể và cô dâu trao nhau đôi nhẫn cưới tròn trịa thể hiện niềm hạnh phúc viên mãn. Ý nghĩa cao đẹp, biểu trưng cho cách cư xử trên tinh thần nhường nhịn yêu thương, tương kính lẫn nhau trong đời sống vợ chồng của chiếc nhẫn cưới cũng được các vị hòa thượng giảng giải, phân tích cặn kẽ, sâu sắc để đôi bạn trẻ nhận thức được giá trị nhân văn của món đồ này mà lắng nghe, nhún nhường, và cảm thông cho nhau khi trên đôi tay luôn có sự hiện hữu của chúng.
Điều có ý nghĩa rất quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc suốt cuộc đời cặp đôi trẻ là Lễ Hằng thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể được quý Thầy tận tình hướng dẫn, giảng giải đạo lý vợ chồng trong cuộc sống như lời đức Phật dạy trong Kinh Ca Thi La Việt. Đó là:
Năm bổn phận chồng phải đối với vợ:
Phải biết tôn trọng vợ.
Không đối xử tệ bạc với vợ.
Phải chung thủy với vợ.
Phải giao tiền bạc cho vợ quản lý.
Phải sắm đồ nữ trang cho vợ khi có điều kiện.
Đồng thời đức Phật cũng dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với chồng:
Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà.
Phải tử tế với quyến thuộc bên chồng.
Phải luôn chung thủy với chồng.
Giữ gìn tài sản gia đình.
Luôn siêng năng trong mọi việc.
Đặc biệt, xuất phát từ tầm quan trọng và vị trí xây tổ ấm lứa đôi, giữ lửa hạnh phúc gia đình của người phụ nữ nên quý thầy sẽ dành nhiều thời gian giảng về 7 loại vợ sau để khuyên dạy những người vợ tương lai theo lời Đức Phật dạy:
Người vợ có tâm địa ác, có ý xấu, không có lòng thương, bỏ rơi chồng mình, yêu những người đàn ông khác, một dâm nữ, chỉ muốn làm phiền lòng người. Ðó là loại vợ sát nhân.
Người vợ hay hoang phí của cải tài vật, dù là ít do chồng làm ăn kiếm được, nhờ cày ruộng, buôn bán hay lao động khéo tay, đó là loại vợ ăn trộm.
Người vợ lười biếng, không muốn làm gì hết, lại tham ăn, ác độc, thô bạo, thích nói lời ác, lấn át người chồng siêng năn cần mẫn. Ðó là loại vợ kiêu sa.
Người vợ trìu mến, thân ái bảo vệ chồng như mẹ bảo vệ con, giữ gìn tài sản của chồng, đó là loại vợ như mẹ.
Người vợ kính trọng chồng, như em gái đối với anh cả, khiêm tốn, sống chiều đúng theo ý chồng. Ðó là loại vợ như em út.
Người vợ sung sướng khi thấy chồng, như gặp người bạn cũ sau bao năm xa cách, thuộc giòng quý tộc, có đạo đức, sống thanh tịnh. Ðó là loại vợ như bạn bè.
Người vợ dù là bị đối đãi không tốt, nhưng không giận hờn, vẫn bình tĩnh, chịu đựng mọi hành vi của chồng với lòng từ mẫn, tâm không biết giận, sống chiều đúng theo ý chồng. Ðó là loại vợ như người phục vụ.
Một điều cần nhớ là Ðức Phật sau khi mô tả bảy loại người vợ nói trên, nói rằng: loại vợ sát nhân, loại vợ ăn trộm, loại vợ kiêu sa đều là không tốt, còn loại vợ như mẹ, như em út, như bạn bè, như người phục vụ là những người vợ tốt, đáng tán thán.
Thực hiện tốt những điều này, nghĩa là vợ chồng đã hết lòng yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau, luôn luôn hòa thuận, cùng hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng thuận đã toát lên. Đó chính là ý nghĩa, giá trị lớn lao mà lễ Hằng Thuận mang lại.
Hiện nay, trong xã hội khá phổ biến tình trạng gia đình đổ vỡ sau thời gian thành hôn ngắn ngủi với nguyên do là các cặp vợ chồng tuy có tình yêu thương mà không có sự chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu bền. Sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp là do sự bộc phát của lòng ham muốn nhất thời, có thể gọi đó là sự luyến ái nhau và cũng có thể gọi là tình yêu thương nhất thời giữa nam và nữ.
Vậy nên, bên cạnh việc giáo huấn về đạo lý vợ chồng, con cái và hướng dẫn Phật tử cách tu tập để có cuộc sống an lạc, Phật giáo có vai trò trợ duyên cho các gia đình Phật tử và phòng ngừa mọi nguy cơ có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đây cũng là việc làm cần thiết đầu tiên góp phần xây dựng xã hội Phật giáo an lạc được cấu thành từ tập hợp gia đình Phật tử.
Như vậy, có thể nói lễ Hằng thuận đã phát huy nền tảng trí tuệ, đạo đức tâm linh, định hướng con người sống thật sự hữu ích. Và tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình đặt trên nền tảng của Phật – Pháp – Tăng sẽ luôn bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau của ta và của người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp nhất.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)