Nếu gọi ông chỉ là một nhà khoa học, thì không khác gì gọi Leonardo Da Vinci chỉ đơn thuần là một tay thợ vẽ. Được mệnh danh là cha đẻ của nền khoa học Ấn Độ hiện đại, ông là một trong những người đầu tiên biết được sự tồn tại của tri giác thực vật, rằng thực vật, giống động vật, cũng có cảm giác, biết suy nghĩ và phản ứng với môi trường xung quanh, chứ không phải là một sinh vật vô tri vô giác đơn thuần. Trong bài viết này, Đại Kỷ Nguyên xin hân hạnh giới thiệu với độc giả cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Jagadish Chandra Bose sinh năm 1858 tại Bikrampur, Ấn Độ. Ông là một người đàn ông với tài năng trên nhiều lĩnh vực, khi đồng thời là một nhà vật lý, nhà sinh vật học, nhà thực vật học, nhà khảo cổ học, tác giả, người am hiểu về hội họa. Trên hết, ông là một trong những khoa học gia lỗi lạc nhất thế kỷ 20.
Ông là người đầu tiên từ tiểu lục địa Ấn Độ nhận được tấm bằng sáng chế của Mỹ, và cùng với các Tesla, Marconi, và Popov, ông được coi là một trong những cha đẻ của ngành khoa học phát thanh (radio). Ông còn là nhà sáng lập Học viện Khoa học Quốc gia Ấn Độ, thành viên Hội khoa học Hoàng gia Anh, thành viên Viện khoa học Vienna (Áo), thành viên Hội khoa học Phần Lan. Ông cũng được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ vào năm 1917.
Tuy nhiên, giống hầu hết các nhà khoa học tiên phong khác, tên tuổi của Bose được biết đến nhiều hơn chính nhờ theo đuổi những lý thuyết gây tranh cãi – những thí nghiệm của ông trong ngành sinh lý học thực vật vào những năm 1900 cùng những khám phá gây sửng sốt kinh ngạc. Nhân kỷ niệm 158 năm năm sinh của J C Bose, chúng tôi xin chia sẻ với độc giả câu chuyện về cuộc hành trình của ông nhằm khám phá ra khả năng phản ứng của thực vật trước các kích thích bên ngoài.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngành khoa học vật chất (Physical Sciences) tại Đại học Kolkata, Bose giảng dạy vật lý tại Presidency College cùng lúc theo đuổi các nghiên cứu cá nhân về điện và sóng điện từ. Tháng 11/1894, lần đầu tiên trên thế giới, Bose tiến hành một thí nghiệm kinh điển tại Town Hall Kolkata nhằm chứng minh sự tồn tại của vi sóng, thông qua việc kích nổ thuốc súng và rung chuông từ khoảng cách xa sử dụng vi sóng.
Ông cũng phát triển một phiên bản cải tiến của ‘coherer’ (một thiết bị có khả năng phát hiện sóng radio), trong đó lần đầu tiên sử dụng một khớp nối bán dẫn. Lúc đầu ông không muốn lấy bằng sáng chế cho thiết bị này, vì cho rằng khoa học nên mang lại lợi ích cho toàn nhân loại chứ không phải là một công cụ kiếm tiền. Tuy nhiên, trước áp lực từ bạn bè, cuối cùng Bose đã nộp đơn lên cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ, và vào ngày 29/3/1904, ông trở thành người Ấn Độ đầu tiên nhận được một tấm bằng sáng chế của Mỹ cho chiếc “máy phát hiện xung nhiễu điện”. Điều thú vị là, thiết bị ‘coherer’ của Bose sau này đã được chính Guglielmo Marconi – cha đẻ của ngành truyền thanh – sử dụng để chế tạo chiếc máy radio hai chiều đầu tiên.
Ngoài thời gian chính cho các thí nghiệm khoa học, Bose cũng dành thời gian viết một loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bằng tiếng Bengal. Câu chuyện nổi tiếng Polatok Tufan (Tránh bão) của ông mô tả làm cách nào một cơn bão xoáy bị chặn lại bằng cách sử dụng một chai dầu gội đầu! Nó giải thích cách dầu thay đổi sức căng bề mặt và giữ nước. Một cuốn sách khác của ông, mang tên Niruddesher Kahini (Story of the Untraceable), là cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có sức ảnh hưởng lớn đầu tiên viết bằng tiếng Bengal.
Có lẽ chính công việc nghiên cứu sóng radio đã khiến Bose tin rằng ngành vật lý có thể đi xa hơn những gì con người có thể nhìn thấy thông qua hai con mắt. Ông vẫn luôn bị cuốn hút bởi phản ứng của các loài thực vật nhạy cảm như mimosa (còn gọi là cây xấu hổ, hay cây trinh nữ), vì khi bị kích thích, các lá cây sẽ ngay lập tức cụp xuống, khép lại trong một cơ chế tự bảo vệ, như thể nó đang sợ hãi. Tò mò trước thế giới bí ẩn của thực vật, Bose đã chuyển hướng sang nghiên cứu cơ chế thực vật phản ứng với các kích thích bên ngoài.
Để làm được điều này, ông đã phát minh ra thiết bị crescograph, một loại máy ghi nhận dao động sớm sử dụng các bánh răng đồng hồ và một tấm kính hun khói để đo lường tốc độ sinh trưởng và các chuyển động nhỏ đến mức 1 / 100.000 inch (1 inch = 2,54 cm) của các loài thực vật. Tấm kính sẽ tiếp nhận hình phản chiếu của thực vật và đánh dấu nó dựa trên chuyển động của chúng. Thí nghiệm ban đầu được tiến hành với một chiếc lá, một củ cà rốt và một cải củ turnip lấy ngay trong vườn nhà ông.
Bose tin tưởng mạnh mẽ rằng cây cối sở hữu một hệ thần kinh nhạy cảm, không giống với động vật, và rằng phản ứng của chúng trước các kích thích bên ngoài có thể được đo đạc và ghi lại. Kết quả các thí nghiệm của ông đã củng cố niềm tin này. Lấy ví dụ, trong một thí nghiệm, khi một cái cây bị nhúng vào bromide (một chất độc), nhịp đập của nó, biểu thị bằng một điểm sáng trên tấm kính hun khói, trở nên bất ổn định ngay khi cái cây bắt đầu hấp thụ chất độc kia.
Điều này chứng minh thực vật cũng có tri giác như động vật, có thể nhận thức thế giới xung quanh, chứ không phải một sinh vật vô tri vô giác như chúng ta vẫn tưởng.
Được khích lệ bởi kết quả thí nghiệm này, Bose bắt tay nghiên cứu phản ứng khác nhau của các loài thực vật dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường như nhiệt độ, hóa chất, điện, khí và độ ẩm. Càng nhiều phản ứng ông nhận được từ thực vật, càng nhiều nỗ lực ông bỏ ra để tìm hiểu một cách chi tiết. Bose kinh ngạc nhận thấy trạng thái co giật khi chết ở động vật cũng xuất hiện ở thực vật, và rằng thời điểm tử vong thực tế ở thực vật có thể được xác định một cách chính xác. Như ông đã viết:
“Xung quanh chúng ta, thực vật đang giao tiếp với nhau. Chỉ là chúng ta không nhận ra điều đó”.
Với mong muốn tiết lộ sự tồn tại kỳ diệu của tri giác thực vật cho thế giới, Bose đã mô tả thí nghiệm của ông và kết quả của chúng trong cuốn sách năm 1902 với tựa đề Responses in the Living and Non-Living (tạm dịch: các phản ứng ở sinh vật và phi sinh vật). Ông mô tả việc cây cối sinh trưởng nhanh hơn khi tiếp xúc với âm nhạc tốt và nghe những lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, ngược lại sẽ sinh trưởng chậm khi tiếp xúc với loại nhạc ầm ĩ xập xình (VD: nhạc rock) và giọng nói lớn tiếng không chừng mực. Ông thậm chí còn đề cập đến việc thực vật sẽ trở nên u uất khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm hay khi trời tối. Tóm lại, công trình của ông cho thấy thực vật có thể cảm thấy vui vẻ cũng như cảm thấy đau đớn tùy thuộc tác nhân bên ngoài.
Tuy rằng nghiên cứu của Bose đã gặp không ít phản đối từ những người bất đồng chính kiến, thiết bị crescograph của ông đã nhận được sự tán dương rộng rãi, đặc biệt từ Đại hội Khoa học Path vào năm 1900. Việc Hội Khoa học Hoàng gia Anh chọn xuất bản bài viết của ông đã tạo ra nhiều cơ hội và lời mời hợp tác nghiên cứu. Trong nhiệm vụ khoa học thứ tư của ông đến Anh vào năm 1914, Bose đã thiết lập một phòng thí nghiệm cá nhân tại Maida Vale, và nơi đây đã vinh hạnh được đón tiếp nhiều cá nhân xuất chúng từ tất cả các nẻo đường cuộc sống.
Các nhà khoa học từ Hội Khoa học Hoàng gia và Hiệp hội Sinh học Linnean đã đến xem các thí nghiệm với tri giác thực vật của Bose. Trong một vụ việc đáng nhắc tới, nhà soạn kịch George Bernard Shaw đã sợ hãi tột độ trước cảnh tượng một miếng bắp cải co giật dữ dội khi ngụp lặn trong nồi nước sôi. Tuy rằng các nghiên cứu của Bose với thực vật đã nhận được sự đánh giá cao của một số nhà khoa học, người ta cũng có thể nhận thấy thái độ khinh thị của giới khoa học phương Tây cho công trình của một nhà khoa học ngoại lai từ Ấn Độ thuộc địa trong cách báo chí Anh mô tả các nghiên cứu của ông bằng những ngôn từ tương tự như với thí nghiệm kinh dị tạo xác sống của bác sĩ Frankenstein.
Tuy nhiên, các thí nghiệm cách mạng đột phá của ông không thể mãi bị phớt lờ. Năm 1920, ông được bầu làm hội viên Hội khoa học Hoàng gia Anh cho những đóng góp và thành quả tuyệt vời của mình. Trước khi qua đời vào năm 1937, ông đã thành lập Viện Nghiên cứu Bose tại Calcutta (hiện là Kolkata). Ông đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ người bạn thân Rabindranath Tagore, người đã hỗ trợ tài chính đồng thời cổ vũ ông trên suốt chặng đường.
Là người ủng hộ mạnh mẽ các nghiên cứu và khám phá của Bose, Tagore luôn tìm thấy cái tinh hoa của tinh thần khoa học Ấn Độ, một sự phản ánh rõ nét văn hóa dân tộc Ấn Độ, trong công trinh của Bose.
Đối với một quốc gia sống dưới sự kìm kẹp của chế độ thực dân, J C Bose không chỉ là một nhà khoa học, ông còn là một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Bose vẫn luôn thừa nhận trách nhiệm của mình như một nhà khoa học có nghĩa vụ khơi dậy niềm tự hào dân tộc của đất nước ông.
Nhà khoa học huyền thoại đã ra đi gần 80 năm, nhưng di sản của ông sẽ mãi còn đó. Qua nhiều thập kỷ, một số nhà khoa học (như Cleve Backster với thí nghiệm máy dò nói dối nổi tiếng) đã góp phần củng cố lý thuyết của Bose, rằng thực vật không quá khác biệt với động vật như chúng ta tưởng. Thực vật cũng có tri giác, có thể nhận thức được con người và thế giới xung quanh.
Ngày nay, tại Viện nghiên cứu Bose Kolkata, các dự án kiểu này vẫn đang được tiếp tục thực hiện, và có lẽ chúng nên được gọi là Dự án Di sản JC Bose (JC Bose Legacy Project). Tại một chi nhánh của Viện tại thành phố Madhyamgram, công việc đang được tiến hành để giải mã những bí ẩn ở cấp độ phân tử của thực vật (cụ thể là protein và gen) khi biểu lộ các phản ứng khác nhau đối với các kích thích bên ngoài như chạm, ánh sáng hay tiếng ồn
Một lần nữa, chúng ta cảm ơn JC Bose vì đã hé lộ cho chúng ta những nhận thức rất mới về giới thực vật đầy bí ẩn, những nhận thức giúp chúng ta thay đổi thế giới quan về chúng, rằng thực vật không chỉ là những sinh vật vô tri vô giác, mà là những sinh vật có tri giác, có cảm xúc, có suy nghĩ, và có thể nhận thức thế giới xung quanh.
Theo thebetterindia.com
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)