Ý nghĩa
Vía Phật - Bồ Tát trong năm
---o0o---
Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN
Thích Nữ Như Vạn
A/ DẪN NHẬP
Ngày Phật Đản Sanh là ngày quan trọng nhất mà toàn thể Phật Giáo đồ bằng lòng thành kính thiết tha hướng về đấng giác ngộ, một bậc thầy đem lại sự an lạc thanh cao cho toàn thể nhân loại. Vì vậy ngày rằm tháng tư, phần lớn ai cũng muốn tìm hiểu về ý nghĩa Đản Sanh của bậc giác ngộ cách dây hơn 25 thế ky,û tại xứ Ấn Độ vào một buổi bình minh không khí trong lành, tiết trời tươi mát, hoa tươi tỏa hương thơm ngào ngạt, chim hót líu lo như chào đón đóa hoa Linh Thoại ngàn năm nở một lần.
Vì sứ Ấn Độ bấy giờ sự phân chia giai cấp trầm trọng như BàLa Môn và Sát Đế Lợi nắm trọn quyền hành trong nước về văn hóa, học thuật, chính trị vv…. Còn hai giai cấp Phệ Xá và Thủ Đà La phải phục tùng theo mệnh lệnh hai giai cấp trên nên,ï tha thiết trong ngóng một vị cứu tinh. Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất vì lòng bi nguyện xuất hiện thế gian nhằm đáp ứng mọi nguyện vọng thâm sâu, thầm kính của con người. Ngài đem trí tuệ, tình thương san bằng những hố thẳm đau thương, giúp cho người giải thoát vòng kiềm tỏa khổ đau.
Thế nên, ngày Phật Đản sanh đã đánh dấu trong nhân loại một lịch sử vẻ vang mãi đến hôm nay. Hòa trong niềm vui chung mừng đón bậc siêu nhân xuất hiện tại thế gian, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa ngày Phật Đản.
B/ NỘI DUNG
I/ Định nghĩa
Phật Đản hay đản sanh là lễ mừng Phật sanh ra đời, một đấng siêu nhân đầy đủ cung cách phi phàm vì lòng đại bi dùng nguyện lực xuất hiện tại nhân gian là một người có thật trong lịch sử.
Từ đó ý nghĩa thanh cao thoát tục của Phật giáo được phổ biến, như trong kinh Pháp Hoa nói Ngài thị hiện ra đời là vì một nhân duyên lớn “ khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” nên ngày rằm tháng tư, ngày Phật Đản hay lễ Vesaka Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất đản sanh tại thế gian rất quan trọng xem như đó là ngày khai sinh đạo Phật. Nhân đây chúng ta tìm hiểu cụm từ tương đương Phật đản là giáng sanh, thị hiện. Giáng sanh: Bậc thánh từ cõi cao quý sanh xuống nhân gian. Thị hiện: Bậc thánh tùy trường hợp hiện ra hóa độ chúng sanh hữu duyên.
II/ Thân thế
Tại miền bắc Ấn Độ nơi cung thành CA TỲ LA VỆ (kapilavastu) ngày nay là xứ Népal, quốc vương trị vì là vua TỊNH PHẠN đã 45 tuổi và hoàng hậu là MAYA 40 tuổi rất mực nhân từ, đức hạnh, hòa ái; vua là bậc minh quân, hoàng hậu là bậc mẫu nghi trong thiên hạ của thời đại bấy giờ. Vua và hoàng hậu tha thiết mong mõi có một Thái Tử anh minh tài đức nối ngôi vua.
Sau ngày khai đàn tha thiết cầu tử, vua Tịnh Phạn truyền lệnh chẩn bần giúp người khốn khổ, hợp với nguyện lực giáng sanh của Bồ Tát Hộ Minh, sau đó Hoàng Hậu về hoàng cung trong giấc ngủ mơ thấy voi trắng sáu ngà chui vào hông phải. Theo thông lệ nước Ấn Độ người phụ nữ đến ngày sinh nở trở về quê mẹ, Hoàng Hậu cũng thế nhưng mới cách thành Ca Tỳ La vệ khoảng 15km tại vườn Lâm Tỳ Ni là tiếng phạn, pali: Lumbini nay là Rumindai Trung Hoa dịch là hoa quả đẳng thắng diệu sự cụ túc, lạc thắng viên quang giải thoát xứ, khả ái, hoa hương, đoạn, diệt, diêm … là khu vườn hoa nằm giữa Câu Lợi (Koliya) và Ca Tỳ La Vệ (kapilavastu) thuộc trung Ấn Độ. Khi Hoàng Hậu Maya đến cảm thấy nhẹ nhàng phong cảnh vui tươi đưa tay nâng đóa hoa vô ưu lúc ấy Thái Tử Sĩ Đạt Ta khai hông bên hửu hoàng Hậu sinh Thái Tử, hài nhi đứng thẳng chân bước 7 bước trên 7 đóa hoa sen và thanh thoát tuyên thuyết “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.
Theo tư liệu khảo cứu H.WSCHUMANN có viết: “Hoàng Hậu Màya đã 40 tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở về quê song thân ở Devadaha để sanh con và nhờ thân mẫuYasodharà bảo dưỡng, cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sàn xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha”.và đã diễn tả quang cảnh lúc ấy là “Gần làng Lumbini giữa trời không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản, Hoàng Tử ấu nhi Siddhattha sanh ra đời vào khoảng tháng 5 năm 563 TCN”. Qua đó cho ta thấy rằng Thái Tử Sĩ Đạt Ta đản sanh dưới tàng cây vô ưu tại vườn Lâm tỳ Ni … lối hành văn nghiên cứu mô tả không nhuốm màu sắc thần ky của tôn giáo khiến ta cảm thấy xót xa!
* Ý nghĩa 7 bước trên 7 đóa hoa sen có nhiều bản kinh nói đến như:
- Kinh Đại Bản trong Trường Bộ trang 453 đã viết “Này các Tỳ Kheo, pháp nhỉ là như vậy, vị Bồ Tát khi sanh ra Ngài đứng vững thăng bằng, mặt hướng về phía bắc bước đi 7 bước một lọng trắng được che trên”.
- Kinh Phổ Diệu (Đại Chánh 3, thượng 494) có ghi “lúc bấy giờ Bồ Tát từ hông phải sanh ra hốt nhiên thân trụ trên hoa sen báu, bước đi 7 bước trên đất mà diễn nói phạm âm”.
* Đặc biệt câu: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn “ thì có nhiều bản kinh sai khác như:
- Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, thượng (Đại Chánh 3, 473 hạ) ghi: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, hà khả lạc giả”.
- Kinh Tu Hành Bản Khởi thượng (Đại Chánh3, 462 hạ) ghi: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn ,tam giới giai khổ ngô đương chi an”.
- Kinh Đại Bổn Duyên trong kinh Trường A Hàm Đức Thế Tôn giới thiệu nhân duyên của 7 Đức Phật trong đó đức Thích Ca Thuyết; “Ta nay là bậc chí chơn Như Lai, sanh trong dòng Sát Đế Lợi, họ Cồ Đàm” hay “ thân phụ của ta tên là Tịnh Phạn, thuộc dòng Sát Đế Lợi, mẹ tên là ĐẠI THANH TỊNH DIỆU, kinh thành vua trị vì là CA TỲ LA VỆ. Rồi Ngài thuyết về sự Đản Sanh của Bồ Tát Tỳ Bà Thi và cũng là thường pháp của chư Phật : “…Ngài sanh ra từ hông bên phải, cõi đất chấn động, hào quang chiếu sáng khắp nơi còn lúc mới nhập thai chỗ tối tăm nhất cũng đều nhờ ánh sáng ấy”. Hoặc Ngài nói : “Lúc sanh ra từ hông bên phải của mẹ thì chuyên niệm không loạn và mẹ Bồ Tát lúc ấy, tay vịnh cành cây, không ngồi, không nằm”. Hay đoạn : “ Ngài từ hông bên phải Đản sanh và bước xuống đất, đồng thời bước 7 bước, không cần người nâng đỡ. Ngài nhìn khắp 4 phương và đưa tay lên nói rằng: “ trên trời dưới đất, duy chỉ có ta tôn quí, ta muốn độ chúng sanh thoát khỏi sanh già bịnh chết”. Như vậy có rất nhiều kinh nói về câu: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” nghĩa là: “ Trong cõi trời người chỉ có ta là tôn quý”.
III/ Ý nghĩa ngày Phật Đản
a/- Từ khi Thánh mẫu thọ thai thấy voi trắng 6 ngà là biểu trưng cho Bồ Tát vì nguyện lực vào đời cứu độ chúng sanh với tâm thanh tịnh, bình đẳng, không còn những nhiễm ô của thế gian có thể lay chuyển lòng son của bậc tìm được đạo giác ngộ với hạnh nguyện độ sanh dùng pháp lục độ vào đời hóa độ cho đến khi thành Phật quả.
b/- Thánh Mẫu tay cầm cành hoa vô ưu là biểu trưng cho sự chánh niệm, chuyên tâm không loạn thì tâm hoa sẽ phát sanh, đó là trí huệ vô lậu phá tan màn vô minh phiền não, đã dẫn dắt con người từ vô thỉ kiếp mãi đến hôm nay. Thếâ nên, người học Phật chuyên tâm không loạn đi vào chánh định phát sanh trí huệ thì ưu bi sầu não sẽ không còn và sự an lạc, hoan hỷ, hạnh phúc sẽ hiện ra, nên ngày Phật đản sẽ mở khai cho chúng sanh thế giới một con đường tự do, bình đẳng.
c/- Khai hông bên hữu là biểu trưng cho lý trung đạo không cố chấp vào một pháp, là tâm vô trụ chấp siêu khỏi thiện ác phải quấy vv…khi vượt ngoài đối đãi sống theo lý trung đạo, Chẵng những thế mà còn tượng trưng cho tinh thần tùy duyên bất biến, là thuận sanh là tâm luôn luôn phát sanh những điều chơn thiện là tâm bất nhị vượt ngoài pháp đối đãi thế gian, khi Phật đản sanh đã diễn bøày ý nghĩa tu tập giải thoát khổ đau sinh tử, mãi đến đời Lục Tổ vẫn dặn dò chúng ta tu tập khi 6 căn tiếp xúc 6 trần, 6 thức thành 18 giới đều từ tự tánh khởi ra ứng dụng .
- Tự tánh tà mê khởi 18 pháp tà .
- Tự tánh chánh khởi 18 pháp chánh.
- Ứng dụng thiện thì gọi là Phật dụng .
- Ứng dụng ác thì gọi là chúng sanh dụng…
d- Ý nghĩa hoa sen : khi Phật Đản sanh đứng trên hoa sen đây là một loài hoa được mọc từ đáy ao hồ vươn lên, tỏa hương thơm ngào ngạt; Hình tượng chư Phật, chư Bồ Tát đặt trên hoa sen là một sáng tác nghệ thuật tuyệt mỹ về hình thức lẫn ý nghĩa hóa giải nhiễm nhơ. Hoa sen có 5 đặc tính thù thắng như:
1/- Vô nhiễm :Sanh nơi bùn mà chẳng có mùi bùn đất, lại tặng cho đời sắc hoa tươi thắm, tỏa hương thơm thanh khiết.Như vậy Phật xuất hiện vào đời vì nguyện lực cứu độ chúng sanh, dù ở cõi đời ngũ trược ác thế nhưng không nhiễm sự uế trược của đời, không làm phai mờ bản tâm thanh tịnh “cư trần bất nhiễm trần”.
2/- Nhân quả: Hoa sen khi có búp sen là có gương sen và trong gương sen có hạt sen. Khi gương sen còn non có hạt non, khi gương sen già thì hạt cứng. Cũng vậy, nhân quả luôn gắng liền nhau gieo nhân ắt phải có quả; nên nói nhân lành hưởng quả lành, nhân ác chịu quả xấu; nhưng vì thời gian tạo nhân có những duyên đối lập thì quả không thành tựu, như hạt sen trong gương cũng có hạt chắt và hạt lép vì nhân quả nhà Phật phải xét qua bốn yếu tố như: nhân quả đồng thời, nhân quả khác thời, một nhân không thành quả, nhân quả thông cả ba đời.Vậy hoa và quả đồng thời phô bày và phát triển, nói lên đạo lý nhân quả, là một chơn lý!
3/- Thanh tịnh:hoa không bị ong bướm hút nhụy, luôn nở vào lúc nửa đêm, hoa sen là loài hoa có khả năng tịnh hóa vùng nước chung quanh, nên ao hồ trồng sen nước rất trong. Đây là chỉ cho giáo pháp Đức Phật có vô lượng pháp môn tu nếu ai thực hành theo lời Phật dạy là con đường quay trở về bản tâm thanh tịnh chính mình, một cách rốt ráo sẽ được giải thoát an vui.
4/- Trang nghiêm : Nước Ấn Độ người nữ thường dùng các loài hoa trang điểm trên tóc, nhưng đặc biệt hoa sen chỉ dùng cúng Phật Thánh, trang nghiêm nơi tôn thờ, cũng như giáo pháp của Phật là ly dục nên được thanh tịnh dùng để trang nghiêm pháp thân.
5/- Lý sự viên dung: Hình dáng của gương sen tròn , mỗi hạt sen riêng từng ô dường như không quan hệ với nhau nhưng cùng chung một gương sen, nên pháp Phật tương nhân tương duyên gồm cả sự lý viên dung, cả quyền và thật, cả xuất thế và nhập thế..vv… Chẳng những thế mà mầm, cọng, lá, ngó, hoa đều có công năng làm dược liệu và thực phẩm; thế thì ngoài 5 đặc tính trên hoa sen còn mang đến cho con người nhiều lợi ích khác.
e/ Ý nghĩa số 7 trong Phật Giáo
Khi đản sanh Thái Tử bước 7 bước rồi dừng lại .Vậy con số 7 có ý nghĩa gì? Nếu nói theo kinh Đại Bát Nê Hoàn 3 nêu ý nghĩa tứ phương thất lộ như sau:
- Bảy bước về phía đông biểu thị bậc đứng đầu dẫn đạo chúng sanh .
-Bảy bước về phía nam là thị hiện vì chúng sanh làm phước điền vô thượng .
-Bảy bước về phía tây là thị hiện thân sau cùng vĩnh viễn đoạn tận cái khổ sanh lão bịnh tử.
-Bảy bước về phía Bắc là thị hiện đã hóa độ các loài hữu tình sanh tử.
Như vậy thuyết 7 bước, có nhiều kinh nói đến như sau:
- Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm toàn thể vũ trụ trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa. Từ vật nhỏ như vi trần đến vật lớn như núi tu di tất cả không ngoài con số 7 như:
-Thất Đại là địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức.
- Thất thánh tài là tín, tấn, giới, tàm quý, văn, xả, huệ.
- Thất chúng là tỳ kheo, tỳ kheo ni , thức xoa , sa di, sa di ni ,ưu bà tắc , ưu bà di.
Thất Phật là Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp và Phật Thích Ca.
- Thất thánh quả là Tư đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm , Ala hán , Duyên giác , Bồ Tát , Phật là quả vị tối cao.
- Trong 37 phẩm trợ đạo chia làm 7 khoa là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ Đề phần, Bát chánh đạo phần.
Con số 7 còn tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ không gian là đông,tây, nam, bắc; thời gian là quá khứ, hiện tại, vị lai . ngay cả trong sự sống chết của con người như lập đàn Dược Sư Thất Bảo để cầu an, hay tổ chức thất thất trai tuần để cầu siêu.Vì thế con số 7 đã gắn liền ý nghĩa với sự hình thành và phát triển của nhân sinh và thế giới trong vũ trụ quan qua tầm nhìn Phật Giáo .
f/- Ý nghĩa chữ NGÃ
Bảy bước chân ấy đã làm rung chuyển vũ trụ ,với một người sơ sanh đặc biệt tay chỉ trời tay chỉ đất vang tiếng pháp âm:
“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”
Đối với chữ “NGÔ trong bối cảnh lịch sử Ấn Độ thời Phật đản sanh là một phạm trù vô cùng quan trọng giữa khi 62 học thuyết chấp ngã và vô ngã, giữa khi nhân loại chấp thủ ngã và ngã sở bị chìm sâu vào vòng sanh tử khổ đau, thì chơn ngã là tiếng nói của bậc giác ngộ vào đời đem sự an lạc giải thoát cho muôn loài. Chính quan điểm này đã diễn biến qua các tông phái phổ cập nhân gian . Khi người thoát khỏi ngã kiến, ngã ái, ngã mạn, ngã si thì đó là một bậc A La Hán. Theo tư tưởng kinh Niết Bàn có ghi: Bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh hoàn toàn đối lập với sự chấp của phàm phu. Như vậy, chữ NGà ở đây không nằm trong phạm trù của cái ta chấp ngã mà NGà của bậc siêu nhân là chơn ngã là tánh thực của muôn loài. NGà là danh tự pháp, hiển lộ chân thật pháp. Bởi vì danh tự không nắm bắt, không chỗ tru,ù nhưng qua ngôn ngữ thì chúng ta nhận được chơn thường, chơn ngã, chơn lạc, chơn tịnh của tất cả chúng sanh căn bản trong sáng thanh tịnh, từ đó phát khởi tất cả những ý niệm cao đẹp tuyệt vời là điều tất nhiên của một đấng giác ngộ vượt cả không gian, thời gian .Chỉ người đạt chơn ngã mới là bậc tối thượng, là bậc đáng tôn kính. Đây là một ý niệm triết lý, nhưng cũng là một chơn lý trong sự xuất hiện bậc Thế Tôn ở thế gian.
- Ý Nghĩa của ngày Phật Đản biểu trưng cho một quá trình tu tập của một hành giả trên bước đường giác ngộ đến khi đạt thành Phật quả.
Nói đến ngày Phật Đản là chúng ta liên tưởng đến một hài nhi chào đời, dáng vẻ thanh lịch giữa sự vui mừng cuả mọi người nơi hoàng cung, với tay chỉ trời, tay chỉ đất hiển nhiên như người thông thiên đạt địa đủ năng lực diễn bày vạn pháp ở thế gian. Thánh mẫu tay cầm cành hoa vô ưu là trên đường đạt thành Phật quả chúng ta luôn luôn an trú trong chánh niệm, không để sự ưu tư, sầu não làm phá hoại thánh hạnh. Nhưng việc sanh bên hữu vào thời ấy; chúng ta thấy theo quan điểm Bà La môn được sanh từ đầu Phạm Thiên, Sát Đế Lợi sanh từ vai Phạm Thiên thì Thái Tử cũng có thể sanh từ hông của Phạm Thiên. Mẹ là vị Đại Phạm Thiên trong đời!
Theo phong thổ Ấn Độ, vừa hết xuân qua hạ là lúc khí trời mát mẻ, điều hòa. Bình minh là bắt đầu một ngày mới mang sức sống tưng bừng cho muôn loài, bóng đêm dần tan, những tia sáng rọi vào bầu trời quang đản cho cây cỏ xanh tươi và người ấm áp. Các họa sĩ, các nhà nghệ thuật kết hợp ý biểu trưng từ một con người bình thường nhưng rất phi thường, một ngày mới sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho mọi ngườiđồng tiến đến quả vị giải thoát.
- Sự việc xảy ra trong ngày Phật Đản không phải là hoàn toàn huyền thoại mà biểu trưng từ hiện thực Đức Phật là một người có thật trong lịch sử. Các nhà khảo cổ tìm được trụ đá vua A Dục khắc ngày Phật Đản là ngày trăng tròn tháng tư. Nhằm giải quyết đáp ứng nguyện vọng, đem lại sự bình đẳng cho mọi người. Muốn có sự lợi ích hiện thực chúng ta phải mở rộng lòng Từ Bi yêu thương muôn loài như không khí trong lành ban cho vạn vật không điều kiện, bình minh vẫn vươn lên, tâm hỷ phát sanh cũng thế khi ban vui cứu khổ; ý muốn người được thành công hạnh phúc thì Đức Thế Tôn vui theo nhưng không trụ chấp, trên tinh thần xả vô nhiễm trang nghiêm thanh tịnh. Ngài là người thực hiện giải phóng nhân loại khỏi vòng trói buộc bảo thủ của giai cấp. Hiện nay trong các lãnh vực xã hội đều có sự tham gia của hai phái nam và nữ sự rèn luyện kỷ năng đúng tiêu chuẩn phục vụ xã hội hóa, công nghiệp hóa.
* Ý nghĩa ngày Phật Đản biểu thị qua tâm linh mỗi chúng ta vì Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nên hằng ngày, hằng giờ, từng sát na chúng ta không phiền não, ưu sầu vì thấu rõ nhân quả, điều tâm cho thanh tịnh sáng suốt, lý sự không ngăn ngại trang nghiêm pháp thân, thấu rõ vạn pháp vô ngã, luôn hướng về chơn ngã thì ngay lúc ấy Phật tâm của mỗi chúng ta đản sanh.
- Ngài sinh ra ở vườn Lâm Tỳ Ni làm cho Lâm Tỳ Ni nổi tiếng thơm muôn thuở. Chư thiên tán hoa cúng dường, người người trân trọng vv… thể hiện phước báo túc nghiệp của Ngài thù thắng, lớn lên thông minh hơn người cả hai mặt tài và đức không thua kém một ai. Khi thấu đáo chơn lý Ngài làm rung động các giáo đoàn Bà La Môn, Ngài là nhà lãnh đạo xuất sắc kiến lập Tam Bảo tại thế gian trong thời gian không lâu đã thâu nhận 1.250 đệ tử sống an trụ trong chánh pháp, rất nhiều chúng sanh chứng thành thánh quả.
Chính vì thế ngày Phật Đản rất có ý nghĩa an lạc trong cuộc sống nhân sinh. Bởi vì nếu học Phật, tu Phật chúng ta sẽ thấu hiểu Phật và chúng sanh đều bình đẳng. Nhưng Phật đã giác ngộ vì Ngài thấu đạt cội nguồn sanh tử, ra khỏi sanh tử một cách tự tại còn chúng ta vì mê nên phải tu tập ngay trong cuộc sống đầy đắm nhiễm mà Phật nói cõi đời là Ngũ trược ác thế. Nhưng Ngài thể hiện một đóa hoa sen vươn lên tỏa hương thơm ngào ngạt một mùi hương ngược gió đó là hương đức hạnh do thành tựu hạnh xả ly, tịch tịnh như Phật Học Giáo Khoa Thư có dạy: “Tụng niệm thời gieo hạt giống trí huệ, lễ bái thời ba nghiệp thanh tịnh khiến cho tâm ta hòa vào tâm Phật, cầu tâm Phật nhập vào tâm ta, cả hai hỗ trợ tương nhiếp thời đồng cảm ứng với nhau vậy”.
Để ngày Phật đản luôn hiện hữu trong đời sống, chúng ta nên luôn tôn trọng sự tự do chọn lựa của mỗi người tìm về tánh sáng thanh tịnh cùng hỗ trợ nhau khai mở trí giác. Như kiến giải kinh Pháp Hoa ai cũng có khả năng thành Phật nhưng phải gia công tu Bồ Tát hạnh đến viên mãn mới có thể đạt quả vịvô thượng chánh đẳng chánh giác. Sinh hoạt giáo hội trong các thời kỳ thực hành theo lời Phật dạy với tinh thần bình đẳng, tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc màu da đều được phát tâm nương ngôi Tam Bảo tiến tu và sự đạt thành đạo quả không phải giàu, nghèo, trí, ngu,…mà là do sự giác ngộ của mỗi người, sẽ có được những thành quả khác nhau.
Như vậy, quang cảnh ngày Phật đản có nhiều thuyết nhưng không ngoài ý chính đã trình bày phần trên, tuy nhiên hằng năm ngày ấy cũng giúp cho hằng triệu triệu con tim hiểu được Bồ Tát vào đời vì nguyện lực cứu độ chúng sanh và đạt thành đạo quả, đồng thời tỏ lòng tri ân, biết ân bậc giác ngộ. Từ đó, người tu Phật tạo được hai thứ phước điền lớn là kỉnh điền và ân điền, dù rằng hằng ngày Phật tử vẫn đến chùa lễ Phật nhưng với tâm niệm bình thường đặc biệt ngày Phật Đản nhắc ta liên tưởng đến Phật nơi tự tâm phải sống với thực tại, sống có giá trị lợi ích cho mọi người bằng khả năng, hiểu biết, sự tu tập và tăng tiến đạo hạnh…
C/ KẾT LUẬN
Rõ ràng ngày Phật Đản sanh biểu thị cùng tột cho cội nguồn tâm linh là chơn ngã, thì chúng ta cũng nên sanh những niệm khởi như Phật đản sanh, luôn vững chắc cầm cành hoa vô ưu lý tưởng không phiền não, sầu lo, giận dữ do tham, sân, si trói buộc. Thuận sanh những tư tưởng, việc làm, lời nói thuần thiện có tầm vóc cao nhất của xã hội, Phật tâm liền sanh ra. Nhân ngày Phật Đản chúng ta cùng nguyện cho đến tận đời vị lai, trong từng sát na được sanh giống Phật .Vì sao? Vì “Tâm sanh tất chủng tử pháp sanh” mà chúng sanh trú trên pháp tướng sanh, còn chư Phật Thánh đã dựng lên phong cảnh, tức biểu trưng sâu thẩm cội nguồn tâm linh. Sanh là phát từ niệm thiện khởi, luôn luôn giữ chánh niệm, tâm trí thanh tịnh vô ưu, không bị phiền não trói buộc,nếu rời chánh niệm đó là tà niệm sẽ sầu lo, đau khổ, nên là đệ tử Phật chúng ta luôn cầm cành hoa vô ưu thanh thoát.
Qua ý nghĩa ngày Phật Đản là ngày bậc giác ngộ sinh ra trong nhân thế đem ánh sáng từ bi, trí huệ gieo rắc cho mọi người nương theo phát triển đạo đức. Sự xuất hiện trên đời của Ngài như một bài pháp nhứt thừa tại nhân gian chỉ bày y chơn ngã, làm sáng tỏ viên ngọc quí Phật tánh thanh tịnh bất biến trong mỗi người. Bởi vì chỉ chơn ngã độc tôn con người mới xây dựng được một cuộc sống an lạc giải thoát; Hôm nay chúng ta không đủ duyên lành gặp bậc đại giác ngộ xuất hiện nơi đời ,nhưng được hân hạnh dự lễ Phật đản nên cố gắng noi gương sáng của Ngài tinh tấn sống đời phạm hạnh; được như vậy chắc chắn hiện đời an lạc, đời sau không còn phải sanh ra do nghiệp lực dẫn dắt,mà được vào đời với chí nguyện cao cả làm lợi ích cho mình và người đồng an vui phúc lạc.
Tham khảo theo
- Đức Phật Lịch Sử Bản dịch trần Phương Lan, VNCPHVN 1997.
- Kinh Trường A Hàm. Bản dịch Hòa Thượng Thích Minh Châu, xb 1991.
- Kinh Trường Bộ. Bản dịch Hòa Thượng Thích Minh Châu, xb 1991.
- Suối Nguồn 6. Tu Viện Huệ Quang lưu hành nội bộ, xb 2000.
- Kinh Pháp Bảo Đàn. Bản dịch NS Thích Nữ Trí Hải, 1979 viện Phật Học Vạn Hạnh.
- Đoàn Trung Còn, Tự Điển Phật Học, Sài Gòn 1966.
- Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Tư Tưởng Phật Giáo, NXB Tôn Giáo 2001.
Mục Lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |