Cậu bé tự kỷ trở thành Tiến sĩ y khoa nhờ sự cổ vũ của cô giáo

date
06/10/2020
Khi đứng trước những em học trò lớp 5 của mình vào ngày đầu tiên đi học, cô Thompson đã nói với bọn trẻ rằng cô yêu tất cả chúng như nhau. Tuy nhiên, cô đã không thể làm được điều đó, bởi vì ở ngay hàng ghế đầu, ngồi sụp xuống chỗ ngồi của mình, là một cậu bé tên là Teddy Stoddard.

Cô Thompson đã theo dõi Teddy một năm trước và nhận thấy rằng cậu bé không hòa đồng với những đứa trẻ khác, quần áo của cậu xộc xệch và cậu thường xuyên cần phải đi tắm. Ngoài ra, Teddy có thể là một người khó ưa.

Nhà trường yêu cầu cô phải xem xét hồ sơ trong quá khứ của từng đứa trẻ và cô đã trì hoãn xem hồ sơ của Teddy cho đến phút cuối cùng. Tuy nhiên, khi xem lại hồ sơ của cậu, cô đã rất ngạc nhiên.

Giáo viên lớp một của Teddy đã viết: “Teddy là một đứa trẻ thông minh với nụ cười thường trực trên môi. Em làm việc một cách cẩn thận và có cách xử sự tốt. Em hẳn là một niềm vui khi được ở bên…”

Giáo viên lớp hai của cậu ấy viết: “Teddy là một học sinh xuất sắc, được các bạn trong lớp quý mến, nhưng em gặp rắc rối vì mẹ em mắc bệnh nan y và cuộc sống ở nhà phải rất chật vật”.

Giáo viên lớp ba viết: “Cái chết của mẹ đã gây khó khăn cho em. Em cố gắng làm hết sức mình, nhưng cha em không quan tâm lắm và cuộc sống gia đình sẽ sớm ảnh hưởng đến em nếu không có ai giúp đỡ.

Giáo viên lớp 4 của Teddy viết: “Teddy đã rút lui và không quan tâm nhiều đến trường học. Em không có nhiều bạn và đôi khi ngủ trong lớp”.

Cô Thompson đã nhận ra vấn đề và cô rất xấu hổ về bản thân. Cô đã không hiểu cho hoàn cảnh của cậu bé tội nghiệp, ngược lại còn nghĩ không tốt về em.

Giáng sinh năm ấy, các học sinh trong lớp mang quà Giáng sinh tặng cô, những món quà được gói trong những dải ruy băng đẹp và giấy hai mặt, ngoại trừ món quà của Teddy. Món quà của cậu được gói một cách vụng về trong tờ giấy cứng màu nâu mà cậu lấy được từ túi thức ăn.

Cô Thompson đã rất khó khăn để mở nó ra ở giữa những món quà khác. Một số đứa trẻ bắt đầu bật cười khi cô tìm thấy một chiếc vòng tay bằng đá thạch anh mất một số viên đá và một chai nước hoa chỉ còn 1/4.

Cô ngắm nghía chiếc vòng tay và khen nó đẹp làm sao. Cô đeo nó vào và xức một ít nước hoa lên cổ tay. Cô rất trân trọng món quà của cậu bé.

Sau giờ học, Teddy Stoddard là học trò ở lại cuối cùng. Cậu nói với cô: “Cô Thompson, hôm nay cô có mùi hương giống như mẹ em”.

Sau khi lũ trẻ đi khỏi, cô đã khóc ít nhất một giờ. Từ đó trở đi, cô bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Teddy. Cô càng khuyến khích, cậu càng nhanh chóng đón nhận. Vào cuối năm đó, Teddy đã trở thành một trong những đứa trẻ thông minh nhất trong lớp. Mặc dù cô Thompson đã từng nói rằng cô sẽ yêu tất cả những đứa trẻ như nhau, nhưng Teddy đã trở thành một trong những ‘học trò cưng của cô’.

Sáu năm trôi qua, cô nhận được bức thư báo rằng Teddy đã học xong trung học, đứng thứ ba trong lớp, và cô vẫn là giáo viên tốt nhất mà cậu từng có trong đời.

Bốn năm sau đó, cô nhận được một lá thư khác, nói rằng trong khi mọi thứ có lúc khó khăn, anh ấy đã ở lại trường, đã cố gắng hết sức và sẽ sớm tốt nghiệp đại học với danh hiệu cao quý nhất. Anh nói với cô Thompson rằng cô vẫn là giáo viên tốt nhất và yêu thích nhất mà anh từng có trong suốt cuộc đời.

Sau đó bốn năm nữa trôi qua và một lá thư khác đến. Lần này, tên của anh ấy đã dài hơn một chút…. Bức thư đã được ký, Bác sĩ y khoa Theodore F. Stoddard. Và tất nhiên, cô Thompson vẫn là giáo viên tuyệt vời nhất!

Câu chuyện không kết thúc ở đó, cô Thompson tiếp tục nhận được một lá thư khác vào mùa xuân đó. Teddy cho biết anh đã gặp cô gái này và sẽ kết hôn. Anh nói rằng cha anh đã mất cách đây vài năm và anh đang tự hỏi liệu cô Thompson có thể đồng ý ngồi dự lễ cưới ở nơi thường dành cho mẹ của chú rể hay không. Và cô Thompson đã nhận lời.

Cô đeo chiếc vòng Teddy tặng năm đó, chiếc vòng bị thiếu vài viên đá, xức loại nước hoa mà mẹ anh ấy từng dùng.

Trong đám cưới, họ đã ôm nhau, Tiến sĩ Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: “Cảm ơn cô Thompson đã tin tưởng vào em. Cảm ơn cô rất nhiều vì đã khiến em cảm thấy mình quan trọng và cho em thấy rằng em có thể tạo ra sự khác biệt”.

Cô Thompson, nước mắt lưng tròng, thì thầm đáp lại: “Teddy, em đã sai. Em là người đã dạy cô rằng cô có thể tạo ra sự khác biệt. Cô không biết dạy học là như thế nào cho đến khi cô gặp em”.

Câu chuyện này của Elizabeth Silance Ballard ban đầu được đăng trên tạp chí Home Life vào năm 1976 và đã trở thành 1 trong những câu chuyện được yêu cầu nhiều nhất trong lịch sử của tạp chí.

 

Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)