Chùa Láng hay chùa Cả – tên chữ là Chiêu Thiền tự – tọa lạc trên đất làng Láng cổ, Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây còn là thắng tích nổi tiếng, chốn thiền tâm giữa lòng Hà Nội.
Chùa Láng có nhiều nét đặc trưng riêng biệt, bởi đây là ngôi chùa thờ Phật, thờ Thánh, gắn với nhân vật nổi tiếng thời đại đó là Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Tục truyền, Chùa Láng xây dựng từ đời Lý Anh Tông. Chùa có cảnh quan đẹp, được miêu tả rõ trong tấm bia có niên đại Thịnh Đức thứ tư (1656): “Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp”. Giờ đây, mặc dù xung quanh luôn ồn ào xe cộ, nhưng chùa Láng vẫn là chốn thiền lặng, bình yên, như tách hẳn bụi trần.
Cổng chùa có kết cấu 4 cột trụ vuông, 3 mái cong gắn vào sườn cột. Phía ngoài, chính giữa cổng Tam quan treo một bức hoành phi lớn được sơn son thếp vàng đề 4 chữ “Thiền thiên khải thánh” (Trời thiền sinh thánh) nhắc mọi người về một chốn linh thiêng. Phía dưới là đôi câu đối được ghép bằng những mảnh sứ màu xanh lam theo lối khải thư, nét chữ mềm mại, bay bướm làm tăng thêm vẻ cổ kính, trang trọng cho đại danh lam cổ tự này. Bước qua lớp cổng thứ hai, dọc đường thần đạo, hai hàng muỗm cổ thụ thẳng hàng, gốc rễ sù sì, mỗi gốc cỡ vài vòng tay ôm, hàng trăm năm vẫn thâm nghiêm rợp bóng. Thấp thoáng ẩn hiện trong nắng tinh khôi những hàng cau thẳng tắp, những cây đại cằn cỗi rụng hoa trắng gốc.
Điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc phong thủy là nhà bát giác ở giữa sân chùa, mái chồng, 2 tầng, 16 mái với những đầu đao cong vút, uốn lượn rất thanh thoát. Các tầng mái được lợp ngói vẩy, rêu phong đã phủ lớp bụi thời gian lên những tầng mái này. Đỉnh nóc được đắp hoạ tiết 4 con phượng đang múa (phượng vũ) uyển chuyển. Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn nhìn uy vũ mà bao dung, tượng trưng cho sự tồn tại của 8 triều vua nhà Lý. Tầng mái phía dưới lại đắp hoạ tiết những dải sấu miệng ngậm các đầu đao, khiến cho các đầu đao được phô ra rất khéo, không bị cảm giác sắc nhọn, mà rất hài hoà. Dưới mỗi đầu đao là các đầu bẩy có gắn những bức cốn được chạm khắc hình rồng, phượng ẩn hiện trong mây với các hoạ tiết vô cùng tinh xảo, mềm mại. Tường phía trong nhà bát giác là những bức thư hoạ, nét bút có thần với nhiều chủ đề phong phú, có giá trị nghệ thuật cao.
Trong chùa có 198 pho tượng lớn nhỏ, tiêu biểu là tượng Lý Thần Tông (1128 – 1138) ngồi trên ngai vàng và pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài. Chùa Láng còn có 15 tấm bia đá, nổi bật là tấm bia đá xanh có niên đại Thịnh Đức thứ tư (1656) cao 1,4 mét, rộng 0,8 mét. Trán bia có hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, hai diềm bia chạm phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ với đôi cánh rướn bay lên trời xanh. Tấm bia này xứng đáng được coi là một kiệt tác điêu khắc nghệ thuật đá thời Lê. Trước đây, chùa còn cả cuốn kinh bằng đồng lá (bát diệp đồng thư) của vua Lý thường dùng để tụng niệm, nay đã thất lạc.
Hàng năm, Hội chùa Láng được tổ chức để tỏ lòng biết ơn tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Hội Chùa Láng được mở cùng ngày với hội chùa Thầy – nơi tu hành của đức thiền sư tức là ngày 7/3 âm lịch. Tương truyền, đó là ngày sinh cùa Thiền sư Từ đạo Hạnh vị thánh của làng Láng, người được dân làng thờ phụng tại ngôi chùa này. Ngày mồng 5 bắt đầu hội, kiệu thánh được rước lên chùa Nền để ông thăm lại nơi chào đời. Ngày hôm sau lại rước thánh xuống chùa Tam Huyền ở làng Mọc để thăm cha. Hai ngày này chỉ rước bát hương mà không rước tượng. Tối mùng 6, tượng ngài trong chùa Cả được rước ngự tại nhà bát giác để thánh xem 10 cô gái xiêm y lộng lẫy hát múa. Mùng 7, chính hội có đám rước lớn có hai lá cờ tiết mao đi đầu. Nối theo là hai hàng chiêng trống. Có cả con đĩ đánh bồng và long đình gồm rất nhiều cờ, quạt, lọng, phướn theo sau.
Nói về lễ hội chùa Láng, thực chất, đây là lễ hội mùa xuân của cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch, Hà Nội trước kia, nên có những nét khác lạ. Từ chùa ra tới đường cái đám rước đi rất chậm, ra đến cổng làng thì mới nhanh dần. Vừa có lễ dành cho thánh, vừa có lễ dành cho Phật, lại vừa có lễ dành cho thiên tử tượng trưng cho 3 kiếp hoá của Từ Đạo Hạnh. Cái độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn đấu thần. Tới cửa chùa Thánh Tổ (thờ Đại Điên) đám rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, rồi tiếp đó hàng loạt pháo thăng thiên và pháo chuột được đốt phóng sang chùa Thánh Tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp. Đúng chính ngọ (12 giờ trưa) đám rước thật nhanh đi về chùa Cả. Đêm đó có hát chèo vãn hội.
Theo tài liệu ghi chép lại, trước đây, hội Láng không phải tổ chức hằng năm, mà cứ phải mươi, mười lăm năm một lần nhất là vào những lúc mưa thuận gió hoà, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm và diễn ra trong 10 ngày, được các làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch cùng đứng ra tổ chức. Song, hiện nay, hội được tổ chức gọn trong 3 ngày, từ ngày 6 đến 8/3 âm lịch, chính hội là ngày 7/3 âm lịch.
chuaviet.org tổng hợp