Ngôi chùa Vạn Linh, linh thiêng tại An Giang

date
23/12/2020
An Giang nổi tiếng là “vùng đất thiêng” thanh tịnh với những ngôi chùa cổ kính mang đậm nhiều nét đẹp kiến trúc, văn hóa dân gian. Chùa Vạn Linh có lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng, thoáng mát…vừa là nơi có ý nghĩa tâm linh, vừa là nơi có phong cảnh đẹp.

Lịch sử ra đời chùa Vạn Linh

Chùa Vạn Linh có một lịch sử lâu năm. Đầu tiên, vào năm 1927, nhà sư Thích Thiện Quang đã lên núi Cẩm ẩn tu và dựng một am đất, lợp mái lá để tu hành. Vì thế, ban đầu chùa Vạn Linh được gọi là chùa Lá. Nhà sư Thích Thiện Quang ngoài tu hành và thu nạp đệ tử thì còn làm thuốc để trị bệnh cho những người dân xung quanh.

Do đó, nhiều người dân dần dần biết đến ngôi chùa này. Tới năm 1941, khi đệ tử trong chùa ngày càng đông, nhà sư Thích Thiện Quang đã khởi công xây dựng ngôi chánh điện đẹp và bề thế hơn, đồng thời đặt tên chùa là Vạn Linh. Đến năm 1945, chiến tranh nổ ra, nhà sư Thiện Quang và các đệ tử phải lánh đến một chùa khác để tu. Sau đó, nhà sư Thiện Quang qua đời.

Qua nhiều năm tháng chiến tranh, chùa Vạn Linh nhiều lần bị hoang tàn, đổ nát và được xây dựng lại. Mãi tới năm 1995, chùa Vạn Linh mới được xây dựng lại một cách thực sự bằng bê tông cốt thép, kiên cố và hoành tráng hơn. Chùa được mở rộng với diện tích khoảng 6ha và thêm vào nhiều hạng mục như tháp chuông, bảo các, tháp tổ...

Chùa Vạn Linh trở nên tráng lệ sau khi được trùng tu

Vẻ đẹp của chùa Vạn Linh

Chùa Vạn Linh nằm trên sườn núi Cấm, là một trong bảy ngọn núi nổi tiếng của Thất Sơn, An Giang. Núi Cấm là ngọn núi có độ cao nhất trong bảy núi. Núi Cấm cao khoảng 716m, dài 7.500m, còn chùa Vạn Linh nằm ở độ cao 550m. Lưng tựa núi, mặt chùa hướng về hồ Thủy Liêm vì thế phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Chùa Vạn Linh được thiết kế theo kiến trúc truyền thống của chùa chiền phương Đông, tức là tiền đường nằm phía trước, ở giữa là các bảo tháp và tháp chuông, trong cùng là chánh điện. Phần tiền đường là 3 ngôi tháp lớn nhìn uy nghiêm và nổi bật. Phần bảo tháp có nhiều tháp, trong đó lớn nhất là Bảo các Quan Âm.

Bảo tháp này có 9 tầng, cao 35m, mỗi tầng thờ một vị Phật hoặc Bồ tát khác nhau. Tượng lớn nhất là Bồ tát Di Lặc nặng tới 2,6 tấn. Bức tượng nhẹ nhất cũng nặng tới 1,6 tấn là tượng Bồ tát Văn Thù. Bên cạnh bảo tháp, tháp chuông cũng là công trình đặc sắc với kiến trúc hình bát giác, có hai bức tượng Phật lớn bằng đá cẩm thạch trắng và một quả đại hồng chung nặng tới 1,2 tấn.

Khuôn cảnh chùa Vạn Linh nhìn từ trên cao

Phần chánh điện khá rộng lớn và các tượng ở đây hầu hết đều được tạc bằng đá quý. Đến năm 2011, phần Giảng đường và chánh điện mới được khởi công xây dựng, to đẹp và hoành tráng hơn. Vì thế, phần chánh điện cũ được di dời ra phía sau làm nhà Hậu tổ. Bên cạnh đó, chùa Vạn Linh còn có nhà khách, nhà bếp, trai đường, nhà cho chư tăng học, Niệm Phật đường...

Với nhiều cây cối xanh tươi, không khí trong lành và các công trình tôn giáo đặc sắc, chùa Vạn Linh được xem là danh lam thắng cảnh của khu vực Bảy Núi, An Giang.

Một số lưu ý khi tham quan chùa Vạn Linh

Du khách khi đến tham quan chùa Vạn Linh ở An Giang thì nên lưu ý một số điều sau:

- Ngoài các ngày lễ lớn của đạo Phật, chùa Vạn Linh có tổ chức lễ giỗ Hòa thượng Khai sơn (Thích Thiện Quang) vào ngày 23 và 24 tháng 11 (Âm lịch) hàng năm. Ngày lễ này được tổ chức rất trọng thể và linh đình. Du khách có thể kết hợp du lịch núi Cấm và viếng cảnh chùa vào ngày lễ này để trải nghiệm không khí đông vui, nhộn nhịp ở đây.

- Gần chùa Vạn Linh có chùa Phật Lớn cũng nổi tiếng ở khu vực Bảy Núi. Chùa Phật Lớn nằm trên một đỉnh khác của núi Cấm. Chùa có tượng Phật Di Lặc đã được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là “Tượng Phật cao nhất trên đỉnh núi châu Á”. Tượng Phật Di Lặc ở đây cao 33,6m. Du khách viếng cảnh chùa Vạn Linh xong có thể đi đến chùa Phật Lớn khá thuận tiện.

Chùa Vạn Linh nằm kế bên chùa Phật Lớn

- Trước khu vực chùa Vạn Linh có nhiều xe ôm và người bán hàng rong chèo kéo. Du khách nên cân nhắc khi nghe các thông tin từ những người xe ôm này. Tốt nhất là nên tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn để tránh bị chặt chém. Khi quyết định đi xe ôm, du khách nên hỏi giá kỹ càng.

- Du khách có thể nghỉ lại ở các nhà nghỉ xung quanh chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn. Đặc sản ăn uống ở đây là bánh xèo rau rừng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch ở khu vực này chưa cao.

Với những thông tin trên đây, Viet Fun Travel hi vọng đã đem đến cho du khách cái nhìn toàn diện hơn về chùa Vạn Linh, một danh thắng nổi tiếng ở An Giang. Chúc du khách khi có dịp đến chùa Vạn Linh sẽ có một chuyến đi đáng nhớ và nhiều niềm vui.

Diệu Âm Chí Hiếu/Tổng hợp