Chùa Tây Phương có từ thời nhà Mạc. Tên chữ: Sùng Phúc Tự 崇 福 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2014).
Nằm trên ngọn núi Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, chùa Tây Phương là ngôi chùa mang giá trị nghệ thuật điêu khắc độc đáo với nhiều pho tượng Phật có giá trị. Đặc biệt, mái chùa Tây Phương rất đặc biệt với những góc đao cong vút lên hút hồn du khách.
Lược sử
Tương truyền chùa được thành lập vào khoảng cuối thế kỷ VI. Theo một số nghiên cứu thì muộn hơn nhưng ít nhất cũng phải từ thời nhà Mạc vì trong chùa hiện còn hai tấm bia đề tên “Tín Thí” ([Bia ghi] công đức) và “Tây Phương Sơn Sùng Phúc Tự Thạch Bi” (Bia đá chùa Sùng Phúc núi Tây Phương) với các hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đáng tiếc các chữ khác đã bị mòn và mặt trong của bia đang áp vào tường hồi chùa Trung nên không xem được nội dung.
Năm 1632 dưới đời vua Lê Thần Tông, chùa được sửa chữa lớn, xây thượng điện 3 gian và hành lang 20 gian. Trong khoảng từ năm 1657 đến 1682, chúa Trịnh Tạc cho phá chùa cũ, xây dựng chùa mới và tam quan. Đến năm 1794, chùa được đại tu hoàn toàn, đổi tên là "Tây Phương Cổ Tự", dáng dấp rất giống chùa Kim Liên ở ven Hồ Tây, cũng được đại tu dưới thời Tây Sơn.
Chùa tọa lạc ở độ cao khoảng 50m trên núi Tây Phương, tên khác là núi Câu Lậu, dưới chân núi có hồ nước. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngay đợt đầu vào năm 1962 rồi công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (2014) với các tượng Phật là bảo vật quốc gia (2015). Cuối thế kỷ XX chính quyền đã cho tôn tạo chùa, xây cổng chào và bến xe khách dưới chân núi. Tới đầu thế kỷ XXI lại có thêm một tòa thủy đình khá lớn.
Du khách từ cổng chào dưới chân núi leo hết 239 bậc đá ong thì đến tam quan chùa. Chùa quay mặt về hướng đông, nhìn ra gò Rồng Sông (nay là xóm Đồng Sống) và gò Kim Quy, còn gọi là Núi Rùa. Tam quan xây bằng gạch Bát Tràng và đá ong để trần không trát vữa, nhìn chung có kích thước khiêm tốn và kiểu cách giản dị, phù hợp với con đường dốc nhỏ dài và quang cảnh nông thôn ở xung quanh.
Sau tam quan, bên phải có một ban thờ riêng Đức Ông, bên trái là lối rẽ vào sân sau. Du khách đi thẳng qua hòn non bộ rồi lên thềm bỏ giày trước khi bước vào tiền đường 3 gian 2 dĩ. Chùa chính bao gồm ba nếp nhà song song thành chữ “Tam” trên một nền cùng độ cao, mỗi nếp có 2 tầng 8 mái kiểu chồng diêm. Tường cũng chủ yếu xây bằng gạch Bát Tràng để trần phô màu đỏ mộc mạc và trổ những cửa sổ tròn quét vôi trắng, biểu thị triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật.
Nếp nhà giữa tuy nhỏ nhưng mái cao hơn các nhả khác một chút. Giữa các nhà là một khoảng giếng trời nhỏ để lấy ánh sáng tự nhiên. Các cột gỗ bên trong chùa đều kê trên chân đế bằng tảng đá xanh chạm khắc hình cánh sen. Mái chùa lợp hai lớp ngói trên những hàng rui gỗ chia ô vuông vắn đều đặn như bàn cờ. Lớp trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới lợp ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc, còn gọi là ngói chiếu.
Xung quanh diềm mái của cả ba toà nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung, có trang trí hình hoa, lá, rồng, phượng. Bên phải chùa chính là sân dài dẫn sang nhà khách và khu phụ. Bên trái là vườn tháp và lối xuống chùa Thanh Am. Phía sau là sân hậu, nhà Tăng và nhà thờ Tổ. Trong khuôn viên có rất nhiều cây xanh và hoa cảnh nhưng không thấy cổ thụ nào thật to cao.
Hầu như trong chùa chính, khắp nơi đều có chạm trổ rất tinh xảo. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... được trang trí bằng những đề tài quen thuộc ở miền đồng bằng sông Hồng với hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, hổ phù, tứ linh v.v.. Rất có thể đây là tác phẩm của các nghệ nhân Chàng Sơn ngay trong Tổng Nủa, một làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng của xứ Đoài.
Ngoài phần chạm khắc nói trên, còn có 72 pho tượng cùng với các phù điêu được xếp đặt hầu như tại mọi chỗ trong chùa chính và cả trong nhà thờ Tổ. Phần lớn các tượng được tạc bằng gỗ mít rồi thếp vàng hoặc sơn màu để bảo vệ. Rất nhiều nhà chùa khác mới đây đã sao chép các mẫu tượng tuyệt đẹp của chùa Tây Phương. Phần lớn các tượng cao hơn người thật và khá lớn so với kích thước của ngôi chùa này vốn chỉ thuộc loại trung bình. Đặc biệt có những tượng cao đến 3m.
Phía sau pho tượng Thích Ca màu đen, trên bậc cao nhất của thượng điện trong tòa nhà thứ ba có bộ tượng Tam Thế Phật được coi là tác phẩm của đầu thế kỷ 17. Ba pho tượng Phật Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (còn gọi là Tam thân: Pháp thân, Ứng thân, Hóa thân) ở tư thế tọa thiền trên bệ hoa sen, tất cả đều sơn son thếp vàng. Phía dưới tượng Thích Ca có mười pho tượng Thập Điện Diêm Vương nhỏ hơn ngồi quanh hương án.
Du khách sẽ thấy hai bên Phật điện còn có 16 pho tượng đứng hoặc ngồi trên các bệ bày dọc tường, tất cả được tạo tác khác nhau nhưng đều có vẻ mặt và cử chỉ rất sinh động. Đó là tượng các vị mà dân ta quen gọi là La Hán, mang tên Ấn Độ: Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca, Di-trà-ca, Bà-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Thương-Na-Hòa-Tu, Mã-Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long-Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đa, Tăng-già Nan-đề, Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa.
Thực ra, theo một tài liệu còn lưu giữ ở chùa Tây Phương thì trong quan niệm của Thiền tông Trung Quốc đây không phải là các La Hán mà là các vị Tổ truyền đăng (Tổ trao đèn). Đăng là đèn, ngụ ý ánh sáng giác ngộ đạo Phật mà Tổ trao lại cho người sau. Từ Phật Thích Ca tuần tự truyền cho hai mươi tám vị Tổ người Ấn Độ, sang Trung Hoa truyền tiếp cho sáu vị Tổ Thiền tông và truyền tiếp nữa cho các vị Tổ người Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam...
Trên bậc cao nhất của chính điện trong tòa nhà giữa có bài trí bộ Di-đà Tam Tôn, bao gồm tượng Phật A-di-đà, cùng đứng hai bên là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Dưới bậc thứ hai, có lẽ pho tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật ở thời kỳ ban đầu gây ấn tượng mạnh nhất. Toàn thân Thích Ca chỉ còn da bọc xương do tu khổ hạnh trên núi tuyết theo phái Yoga. Tượng màu đen, khoác áo cà sa mỏng, một chân bó gối chống thẳng cho cổ tay trái hờ hững đặt lên, mắt trũng sâu lim dim trong suy tưởng. Hai bên có tượng các tôn giả A-Nan và Ca-Diếp đứng chắp tay trang nghiêm, chân không đi dép.
Trên bậc thứ ba có tượng Di Lặc cũng màu đen, tạc một vị Phật ngồi hơi ngả về phía sau, tay ôm đầu gối, phanh áo lộ bụng tròn, toàn thân toát ra sự lạc quan, sung sướng. Bên phải là tượng Đại Diệu Tường còn gọi là Văn Thù Bồ Tát ở tư thế đứng chắp tay, chân đi đất bấm ngón xuống mặt bệ. Bên trái Di Lặc là tượng Pháp Hoa Lâm tức Phổ Hiền Bồ Tát giơ một tay trước ngực, khuôn mặt với râu tóc đen nổi rõ trên nước da sáng trông rất khác mẫu tượng mập mạp cưỡi voi quen thuộc.
Hai bên chính điện của các tòa nhà thứ hai và thứ ba còn có 8 pho tượng gọi là Bát bộ Kim Cương. Những tác phẩm bằng gỗ sơn này thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép các bộ phận và cách bố cục tạo cảm giác chuyển động mạnh mẽ nhưng chắc chắn của một thân thể cường tráng mang giáp trụ trong các thế võ tự tin. Chi tiết chạm khắc trên quần, áo, khăn, mũ, đai, hia và vũ khí cũng rất tinh tế, đa dạng, cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các đường nét mềm mại và rắn rỏi.
Chùa Tây Phương quả là một trong vài bảo tàng sống của Phật giáo Việt Nam may mắn còn sót lại sau mấy trăm năm đầy biến động và chiến tranh. Ngày ngày nơi đây có rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến leo núi để vãn cảnh, chiêm ngưỡng các báu vật kiến trúc và điêu khắc cổ truyền của dân tộc ta.
chuaviet.org tổng hợp