Chùa thường gọi là chùa Xuân Lai, tọa lạc ở thôn Hạ Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Ngày xưa, thôn Xuân Lai có tên gọi là thôn Bi, còn có tên là kẻ Sải. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Trụ trì hiện nay là Ni sư Thích Đàm Châu.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm trong sách Hà Nội Danh lam cổ tự (NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003) cho biết tên chùa Sải, tục truyền khi Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, trên đường về núi Sóc, ngài qua làng Phù Lỗ đến Xuân Lai thấy một tấm đá lớn bèn ngồi nghỉ, dân địa phương mang chiếu trải đón rước, từ đó có tên là làng Sải (trải chiếu). Tên Sải có từ đó, do người dân thường lấy tên địa phương để gọi tên chùa.
Với tên làng Kẻ Sải (có chợ Sải) và chùa cũng mang tên chùa Sải đã gắn bó với vùng đất này ít nhất từ thời Lê (thế kỷ XV). Nằm trong vùng tiếp giáp, giao lưu với nhiều tỉnh lân cận: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... là vùng đất của một huyện có nhiều đại khoa ở nhiều triều đại. Ngôi chùa còn đọng lại không ít những giá trị văn hoá truyền thống. Chùa Đại Bi được xây dựng trên một khu đất cao ven đê sông Cà Lồ. Chùa nằm theo hướng đông nam, xế mé trái là ngôi đình làng xưa kia từng có bến đò ngang. Chùa có quy mô kiến trúc bề thế với nhiều nếp nhà tạo thành kiểu nội công ngoại quốc. Tam quan đồng thời là gác chuông, kết cấu kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái với các góc đao cong. Kiến trúc này làm theo kiểu chồng rường, 4 hàng chân cột.
Một quả chuông đồng "Đại Bi tự chung" đúc vào tháng 4 đời vua Minh Mệnh 16 (1825), treo trên gác chuông có bài minh còn ghi cảnh đẹp của chùa:
Thái lai thắng địa,
Phủ huyện dĩ thiên
...Hoa khai bảo toạ
Hương nước kim liên...
Tạm dịch:
(Thái bình đến nơi thắng địa,
Phủ huyện lấy chữ thiên làm tên.
…Hoa nở toà quý,
Hương ngát đài sen…)
Ngăn giữa tam quan gác chuông với chùa chính là một sân nhỏ chạy dài, bên sân có một cây hương đá "Kính thiên đài chúc" (Cột đài thờ trời) dựng năm Vĩnh Thịnh 13 (1717) còn những dòng ca ngợi về một vùng trù phú, trăng nước tạo nên ngôi chùa đẹp:
…Thiên hạ chỉ có một,
Là ngôi chùa Đại Bi
Nghiêm trang đài đá,
Sừng sững chọc trời,
Hình dáng hoa mỹ.
…Trong là bảo điện trang nghiêm,
Ngoài là các lầu gác tiên,
Ánh sáng toả tận cửu tuyền...
Du khách càng đi sâu vào càng thấy những vẻ đẹp và giá trị tiềm ẩn của ngôi chùa. Toà chùa chính với các nét kiến trúc ở các đầu kê, các cốn, các kẻ cong được chạm nổi, chạm bong những vân lá hoa rồng, những hoa quả rất nhẹ nhàng. Những viên gạch có kích thước 27cmx27cm được chạm nổi hình rồng yên ngựa và những mây. Chính giữa viên gạch có một vòng tròn lớn, bốn góc chạm nổi vân lá cách điệu, mang nghệ thuật ở thế kỷ XVI-XVII đã góp phần làm tăng giá trị cổ kính của ngôi chùa.
Trong chùa chính và hai dãy hành lang, nhà thờ Mẫu, thờ Tổ đặt hơn 40 pho tượng tròn. Sự có mặt đầy đủ các lớp tượng cổ chứng minh sự tồn tại lâu dài của chùa.
Trong chùa, hệ thống hoành phi câu đối thật phong phú, đa dạng về nội dung cũng như về hình thức tạo dáng và những nét chạm khắc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (Pháp - Mỹ), ngôi chùa từng là nơi đóng quân của trường lái xe không quân, Trường An Ninh, Z.117 (Bộ Quốc phòng) và cũng nơi sơ tán cho xí nghiệp thuốc lá Thăng Long từ Hà Nội về.
Ngôi chùa đã được công nhận di tích lịch sử năm 1997.
chuaviet.org tổng hợp