Cách thành phố Huế năm cây số về phía Tây Nam là một vùng đồi được trồng thông xanh biếc. Tìm đến đồi Dương Xuân, men theo con đường nhỏ quanh co, hai bên cây cối mọc um tùm, du khách sẽ đến với một chốn thiền lâm tĩnh lặng tọa lạc trên đỉnh. Đó là chùa Từ Hiếu, một trong những ngôi chùa cổ lớn và đẹp bậc nhất ở Huế.
Người Huế thường lên chùa vào mỗi dịp ngày rằm, cuối tháng và các ngày lễ tết. Trong số hơn 200 ngôi chùa nằm rải rác trên mảnh đất Cố đô có một ngôi chùa cổ nổi tiếng lâu đời ở Huế đó là chùa Từ Hiếu.
Chùa Từ Hiếu, một trong những ngôi chùa cổ lớn và đẹp bậc nhất ở Huế.
Chùa Từ Hiếu
Ngôi chùa tọa lạc tại thôn Dương Xuân, xã Thủy Xuân, Tp Huế trên một ngọn đồi được bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh mướt. Cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, đường sá đi lại dễ dàng và khí hậu trong lành, mát mẻ nên lượng người lên chùa viếng cảnh thường rất đông. Du khách đến đây không chỉ để chiêm nghiệm đạo “thiền” của Phật giáo mà còn để tìm hiểu một di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Tương truyền, chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một cái am nhỏ có tên là An Dưỡng Am là do nhà sư Nhất Định lập ra để phụng dưỡng mẹ già. Cảm động trước tấm lòng hiếu kính của nhà sư, vua Tự Đức đã ban tặng tấm biển "Sắc tứ Từ Hiếu Tự", từ đó chùa có tên là Từ Hiếu. Các vị thái giám trong cung nội thường xuyên ghé thăm và góp tiền công đức để tu sửa và mở rộng ngôi chùa.
Ngôi chùa tọa lạc tại thôn Dương Xuân, xã Thủy Xuân, Tp Huế trên một ngọn đồi được bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh mướt.
Theo thời gian, mặc dù đã bị tàn phá nhiều nhưng nhìn chung, kiến trúc tổng thể của ngôi chùa hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Cấu trúc của chùa bao gồm nhiều phần: cổng chùa, sân vườn, chính điện, hậu điện. Cổng chùa được xây dựng theo kiểu vòm cuốn, bước qua cổng du khách sẽ bắt gặp một hồ nước hình bán nguyệt nuôi cá cảnh và trồng hoa sen. Trong những ngày nắng ấm, hồ sen tỏa hương thơm ngát, đàn cá bơi lội tung tăng tạo nên khung cảnh yên bình nơi cửa Phật. Chính điện được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, phía trước thờ Phật Tổ Như Lai, phía sau thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt và nhiều vị thần khác. Trong khuôn viên của chùa có nhiều cây trái sum suê và hồ nước uốn quanh xen lẫn tháp mộ của các vị thiền tăng đời trước. Đặc biệt, chùa Từ Hiếu còn là nơi chôn cất các phi tần triều Nguyễn và gần 30 ngôi mộ của các vị thái giám thời xưa...
Từ một cái am nhỏ ban đầu, năm 1848, một số quan thái giám đã mở rộng và xây dựng nơi đây thành ngôi chùa lớn với nhiều kiến trúc cầu kỳ
Từ một cái am nhỏ ban đầu, năm 1848, một số quan thái giám đã mở rộng và xây dựng nơi đây thành ngôi chùa lớn với nhiều kiến trúc cầu kỳ. Khuôn viên chùa rộng thênh thang, phía trước có dòng suối nhỏ uốn quanh tạo nên phong cảnh rất thơ mộng. Tam quan xây kiểu vòm cuốn hai tầng có mái che, phía trên thờ tượng Hộ Pháp.
Vừa bước qua cổng là gặp hồ bán nguyệt được thả hoa sen, hoa súng, nuôi cá vàng, sau đó đến con đường lát gạch đỏ để vào chánh điện. Đặc biệt ở khu nhà hậu có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông. Ngoài ra, xung quanh chùa còn có khá nhiều lăng mộ các vị phi tần và thái giám thời Nguyễn.
Trong vườn tháp có tháp mộ của những danh tăng... Trước đây, chùa là một trong những nơi ấn hành kinh, luật của Phật giáo. Trước cổng chùa có ngôi tháp cao ba tầng được dùng làm nơi tàng trữ kinh tượng theo sắc chỉ của nhà vua.
Chùa Từ Hiếu không chỉ là chốn tu hành đắc đạo của nhiều vị tổ sư, mà còn là nơi để các tăng, ni, phật tử đến nghe thuyết pháp và cũng là một thắng cảnh thu hút nhiều tao nhân mặc khách đến ngoạn cảnh, làm thơ ngâm vịnh. Nhờ đó, chùa còn lưu giữ được nhiều văn bia, kinh kệ và cả những câu đối rất thi vị.
Chùa Từ Hiếu không chỉ là chốn tu hành đắc đạo của nhiều vị tổ sư, mà còn là nơi để các tăng, ni, phật tử đến nghe thuyết pháp
Chùa có 25 câu đối chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về đạo và đời viết trên những tấm gỗ sơn son thếp vàng rất đẹp mắt để trang trí cổng chùa, cổng tam quan, tiền đường, chính điện, hậu điện, tháp.
Vừa bước chân đến trước cổng tam quan, khách hành hương sẽ thấy ngay câu:
Tứ hải danh nhân đề cổ tự
Nhất sơn phong vật mỵ thiền thâm.
Tạm dịch là:
Bốn biển danh nhân đề thơ chùa cổ
Cảnh đẹp núi non sâu thẳm chốn thiền.
Và khi lòng đã thảnh thơi đôi chút sau buổi vãn cảnh chùa, trước khi trở lại cuộc sống náo nhiệt bên ngoài, ngước mắt nhìn lên cổng tam quan chào tạm biệt thì khách sẽ gặp câu:
Đâu Suất thiên cao kinh quốc đồng Phật quốc.
Thượng phương nguyệt xuất tiền khê tiếu hậu khê.
Tạm dịch là:
Trời cao Đâu Suất, kinh đô cũng là nơi nước Phật.
Thượng phương trăng sáng, suối trước suối sau cười róc rách.
Đọc câu đối, du khách chợt thấy cõi trời Đâu Suất, tức cõi Phật thanh tịnh nào có ở đâu xa vời. Đó chính là chốn thiền lâm phong cảnh u tịch, hữu tình, giúp người ta quên bớt những bon chen, bận bịu của cuộc sống đời thường.
Ngoài ra trên các cánh cửa ra vào còn có nhiều câu đối hay viết bằng chữ Hán như:
“Tứ Hiếu biểu huy xưng, nhân tâm thế đạo, hữu quan Phạm Vũ chung thanh tuyên đại giác.
Dương Xuân đa mỹ cảnh, cổ sái danh tam, sở tại Như Lai tuệ nhật chiếu trung thiên”.
Có nghĩa là:
“Từ Hiếu nổi danh thơm, lòng người đạo đời đều hợp.
Tiếng chuông chùa ngân nga làm chợt tỉnh giấc mơ.
Dương Xuân nhiều cảnh đẹp, tạo chùa cổ chốn thanh lam.
Trí tuệ Như Lai bừng sáng khắp cõi ba ngàn”
Chùa Từ Hiếu nhuốm màu hoang sơ, huyền bí giữa đạo và đời
Chùa Từ Hiếu nhuốm màu hoang sơ, huyền bí giữa đạo và đời. Cảnh chùa được bố trí đẹp mắt, người xem như lạc vào một thế giới nửa thực, nửa mơ. Giữa không gian yên ắng, âm thanh của những tiếng kinh kệ vang lên làm cho lòng người thư thái, hướng tâm hồn đến những điều tốt đẹp. Không vướng bận bụi trần, chùa Từ Hiếu là nơi thư giãn lý tưởng cho những những ai yêu cái đẹp, cái tĩnh tại của vạn vật. Bởi vậy, từ xưa cho đến nay, ngôi chùa cổ kính này được mệnh danh là một trong những danh lam thắng cảnh hiếm có của đất Thần Kinh.
Bỏ lại sau lưng những lo âu, phiền muộn của cuộc sống phàm tục, người Huế thường lên chùa Từ Hiếu để tìm sự thanh thản trong cõi lòng. Để đến lúc phải ra về, vẫn còn một chút ngập ngừng, luyến tiếc, bâng khuâng.
chuaviet.org tổng hợp