“Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Chùa Thiên Mụ từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của xứ Huế mộng mơ. Nơi đây không chỉ là chốn yên tĩnh, điểm đến lý tưởng cho phật tử thập phương mà nó còn lưu truyền một lời nguyền về tình yêu. Cũng chính bởi lí do đó mà đối với nhiều người, chùa Thiên Mụ là chốn linh thiêng đầy bí ẩn của mảnh đất cố đô.
Chùa Thiên Mụ còn được nhiều người dân địa phương gọi với cái tên quen thuộc khác là chùa Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê với hướng nhìn thẳng ra dòng sông Hương thơ mộng và quá đỗi trữ tình. Chùa thuộc địa phận phường Kim Long, Huế và cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 10 phút di chuyển thôi.
Chùa Thiên Mụ là biểu tượng của thành phố Huế mộng mơ
Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1601 vào thời vua Nguyễn Hoàng. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhưng cho đến ngày nay, chùa Thiên Mụ vẫn là ngôi chùa cổ nhất ở vùng đất cố đô này với những công trình vẫn giữ nguyên được những nét đẹp từ thuở sơ khai.
Ngôi chùa đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử
Dưới các đời vua Nguyễn thời xưa, chùa Thiên Mụ đã trải qua nhiều đợt tu sửa và được xây dựng thêm những công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến như đời chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc chiếc chuông lớn với trọng lượng lên đến hơn 2 tấn, trên chuông có khắc một bài minh. Và đặc biệt hơn, vị vua này còn cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ Kinh Phật đặt tại lầu Tàng Kinh.
Chùa cũng đã trải qua nhiều đợt tu sửa và được như ngày hôm nay
Mặc dù ở Huế không thiếu các địa điểm du lịch hay ho nhưng chùa Thiên Mụ Huế vẫn luôn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.
2. Làm sao để tới chùa Thiên Mụ? Hướng dẫn đường đi tới chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ Huế nằm ở phường Kim Long, thuộc thành phố Huế. Từ trung tâm thành phố bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây chỉ với 10 phút lái xe vì chùa chỉ cách thành phố chừng 5km về phía Tây. Từ Đại Nội Huế, bạn di chuyển qua đường Đặng Thái Thân rồi rẽ trái qua đường Yết Kiêu, đi thêm một đoạn rồi rẽ trái tiếp qua Lê Duẩn. Khi bạn đi đến vòng xoay thì rẽ phải vào Kim Long, từ đây đi thêm khoảng 2km nữa là tới được chùa Thiên Mụ rồi. Cũng không quá khó đúng không?
Bên cạnh việc lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô tự lái thì du khách cũng có thể lựa chọn các tour di chuyển bằng tàu trên sông Hương. Tàu sẽ xuất phát từ cầu Tràng Tiền rồi đi qua các điểm tham quan và dừng lại dưới chân chùa Thiên Mụ trong khoảng 2h đồng hồ. Đây cũng là một trong những hình thức di chuyển được nhiều du khách lựa chọn.
Lựa chọn các tour di chuyển bằng thuyền trên sông Hương để đến chùa Thiên Mụ
Lưu ý nhỏ:
Nếu bạn đi thuyền tới chùa Thiên Mụ thì có thể nhân tiện ghé thăm Hòn Chén, lăng Minh Mạng, hoặc kết hợp với tham quan chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Nhắc nhở dành riêng cho những người thích đi xe đạp: nếu muốn chuyến đi hoàn hảo thì bạn nên đi chùa Thiên Mụ vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh nóng nhé, vào hai thời điểm trên cũng là lúc chùa đẹp nhất.
Có thể kết hợp ghé thăm lăng Minh Mạng trên đường đi
Ngay từ khi đặt chân đến chùa Thiên Mụ, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước một vẻ đẹp quá đỗi bình yên và mang đậm chất Huế, đó là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của chùa – tháp hình bát giác bảy tầng với tên gọi “Phước Duyên”. Tòa tháp này được xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ 19 dưới thời vua Thiệu Trị. Đây đồng thời cũng là điểm check in yêu thích của rất nhiều du khách khi đến với chùa Thiên Mụ Huế.
Tháp Phước Duyên là công trình kiến trúc mà bạn sẽ thấy đầu tiên khi đặt chân vào chùa
Tiếp theo, bạn đi qua cổng tam cửa sẽ được chiêm ngưỡng 12 tác phẩm điêu khắc những người bảo vệ đền thờ khổng lồ với khuôn mặt có phần hung dữ và mang chút gì đó đáng sợ. Điều đặc biệt ở đây là toàn bộ 12 bức điêu khắc đều được làm từ gỗ.
Cổng tam cửa của chùa
Tiếp tục di chuyển vào bên trong là cung điện Đại Hùng – thánh địa chính của chùa Thiên Mụ. Bên trong thánh địa này chính là bức tượng Phật cùng với những tác phẩm điêu khắc vô cùng ấn tượng. Cung điện Đại Hùng cũng là nơi trưng bày chiếc chuông khổng lồ có chiều cao 2,5m và trọng lượng đến hơn 2 tấn. Du khách tham quan khi ghé tới đây đều sẽ cảm nhận được một không gian thanh bình, an yên với khói hương thơm tràn ngập trong không khí khiến lòng an yên. Nơi đây cũng là địa điểm thường diễn ra các buổi tụng kinh cầu nguyện phước lành.
Cung điện Đại Hùng – thánh địa chính của chùa Thiên Mụ
Sau khi tham quan khu cung điện Đại Hùng xong, bạn di chuyển ra đằng sau là một tòa trưng bày những di tích lịch sử. Nổi bật nhất trong số đó chắc chắn phải kể đến chiếc xe ô tô đã từng chở nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sài Gòn để phản đối chính sách chống tôn giáo của chính quyền Sài Gòn.
Ngoài tháp Phước Duyên, cung điện Đại Hùng, chùa Thiên Mụ Huế còn sở hữu cho mình rất nhiều những công trình kiến trúc khác như điện Tạng, điện Quan Âm… Từng chi tiết như bức hoành phi, câu đối ở đây đều chứa đựng trong mình những dấu tích của thời kì lịch sử vàng son của ngôi chùa linh thiêng bậc nhất xứ Thần Kinh.
Đến du lịch và tham quan chùa Thiên Mụ Huế, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa mà còn được mãn nhãn với phong cảnh từ trên ngọn đồi Hà Khê. Đứng từ trên ngôi chùa, phóng tầm mắt ra xa xa chiêm ngưỡng dòng Hương Giang êm ả trôi, đặc biệt xung quanh nó lại được bao phủ bởi những cánh rừng thông cao vun vút cùng hồ nước trong vắt càng khiến cho chùa Thiên Mụ mang một vẻ đẹp bình yên mà khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Chùa hướng thẳng ra dòng Hương Giang thơ mộng
Theo lời kể, xưa kia, khi chúa Nguyễn còn cai trị ở Đàng Trong thì tư tưởng lễ giáo phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” rất nặng nề. Thời điểm ấy có một đôi trai gái yêu nhau mặn nồng. Cô gái là tiểu thư con nhà khuê các, xinh đẹp và là con của một vị quan giàu có còn chàng trai thì lại mồ côi và nghèo đói. Chuyện tình yêu của họ bị gia đình cô gái ngăn cấm tuyệt đối. Cũng vì quá đau khổ nên cả hai người đã cùng nhau ra bến thuyền Mụ ở trước chùa Thiên Mụ tự vẫn.
Nhưng trớ trêu thay, khi cả hai cùng gieo mình thì chỉ có chàng trai chết dưới dòng sông Hương còn cô gái lại dạt vào bờ và được người dân cứu sống. Sau đó, cô gái bị gia đình ép gả cho một người giàu có nọ, rồi thời gian trôi qua, cô gái cũng dẫn quên đi những kỉ niệm với chàng trai, chỉ còn lại chàng trai nằm dưới dòng sông Hương mà chờ người yêu mãi không thấy. Uất hận cho số phận mình, chàng đã “nhập” vào chùa Thiên Mụ và nguyền rằng: bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau đến đây thì tình yêu sẽ đổ vỡ. Lời nguyền ấy được truyền cho tới ngày nay khiến cho ngôi chùa càng thêm linh thiêng và huyền bí.
Tuy nhiên, sư thầy đang tu hành ở chùa Thiên Mụ này cho biết: chuyện người đời đồn đại về chùa mang lời nguyền tình duyên đều không có thật. Vì ngày trước chùa nhiều cây cối nên các đôi tình nhân thường đến chùa làm chuyện trái với luân thường đạo lí. Không thể chấp nhận được điều đó nên người dân đã dựng lên những câu chuyện về lời nguyền tình duyên nhằm giữ lại sự thanh tịnh cho ngôi chùa mà thôi.
Dòng sông Hương phẳng lặng như một cô thiếu nữ Huế nhẹ nhàng, đằm thắm. Đứng ngắm nhìn những con thuyền vào chiều in bóng trong nước, nhẹ nhàng trôi trên sông tạo điểm chấm phá cho bức tranh phong cảnh thêm hữu tình rộng lớn hơn không khỏi gợi trong lòng du khách một trạng thái thảnh thơi, nhẹ nhàng nơi chốn bồng lai.
Một điều đặc biệt bạn nên lưu ý, vì là ngôi chùa linh thiêng nên khi ghé cửa Phật bạn nên lựa chọn mặc những bộ trang phục kín đáo, không quá hở hang hay thiếu lịch sự. Khi tham quan vãn cảnh chùa không nên trò chuyện quá lớn hay nói những câu chuyện tục tĩu. Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ.
chuaviet.org tổng hợp