Ngày 19 tháng 06 năm 2016, dự báo thời tiết tại Westminster rất nắng nóng. Đầu giờ buổi sáng, Đức Đạt Lai Lạt ma đã gặp gỡ 400 thành viên cộng đồng Hiệp Hội Tây Tạng tại Nam California ngay tại khách sạn nơi ngài nghỉ.
Chúng ta đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong 2 ngàn năm lịch sử của mình. Trong lịch sử thường chỉ có những xung đột giữa ba địa phận của xứ Tạng, nhưng ngày nay chúng ta phải đối mặt với cuộc đấu tranh sống còn để trì giữ nền văn hóa và bản sắc của mình. Điều này có thể là quả của nghiệp, mặc dù người Tạng xa xứ cũng như đang sinh sống trong nước đều giữ được tinh thần mạnh mẽ. So với nhiều cộng đồng khác, chúng ta được đánh giá là những con người dũng mãnh, biết sống vì mọi người. Tôi vừa nhận được bản thống kê ghi nhận quý vị đang dạy ngôn ngữ Tạng cho thế hệ con trẻ. Điều này là rất tốt và nên nhớ cần phải dạy cho chúng về truyền thống tâm linh của chúng ta nữa.
Theo quan điểm khảo cổ học, người Tạng là người cổ. Giai đoạn đồ đá với công cụ đồ đá được tìm thấy ở Amdo ước tính có niên đại khoảng 30 ngàn năm; đồ mỹ nghệ ở Chamdo có niên đại 7 ngàn năm, trong khi ở Ngari là 10 ngàn năm. Trong hơn 1 ngàn năm qua, chúng ta đã có chữ viết riêng của mình. Ngày nay, ngôn ngữ này là phương tiện truyền tải thích hợp nhất truyền tải những tư tưởng của các đạo sư truyền thống Nalanda. Đây là điều rất đáng tự hào.
Đức vua Detsen có người mẹ gốc Hán, bởi vậy đáng lẽ ngài đã chọn đưa Phật giáo từ Trung Quốc tới Tây Tạng, tuy nhiên ngài đã lựa chọn nơi khởi nguồn Phật giáo và thỉnh mời đức Shantarakashita tới xứ Tạng từ Ấn Độ. Với sự trợ giúp của đạo sư Liên Hoa Sinh, ngài đã điều phục mọi chướng ngại bên ngoài và bên trong, và thiết lập nên tự viện Samye. Dòng tu Hoshangs từ Trung Quốc đã không đề cao vấn đề học nhưng ngài Kamalashila đã lập luận rõ ràng rằng văn, tư, tu là cách tiếp cận trong Phật giáo, và từ đó tới nay trong hơn 1 ngàn năm chúng ta đã tiếp tục trì giữ cách tiếp cận này.
Đó là lý do tại sao chúng ta không chỉ đặt các bộ Kangyur và Tengyur trên ban thờ để đỉnh lễ. Ở Tây Tạng cũng có truyền thống vác các bộ kinh điển trên vai đi kinh hành quanh những cánh đồng để bảo vệ mùa màng khỏi thiên tại. Tuy nhiên kinh sách là để tu học. Tôi đã khích lệ các ni viện và các tự viện đề cao nghi thức cần phải tu học các kinh điển và bộ luận, vào năm nay chúng ta sẽ cấp danh hiệu Geshe cho những vị Ni đủ tiêu chuẩn. Tôi đã viếng thăm một nơi cư trú của người Tạng ở Bhandara, Madhya Pradesh, nơi đây trẻ em đã được học tranh biện tại các trường. Chúng tranh biện rất giỏi và tôi đã hỏi ai đã dạy cho các cháu. Về sau tôi được biết thày giáo là một vi ni. Sư ni đã rèn luyện cho trẻ em ở trường học đó. Mặc dù sư ni sẽ được cấp danh hiệu Geshe tuy nhiên vấn đề truyền thống Gelongma thì vẫn còn nhiều vấn đề. Nhiều người ủng hộ nữ quyền ở phương Tây cho rằng dường như tôi có thể quyết định, nhưng thực ra vấn đề này vượt ngoài thẩm quyền của tôi. Vấn đề giới luật chỉ có thể được quyết định bởi hàng học giả tại mỗi cộng đồng tự viện.
Tại Dharamsala và Ladakh, bắt đầu hình thành nhiều nhóm cư sĩ tu học Pháp. Đầu năm nay, tôi viếng thăm Deer Park tại Madison, nơi đây đã trở thành một trung tâm tu học rất lớn, ở đây tri thức về sự vận hành tâm và các phiền não trong truyền thống của chúng ta có thể được kết hợp cùng với những nghiên cứu về cảm xúc của các học giả phương Tây như ngài Paul Ekmam và con gái của ông. Sự kết hợp này sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn.
Cuối cùng ngài dạy rằng, những thay đổi tại Trung Quốc là điều chắc chắn, không thể đảo ngược được. Ngài cũng giới thiệu nguyên phát ngôn viên của Quốc Hội Tây Tạng, ngài Penpa Tsering sẽ là người đại diện tiếp theo của ngài tại Bắc Mỹ. Mọi người nên hoan hỷ trước thông tin này.
Tiếp theo đức Đạt Lai Lạt ma đã tới chùa Điều Ngự. Ngài được cung đón cùng các nghi thức truyền thống với lọng báu và âm nhạc ngân vang. Mọi người đã đứng lên làm lễ quốc ca Tây Tạng, Việt Nam, Mỹ và Đạo ca, tiếp theo là một phút thiền tĩnh lặng. Trong lời mở đầu, Hòa thượng trụ trì Thích Viên Lý đã mong nguyện ngôi chùa có thể góp phần mang lại hòa bình và an lạc trên toàn thế giới. Thầy cũng bày tỏ niềm tri ân tới ngài Tenzin Dhonden đã trợ giúp để chuyến viếng thăm này trở thành hiện thực. Thị trưởng Tri Ta đã nhắc lại mong nguyện của mình là thành phố Westminster sẽ trở thành thành phố của lòng nhân ái. Nghị sĩ Alan Lowenthal đã chia sẻ ông rất hoan hỷ được tham dự buổi lễ ngày hôm nay, trong khi bà Janet Nguyen mong nguyện ngôi chùa là nơi cư trú của tình thương yêu và lòng bi mẫn.
Đức Đạt Lai Lạt ma chia sẻ:
Kính chào quý chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, Thiện hữu tri thức, chúng ta một lần nữa cùng nhau hiện diện nơi đây, thời tiết khá là oi bức. Tôi là một người đệ tử thực hành theo giáo pháp của đức Phật Thích ca, đặc biệt là truyền thống Nalanda. Tôi rất hoan hỷ khi quý vị kiến lập ngôi chùa này. Một số trong quý vị cũng phải xa quê hương của mình giống như chúng tôi. Tôi rất kính trọng cách thức mà người Việt đã giữ gìn văn hóa và truyền thống của mình. Tôi đã chứng kiến điều này ở nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới và tôi rất trân trọng. Nước Mỹ là quốc gia hàng đầu của thế giới tự do và mọi người được chào đón tới đây để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính phủ Mỹ và người dân địa phương đã giang rộng cánh tay trợ giúp quý vị.
Tuy nhiên, cách duy nhất để trì giữ kinh điển và sự thực chứng giáo lý đức Phật là thông qua sự tu học. Chúng ta cần đọc, học kinh điển và áp dụng Tam học trong sự thực hành. Không có cách nào khác. Chúng ta phải suy xét kỹ càng những lời dạy của đức Phật. Tôi đã bước sang tuổi 81 nhưng tôi luôn coi bản thân mình là một người học trò. Các truyền thống Ấn Độ cổ bao gồm các pháp thực hành thiền định và thiền chỉ, phát triển sự hiểu biết thâm sâu về sự vận hành tâm thức và các phiền não. Bằng cách nào có thể đối trị các phiền não và nuôi dưỡng những phẩm chất tích cực là những vấn đề chúng ta có thể chia sẻ ngày hôm nay. Bởi vậy tôi khích lệ quý vị nên xem xét để ngôi chùa có thể là một trung tâm tu học, ở đây mọi người được học hỏi về dòng tâm thức và các xúc tình, ở nơi đây các thành viên của các truyền thống tâm linh khác nhau cũng có thể gặp gỡ, hội đàm và học hỏi lẫn nhau.
Trong chính điện ngài đã trì tụng những câu kệ cầu nguyện cát tường. Sau khi chư Tăng Việt Nam trì tụng bằng ngôn ngữ tiếng Việt, chư Tăng Tây Tạng đã trì tụng LamRim, Bát Nhã Tâm kinh, tiếp đến tụng kinh Mangala bằng tiếng Pali và cả lời trì tụng bằng tiếng Hàn Quốc.
Đức Đạt lai Lạt ma bắt đầu bài Pháp thoại ngắn với những câu kệ đỉnh lễ đức Phật Thích ca. Ngài thấy hoan hỷ khi chứng kiến nhiều thiện hữu tri thức, Phật tử từ nhiều truyền thống khác nhau cùng hiện diện ngày hôm nay. Giữ một chiếc linh trong tay của vị thầy chủ sám người Việt, ngài nhắc rằng linh luôn cần phải đi cùng với chử, biểu tượng cho tâm từ bi, còn linh biểu trưng của trí tuệ. Ngài dạy rằng âm thanh của linh không được tạo nên bởi vành bên ngoài hay con lắc. Linh chỉ được rung lên khi sử dụng cùng với chử.
Chúng ta trì tụng Bát Nhã tâm kinh, bản toát yếu của giáo pháp Bát nhã luận giảng về tính không. Kinh điển dạy rằng: ngũ uẩn không có sự tồn tại cố hữu, điều đó biểu lộ về tính không của Pháp và tính không của cái tôi. Tinh túy của Bát nhã Tâm kinh là: Tất cả chư Phật, an trụ trong tam thế tỉnh thức viên mãn và thấu suốt, cũng y theo Trí huệ Bát-nhã mà được vô thượng, chánh đẳng, chánh giác. Chứng ngộ tính không được tạo ra trực tiếp bởi Bồ đề tâm tỉnh giác là nền tảng của trí tuệ Bát nhã.
Tính không là gì? Sắc tức thị không; không tức thị sắc. Nếu chúng ta suy xét và phân tích kỹ càng về sắc, chúng ta sẽ không thể thấy bất cứ thứ gì tồn tại một cách cố hữu cả. Mọi thứ đều tồn tại trong mối liên hệ với sự vật khác. Sắc tướng và tính không đều có sự tương tác lẫn nhau.
Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, đức Phật đã dạy nhiều về tính không của cái tôi, còn trong lần chuyển pháp luân thứ hai, ngài giảng kỹ hơn về tính không của Pháp, hợp uẩn thân- tâm là nền tảng tạo nên con người cũng được hiển lộ trong lần chuyển pháp luân này.
Tiếp đến ngài đã trả lời các câu hỏi từ thính chúng về việc phải biết sử dụng trí tuệ của mình ra sao, trưởng dưỡng trái tim nồng ấm và làm lợi ích cho mọi người xung quanh bằng cách phát tâm từ bi như thế nào. Ngài cũng nhấn mạnh cần thiết phải có tín tâm và niềm tin kiên cố nơi mình, nhưng niềm tin đó không phải là tin mù quáng. Ngài dạy rằng niềm tin là nền tàng cho tình bằng hữu và phẩm hạnh này sẽ ngày càng được phát triển hơn một khi mỗi người biết suy nghĩ và hành động lợi ích cho mọi người.
Ngài dạy thêm rằng: tất cả chúng ta đều là con người, chúng ta giống như nhau. Tôi không phải là người đặc biệt. tôi là một người thực hành triết lý Phật giáo và với nhiều người tôi có thể là một bậc thầy nhưng với những học giả hàng đầu thì tôi chỉ là một người học trò mà thôi. Mục đích của giáo pháp Bát nhã tâm kinh là giúp tận trừ các phiền não như sân hận. Sẽ rất hiệu quả nếu truy tầm gốc rễ của sự sân hận và suy xét xem sân hận thì liệu có mang lại lợi ích gì không. Những phiền não đều bắt nguồn từ vô minh, đó là sự hiểu biết lầm sai về thực tại và chỉ có trí tuệ tính không mới có thể tận trừ được loại phiền não này.
Với câu hỏi người trẻ có thể làm gì chống lại bạo lực trên thế giới. Ngài chia sẻ về sự kiện gần đây tại Dharamsala, các bạn trẻ từ nhiều nước trên thế giới đã gặp gỡ bàn về giải quyết xung đột và những quyết tâm biến kế hoạch thành hành động của họ đã gây ấn tượng với ngài. Một thanh niên trẻ đã phát biểu thừa nhận rằng cậu từng bị bỏ tù vì phạm pháp và chia sẻ rằng cậu đã học hỏi được rất nhiều từ giáo pháp của ngài. Cậu cảm thấy vô cùng an lạc khi được lắng nghe từ ngài ngày hôm nay. Một phụ nữ trẻ khác đặt câu hỏi vậy liệu ngài có phải là đức Đạt Lai Lạt ma đời cuối cùng không, ngài trả lời rằng vấn đề đó không để lại một khoảng trống tâm linh nào, ví như Phật pháp vẫn phát triển trong 2600 năm qua trong khi đức Phật đã thị hiện viên tịch.
Một cậu bé đã đặt câu hỏi ngài mong muốn gì khi còn nhỏ và người em gái của cậu muốn biết bằng cách nào mà ngài đã trở nên nổi tiếng. Ngài trả lời rằng ngài được chọn là hóa thân của Đạt Lai Lạt ma khi mới lên 4 tuổi và ngài không có sự lựa chọn nào khác. Sau đó ngài thấy rằng là Đạt lai Lạt ma sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều người, do đó ngài đã nỗ lực hết mình.
Sau đó đức Đạt lai Lạt ma đã viếng thăm trung tâm Geden Shoeling gần chùa Điều Ngự. Ngài rất hoan hỷ viếng thăm nơi đây, gặp vị trụ trì, người sáng lập trung tâm là Khensur Rinpoche. Ngài dạy rằng Phật giáo còn phát triển tới ngày nay và truyền thống Nalanda nói riêng khích lệ việc sử dụng lý trí và trí tuệ. Ngài dạy rằng trung tâm có thể phát triển thành nơi mà nhiều người, không nhất thiết là Phật tử vẫn có thể đến tu học. Ngài nhắc tới một dự án mà trung tâm có thể cùng đảm nhận là chuyển dịch một số tập Kangyur và Tengyur sang tiếng Việt.
chuaviet.org tổng hợp