Hành trình viếng thăm chùa Kim Liên - Bông Sen vàng giữ lòng Hà Nội

date
05/12/2020
Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ của cung Từ Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (thế kỷ 12) đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu, nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang. Trại này sau đổi tên là phường Nghi Tàm

Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ của cung Từ Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (thế kỷ 12) đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu, nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang. Trại này sau đổi tên là phường Nghi Tàm.
Chùa lập năm 1443. Tên chữ: Kim Liên Tự 金 蓮 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962). 


Giới thiệu


Du khách từ ngã phố Thanh Niên—Yên Phụ đi dọc đê sông Hồng về hướng tây-bắc hết đường Nghi Tàm đến phố Âu Cơ rồi rẽ xuống ngõ số 1 thì sẽ thấy trước mắt là khách sạn Intercontinental đồ sộ, còn bên trái là hồ Tây bát ngát và những đầu đao cong cong cổ kính thấp thoáng sau rặng cây xanh. Đó chính là chùa Kim Liên, một trong những danh lam bậc nhất của Hà Nội.


Tương truyền công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (thế kỷ XII), đã đem các thị nữ tới bán đảo này lập trại Tàm Tang trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Khi công chúa qua đời, trên nền cũ của cung điện dựng lên một ngôi chùa. Đất này thời Trần gọi là Tích Ma hay Tích Liên, về sau đổi là phường Nghi Tàm, được nhắc đến hai lần trong “Tây Hồ bát cảnh”.


Theo tấm bia cổ khắc năm 1445, chùa được dựng vào đời Lê Nhân Tông, đặt tên Đại Bi Tự. Sau đó chùa được sửa chữa và mở rộng vào các năm 1531, 1689, 1736. Năm 1771, chúa Trịnh Sâm sai bọn Huy Đĩnh dỡ chùa Bảo Lâm ở phía tây kinh thành về tu bổ lại chùa này và đổi tên là Kim Liên Tự (chùa Sen Vàng). Năm 1792 đời vua Quang Trung, chùa được tu bổ lại và diện mạo cơ bản ổn định cho đến nay.
Ngay đợt đầu ngày 26-04-1962 chùa Kim Liên đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trải biến động lịch sử mấy thế kỷ, chùa đã bị lấn chiếm một phần.


Kiến trúc


Tam quan chùa Kim Liên là một công trình kiến trúc hết sức độc đáo, toàn bộ kết cấu tam quan có mái che được đỡ từ các thân cột. Từ giữa các thân cột, những "con rường" vươn dài tạo nên bộ vì nóc đỡ mái. Bộ mái lợp ngói vảy cá nhiều tầng, ở giữa đột ngột vươn cao như bông sen tỏa nở trên mặt nước Hồ Tây. Các chi tiết trên gỗ đều được chạm nổi, chạm lộng hình rồng, hình hoa lá tinh xảo, uyển chuyển. Đầu đao mái uốn cong, gắn hình tứ linh bằng gốm nung.


Sau cổng hiện còn tấm bia đá cỡ 0,8x1,2m, có nhiều hình chạm nổi rất đẹp. Đây là một trong những tấm bia cổ nhất còn lại ở Hà Nội, được dựng vào năm Thái Hoà tam niên Ất Sửu đời vua Lê Nhân Tông (1445). Du khách đi qua cổng phụ vào sân tiền đường sẽ thấy sau tam quan là một hòn non bộ lớn.
Kiến trúc chùa Kim Liên có rất nhiều điểm giống chùa Tây Phương (xây năm 1794) với bố cục gồm ba nếp nhà chạy song song liền nhau theo kiểu chữ "tam". Tiền đường và hậu cung rộng 5 gian, trung đường 3 gian, cho phép bố trí một chính điện vừa rộng vừa sâu với vài chỗ lấy ánh sáng. Phần lớn diện tích tiền đường để trống, gợi cảm giác thoáng đãng mà trang nghiêm.


Ba tòa nhà đều xây 2 tầng chồng diêm với 8 mái lợp ngói vảy, đầu đao mềm mại. Nhìn từ phía hông chùa, các đầu hồi nhà trổ cửa sổ tròn với biểu tượng của triết lý “sắc sắc không không”. Hai bên trung đường có cửa ngách thông sang sân sau khá rộng. Sân này được các dãy nhà khách, nhà Ni, nhà Tổ bao kín, lại có nhiều cây nhãn và khế cổ thụ che mát.


Các tháp mộ chen lẫn cây cối nằm rải rác ven hồ ở mé bên phải chùa. Trong tuỳ bút “Tang thương ngẫu lục”, danh sĩ Phạm Đình Hổ 范 廷 琥 (1768 - 1839) đã tả cảnh chùa Kim Liên như sau:
...“chùa xoay lưng ra sông Nhị, hồ Tây quanh trước mắt, khói sóng man mác, trời nước một màu...”, ... “phía bên trái có mấy gò nổi, tháp gạch xây ở trên, khóm trúc, cội tùng phơ phất...”


Di vật


Trong chùa treo bức hoành phi “Hoằng Ẩn” (đạo lý sâu rộng) có từ năm 1870, còn hoành phi "Liên hoa hải hội" (cảnh sum vầy vui đẹp ở nước Phật) thì mới được làm năm 1930. Đáng chú ý nhất là các pho tượng mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII—XIX. Tác phẩm Quan Âm nghìn mắt nghìn tay trước kia nổi tiếng đến mức về sau được chuyển sang chùa Quán Sứ.


Tại Phật điện trong hậu cung, trên cùng là bộ tượng Tam Thế, tiếp theo có tượng A-di-đà với hai Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngồi ở hai bên, dưới cùng là tượng các tôn giả A Nan, Ca Diếp đứng chắp tay. Bên trái điện này còn có tượng Quan Âm Tống Tử trông rất hiền hậu, bên phải thì có Ban thờ công chúa Từ Hoa với tượng đặt trong khám thờ.


Góc trái hậu cung còn có pho tượng một người mặt trắng, râu ba chòm, tay cầm hốt, đầu đội mũ miện mà lại mặc áo cà sa, tư thế đứng, chân không mang giày. Ngày nay nhà chùa đặt tại đó biển đề “Ban thờ Chúa Trịnh”, không rõ chỉ Trịnh Giang (người cho sửa chùa) hay Trịnh Sâm. Nhưng có thuyết cho là tượng của một vị trụ trì, trước khi đi tu vốn làm nội thị trong phủ Chúa.


Giữa Phật điện trong trung đường là pho tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề cao 1,2m với các cánh tay và bàn tay xếp so le rất mềm mại, hài hòa. Lớp dưới có tượng Thích Ca, dưới nữa là tượng Đế Thích và Ngọc Hoàng, dưới cùng là tòa Cửu Long. Dọc thiêu hương còn có hai hàng tượng Thập điện Diêm vương quay mặt vào Phật điện. Tại hai gian ngoài cùng của tiền đường bày hai bộ tượng Đức Ông và Thánh Hiền.

chuaviet.org tổng hợp