Phá thai thì âm phủ nghiêm trị. Âm luật đã định, kẻ có âm đức gồm 3: một là cứu mạng người; hai là thành tựu quả phụ thủ tiết; ba là chí thiện không ai biết. Trời cao có đức hiếu sinh, chúng ta đừng vì việc tư của mình mà tàn sát sinh mạng nhỏ bé vô tội.
Chủ tâm nạo phá thai theo giáo lý nhà Phật không khác gì giết chết một mạng người vô tội. Tệ hơn nữa sinh linh này bị giết chết khi đang chuẩn bị chào đời. Theo giáo lý nhà Phật, một sinh linh bị giết chết do kết quả của hành động nạo phá thai có chủ ý sẽ vất vưởng trong đói khát, lạnh lẽo và cực kỳ thương tâm ở một không gian khác vì chưa được luân hồi ngay mà phải chờ rất, rất lâu sau. Vì người chủ tâm nạo phá thai đã gây ra nỗi thống khổ này của sinh linh vô tội, người đó chắc chắn bị báo ứng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai. Nhưng nguyên nhân trước hết xuất phát từ việc thiếu kiến thức, không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả,… Trong buổi giảng Pháp cho các Phật tử, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã đưa ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nạo phá thai nhiều như:
Tiếp xúc văn hóa phẩm không lành mạnh quá sớm
Tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên tại nước ta đang thuộc top đầu Đông Nam Á. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đến những nhà giáo dục và các bậc phụ huynh. Trước thực trạng này, Sư Phụ chia sẻ: “Việc cho thanh niên, trẻ con dùng máy tính, dùng điện thoại, Ipad, Iphone sớm rất nguy hiểm. Thống kê cho thấy các cháu thiếu niên, cho đến cả nhi đồng, nếu dùng những thiết bị điện tử sớm thì sẽ mắc phải những tệ nạn, tình dục sớm rất nhiều. Vì thế ông bà, cha mẹ nên giáo dục, quản lý con cháu thật chặt. Việc gia đình để các cháu tiếp xúc với các phương tiện hiện đại sớm rất dễ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất của các cháu. Vấn đề này chúng ta phải hết sức dè dặt, cẩn thận”.
Sư Phụ cũng chia sẻ mối lo ngại về việc các gia đình cho con em mình sử dụng điện thoại quá sớm mà không có sự kiểm soát chặt chẽ. Vô hình chung đây chính là cửa ngõ đưa các em đến với văn hóa không lành mạnh, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của thế hệ trẻ.
Quan niệm “Trọng nam khinh nữ” còn tồn tại trong xã hội
Trong văn hóa truyền thống, người đàn ông được coi là trụ cột gia đình, gánh vác trách nhiệm với quốc gia và dòng họ. Cha mẹ về già sẽ sống với con trai. Bởi thế, nhiều cha mẹ nghĩ sinh con trai không chỉ để “nối dõi tông đường” mà còn có thể công thành danh toại, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Nỗi ám ảnh có con trai đã mang đến những hệ lụy đau lòng. Có người nạo phá thai khi biết đứa con trong bụng là con gái. Nói về vấn đề này, Sư Phụ giảng giải: “Với những nước coi trọng chế độ phụ hệ, nhiều gia đình chú trọng việc sinh con trai như Việt Nam, Trung Quốc. Ngày xưa có câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nên các gia đình rất mong sinh con trai. Đầu lòng có con trai là yên tâm, nhưng đầu lòng là con gái thì cũng lo. Bây giờ mỗi gia đình lại chỉ sinh hai, cho nên các gia đình chọn lựa để mình sinh con trai rất nhiều. Vì vậy, việc nạo phá thai khi biết thai là con gái cũng gây nên sự mất cân bằng giới tính”.
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp đặc biệt dẫn đến tình trạng phá thai; ví như thai nhi khuyết tật, dị dạng, hoặc người mẹ có sức khỏe không tốt nên gia đình bắt buộc phải phá bỏ. Trong trường hợp này, Sư Phụ giảng: “Tinh thần đạo Phật là không tán thành việc phá thai. Thế nhưng có những trường hợp trong nhà Phật vẫn rất thông cảm. Đương nhiên cái chữ “thông cảm” tức là chia sẻ điều bất đắc dĩ này. Có những người mẹ bắt buộc phải phá thai, không thể để được. Ví dụ như thai nhi được chẩn đoán là quái thai, dị dạng. Bác sĩ, rồi gia đình đều khuyên, nếu cháu bé này ra đời thì bản thân nó khổ, bố mẹ khổ, gia đình khổ, cả xã hội cũng khổ. Trường hợp thứ hai là người mẹ bệnh nặng quá, không thể mang thai cho đến ngày sinh nở được. Có những trường hợp bất đắc dĩ như vậy thì chắc chắn về phía xã hội, kể cả trong đạo Phật cũng được sự thông cảm. Đương nhiên trong nhà Phật, mọi điều đều có nhân quả, việc phá thai cũng vậy. Mình giết hại một mạng sống, nhất là con người, lại là con của mình thì đều có quả báo”.
Ngoài những nguyên nhân Sư Phụ đã đề cập, còn rất nhiều những nguyên nhân khác như vỡ kế hoạch, mang thai ngoài giá thú, mang thai khi còn quá trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai.
Có nhiều quan niệm cho rằng, khi thai nhi chưa ra đời thì phá đi cũng không có tội gì. Tuy nhiên, dưới góc nhìn nhân quả của đạo Phật, Sư Phụ chia sẻ: “Đối với tinh thần đạo Phật, khi trứng thụ thai là ngay lúc đó liền có tâm thức. Tức là có một linh thức gá vào luôn, chính là một chúng sinh rồi, có cảm nhận rồi. Tuy chưa đầy đủ hình hài nhưng cũng là một sự sống. Cho nên việc phá thai, về bản chất cũng là việc sát sinh, mà đây là giết một sinh linh con người”.
Từ lời giảng của Sư Phụ, chúng ta hiểu rằng, phá thai là hành động tước đoạt mạng sống của một sinh linh. Đó cũng chính là một hành động sát sinh, phạm vào giới thứ nhất của người đệ tử Phật tại gia. Từ hành vi này người phá thai sẽ phải nhận lấy những quả báo không tốt cho chính mình.
Cha mẹ và con cái đều có duyên nợ với nhau
Đối với đạo Phật, mọi sự, mọi vật đến với ta đều có nhân duyên. Giữa con cái và cha mẹ cũng vậy, con cái đến với cha mẹ cũng là nhân duyên. Nếu giữa con cái và cha mẹ có ân với nhau thì sẽ đến để làm cho nhau hạnh phúc. Ngược lại, nếu là ác nghiệp thì sẽ đến để làm cho nhau đau khổ. Khi cha mẹ phải bỏ đi thai nhi – là chính những đứa con của mình thì đó cũng là ác nghiệp giữa cha mẹ và con cái.
Sư Phụ giảng: “Chúng ta biết, nạo phá thai là một nghiệp rất nặng. Giữa thai nhi và cha mẹ đều có duyên nghiệp rất sâu với nhau. Không phải là vô duyên vô cớ mà làm con của mình đâu. Một là cái duyên tốt lành, đến với nhau để đem cho nhau hạnh phúc, an vui và những sự tốt lành. Hai là oan trái, oán nợ đến đòi báo oán, báo nợ đến với nhau. Nếu mình không trả kiếp này thì kiếp sau cũng lại phải trả. Thế nên việc mà người con đã đến với mình, nằm trong bụng mình rồi mà mình cố tình phá bỏ. Thì đấy là mình đang can thiệp vào duyên nghiệp này. Nó đều có nhân quả hết. Nếu mà oán hận thì oán hận sẽ tăng thêm. Thầy nghĩ nếu một người con đến mà mình phải phá thai thì không phải duyên lành. Người con ấy đến là đem sự đau khổ đến cho cha mẹ. Người con mà có duyên tốt thì bố mẹ không bao giờ phải bỏ thai”.
Như Sư Phụ đã giảng, phá thai là hành động tước đoạt đi sự sống của một chúng sinh. Hành vi này sẽ tạo ra những quả báo đau khổ cho chúng ta. Tuy nhiên, cùng một hành động nhưng tâm thái và động cơ khác nhau sẽ cho những quả báo không giống nhau. Sư Phụ chia sẻ: “Nếu người mẹ rất đau khổ, không bao giờ muốn nhưng vì bất đắc dĩ phải làm thì nhân quả cũng sẽ nhẹ đi. Còn những trường hợp là do sống buông thả để có thai rồi phá thai một cách tự nhiên không có sợ hãi thì nhân quả ấy rất xấu ác”.
Từ lời Sư Phụ, chúng ta hiểu rằng nếu khi phá thai mà tâm đau khổ, dằn vặt thì quả báo sẽ nhẹ hơn là những người phá thai không có một chút ăn năn, hối hận, xem chuyện nạo phá thai là chuyện bình thường.
Hậu quả đầu tiên của việc phá thai mà Sư Phụ đề cập là ảnh hướng đến tâm lý của cha mẹ. Sư Phụ giảng: “Khi mình giết bỏ một đứa con của mình, bạn nam cũng bị chấn thương về tinh thần và người nữ cũng có những sang chấn tinh thần rất nặng. Cho nên nhiều bạn gái đến đây bạch với Thầy rằng sau khi nạo phá xong bạn rất khổ tâm, nhiều bạn muốn đi tự tử; rồi rơi vào tình trạng stress, trầm cảm rất nặng nề”.
Từ lời Sư Phụ giảng, chúng ta thấy rằng, hậu quả của phá thai là để lại những sang chấn tâm lý khôn lường. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta nên cẩn trọng và trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức phòng tránh thai, để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Phụ nữ nạo phá thai sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Một trong những tác hại nghiêm trọng của việc nạo phá thai chính là tình trạng vô sinh. Về vấn đề này, Sư Phụ giảng: “Việc nạo phá thai ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Có nhiều bạn trẻ quá, nạo thai sau này sẽ không thể sinh sản được nữa. Phá thai nó ảnh hưởng đến giống nòi của mình”. Hiện nay, có rất nhiều cặp vợ chồng kết hôn nhiều năm chưa có con. Khi đi khám thì mới biết bị vô sinh do từng nạo phá thai, dẫn tới việc bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Thai nhi có thể ở trong cõi Ngạ Quỷ quậy phá cha mẹ
Theo quan điểm của đạo Phật, nếu chưa chứng quả giải thoát, chúng sinh sẽ phải luân hồi, chuyển kiếp trong 6 cõi. Khi một thai nhi bị cha mẹ bỏ thai, có thể sẽ tái sinh vào trong cõi Ngạ Quỷ (trong dân gian thường gọi là vong linh, ma quỷ). Nếu vẫn có duyên với cha mẹ, thai nhi sẽ đi theo và tác động đến cha mẹ của mình. Sư Phụ chia sẻ: “Một đất nước mà nạo phá thai nhiều quá thì các vong thai này sẽ trở thành những “tiểu quỷ”. Họ sẽ sinh ra rất nhiều chuyện trong xã hội. Hòa thượng Tuyên Hóa từng nói rằng “tiểu quỷ” này không phải dễ trị, không phải là bậc cao đức thì khó trị được lắm. Mà họ quậy phá nhiều chuyện trong xã hội, làm rối cả xã hội lên. Vì nó từ nghiệp sát và tâm hận thù báo oán rất nặng nề. Những tiểu quỷ này không nhận được tình thương của cha mẹ. Đáng nhẽ thì cha mẹ phải thương con, bây giờ mà tự mình giết con mình đi, nó hận thù dữ lắm. Ôm một khối hận, các vong thai này đi đâu cũng quậy phá”.
Hiện tượng các chúng sinh trong cõi Ngạ Quỷ tương tác, tác động đến con người là hoàn toàn có thật. Như trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật cũng đề cập đến những hiện tượng này như kinh Dược Sư, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hay kinh Chuyện Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường, nhiều bài trong kinh Tiểu Bộ, kinh Trung Bộ, …
chuaviet.org tổng hợp