Giúp người ngàn lần, người không nhớ; không giúp nửa giờ, người hận ngay!

date
28/10/2020
Đừng nản lòng khi gặp lừa dối, thất bại. Trong cuộc sống này, người tốt đến cho bạn ký ức đẹp, người xấu đến dạy bạn bài học nhớ đời.

Trong cuộc sống có một vài người:

Giúp người ngàn lần người không nhớ

Không giúp nửa giờ người hận ngay!

Do đó, chỉ cần cố gắng làm một chính mình hoàn hảo nhất, bạn cần có suy nghĩ độc lập và năng lực tự nhận định riêng. Đừng nản lòng khi gặp lừa dối, thất bại. Trong cuộc sống này, người tốt đến cho bạn ký ức đẹp, người xấu đến dạy bạn bài học nhớ đời.

Có một vị lão hòa thượng đã viết 4 bài toán thế này:

2 + 2 = 4

4 + 4 = 8

8 + 8 = 16

9 + 9 = 20

Mấy đồ đệ thấy vậy liền vội hỏi: "Sư phụ, ngài tính sai một câu rồi."

Vị hòa thượng kia nhìn lên và chậm rãi nói: "Đúng vậy, mọi người đều thấy rất rõ, câu cuối tính sai rồi.

Nhưng 3 câu trước ta tính đúng, tại sao không ai khen ta, mà chỉ thấy được cái đề cuối ta đã làm sai đây?"

Làm người cũng như vậy, dù thường ngày bạn có cẩn thận, tỉ mỉ đến đâu, làm tốt đến đâu chăng nữa, người ta cũng rất ít khi nhìn thấy sự nỗ lực âm thầm của bạn, cái họ nhìn thấy, họ công nhận... là kết quả, không phải quá trình.

Bạn là nhân viên ưu tú của công ty, sếp khen tặng, bạn bè ngưỡng mộ, nhưng họ chỉ nhìn thành tích mà chưa hề để ý xem bạn đã tốn bao công sức, trả giá những gì để được như vậy. Nhưng chỉ cần một bước sa chân phạm sai lầm, sẽ có hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đến chê bai, công kích, sỉ vả, trách móc, đổ lỗi cho bạn.

Mà những điều bạn từng làm đúng, làm tốt lúc trước, họ sẽ tàn nhẫn tự động cho qua theo thời gian. Bạn tốt với đối phương 100 lần, nhưng họ có thể đã quên, vậy mà chỉ cần có một lần bạn làm không đủ tốt, họ sẽ không hài lòng, thậm chí còn trở mặt thành thù với bạn.

Đây chính là đạo lý 100 – 1 = 0 về nhân tính!

100 lần giúp + 1 lần lầm lỗi = 0 lần biết ơn!

100 lần làm tốt + 1 lần phạm sai = 0 lần thành tích!

Giống như câu nói: "Một chén gạo dưỡng ơn, một đấu gạo nuôi thù!" Sao lại nói như vậy? Bởi vì có vài người đã quen với việc "nhận", mà quên với việc "biết ơn", không phải ai cũng hiểu rõ nghĩa của 2 từ "lương tâm" và thực hành nó.

Lời bàn:

Hằng ngày bạn cho đứa trẻ kẹo. Rồi đến một ngày bạn không cho nó, chắc chắn rằng nó sẽ kêu khóc căm ghét bạn nếu không đòi được kẹo. Nó không hề nhớ tất cả những lần bạn cho kẹo nó mà chỉ nhớ lần bạn không cho kẹo. Đó là bài học trả giá cho sự không dạy dỗ con cái biết nhận ra và ghi nhớ những điều tốt của người khác.

Thực ra, con người ta chính là như vậy. Dù bạn có đối tốt với họ cả trăm lần nhưng họ lại nhớ mãi một lần không thuận lòng, tất cả những việc tốt đẹp bạn đã làm đều có thể bị quên lãng, chẳng có ý nghĩa gì. Đây là chính mặt trái trong nhân tính của con người: 100 – 1 = 0.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta theo thói quen lại dễ dàng nhận ra và chấp trước vào lỗi lầm của người khác. Tại sao ta thường không nghĩ nhiều đến điểm tốt của họ, trong khi thường thì nó nhiều hơn điểm xấu nhiều lần. Và tại sao ta không nhớ những gì họ làm đúng mà chỉ nhớ lần họ làm sai, cho dù ta biết rằng mỗi người đều không hoàn hảo. Như hai bàn tay không giống nhau cho dù nó được sinh ra từ một cơ thể?

Khi trong mắt ta họ chỉ có sai lầm và xấu xí, thì tâm hồn ta liệu còn chỗ để những điều tốt đẹp ngự trị, như lòng bao dung, vị tha (nghĩ cho người khác hay vì nghĩ cho mình), thông cảm, sẻ chia..? Thực sự rồi bạn sẽ hiểu rằng, một chút sai lầm hay xấu xí nhỏ nhoi ấy không đáng để chúng ta mất đi bản tính Thiện trong mình.

Vậy nên, hãy trân quý những điều tốt ở người khác, ghi nhớ điểm tốt của họ thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào điều xấu ít ỏi mà họ có (cũng như bạn có), hay chỉ nhớ về sai lầm của họ, đừng vô ý làm tổn thương họ chỉ vì những việc nhỏ nhặt. Bao dung với sai lầm của người khác, cho họ cơ hội thay đổi, lấy tâm tha thứ mình mà tha thứ cho người thì hết thảy những gì bạn nên có đều sẽ có.

chuaviet.org tổng hợp