Chùa Hội Khánh - Ngôi chùa cổ kính ở Bình Dương

date
28/10/2020
Chùa Hội Khánh là một công trình tôn giáo lâu đời và lớn nhất tại tỉnh Bình Dương. Điểm nổi bật của ngôi cổ tự này chính là giá trị phong phú về mặt lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc, đây còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu của các ngôi chùa cổ tại Bình Dương.

Nằm giữa một khu rừng dầu ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chùa Hội Khánh là một kiến trúc Phật giáo độc đáo được xây dựng từ thế kỷ 18 (năm 1741).

Trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng về cơ bản ngôi chùa vẫn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu, trong đó có 92 cây cột gỗ quý từ giai đoạn xây dựng đầu tiên. Ngôi chùa cổ rộng 700m2 gồm 4 phần chính là Tiền điện , Chánh điện, Đông lang và Tây lang bố trí theo kiểu nối liền. Đây được xem là một kiểu biến tấu trong kiến trúc chùa cổ ở Nam Kỳ. Trong khuôn viên chùa có ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét, được xây dựng năm 2007, cạnh đó là tháp tổ Từ Vân cổ kính.

Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ chủ tịch), năm 1923 – 1926 cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với cụ Phan Đình Viện và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập ra Hội Danh Dự tại đây. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Chùa trở thành trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một. Từ năm 1953, chùa là trụ sở Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến năm 1983 chùa là trụ sở của tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương.

Năm 1993, Chùa Hội Khánh đã được được Bộ VHTT-DL công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đến tháng 5/2013, tổ chức kỷ lục Châu Á đã chính thức xác lập tượng Phật Nằm tại chùa là “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á”.

Kiến trúc chùa gồm 5 hạng mục chính: tiền điện, chính điện, hậu tổ (nơi thờ tổ), giảng đường và hành lang Đông – Tây. Chính điện và giảng đường đều được bố trí theo kiểu “sấp đội”, nối liền nhau theo thức “trùng thềm điệp ốc”, là một dạng thức kiến trúc phổ biến đối với tại xứ Đàng Trong và kiến trúc kinh thành Huế xưa.

Trong khuôn viên của chùa có 4 kiến trúc mang tên 4 thánh tích gắn với Đức Phật bao gồm: vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh); Bồ Đề đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo), vườn Lộc Uyển (nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (nơi Đức Phật nhập niết bàn). Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự đều được điêu khắc, chạm trổ rất tinh vi, với những đề tài như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung… Mặc dù đã được trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu.

Ngoài ra, Phật đài cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước Chùa Hội Khánh. Tầng trệt là dãy nhà dài 64m, rộng 23m dùng làm trường Phật học, thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương.

Hiện tại chùa Hội Khánh còn lưu giữ khá nhiều di vật như: bộ mộc bản in kinh được khắc năm 1885 (đây được xem là bộ mộc bản có niên đại sớm nhất tại Bình Dương), 100 pho tượng gỗ (có giá trị rất cao do chính tay nghệ nhân Thủ Dầu Một, Bình Dương thực hiện), bộ tượng Thập Bát La Hán (gồm 18 pho tượng có kích thước từ 89 – 90cm), Bô tượng Thập Điện Diêm Vương (gồm 10 pho tượng có kích thường từ 89 – 90 cm), ngoài ra nơi đây còn có 2 bức phù điêu chạm hình các vị La Hán và bồ tátđây là công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao…

Hồng Anh/chuaviet.org (tổng hợp)