Phật gia giảng: “Muốn tu luyện thì ý phải chân thành”. Hãy buông bỏ lòng tham và đừng sống với một khuôn mặt giả tạo. Trong tâm phải thật sự đặt xuống hết thảy những dục vọng tầm thường của con người, một lòng tín theo Phật Pháp, luôn bảo trì tâm sáng như trời quang. Làm được như vậy, thì bạn mới thực sự là một người tu luyện chân chính.
Cuộc sống như tấm gương phản chiếu, ta cười vào nó, nó liền cười lại: Ta là gương soi bóng, bóng là tâm hồn ta
Người xưa thường nói: “Người có tấm lòng rộng mở thì vạn sự giai thông. Người mà hẹp hòi thì trăm sự đều là bệnh”. Con người ta sở dĩ luôn mệt mỏi bởi vì trong lòng vướng bận quá nhiều điều, tranh giành quá nhiều, buồn quá nhiều, giận hờn quá nhiều… Làm người, sống trên đời muốn bớt ưu sầu, tâm thanh thản, thì chỉ có bước đi trên con đường tu luyện “phản bổn quy chân”, tu tâm dưỡng tính, quy chính lại bản thân mình. Có như vậy, con người ta mới hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, và có được cuộc sống hạnh phúc thực sự.
Cuộc đời quá ngắn ngủi; một ngày trôi đi, là mất đi một ngày… Bạn đang phấn đấu vì điều gì, tức giận điều gì, lo lắng điều gì? Người người tranh đoạt vì lẽ gì?
Người tranh đoạt vì điều gì?
Lão Tử từng nói: “Thiên tri đạo, bất tranh nhi thiện thắng”. Cái lẽ thường trong thiên hạ không tranh mà thắng, mới là thủ thắng. Cũng như, nước có thể dưỡng sinh cho vạn vật không phải bởi dòng chảy xiết và luôn dũng mãnh tiến về phía trước, mà chính nhờ sự nhu mì của mình.
Quả thực có những người vất vả cả đời, tranh tranh đấu đấu suốt một đời, ôm hận trong lòng không một phút nguôi ngoai, cuối cùng tự huỷ hoại bản thân, thậm chí liều mình vì kẻ khác. Lâu dần thành thói: không tranh thì không thấy vui, nhưng càng tranh giành lại càng thất bại thảm hại hơn. Chỉ vì chút lợi ích nhỏ nhoi mà oán kết mỗi ngày một dày thêm: Tranh tài sản, người thân trở mặt; tranh đúng – sai, tình cảm tan vỡ; tranh thị phi, cừu hận gia tăng, đời thêm kẻ thù.
Xét cho cùng thì kỳ thực người với người không nhất thiết phải tranh đoạt lẫn nhau, cái gì là của mình thì không giành cũng có, không là của mình thì có tranh cũng chẳng được. Đó là cái lẽ ở đời, tất cả đều do Trời định.
Hãy xem, người nông dân cấy lúa trên trên đồng ruộng như thế nào? Họ khom mình cấy từng cây mạ non xuống bùn, vừa lui lại phía sau. Cho tới khi cấy đến đầu bờ, thì cũng không còn đường lui, lúa cũng vừa được cấy xong. Cái lẽ ở đời cũng vậy! Người không tranh với đời nhìn thấy bề ngoài như chịu thiệt, nhưng kỳ thực thoái lùi chính là tiến lên. Phật gia giảng rằng: “Lùi một bước biển rộng trời cao”, đó chính là đạo lý. Ở đời, khi đứng trước lợi ích thiết thân, khi đối diện trước cái được – mất thì không tranh mới thực sự là cuộc chiến lớn nhất. Cho nên, cái gọi là “tâm địa thanh tịnh” ấy chính là sự khoan nhượng. Khi ta lùi bước thì chính là đang tiến về phía trước rồi đó.
Nhân sinh tại thế ắt trong tâm phải thư thái, xem nhẹ danh lợi tình, học cách không tranh với đời, thì mới được an nhiên, tự tại…
Người tức giận vì điều gì?
Có câu: “Nhân sinh bất dung dị” (cuộc sống vốn không dễ dàng), một khi đau ốm thì không ai có thể mang bệnh thay cho ai được. Trong sách Hoàng đế nội kinh viết: “Bách bệnh sinh vu khí” (Trăm bệnh sinh ra từ khí), hết thảy đều xuất phát từ hỉ, nộ, ai, lạc… Nếu con người muốn được sống khỏe mạnh, thì phải tu tâm, tĩnh khí. Làm người sống nên phải sống ngay thẳng, mà không tức giận. Nóng nảy là bản năng, thật sự không tức giận ấy là bản sự.
Đương nhiên thế sự vô thường, nóng giận là tự trừng phạt mình trước lỗi lầm của người khác. Cuộc đời là một chuỗi những tháng ngày nối tiếp nhau: ngày lại ngày qua đi, thời gian thật quá ngắn ngủi, buồn cũng chỉ một ngày, vui không quá một ngày. Vậy vì sao không mở rộng lòng mình, sống một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc? Đó cũng đâu phải là việc gì quá khó, đến nỗi không làm được đâu.
Hãy đặt những tơ vương trong lòng xuống, quẳng gánh lo đi… Có như vậy ta mới được sống một cách nhẹ nhàng, thoải mái: “Không tức giận với người nhà thì gia đình hưng vượng, không tức giận với bạn bè thì ung dung tự tại, không tức giận với người yêu thì vui vầy hoan lạc”. Người không tức giận là người khoáng đạt, độ lượng, hào hoa phóng khoáng. Người muốn được hưởng phúc thọ dài lâu, thì không nên tức giận. Bởi vì, mỗi một lần tức giận, là một lần phúc khí bị tổn hao.
Cho nên trong cuộc sống bất kể ta gặp phải chuyện gì, thì không cần oán trách, càng không nên tức giận, cũng không quá bi thương. Hãy cứ ngẩng cao đầu, ngắm bầu trời rộng lớn, nhìn mây trôi lãng đãng, nở một nụ cười vui vẻ, để điều chỉnh lại tâm thái.
Người lo lắng điều gì?
Trong bộ “Nhị thập tứ sử”, sách Tân Đường Thư có viết: “Thế thượng bổn vô sự, dung nhân tự nhiễu chi” (Đời người vốn vô sự, tự mình can nhiễu mình). Kỳ thực, trên cõi đời này có quá nhiều sự việc chỉ như đuổi hình bắt bóng, vờn theo gió mây. Đến cuối chân trời gió tạnh, mây tan, thất vọng ê chề vẫn chẳng nhận ra rằng “ta làm cho ta mới khốn”. Vạn sự đều biến hoá theo tâm thái của người ta.
Có câu chuyện kể rằng: Một ngày nọ, lão đạo sĩ sai tiểu đạo sĩ xuống núi quẩy một thùng giấm chua về để nấu ăn cho các chúng đạo tu luyện trên núi. Trước khi đi, lão đạo sĩ dặn dò tiểu đạo sĩ: “Con đi đường nhớ phải cẩn thận, nếu làm đổ dấm thì đừng trách ta!”.
Tiểu đạo sĩ kính cẩn chào lão đạo sĩ rồi xuống núi mua mua một thùng giấm. Trên đường về, vị đạo sĩ nhỏ hết sức cẩn thận nhưng trong tâm vẫn không khỏi hồi hộp, lo lắng. Cậu bé nhìn xuống thùng giấm đầy ăm ắp và nghĩ đến gương mặt dữ tợn của vị lão đạo sĩ đầu bếp. Tiểu đạo sĩ thực sự thấy bất an, khẩn khẩn trương trương trở về núi cho kịp thời. Khi về đến đạo viện, bất cẩn vấp phải ngưỡng cửa và làm đổ mất một nửa thùng giấm.
Vừa hay, lão đạo sĩ trông thấy liền quát mắng: “Nhà ngươi thật là hậu đậu, chút chuyện cỏn con này mà làm cũng không xong!”. Tiểu đạo sĩ oà khóc nức nở, vừa mếu máo tạ lỗi với lão đạo sĩ đầu bếp.
Lão đạo sĩ nghe xong, bèn nói: “Thôi được rồi, ngày mai con hãy xuống núi mua về một thùng giấm khác cho ta. Nhưng lần này, trên đường về con phải kể lại cho ta những gì đã nhìn thấy trên đường”.
Ngày hôm sau, tiểu đạo sĩ lại từ biệt lão đạo sĩ xuống núi. Tiểu đạo sĩ bước đi thong thả, vừa ngắm cảnh sơn tuyết phù vân, vừa lắng tai nghe chim hót líu lo, mà quên hết cả phiền muộn trong lòng. Trên đường về lại đi qua cánh đồng cỏ xanh mướt, thấy những người nông dân đang chăm chỉ làm ruộng, và cả những người phụ nữ giặt quần áo ven sông… Tiểu đạo sĩ hớn hở bước phăng phăng trên quãng đường về. Khi về đến đạo viện, thùng giấm vẫn còn nguyên vẹn, một giọt cũng không bị rớt ra ngoài.
Phật gia giảng: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Đôi khi cau mày, méo mặt không những không giải quyết được vấn đề mà còn tạo ra một năng lượng bất thuần, tác động đến những người chung quanh một trạng thái tiêu cực. Chính nó làm tha hoá tâm hồn của bạn.
Mới hay, cuộc sống như tấm gương phản chiếu: Khi bạn cười, thì trong gương cũng cười. Khi bạn buồn, thì trong gương cũng buồn… “Ta là gương soi bóng, bóng là tâm hồn ta”. Vì thế, đừng nên quá lo lắng về những vấn đề tầm thường mà làm biến dạng đi cuộc sống vốn dĩ tròn đầy của bạn.
Vậy cũng nói, cười suốt mười năm cũng chưa đủ, xem thường sầu muộn, mỗi phút mỗi giây đều thấy đời đẹp đẽ. Đời người như áng mây phía cuối trời, tụ tán vô thường, chớp mắt nhìn lại đã không còn. Vẫn biết rằng, cuộc sống mang nhiều chấp niệm: xem nhẹ một chút, ta thấy hạnh phúc một chút. Bảo trì một trái tim khoan dung độ lượng, không tranh, không lo, không giận, học cách buông bỏ và bạn sẽ có được hạnh phúc. Đường đời từ nay trở đi sẽ ngày càng thuận lợi…
“Sống nhẹ nhàng thong dong tự tại
Cõi hồng trần mặc sức tiêu diêu
Không ganh đua với đời lạnh nhạt
Xem nhẹ lợi danh chẳng tiêu điều
Giản giản đơn đơn lẽ ở đời!
Cuộc sống rối bời ta mặc kệ
Gặp lũ tiểu nhân lạnh lùng cười
Trông thấy kẻ xấu thật nhàm chán
Khoan dung thể hiện phẩm hạnh cao”
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)