Những tà kiến về Pháp môn niệm Phật

date
06/10/2020
Câu niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT là mẹ của mười phương ba đời Chư Phật, là cội nguồn của Hạnh Nguyện Từ Bi – Giải Thoát, dung nhiếp mọi căn cơ, đồng quy vạn Pháp giới.

Thập phương chư Phật đồng nương nơi sức nguyện vô cùng tận của Đức Phật A Di Đà mà khai thị pháp môn NIỆM PHẬT cho chúng sanh nơi khôn cùng cảnh giới khắp 10 phương 3 cõi y Pháp tu hành, hướng đến giác ngộ, liễu thoát tử sanh thì hàng hậu học ai dám mống tâm khinh chê bài xích? Căn cơ thấp – cao chỉ là lý của kẻ mê, Pháp môn thượng – hạ chỉ là lời của kẻ chấp, nào biết niệm Phật vi diệu bất khả tư nghì há có thể lãnh hội được bằng tà kiến đoạn – thường, nhơn – ngã, chấp trước của thế gian? Họ nào biết tâm khởi niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT tức đã dung thông THIỀN – TỊNH – MẬT (phương tiện đốn nghi, chớ sanh tình chấp) đồng quy Bổn Tâm, nay do đại sự sanh tử mà dụng công tu hành, thu nhiếp 6 căn quán tâm khởi niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT sao cho miên mật ba thời, há sanh chấp trước mà chi làm chướng trái Tự Tánh?

Thế mà nay lắm kẻ vỗ ngực xưng tên chỉ hoằng Thiền đốn Tịnh, phân biệt lợi – độn căn cơ mà tự ngã bồi mê, chẳng hay mình mắt tối mê mờ khi bao đời Tổ Sư, Cổ Đức đều do niệm Phật mà giác, sau hoằng truyền khuyên chúng Niệm Phật như chư Phật xưa đã từng? Họ thiển trí cho rằng bao đời Tổ sư chỉ xiển dương Thiền Định mà không dạy Niệm Phật, còn tự áp đặt tà kiến của mình thành ý Tổ, thật là hết nói. Họ chẳng rõ nghĩa: Thiền Định là “hồi quang phản chiếu, trực tâm tu hành” chớ nào có nghĩa phân Tông rẽ phái. Đã thế, họ còn bài xích đồng tu, ra oai tự đắc, thật chỉ hoài tổn Đức mà thôi.

Lại có kẻ bảo rằng Đức Phật A Di Đà, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát… là do trí tưởng tượng chớ không thật, hoặc có khởi xuất từ Trung Hoa, còn những kinh điển liên quan như Kinh Vô Lượng Thọ, Diệu Thủ Lăng Nghiêm… đều chẳng phải Phật thuyết? Than ôi tà kiến đến thế là cùng, lại rao truyền nhau tư tưởng mê loạn điên đảo như vậy thì “Tự Tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ” đến bao giờ mới tỏ ngộ, đành chướng lấp thiên thu trôi lăn trong khổ sanh tử luân hồi vạn kiếp.

Lại có người bảo rằng người tu Niệm Phật chỉ cầu tha lực, chẳng như Tham Thiền phải tự lực ngày đêm? Đó là lỗi do người tu hành mống sanh tình chấp, đường lối tu hành chẳng rõ rốt ráo, nào phải do Pháp Phật?! Pháp tức vô Pháp, chớ sanh chấp Pháp, nhơn – ngã. Người tu Phật chơn thật vì hạnh nguyện cứu độ chúng sanh nên luôn chí tâm kiên định, tự lực tự cường miên mật ngày đêm bởi sanh tử vô thường như bóng câu qua cửa chớ nào tà kiến ỷ nơi Phật lực 10 phương gia hộ mà giãi đãi buông lung. Nếu đúng là bậc chơn tu, Giới Đức trang nghiêm thì “Phật độ bất khả tư nghì” là lẽ tự nhiên dù hành giả tu Thiền, tu Tịnh hay tu Mật (gọi chung là tu Phật), nên có câu TRANG NGHIÊM PHẬT ĐỘ. Còn ngược lại, phóng dật buông lung, giải đãi hý luận… thì nhân – quả tự chịu, lẽ công bằng tự xưa nay. Hơn nữa, công phu đến “nhất tâm bất loạn” vốn là “chánh nhân” để vãng sanh về cõi Phật A Di Đà là chuyện chẳng dễ dàng gì, chớ nên khinh mạn coi thường. Nếu chẳng tự sách tấn, cẩn mật tu hành khi còn trẻ khỏe, đến khi bệnh tật ốm đau, tàn hơi kiệt sức, nghiệp lực chiêu cảm oan gia – cảnh khổ hiển hiện trước mắt, thân tàn tâm loạn, há còn nhớ nổi câu niệm Phật ư? Nên nhớ mọi sự trên đời, kể cả vãng sanh cõi Phật, cũng đều phải thuận theo Nhân – Quả chí công. Chánh Nhân tu hành chơn thật, công phu niệm Phật chín muồi (nhất tâm bất loạn cho đến “vô niệm”) thì Chánh Quả vãng sanh cõi Phật thành tựu là lẽ tất nhiên, dẫu cho hành giả còn đang sanh tiền nơi Ta Bà ngũ trược đi nữa nhưng đã “kiến” Tự Tánh Di Đà, do tâm tịch tịnh nên Ta Bà tức Tịnh Độ vậy. Còn ngược lại, tu hành giải đãi, tạo nghiệp bồi mê mà được vãng sanh là điều nghịch lý. Thấu được điều này, Đại chúng chỉ cần TRỰC TÂM TU PHẬT CHƠN THẬT thì ắt có ngày về, không cần phải bận tâm lao nhọc cầu khẩn khấn vái làm chi mà chấp Sự bỏ Tánh, xa rời lẽ Đạo, dần dà rơi vào tham cầu mê tín thì e càng chướng trái Tự Tánh, lầm lạc mà thôi.

Thời mạt tâm, muôn Pháp thi nhau trẩy hội dưới danh nghĩa Phật Pháp, nếu không có Trí Huệ – Chánh Kiến xét suy, e rằng khó phân tỏ Chánh Pháp – Phi Pháp. Còn “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, với lối thuyết giảng nửa mê nửa tỉnh, nặng nề nghi thức, cúng bái, cầu xin… mang sắc màu mê tín, nghịch lý nhân-quả nghiệp báo chí công đã khiến cho Chánh Pháp Như Lai bị biến tướng thành Tà Pháp, thay vì “trực chỉ chơn tâm” là đường lối tu Phật thì họ “dính mắc nơi sắc tướng hữu vi, mê Sự bỏ Tánh” gây nên thực trạng tu hành bát nháo đau lòng hiện nay. Có lần Đức Như Lai dạy Ngài Mục-Kiền-Liên rằng: “Ví như muôn con sông cùng chảy, có nhiều cây gỗ nổi trôi theo dòng nước, dù trước dù sau cũng chẳng biết gì đến nhau, nhưng hết thảy đều quy tụ về biển cả. Người thế gian cũng vậy, dầu có những kẻ giàu sang sung túc, thảy đều chẳng khỏi những nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết. Chỉ vì chẳng tin kính Phật nên chẳng được sanh về nơi ngàn cõi Phật. Vì thế Ta nói rằng cõi Phật A-Di-Đà là dễ đến, dễ được, nhưng vì người ta chẳng chịu tu hành để được vãng sanh, ngược lại đi thờ phụng chín mươi sáu phái ngoại đạo, nên Ta nói rằng những kẻ ấy là không có mắt, không có tai”. Nên nhớ TU PHẬT chính là TU TÂM, chẳng phải tu tướng vọng cầu hướng ngoại, lao xao chấp Sự bỏ Tánh. Nếu chẳng như thế thì Niệm Phật, Tham thiền đều là vô ích. 

Xưa, khi Đức Phật Thích Ca vừa lập Đạo còn chỉ bày pháp môn Niệm Phật, sao kẻ tham thiền thời nay lại khinh mạn chê bỏ mà chẳng tu?

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
Diệu A Di Đà Phật

Cổ Thiên