CHƯƠNG MỘT: THỨC THỨ TÁM LÀ GÌ
I- NGUỒN GỐC
Trong luận ĐẠI THỪA TRĂM PHÁP của ngài Thế Thân (Vasubandhu) Bồ Tát có hai bài kệ đầu như sau:
“Như Thế Tôn ngôn : “Nhứt thế pháp Vô Ngã”. Hà đẳng nhứt thế pháp. Vân hà vi vô ngã”. (Như lời Đức Thế Tôn nói : “Tất cả pháp Vô Ngã”. Vậy cái gì là “Tất cả pháp”. Và sao gọi là “Vô Ngã”?).
Bài kệ thứ hai :
“Nhứt thế pháp giả, Lược hữu ngũ chủng: Nhứt giả Tâm Pháp, nhị giả Tâm Sở Hữu Pháp, tam giả Sắc Pháp, tứ giả Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp, ngũ giả Vô Vi Pháp”. (Nói tất cả pháp có năm món : 1/ Tâm Pháp (có 8 món). 2/ Tâm Sở Hữu Pháp (có 51 món). 3/ Sắc Pháp (có 11 món). 4/ Tâm Bất Tương Ưng Hành (có 24 món). 5/ Vô Vi Pháp (có 6 món). Tổng cộng tất cả là 100 pháp.
Theo định nghĩa cổ điển về chữ PHÁP (nhậm trì tự tánh quỉ sanh vật giải) là tất cả những gì có đặc tính riêng và có khuông khổ riêng của nó để có thể làm phát sinh trong tâm thức ta một khái niệm phân biệt hiểu biết về nó.
Thế nào gọi là VÔ NGÃ ?
Khi nói VÔ NGÃ gồm có hai món đó là NHƠN VÔ NGÃ và PHÁP VÔ NGÃ.
Thông thường quan niệm rằng thân, tâm nầy thật là MÌNH, là TA, như thế là NHƠN NGÃ, tất cả những vật quanh ta như núi, sông, đất, nước v.v... là thật có như thế là PHÁP NGÃ. Thế nhưng theo luật vô thường chi phối là kể cả NHƠN và PHÁP đều có đó nhưng sẽ băng hoại, không trường tồn vĩnh viễn nên trong Duy Thức Học nói “Tất cả Pháp Vô Ngã” tức là Nhơn Vô Ngã và Pháp Vô Ngã.
II- TÊN GỌI
Tám món Tâm Vương hay còn gọi là Tâm Pháp (Citta, Mind):
1/ Nhãn Thức (Consciousness dependent upon Sight).
2/ Nhĩ Thức (Consciousness dependent upon Sound).
3/ Tỷ Thức (Consciouness dependent upon Smell).
4/ Thiệt Thức (Consciousness dependent upon Taste).
5/ Thân Thức (Consciousness dependent upon Touch).
6/ Ý Thức (Consciouness dependent upon mentation).
7/ Mạt Na Thức (Klista-mano vijnana) (Soiled mind consciousness).
8/ A Lại Ya Thức (Alya vijnana) (Repository consciousness).
Theo sự trích dẫn ghi trên THỨC THỨ TÁM còn gọi là A Lại Ya Thức trong Tám Món Tâm Vương.
Tùy theo tính chất và công năng rất phức tạp của thức nầy nên nó có rất nhiều tên.
Mục Lục | Chương một | Chương hai | Chương ba | Chương bốn | Chương năm | Chương sáu | Chương bảy | Chương tám | Chương chín | Chương mười |