Bổ Đà còn có một tên gọi khác là chùa Quan Âm. Đây là cái tên gắn với sự tích xưa có cặp vợ chồng tiều phu nghèo hiếm muộn, một hôm vào rừng đốn củi người chồng đến đốn gốc cây thông già, cứ mỗi nhát bổ ông lại niệm “Quán Thế âm Phật”, sau chợt thấy lóe sáng dưới nhát rìu, tiền bắn ra tung tóe, đếm được 32 đồng tiền. Ông biết là được trời Phật phù hộ liền quỳ lạy cầu khấn xin được mụn con, sau đó ông dựng một ngôi chùa lợp tranh dưới gốc thông già và tô một pho tượng Quan âm hằng ngày khói hương thờ phụng. Quả nhiên sau đó 9 tháng 10 ngày vợ ông sinh hạ một cậu con trai khôi ngô. Vì thế ngôi chùa sau này được gọi là chùa ông Bổ, dần dần nhiều người qua lại lễ bái, cầu điều gì đều hiển ứng. Sau này ngôi chùa được mở rộng và qua nhiều lần trùng tu tôn tạo hiện còn kiến trúc như ngày này.
Theo cứ liệu lịch sử thì chùa Bổ Đà có từ thời Lý thế kỷ XI và được xây dựng quy mô vào khoảng thế kỷ XVIII thời vua Lê Dụ Tông. Chùa nằm trên núi Bổ Đà thuộc dãy Phượng Hoàng. Quanh chùa có nhiều ngọn núi lớn như ngọn đền Thượng, ngọn chùa Cao, ngọn chùa Khám, ngọn Phượng Hoàng, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi vàng Bàn Cờ Tiên. Phía xa là dòng sông Cầu bao bọc, quanh chùa rừng thông xanh tốt tạo cho chùa vẻ tĩnh mịch thanh tao và bầu không khí lúc nào cũng trong lành mát mẻ.
Cảnh sắc Bổ Đà từng được người xưa ngợi ca bằng những câu thơ nôm:
“Bốn bề phong cảnh lạ thay / Bồng Lai kia cũng thế này mà thôi”
Hay:
“Thứ nhất là chùa Đức La / Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”
Quang cảnh trong chùa
Lối kiến trúc của chùa Bổ không hướng đến sự hoành tráng, nguy nga mà được thiết kế theo lối liên hoàn thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của tâm giới nhà Phật tạo sự độc đáo khác biệt so với các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc bộ. Chùa chính làkhu nội tự với hàng chục dãy nhà lớn nhỏ được nối với nhau bằng các dãy hành lang, sân và khuôn viên chùa và được bao bọc bởi những bức tường đất cao và dày hàng mét. Các bức tường từ cổng vào, rào ngăn cách khu nội tự với vườn chùa đều được đắp bằng kỹ thuật trình tường đất, tiểu sành; khu vườn chùa với đủ loại cây trái sum xêu quanh năm xanh tốt tạo cho chùa vẻ thâm u, cổ kính và linh thiêng…
Chùa chính gồm hàng chục dãy nhà được kết nối liên hoàn
Ngoài phong cảnh thiên nhiên thoáng đạt, lối kiến trúc độc đáo, Bổ Đà hiện còn là nơi lưu giữ những di sản vô giá đó là vườn tháp lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 tháp lớn nhỏ. Đây là nơi lưu giữ xá lị, tro cốt của hơn 1200 vị sư tăng của thiền phái Trúc Lâm. Và bộ kinh Phật cổ khắc trên gỗ thị gồm gần 2.000 bản ván khắc. Theo nhiều tài liệu thì đây là bộ kinh cổ nhất Việt Nam còn lưu giữ được qua bao năm thiên tai, địch họa. Bộ kinh được bảo quản trong một gian chùa thoáng đãng trên tám chiếc giá gỗ, mỗi giá có bốn tập sách kinh.
Vườn tháp độc đáo với gần 100 tháp lớn nhỏ
Đến với Bổ Đà du khách có thể đi từ Hà Nội theo hướng quốc lộ 1A, qua cầu Đáp Cầu rẽ tay trái đi theo đường đê sông Cầu chừng 4 km, hoặc từ thành phố Bắc Giang xuôi theo quốc lộ 1A đến ngã ba Đình Trám rẽ vào thị trấn Bích Động qua xã Bích Sơn chừng 10 km là đến được Bổ Đà. Tại đây du khách sẽ thư thả dạo bước trong những đồi thông xanh mát, đắm mình trong thiên nhiên u tịch, thanh vắng của cảnh chùa và đến thăm quần thể di tích gồm: chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám,chùa Linh Chi, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và nếu có thời gian du khách có thể đến thăm đình Lát Thượng, đình Lát Hạ, chùa Thạch Long, chùa Vân Sơn, đền Cam Vàng, đình Ngự…
Quang cảnh xung quanh chùa
Hằng năm hội chùa Bổ Đà diễn ra từ 16 - 18 tháng hai Âm lịch. Vào dịp này tất cả các đền chùa trong khu vực núi Bổ Đà đều cắm cờ phướn rực rỡ. Trung tâm của lễ hội là đền Trung ở sườn Nam, đền Thượng trên đỉnh núi, chùa Quan Âm phía Bắc và chùa Tứ Ân ở chân núi Phượng Hoàng…Trong không gian văn hóa đặc trưng của vùng kinh bắc, hội hát quan họ hằng năm được tỉnh Bắc Giang tổ chức tại chùa Bổ Đà nhân dịp đầu xuân đã và đang trở thành nơi gặp gỡ giao lưu của các liền anh liền chị và những người yêu mến làn điệu dân ca trữ tình này, đồng thời làm sống lại không gian sinh hoạt văn hóa của một di sản thế giới.Chính vì thế khi đến với Bổ Đà du khách không chỉ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn được thưởng thức những canh hát quan họ thâu đêm, thả hồn mình trong dập dìu những làn điệu quan họ trữ tình làm say đắm lòng người.
Đến với Bổ Đà du khách có thể kết hợp đến thăm một số điểm du lịch như làng cổ Thổ Hà hay đền Bà Chúa Kho. Các điểm du lịch này chỉ cách nhau khoảng 3 đến 5 km./.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)