Tràn lan những sự việc tiêu cực trên mạng

date
21/10/2020
Thật xót xa khi nghe được những chia sẻ đầy bức xúc, phẫn nộ đi kèm với đó những nỗi lo không tên, rồi niềm tin bị ảnh hưởng của nhiều người về những vụ việc tiêu cực cứ tràn lan và nhan nhản trên các trang mạng xã hội.

Thật xót xa khi nghe được những chia sẻ đầy bức xúc, phẫn nộ đi kèm với đó những nỗi lo không tên, rồi niềm tin bị ảnh hưởng của nhiều người về những vụ việc tiêu cực cứ tràn lan và nhan nhản trên các trang mạng xã hội.

“Cuộc sống mệt mỏi quá! 

Tôi cô đơn quá.

Phải làm gì để thoát khỏi nỗi tuyệt vọng đang dày vò mỗi ngày.

Không có ai quan tâm đến tôi cả…”

Những dòng status than vãn được cập nhật đều đặn hàng ngày từ facebook (fb) một vài người bạn của tôi như được cài đặt auto vậy. Một lần, hai lần, ba lần… những lời hỏi thăm chân thành từ bạn bè nhắn gửi đến những người bạn đang tâm trạng ấy. Nhưng đến lần thứ 5, thứ 6, lần thứ n… vẫn là những dòng trạng thái ủ dột. Kì lạ khi chỉ 5, 10 phút sau lại thấy họ check in, post ảnh vui vẻ đi chơi ở chỗ khác. Những lời động viên, quan tâm từ bạn bè bỗng chốc trở nên thừa thãi và vô nghĩa.

Chọn cách lướt nhanh qua những dòng trạng thái “buồn” ấy hay ẩn chúng đi? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần trải qua tình cảnh trên. Một tuần mới vừa bắt đầu, tâm trạng đang tràn đầy hứng khởi thì bắt gặp một loạt những lời than vãn khi mở fb: “Thứ hai chán quá đi”, “Bất hạnh khi phải đi làm” hay “bao giờ cho đến cuối tuần”.

Cảm xúc của con người luôn có xu hướng bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Nếu gặp một người vui vẻ hay đọc được một bài viết thú vị, chúng ta sẽ thấy một ngày hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Ngược lại, chúng ta sẽ thấy chán chường, mệt mỏi nếu phải tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với những con người tiêu cực. Sự tiêu cực với tôi giống như một con virus xấu. Và mạng xã hội có lẽ là môi trường phù hợp nhất để những con virus này lây lan.

Thế giới song song
Có một lý thuyết được tin tưởng rộng rãi, dù còn gây tranh luận, nhưng bạn và tôi có thể tự kiểm chứng, đó là: Mỗi cá nhân đều sở hữu một trường năng lượng riêng. Chắc chắn ta từng gặp một ai đó và quý mến họ gần như ngay lập tức. Ta thấy vui vẻ, dễ chịu khi ở bên cạnh họ và cảm giác như đã thân quen từ lâu. Ngược lại, có những người mới gặp lần đầu ta đã thấy không có thiện cảm tốt mà không hiểu lý do vì sao.

Hình ảnh minh họa phổ biến nhất cho trường năng lượng là một lớp sóng phát ra từ mỗi cá nhân. Chúng có hình dáng, màu sắc, cường độ khác nhau, tùy vào bản chất và tâm tính của từng người. Những người vui vẻ tỏa ra nguồn năng lượng tích cực. Còn những ai tính khí nóng nảy hay sân si sẽ phát ra nguồn năng lượng tiêu cực. Giống như một con virus xấu, chúng sẽ lây lan và “ăn mòn” trạng thái vui vẻ của những người xung quanh.

Được xem như niềm tin đại chúng hơn là lý thuyết khoa học, nhưng “trường năng lượng” vẫn là cách giải thích hợp lý cho sự vận hành các mối quan hệ. Là năng lượng nên chúng luôn vận động, lan truyền, tác động và biến đổi lẫn nhau. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” chính là cách biểu đạt của ông bà ta về việc nguồn năng lượng mạnh sẽ lấn át và thay đổi nguồn năng lượng yếu, theo cả hai chiều hướng tốt - xấu. Ai cũng muốn được bao quanh bởi năng lượng tích cực, tránh xa năng lượng tiêu cực. Tuy nhiên chúng ta cùng chung sống trên một hành tinh với những mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau nên mong muốn nhận được toàn năng lượng tích cực là điều khó thực hiện. 

Trong kỷ nguyên Internet và mạng xã hội, trường năng lượng mở rộng không gian hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng. Một thế giới vận hành song song với cuộc sống thực. Mối liên hệ của mỗi cá nhân gần như phi giới hạn. Khi online, ta tương tác với hàng trăm, hàng ngàn người khác nhau, thông qua các hình thức đa dạng như chat, bình luận, hình ảnh, livestream... Đó cũng là cách ta đang tiếp xúc với nhiều nguồn năng lượng khác nhau. Trong đó có không ít là nguồn năng lượng xấu. 

Giữa muôn trùng vây

Trong đời sống thực tế, chúng ta có thể nhận diện ai mang theo nguồn năng lượng xấu, nhưng trên mạng thì không đơn giản như vậy. Ở mức độ dễ thấy, bằng trải nghiệm cá nhân, ta có thể định vị “nguồn” phát tán năng lượng tiêu cực từ các tài khoản hay trang mạng khiến ta mệt mỏi, căng thẳng, nhìn cuộc đời qua lăng kính tiêu cực. Đó là đứa bạn tối ngày đăng status than vãn những vấn đề riêng tư hay những trang mạng xã hội có khuynh hướng bi quan về xã hội khi thường xuyên đăng các clip, tin tức về tai nạn giao thông, cướp của, giết người...
Bên cạnh việc than vãn, gây chú ý như một thói quen thì một số người lại chủ đích sử dụng các thủ thuật lôi kéo sự tò mò, chú ý của công chúng mạng. Bởi những status nghiêm túc sẽ sớm bị nuốt chửng trong dòng chảy “news feed”. Thủ thuật neo giữ thông tin, mang lại hiệu ứng tương tác cao, có độ lan tỏa rộng khắp chính là tạo nên nỗi lo âu, đánh thức sự sợ hãi và khuấy động cơn tức giận. 

Tiếp nhận thông tin dạng này một cách thường xuyên sẽ khiến tâm trí ta bị ảnh hưởng. Một khi tò mò và lo âu trỗi dậy, ta sẽ tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan, chia sẻ với bạn bè, mong chờ phản hồi và bình luận. Vô hình chung, ta đã bị cuốn theo thứ cảm xúc tiêu cực. Và thứ ta thu về chỉ là chuỗi xúc cảm tồi tệ, ảnh hưởng đến tâm trạng và công việc của chính mình. 

Thủ phạm và nạn nhân là một 
Khác hẳn mục tiêu tốt đẹp ban đầu là kết nối và chia sẻ, mạng xã hội ngày nay đang trở thành bãi xả khổng lồ của những cảm xúc tiêu cực: giận dữ, nghi ngờ và bất mãn. Giống như trên mặt báo, tin xấu luôn thu hút đông độc giả. Mạng xã hội cũng là kênh thông tin, chính xác hơn là kênh thông tin kiểu mới, nơi mỗi người tham gia là một nguồn tin. Như vậy, dòng chảy thông tin mạng không nằm ngoài quy luật. 

Thiếu tư duy phản biện, ta dễ dàng bị cuốn vào “dòng thác” tin tức thật giả lẫn lộn. Dành quá nhiều tâm trí cho sự hơn thua, quá nhiều comment tranh luận trên thế giới ảo, chắc chắn ta không còn đủ sức cho thế giới thật. Khi tâm trí ta rơi xuống thấp điểm, con virus tiêu cực xâm chiếm ta và lây lan cho cả cộng đồng. Bản thân ta không biết từ khi nào đã trở thành “cục phát wifi” năng lượng xấu. 

Trầm cảm, bi quan với cuộc sống - những nguy cơ hiển hiện
“Tôi stress triền miên, tôi có quá nhiều áp lực” là câu cửa miệng của nhiều người trẻ hiện nay. Thực tế thì cuộc sống không có nhiều vấn đề đến vậy. Chính cách nhìn tiêu cực đã tạo thêm rắc rối và phiền phức. Trong việc “tạo vấn đề” cho cá nhân, mạng xã hội tác động rất lớn. Với tính chất chia sẻ của mạng ảo, ta thường có khuynh hướng vơ các vấn đề của người khác thành vấn đề của mình. Nếu mọi rắc rối của ai đó xa xôi trên mạng đều trở thành vấn đề của ta, sớm muộn ta cũng sẽ chết ngộp. 

Như mọi thứ khác trên đời, Internet và mạng xã hội mang hai mặt tốt - xấu. Bản thân các dòng thông tin trên mạng không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ người dùng chúng ta lựa chọn loại nào, từ chối loại nào.

Tiến sĩ Douglas Gentile, nghiên cứu Truyền thông Xã hội tại Đại học Iowa (Hoa Kỳ) nhận định: “Dành nhiều thời gian trên mạng khiến bạn ghen tị, lo lắng khi nhìn vào cuộc sống người khác. Tác động từ những cảm xúc này làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây tổn thương sức khỏe tâm thần, sản sinh cortisol (gây nên stress) mãn tính. Để cân bằng và hạnh phúc hơn, bạn nên kiểm soát thời gian cho mạng xã hội. Hai tiếng một ngày là mức hợp lý, đừng nhiều hơn”.
Cũng như cuộc sống thực, trên mạng vẫn hiện diện rất nhiều chất liệu tốt đẹp, tạo cảm hứng, khơi gợi hy vọng và yêu thương. Tuy nhiên, những chất liệu này chỉ tìm thấy khi ta có ý thức tìm kiếm. Cụm từ “người dùng thông minh” ngày càng trở nên quan trọng, nhấn mạnh ý thức chọn lọc. 
Nhận thức được như vậy ta sẽ không còn mất phương hướng, bị những đợt sóng thông tin cuốn đi trôi dạt khắp nơi. Thế giới mạng vốn vô cùng và nhiều biến động, nhưng cũng như cuộc sống mà ta đang sống, nó rất công bằng. Ta hành xử trong thế giới ấy ra sao, nó sẽ đem đến cho ta những phản hồi như thế. 

Tỉnh thức khi sử dụng mạng xã hội
Để hồi phục nguồn năng lượng tốt, ta không cần tìm đâu xa. Nó luôn có sẵn trong cuộc sống thực, đến từ những người gần gũi thương yêu ta nhất. Tắt máy tính, tạm xa chiếc smartphone, nhẹ bước nơi sân chùa, lắng lòng nghe tiếng chuông trầm tịch lan tỏa khắp không gian, ta sẽ nhận ra cuộc sống đâu quá phức tạp, bình an chẳng phải vốn tại tâm đó ư?
Theo quan điểm của đạo Phật thì sự suy nghĩ, hay nói cách khác là ý niệm của chúng ta có vai trò quan trọng, quyết định đến tính chất của lời nói và hành vi, ảnh hưởng rất nhiều đến trạng thái tâm lý của bản thân, đến cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy mà trong kinh Pháp Cú kệ 2, đức Phật đã dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng và hành động với tâm ý ô nhiễm thì sự khổ đau sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”. Do vậy chúng ta nên kiểm soát tâm của mình, kiểm soát những ý niệm sinh khởi trong tâm và giảm bớt việc tiếp xúc với những nguồn thông tin “tiêu cực” trên mạng xã hội, để nguồn năng lượng xấu bớt bị lan truyền. 

Như lời bậc tiền nhân đã chỉ dạy: 
“Các nhân tự tảo môn tiền tuyết

Mạc quản tha nhân ốc thượng sương”

(Mỗi người hãy tự quét sạch tuyết trước cửa nhà mình

Không quan tâm đến việc sương đọng lại trên nhà người khác).

Trong đời sống thực tế, chúng ta có thể nhận diện ai mang theo nguồn năng lượng xấu, nhưng trên mạng thì không đơn giản như vậy. Ở mức độ dễ thấy, bằng trải nghiệm cá nhân, ta có thể định vị “nguồn” phát tán năng lượng tiêu cực từ các tài khoản hay trang mạng khiến ta mệt mỏi, căng thẳng, nhìn cuộc đời qua lăng kính tiêu cực. Đó là đứa bạn tối ngày đăng status than vãn những vấn đề riêng tư hay những trang mạng xã hội có khuynh hướng bi quan về xã hội khi thường xuyên đăng các clip, tin tức về tai nạn giao thông, cướp của, giết người...

Chúng ta hãy tự hoàn thiện bản thân mình, không nên quá quan tâm và lo lắng đến chuyện của người khác. 

chuaviet.org tổng hợp