CHƯƠNG BẢY
NHỮNG THUỘC TÍNH CỦA THỨC THỨ TÁM
I- TÍNH THIỆN
Mặc dù trong nhiều bộ luận về Duy Thức Học có nhiều nhận xét khác nhau về tính chất của Thức Thứ Tám nhưng theo tôi thì vì thức nầy là Căn Bản Thức nên nó có đủ các tính chất mà các thức khác có. Do đó những tính chất sau đây đều là thuộc tính của nó.
A- Thiện có tính cách luân lý
Theo các nhà nghiên cứu và so sánh các tôn giáo trên thế giới thì Phật Giáo là một tôn giáo chú trọng luân lý đạo đức vào bậc nhất. Theo lời Phật dạy trong các Kinh là muốn đạt đến giải thoát rốt ráo trước hết phải thực hành những luân lý là “tránh mọi điều ác, làm các việc thiện, giữ tâm trong sạch: Ðó là lời dạy của chư Phật’’.
Như chúng ta đã khảo sát ở các phần trước, Tâm tức là Thức, là căn bản thức là Thức Thứ Tám, khảo sát về tính thiện của Tâm cũng là khảo sát về thuộc tính của Thức Thứ Tám.
Tiêu chuẩn thiện ở đây được đặt ra như thế nào? Luận Thành Thật quyển 8, phẩm 100, có đoạn: ‘’Bất luận nghiệp nào có thể làm cho người khác những điều tốt lành, thì gọi là thiện. Làm cho người khác được vui thì gọi là hảo, cũng gọi là thiện, cũng gọi là phúc’’.
Theo lập trường Phật Giáo, khi ta làm việc thiện cho người khác cũng chính là lúc ta làm việc thiện cho chính mình, đem lại hạnh phúc cho người khác cũng chính là lúc ta có hạnh phúc. Việc thiện ở đây có nghïa lợi tha trong Phật Giáo.
Con đường tự lợi, lợi tha nầy thể hiện trong pháp tắc luân hồi nghiệp báo. Khi làm một việc gì đối với mình dù không có lợi nhưng nếu nó tăng thêm hạnh phúc cho người khác thì cuối cùng chính mình cũng được quả báo hạnh phúc, theo ý nghĩa ấy việc làm đó chính là việc thiện (Tham khảo atthasalini p, 38, f. The expositor I, pp. 48-49).
Thành Duy Thức Luận quyển 5 (Ðại Chính 31 trang 26) có đoạn: “Có thể làm cho đời nầy, đời khác thuận lợi ích thì gọi là thiện’’. Ðó là tự lợi và lợi tha trong Phật Giáo. Ðó là thuộc tính thiện của Thức Thứ Tám.
B- Thiện có ý nghĩa hạnh phúc
Bản tính con người là luôn mưu cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trong quan niệm của Phật Giáo là hạnh phúc vĩnh cửu không bị thời gian chi phối đó là giải thoát, là đạt đến vô sinh, Niết Bàn, quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Như thế trong tính thiện có hữu-lậu-Thiện và vô-lậu-Thiện.
Nhưng hành vi mưu cầu hạnh phúc hiện thế và vị lai đó là hữu-lậu-Thiện.
Nhưng người thực hành lời Phật dạy không chú trọng đến phương diện mưu cầu hạnh phúc theo nghĩa thông thường trong xã hội là tìm cầu thỏa mãn những dục lạc tầm thường theo dục vọng vật chất có nhiều thay đổi và bản chất có nhiều chông gai cạm bẫy trên bước đường thỏa mãn những hạnh phúc được coi là dục lạc đó.
Những người con Phật luôn luôn thực hành những hành vi xả ly mọi dục vọng ở hiến thế, tu tỉnh tìm cầu giải thoát tối cao đó là vô lậu thiện, là hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu Niết Bàn.
Trong luận Bà Sa quyển 51 (Ðại Chính 27, trang 263) có đoạn: “Những pháp khéo giữ gìn, có thể chiêu cảm quả báo ưa thích, tính an ổn thì gọi là thiện. Khéo giữ gìn là tỏ Ðạo Ðế, có thể chiêu cảm quả ưa thích là tỏ Khổ, Tập đế, tức hữu-lậu-Thiện, tính an ổn là tỏ Diệt Ðế.
Lại nữa nếu những pháp có thể chiêu cảm quả khả ái, quả lạc thụ thì gọi là Thiện. Nếu các pháp có thể nẩy sinh ra mầm móng khả ái, mầm móng giải thoát thì gọi là thiện ...’’.
Tất cả những định nghĩa về thiện dù là hữu-lậu-Thiện nhưng sau cùng cũng đều hướng về vô lậu Thiện giải thoát trong giáo lý giải thoát của Ðức Phật.
C- Tâm căn tự tính thiện
Luận về Thức Thứ Tám là nói đến động cơ phát xuất từ nội tâm. Ðó là động cơ luận không phải chú trọng đến hành vi bên ngoài. Khi phân tích những tác dụng nội tâm cũng chính là lúc chúng ta tìm ra Tâm Căn Tính Thiện, thuộc tính sâu thẳm của Thức Thứ Tám.
Khi đề cập đến động cơ nội tâm tùy theo luận sư hoặc sự lý luận của các phái mà có sự bất đồng.
Theo luận Bà Sa quyển 51 (Ðại Chính 17, trang 2630 ) thì tự tính thiện có thể là tàm, quý, hoặc là vô tham, vô sân, vô si.
Tuy có nhiều ý kiến bất đồng nhưng tâm căn là căn bản của những hành vi đạo đức và phải tùy thuộc vào đó mà thẩm định giá trị của những hành vi thiện khởi lên từ tâm.
Trong trường hợp lấy tàm, quý làm tự tính thiện, theo sự giải thích của A Tỳ đạt Ma, ‘’tàm’’ có thể nói là tâm trong đạo đức hay là tâm tự thấy hổ thẹn với lương tri của chính mình.
Quý là tâm sợ tội ác, hay là thẹn với người (Theo luận Câu Xá quyển 3).
Theo sự giải thích như trên thì theo ngôn ngữ hiện tại có thể được coi như là lương tâm. Bản tính thiện phát xuất từ lương tâm lương thiện.
Có thể nói được rằng đạo đức quan của A Tỳ đạt Ma lấy lương tâm làm căn bản, làm nền tảng cho nguyên lý của đạo đức. Có nhiều người còn gọi đây là trực quan phái. Theo A Tỳ Ðạt Ma thì từ hành vi tàm và quý đó sẽ đưa lại kết quả là tự lợi, lợi tha, đó là hành vi Thiện.
Theo luận Ðại Tỳ Bà Sa thì có 4 loại Thiện như sau: (1) tự tính, (2) tương ưng, (3) đẳng khởi, (4) thắng nghĩa.
“Tự tính, tương ưng, đẳng khởi là nói theo lập trường tâm lý luận, còn thắng- nghĩa là nói về hạnh phúc tối cao. Tự tính tức là tự tính của tâm thiện căn. Tương ưng là tác dụng của tâm, lấy tâm làm trung tâm để phát khởi ra hành động thiện. Ðẳng khởi là do từ tâm căn mà phát khởi ra ý chí hành động. Thắng nghĩa là cảnh giới rốt ráo Niết Bàn”.
Ðó là chỉ mới khái lược qua các danh từ. Nếu đi sâu thêm nữa thì những tác dụng tâm lý ấy như thế nào ? Trường hợp nầy có rất nhiều ý kiến khác nhau. Ta hãy nghe một vài ý kiến chủ yếu như sau: Theo Vụ Tôn Giả thì: “Tự tính có nghĩa là tự tính thiện hoặc gọi là Tàm, Quý hay ba thiện căn. Tương ưng tức là tự tính tương ưng với các pháp tâm và tâm sở. Ðẳng khởi là khởi thiện tức là nó không tương ưng (bất tương ưng hành) với những hành vi do hai nghiệp thân và khẩu phát khởi. Thắng nghĩa là thắng nghĩa thiện, tức là Niết Bàn an ổn nên gọi là thiện’’.
Theo Hiếp Tôn Giả thuộc Hữu Bộ thì: “Như lý tác ý (phán đoán chính xác) là tự tính thiện, phi lý tác ý là tự tính bất thiện, nhưng tác dụng tâm tương ứng và cùng khởi (đẳng khởi) với những tính trên là đẳng lưu quả của chúng, vì thế mỗi tác dụng đều được coi là thiện hoặc bất thiện (luận Bà Sa quyển 51, Ðại Chính 27, trang 263).
Những trường hợp nêu trên được xem như tương tự với tự-do-ý-chí trong triết học Tây phương. Ðức Phật đã bài xích tất cả những thần-ý-luận, tạo-tác-luận, ngẫu-nhiên-luận. Nhưng ngài đã thừa nhận sự hoạt động tự phát của ý chí hậu thiên, thường cho hữu ý (tác ý) là trách nhiệm đạo đức.
Nói đến tác ý chính là nói đến tâm căn, là bản tính có liên hệ đến dị thục quả. Tại sao? Vì có người sinh ra và lớn lên trong những môi trường xã hội mà việc làm từ thiện đối với họ là lẽ tự nhiên. Ngược lại có những con người sinh ra trong môi trường không có điều kiện thuận lợi để họ có thể làm những điều thiện mà chỉ bị nghịch cảnh đưa đẩy họ vào con đường ác.
Như thế khiến ta phải suy luận ra rằng tâm căn thiện phát xuất từ dị thục quả, có liên hệ đến tiền nghiệp của người đó.
Do đó mà trong A Tỳ Ðạt Ma luận thư ta thường thấy nói đến ý-chí-luận là tự do luận thường thức. Tuy nhiên tiến xa hơn nữa tự do ý chí đó có liên quan đến tiền nghiệp. Chính tiền nghiệp chứ không phải thường thức luận mà có thể quyết định được.
Trường hợp nầy vai trò tàng trữ nghiệp, công năng của Thức Thứ Tám lại được hiển hiện.
D- Những tính thiện căn bản trong tâm sở
Mục đích người làm thiện là để xả bỏ ngã chấp, ngã dục tâm được trong sáng tiến tu trên con đường tiến đến giải thoát.
Cả hai luận bộ Nam phương và Bắc phương đều cho rằng vô tham, vô sân và vô si là 3 thiện căn.
Trong Câu Xá Luận lại nhấn mạnh đến hai yếu tố căn bản là Tàm và Quý. Luận nầy cho rằng hai yếu tố nầy mới đích thực là căn nguyên của tất cả các món thiện tâm.
Theo Câu Xá Luận quyển 4 thì Tàm có nghĩa là đối với pháp đạo đức tỏ lòng cung kính. Còn Quý là tác dụng tâm cảm thấy sợ tội lỗi.
Những tác dụng nầy có khi được cho là lương tâm theo giải thích của A Tỳ Ðạt Ma.
Ngoài ra tùy theo mỗi bộ luận mà con số của thiện tâm sở có khác nhau. Ví dụ kể từ Phẩm Loại Túc Luận đến Câu Xá Luận là 10, đến Duy Thức luận là 11, A Tỳ Ðạt Ma Pháp Yếu luận của A Nâu Lâu Ðà là 19, nghĩa là không có số nhất định về những món thiện tâm sở nầy.
Theo Duy Thức luận có 11 món như sau: Tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xã, bất hại.
Tín: Là tin, đức tin, đối tượng là Tam Bảo, các pháp Tứ Diệu đế, nhân quả v.v…
Niềm tin khiến cho tâm được trong sáng vắng lặng đó là điều thiện.
Tinh-tiến và bất-phóng-dật: Theo Câu Xá luận thì tinh tiến là tác dụng hăng hái dũng cảm để thực hành các điều thiện. Bất phóng dật là thu nhiếp tâm để tu thiện. Hai món nầy thuộc về ý chí lực.
Khinh an và Xả là lúc nào trạng thái tâm hồn cũng thanh thản nhẹ nhàng, trống không, rỗng rang không vướng mắc một điều gì.
Trong Câu Xá luận thì chỉ nói đến tâm khinh an, nhưng A Nậu Lâu Đà thì chia hai thành Tâm khinh an và Thân khinh an.
Xả cũng gần như trạng thái khinh an vì đó là trạng thái nhẹ nhàng trống không, không bị buồn phiền não loạn, chính đó là những điều thiện là nguồn gốc phát sinh ra những hành động thiện.
Bất hại: Không làm tổn hại chính mình và tha nhân. Nó xuất phát từ thiện cảm, từ lòng từ bi chan chứa đến mọi loài chúng sinh. Tại Ấn Ðộ, đó có thể coi là một tác dụng tâm lý có tính cánh độc lập.
Khi thiện tâm phát khởi nó gồm tất cả những món thiện tâm đó chung khởi. Ðó mới gọi là thiện tâm chân chính. Ðó là những thiện pháp mà tất cả những tâm lý đặc thù đều lấy đó làm cơ sở. Chính vì lẽ đó mà trong luận Bà Sa và luận Câu Xá v.v... ghi rằng khi thiện tâm sinh khởi có 22 món tâm sở cùng sinh khởi. Ðó là Thập-Ðại-Ðịa-pháp, Thập-thiện-Ðịa-pháp, Tầm và Tư (tham khảo Câu Xá luận quyển 4).
“A Tỳ Ðạt Ma chia tâm lý thiện căn bản thành mười loại nhưng không có Ái và Từ Bi, lý do tại sao vậy? Hai món nầy là hai thiện tâm sở căn bản nhưng theo A Tỳ Ðạt Ma thì giữa Ái và Từ Bi có sự khu biệt. Từ Bi có một phẩm vị đạo đức cao đẳng nhưng không phải là cơ sở bởi thế đức mục do tu dưỡng mà có không được thêm vào Ðại-thiện-Ðịa-pháp.
Ái tuy có ý nghĩa cơ sở nhưng trên tính chất ái được chia làm hai loại: Một là luyến ái có nhiễm ô, chấp trước; còn một là kính ái không nhiễm ô, tức lòng kính yêu đối với bậc tôn trưởng’’.
Theo Câu Xá luận thì luyến ái (theo nghĩa thông thường của nhân gian) không thuộc về thiện tâm sở.
Kính ái thuộc về “Tín’’ do đó nó được để riêng mà không nhập vào Ðại-thiện-Ðịa-pháp (Tham khảo luận Câu Xá quyển 4).
II- TÍNH BẤT THIỆN
A- Bất thiện là gì?
Tiếng Phạn gọi là Akusalamula (sanscrit)
Tiếng Anh gọi là: Contrary to the right and harmful to present and future life.
Tiếng Pháp: Mal, mauvais
Tiếng Nhật: Fusen
Chữ Nho có những từ như: Ngũ nghịch, thập ác, bất thiện luật nghi, phi luật nghi, bất pháp, bất thiện giới…
Chẳng lành, ác. Trái ngược với lý, lẽ phải, làm tổn hại đời nầy và đời sau.
Trong sách Nho có câu rất hợp ý với kinh Phật: “Tác thiện giáng chi bá tường, tác bất thiện giáng chi bá ương (làm lành thì trời (tức là quả báo) cho trăm sự phước lợi, làm ác thì trời bắt chịu trăm sự tai họa).
Sự bình giá về Thiện, Ác tùy thuộc vào kinh nghiệm, thời gian và không gian do đó mà có sự bất đồng rất rộng lớn.
Do đó biên giới giữa thiện và bất thiện rất khó phân biệt. Thế nhưng thử tham khảo những dẫn chứng sau đây để minh định vấn đề cho rõ hơn.
Thành Thật Luận quyển 8, phẩm Tam Nghiệp 100 nói: “… Nếu kẻ làm hại người, kết cuộc hại đến chính mình, đời nầy dẫn đến đời sau, đều phát xuất từ gốc bất thiện tâm”.
Trong Thành Duy Thức Luận quyển 5, (Ðại Chánh 31, trang 26): “Có thể làm những gì thuận ích cho đời nầy nhưng không thuận ích cho đời khác thì không gọi là thiện. Làm cho đời nầy, đời khác tổn hại thì gọi là bất thiện. Quả báo ở ác thú, tuy đối với đời nầy có thể làm vi tổn nhưng không vi tổn đối với đời khác cũng gọi là bất thiện”.
Hành động bất thiện gây ra hại người thậm chí có thể tự hại mình có nhiều nguyên nhân. Ðó là những hành động xảy ra nhiều khi do phản ứng của những chuỗi dài nguyên nhân sâu xa mà chính chủ thể gây ra hành động đó đã đánh mất sự kiểm soát hành động của chính mình. Ðôi khi vì không thể kiểm soát nổi những hậu quả của những hành động thiện ban đầu mà đưa đến kết quả bất thiện.
Trong luận Bà Sa quyển 51, khi bàn về tính bất thiện có đưa ra nhiều thuyết như sau:
“Nếu pháp không khéo giữ gìn, có thể chiêu cảm quả không ưa thích, tính không an ổn, thì gọi là bất thiện. Nếu những Pháp chiêu cảm quả không khả ái, quả khổ thụ thì gọi là bất thiện. Tất cả đều tỏ Khổ, Tập đế, tức mọi ác pháp. Nếu các pháp có thể khiến sinh vào ác thú thì gọi là bất thiện. Các pháp đọa Lưu-chuyển-phẩm, tính nặng nề, gọi là bất thiện ... (Bà Sa Luận, quyển 51, Ðại Chính 27, trang 263).
Tất cả những nhận xét về tính bất thiện kể trên có mục đích tránh những ác pháp đó để hướng đến vô lậu thiện, giải thoát, đạt đến Niết Bàn tịch tịnh.
B- Tính bất thiện trích trong kinh tạng Pali (theo Phạm Công Thiện trích và dịch)
1- Kinh Majjhima Nikàya
Có 16 đặc tính của tâm bất thiện được nêu ra như sau:
Abhijjhà visama lobha (thèm thuồng, thèm muốn, tham lam, khao khát, thèm khát)
Vyàpàda (xấu bụng, ác tâm, ác ý, hiểm ác)
Kodha (tức giận, giận dữ)
Upanàha (thù hận, thù địch, ác cảm, hận thù, hằn học)
Makkha (thịnh nộ, cuồng bạo, mê cuồng nổi xung giận điên)
Palàsa (hiểm độc, ác tâm, thủ đoạn, xảo trá)
Issà (ghen tuông, ghen tị, ghen hét, đố kỵ, ngờ vực)
Macchariya (hám lợi, tham, hà tiện)
Màyà (dối trá, lừa đảo, lừa gạt, lừa bịp, lọc lừa, lầm lẫn)
Sàtheyya (phản bội, phụ bạc, bội bạc, lừa lọc, dối trá)
Thambha (ngoan cố, bướng bỉnh, cứng đầu, khó bảo, dai dẳng, khó chữa)
Sàrambha (bốc đồng, hăng tiết)
Màna (mạn, tự cao, tự phụ, tự hào, kiêu hãnh, hãnh diện)
Atimàna (kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự cho là cái rốn của vũ trụ)
Mada (say sưa, dâm dục quá độ)
Pamàda (lười biếng, biếng nhác)
2-Kinh Samyutta Nikàya
Trong kinh Samyutta Nikàya có năm món bất thiện, loạn tâm bẩn dơ, ô uế (cittassa, upakkilesà), năm thứ chướng ngại bất thiện (panca-nivaranà) như sau:
Kàmacchanda (kích thích, kích động dục tính)
Vyàpàda (ác cảm, ác tâm, ác ý)
Thìnamiddha (uể oải, lười biếng, mê muội)
Uddhacca-kukkuccca (náo động, bối rối, xôn xao, lo lắng, lo âu, phiền muộn)
Vicikicchà (nghi ngờ, ngờ vực, nghi ngại, hồ nghi, lúng túng, rắc rối, phức tạp, lộn xộn)
Những món loạn tâm bất thiện (akusala-mùla) kể trên đều bắt nguồn từ ba gốc rễ loạn tâm bất thiện như sau:
Lobha (tham lam, thèm khát)
Dosa (ác ý, ác tâm, sân hận)
Moha (hỗn loạn, ngu si, mê muội, lộn xộn, ngu xuẩn)
3- Kinh Dhammapada
Cũng theo Phạm Công Thiện trích và dịch đoạn kinh mà ông gọi là hay nhất, phong phú nhất và thơ mộng nhất của kinh Dhammapada như sau:
Dùrangamam ekacaram
Asarìram guhàsayam
Ye cittam sannamessanti
Mokkhanti màrabandhanà
(Cái tâm đi rong chơi thật xa, lang thang cô độc, không hình hài, nằm ẩn dụ trong hang sâu. Kẻ nào điều phục tâm ấy thì khỏi bị ma trói buộc).
Nếu không điều phục được tâm ấy thì bị ma trói buộc, theo dục vọng mà tạo ra vô số điều bất thiện như những tính chất xấu ác bất thiện kể trên.
C- Tâm căn tự tính bất thiện
Tại sao lại phải đề cập đến tâm căn? Vì Phật Giáo chủ trương động cơ luận trong tâm thức thay vì chú trọng đến hành vi bên ngoài.
Tính bất thiện dĩ nhiên là phản nghĩa của tính thiện. Do đó nếu vô tham, vô sân, vô si là thiện căn thì ngược lại tham, sân, si là bất thiện căn. Lại nữa nếu vô tàm, vô quý là tự tính thiện thì tàm, quý là căn nguyên của bất thiện. Tất cả những món bất thiện đều bắt nguồn từ Thức Căn Bản sâu thẳm bên trong nên được gọi là tâm căn.
Do đó nếu số tâm sở Ðại-thiện-địa-pháp là mười thì Ðại-bất-thiện-địa-pháp đương nhiên cũng là mười; mà nếu đại-thiện-địa-pháp là 11 thì bất thiện địa pháp cũng phải là 11. Ngoài thiện và bất thiện ra, Phật giáo còn nói đến những tâm sở được mệnh danh là phiền não. Nhưng phần lớn là bất thiện, song, đối với ý nghĩa luân lý tất nhiên cũng có những phiền não khó có thể bảo được là tác dụng tâm bất thiện, do đó, sự giới hạn giữa bất thiện và phiền não tự nhiên cũng khó mà thuyết minh được.
Trong Giới-thân-túc luận của Thế-Hữu, tuy có nói đến đại-địa-pháp, đại-phiền-não-địa-pháp, tiểu-phiền-não-địa-pháp, nhưng đã phân loại thiện, ác.
Ðến Phẩm-loại-túc luận thì tuy có thêm Thập-đại-thiện-địa-pháp, nhưng lại không có bất-thiện-địa-pháp đến Ðại-tỳ-bà-sa-luận mới thành lập bất-thiện-địa-pháp và lấy năm tâm-sở vô tàm, vô quý, vô minh, hôn trầm và trạo cử làm bất-thiện-địa-pháp. Ðến Câu Xá luận thì vô minh, hôn trầm, trạo cử được nhiếp vào đại-phiền-não-địa-pháp, như vậy, bất thiện-địa –pháp-chỉ còn lại hai là vô tàm, vô quý mà thôi.
Nhưng, đến Duy thức luận thì vô tàm, vô quý lại được thu vào tùy-phiền-não, do đó, bất-thiện-địa-pháp độc lập cuối cùng đã mất hẳn. Trường hợp đem đối chiếu với Luận bộ Nam Phương thì trong A-tỳ-đạt-ma-pháp-yếu-luận, tuy có liệt kê thập-tứ-đại-bất-thiện-địa-pháp nhưng trong đó không có phiền-não-địa-pháp, bởi thế, bất thiện chẳng qua chỉ là phiền não gọi khác đi mà thôi.
Trong pháp tướng A-tỳ-đạt-ma, địa vị của bất-thiện pháp đã trở nên rất lờ mờ.
Như thế bất thiện là mặt đối khán của thiện, và cũng còn được gọi bằng danh từ khác nữa là “phiền não”.
D- Phiền não trong ý nghĩa tâm căn bất thiện
“Phiền não” là gì, và nó được bắt nguồn từ đâu?
Nếu xét theo nghĩa rộng thì “phiền não” đồng nghĩa với tội lỗi, nếu đứng trên quan điểm giải thoát của Phật Giáo thì phiền não là một cản trở lớn trong tiến trình tu chứng giải thoát.
Phiền não có gốc rễ sâu xa từ Vô Minh mà ra. Phiền não là toàn bộ tác dụng tâm lý lấy ngã chấp, ngã dục làm cơ sở, lấy việc thỏa mãn ngã chấp, ngã dục làm mục đích một cách có ý thức hay vô ý thức mà thành hình. Phiền não làm nguyên động lực chính trói buộc đưa con người vào vòng sinh tử luân hồi. Do đó nếu không đoạn diệt phiền não thì không thể thoát khỏi luân hồi sinh tử được.
Luận Câu Xá quyển 19, phẩm Tùy Miên (phiền não) viết: Tại sao Tùy Miên có thể có gốc? Vì khi các phiền não sinh khởi có thể khiến cho mười điều bất thiện sinh khởi:
(1) kiên căn bản (do phiền não kiên cố mà có), (2) lập tương tục, (3) trị tự điền (những điều làm cho ý, thân khởi lên não loạn), (4) dẫn đẳng lưu, (5) Phát nghiệp hữu, (6) nhiếp tự cụ (làm tư lương cho chính phiền não), (7) mê sở duyên, (8) đạo thức lưu, (9) việt thiện phẩm, ( 10) quảng phược nghĩa. Những điều đó làm cho không thể vượt ra ngoài tự giới được”.
Ngoài ra trong nhiều kinh luận khi nói đến phiền não ta thường gặp những từ khác cũng có nghĩa là phiền não như: Tùy miên, triền, cái, kết …
Thế nhưng thử xem phiền não có bao nhiêu thứ và sự phân loại nó như thế nào? Ðó là việc làm rất phức tạp và rất thay đổi tùy từng bộ phái …
Thế nhưng theo các luận thư cho ta biết rằng phương cách phân loại của A-tỳ-đạt-ma thuộc thời kỳ đầu rất rõ ràng.
Trong Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm luận, phẩm Phiền Não (Ðại Chánh, 28, trang 644) ta đọc được:
“Trước hết là một pháp, tức mỗi phiền não độc lập như: Cậy mình (khoe khoang), nịnh hót, tà kinh, v.v… đại loại có trên trăm thứ.
Kế tiếp là hai pháp, tức là phiền não cùng một loại đi song đôi với nhau như: Thất-niệm và bất-chánh-tri, vô-minh và hữu-ái, tương đối kể đến 10 loại. Ba pháp, như tam tập (trong, ngoài, cả trong ngoài), tam bất thiện căn, tam triền (dục, huệ, si), tam ái (dục, hữu, vô hữu), kể ra đến số mười v.v… (tham khảo Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm luận quyển 18-20).
Ðó là cách phân loại phiền não rất ư là phức tạp! Nhưng ta thử xét xem trong các loại phiền não ấy những loại nào là căn bản?
Theo Phẩm Loại Túc Luận, Bà Sa luận, Tạp Tâm luận v.v… thì căn bản là 10 loại sau đây: Bất tín, giải đãi, thất niệm, tâm loạn, vô minh, bất chánh tri, phi lý tác ý, tà thắng giải, trạo cử, phóng dật (Phẩm Loại Túc Luận quyển 2, Ðại Chánh 26, trang 698).
Ðến Câu Xá Luận thì bỏ bớt đi 4 loại là: Tà thắng giải, phi lý tác ý, bất chánh tri, và thất niệm, chỉ còn lại 6. Ðược giải thích rằng vì 4 loại nầy là tác dụng ngoài tâm sở trong Thập Ðại Ðịa Pháp.
Theo Thành Duy Thức Luận thì thâu nhiếp vào Tiểu Phiền Não: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến làm căn bản.
Căn bản phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
Tùy Phiền Não, kể từ Phẩm Loại Túc Luận (Ptrakarama) của Thế Hữu đến nay, thông thường tiểu-phiền-não được kể 10 loại là: Phẫn (giận), phú (che giấu), xan (bỏn xẻn), tật (ghen ghét), não, hại, hận, xiểm (nịnh hót), cuống (dối trá), kiêu (kiêu ngạo). Cuối cùng đến tùy-phiền-não của Duy Thức (quyển 6, Ðại Chánh 31, trang 33) là 20 loại tất cả. Như trên đã kể đó là tiểu-tùy-phiền-não có 10 món. Kế đến là trung-tùy có 2: Vô tàm, vô quí. Ðại Tùy có 8 món: Trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.
Những phân loại nhỏ hơn nữa: có thể phân loại phiền não nhỏ hơn nữa như sau: Tam lậu: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Tứ bộc lưu: Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu. Tứ thủ: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ (sự chấp trước ở Dục Giới, Sắc Giới, (tham khảo Câu Xá quyển 9). Cửu Kết: Ái kết, huệ kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, thủ kết, nghi kết, tật kết, xan kết. Ngũ hạ phận kết: Hữu thân kiến, giới cấm thủ, nghi, dục tham, sân huệ. Ngũ thượng phận kết: Sắc tham, vô sắc tham, trạo cử, mạn, vô minh (tham khảo trong Pháp Uẩn Túc Luận, quyển 9, Tạp Sự phẩm; Câu Xá quyển 21, Tùy Miên Phẩm; Xá Lợi Phất A Tỳ Ðàm luận, quyển 18-20, Phiền Não Phẩm; Tỳ Bà Lăng Già, Tiểu Sự phẩm v.v…).
Tóm lại có thể gom tất cả các món phiền não nêu trên thành hai loại, đó là:
Kiến hoặc: Tức là trí mê chấp, phán đoán sự vật một cách sai lầm.
Tư hoặc hay Tu hoặc: Ðó là tình mê chấp nghĩa là tuy đã hiểu biết về mặt trí thức nhưng lại không thể ức chế về mặc tình ý.
III- TÍNH KHÔNG THIỆN KHÔNG ÁC
Tính không thiện không ác còn được gọi là Vô Ký.
Avyàkrta hoặc là Avyàkhyàta trong tiếng Phạn.
Unrecordable (either as good or bad); neutral, neither good nor bad; things that are innocent or cannot be classifield under moral categories.
Tiếng Nhật gọi là Muki.
Vô ký là gì? Ðó là những hành vi lấy tự tính, tương ưng và đẳng khởi làm đầu mà quan hệ ở khoảng giữa thắng nghĩa thiện và bất thiện. Theo Tỳ Bà Sa luận quyển 51, Ðại Chánh 27, trang 363, thì thiện không ghi lại, mà ác cũng không ghi lại, cho nên kết quả cũng không có thiện ác, do đó gọi là Vô Ký.
Tuy là ở trạng thái trung gian nhưng nếu khảo sát kỹ ta cũng sẽ thấy trong tác dụng tâm đó có sự khu biệt quan hệ giữa phiền não và hoàn toàn không phiền não. Có thể các luận thư Trước Tỳ Bà Sa luận chưa có phân biệt nầy, nhưng về sau đã có phân biệt rõ rệt hơn. Do đó Vô Ký được phân làm hai là Hữu Phú Vô Ký và Vô Phú Vô Ký.
Hữu Phú Vô Ký (defiled-non-defined moral species).
Hữu Phú tự nó không phải thiện, không phải ác nhưng thuộc về “phiền não sở vi”. Ðại Tỳ Bà Sa luận đã đưa ra 3 loại: Vô minh, hôn tầm và trạo cử. Ba loại nầy tự nó tuy không phải là ác nhưng nó làm chướng ngại cho việc tu tập, che lấp tâm giác ngộ nên nó được gọi là Hữu Phú Vô Ký. Ðứng trên phương diện phiền não luận mà xét thì 3 loại đó đều được coi là trọng yếu.
Vô Phú Vô Ký (non-defiled-non-defined moral species).
Vô Phú Vô Ký hoàn toàn là trung gian trạng thái, tuy không phải là thiện nhưng lại chỉ cái tâm thái không phải bất thiện hay phiền não.
Mười tâm sở: Xúc, tác-ý, thọ, tưởng, tư, dục, thắng-giải, niệm, định, huệ của Ðại Tỳ Bà Sa Luận thuộc loại nầy. Nhưng đứng về mặt hoạt động tâm lý cụ thể, luận nầy lại chia thành bốn thứ mà nó đã trở thành cách phân chia mẫu mực kể từ Bà Sa Luận trở về sau.
Ðó là: (1) Dị thục, (2) Uy nghi lộ, (3) Công xảo xứ, (4) Thông quả.
Dị Thục: Cái tâm do nghiệp đời trước mà cảm được, tự thể của nó không thiện, không ác do đó gọi là Vô Ký tâm.
Uy nghi lộ: Tâm uy nghi lộ là tâm thái sinh khởi khi đi đứng nằm ngồi đúng theo uy nghi, tâm nầy cũng không nhứt định thiện hay ác nên gọi là Vô Ký tâm.
Công xảo xứ: Khi xem các tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc, hội họa, hoặc nghe âm nhạc, ngâm thơ, ca hát v.v… mà không có tà niệm nên gọi là Vô Ký Tâm.
Thông quả: Nghĩa là tâm sinh khởi khi nhờ vào các thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ v.v... mà sinh khởi biến hóa. Trường hợp nầy cũng không phải thiện cũng không phải ác nên gọi là Vô Ký Tâm. (tham khảo Câu Xá Luận quyển hai).
Tóm lại, Vô Ký đặc biệt là Vô Phú Vô Ký là trạng thái hoạt động tinh thần, chủ yếu là về tâm thái đẹp. Những trạng thái tâm lý không chính, không tà, không thiện, không ác.
Nếu đứng về phương diện đạo đức thì những trạng thái tâm lý nầy không cần được tưởng lệ. Nhưng về phương diện phá chấp, tu chứng thì cần phải được lưu ý buông xả hết để đạt đến mục đích giải thoát cuối cùng của hành giả.
---o0o---
Mục Lục | Chương một | Chương hai | Chương ba | Chương bốn | Chương năm | Chương sáu | Chương bảy | Chương tám | Chương chín | Chương mười |