Gần đạo thì được danh tỏ rạng như lên núi tuyết.
Xa Đạo thì tối tăm như bắn cung ban đêm.
Kinh Pháp Cú
Giới là phao nổi vượt qua biển khổ, là châu Anh-lạc để trang nghiêm Pháp thân.
Luật Sa-di
Muốn biết nhân đời trước, nên nghiệm xét quả đời nay.
Muốn biết quả đời sau, nên nghiệm xét nhân hiện tại.
Kinh Nhân-Quả
Các người hãy làm theo lời Ta dạy để học Đạo và hành Đạo. Đó là các người nhớ ơn Ta!
Tin Ta mà không hiểu Ta, ấy là phỉ báng Ta vậy!
Phật ngôn
Thâu nhiếp được tâm thì tâm định.
Tâm định thì rõ thấu các pháp.
Kinh Di Giáo
Phật ví như Trăng, Tâm người ví như Nước.
Phàm có Nước tất có Trăng.
Nước trong thì bóng Trăng tỏ.
Nước đục thì bóng Trăng mờ.
Tịnh Nghiệp luận
Người ăn thịt có thể bị mất hột giống Từ Bi.
Nếu không ăn thịt thì không có người sát hại chúng sanh.
Kinh Lăng Già
Hiểu lời Phật dạy chưa phải là đủ, cần gắng sức thực hành chơn chánh mới thành tựu hiệu quả thiện mỹ.
Trí Tân luận
Thiền định là phép tu trọng yếu của bậc Bồ Tát, vì Bồ Tát nương theo đại nguyện, tu tập vạn hạnh, cần có thắng lực của Thiền-định để thành tựu chơn công đức.
Lục Ba-La-Mật luận
Thà giữ tròn Chánh-đạo, dẫu nghèo nàn cũng vui;
Chớ không chịu vô đạo, giàu sang mà khổ não.
Giác Mê luận
Phật ví như hư không, chẳng cần chi của ai cúng dường, nhưng có cảm tất có ứng, Phật tử nhứt tâm chí thành hành lễ cúng dường thì Phật từ-bi chứng minh. Sự cúng dường là tướng để tỏ Tâm, bởi nên khi cúng dường Phật, phải lấy Tâm làm căn bổn.
Tâm Pháp khái luận
Biếng nhác làm hệ lụy các hạnh,
Tu hành phải dõng mãnh tinh tấn.
Bồ Tát Bổn-hạnh
Chuyên trì kinh chú Phật, thực hành chơn hạnh Phật, chắc chắn làm được Phật.
Hộ Pháp luận
Ta là người hướng Đạo vạch sẵn con đường chơn-lý giải thoát. Các con nên tự thắp đuốc lên mà đi mới đạt mục đích.
Phật ngôn
Bồ-tát vui tin Phật, vui nghe Pháp, vui cúng dường Tăng, vui ly ngũ dục, vui quán thân tứ đại như độc xà, vui giữ đạo lý, vui nhiêu ích chúng sanh, vui nhẫn nhục, vui thiền định, vui tu các công đức, vui trang nghiêm đạo tràng, vui tâm thanh tịnh.
Kinh Duy-Ma
Đức Phật hỏi: “Trong lúc mới phát tâm, nơi Thập bát giới, ở giới nào mà ngộ được Viên thông, và do phương tiện gì được vào Tam Ma Địa”?
Lúc ấy, Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát cùng với 52 vị Bồ Tát đồng tu liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật: “Bản nhân của con là dùng “Tâm niệm Phật”, đắc Vô sanh nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Phật hỏi con về viên thông, con do “nhiếp cả lục căn, tịnh niệm tương tục vào Tam ma địa” là hơn cả”.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Nên biết niệm Phật ở nơi Tâm, chớ chẳng phải ở miệng. Niệm từ Tâm khởi, gọi là môn Giác Hạnh.
Mượn ngôn ngữ để cầu ý, được ý phải quên lời.
Kinh Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp
Kẻ mê niệm Phật cầu sanh nơi khác, người ngộ tự tin nơi tâm. Tùy nơi tâm tịnh tức Phật độ tịnh.
Pháp Bảo Đàn Kinh – Lục Tổ Huệ Năng
Mọi người phải Tự Tánh Tự Độ, gọi là Chơn-Độ. Sao gọi là Tự Tánh Tự Độ? Tức là tà kiến, phiền não, ngu si… trong Tâm dùng Chánh Kiến để độ. Đã có Chánh Kiến, dùng Trí Bát Nhã để phá trừ ngu si mê vọng. Tà đến Chánh độ, Mê đến Ngộ độ, Ngu đến Trí độ, Ác đến Thiện độ, chúng sanh mỗi mỗi tự độ, độ như thế gọi là Chơn-Độ.
Pháp Bảo Đàn Kinh – Lục Tổ Huệ Năng
Người tu chánh định cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo QUỶ THẦN. Hạng trên thành Đại Lực Quỷ, hạng giữa thành Phi Hành Dạ Xoa và các loại Quỷ Soái, hạng dưới thành Địa Hành La Sát. Các loài Quỷ Thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo Vô thượng, sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, loại Quỷ Thần này sôi nổi trên thế gian, TỰ NÓI ĂN THỊT CŨNG ĐƯỢC ĐẠO BỒ ĐỀ.
A Nan! Sở dĩ Ta (Đức Phật) tạm cho hàng Tỳ Kheo ăn Ngũ Tịnh Nhục, việc này đều do thần lực của Ta hóa thành, vốn chẳng có sinh mạng. Vì xứ Bà La Môn đất đai phần nhiều ẩm ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ chẳng sanh, nên Ta dùng sức đại bi tạm thời hóa ra, giả danh là thịt cho các con được ăn. Nhưng tiếc thay, sau khi Như Lai diệt độ, người mang tên Phật tử lại ăn thịt chúng sanh!
Các con nên biết, những người ăn thịt dù được khai ngộ tựa như Tam Ma Địa nhưng đều là giống LA SÁT, khi hết phước báu ắt phải chìm đắm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao được ra khỏi luân hồi!
Con dạy người đời tu Tam Ma Địa, PHẢI DỨT TRỪ SÁT SANH, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là NGHĨA QUYẾT ĐỊNH THỨ HAI của chư Phật!
A Nan! Nếu chẳng dứt sát hại mà tu thiền định, cũng như có người tự bịt lỗ tai, lớn tiếng kêu to mà mong người khác chẳng nghe, bọn này gọi là muốn giấu mà càng lộ. Hàng Tỳ Kheo trong sạch và chư Bồ Tát đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ, huống là nhổ cỏ. LÀM SAO NGƯỜI CÓ LÒNG ĐẠI BI LẠI ĂN THỊT CHÚNG SANH?
Nếu Tỳ Kheo chẳng mặc tơ lụa, chẳng mang giày dép da cừu, chẳng ăn những tô lạc đề hồ… thuộc bộ phận thân thể của chúng sanh, thì Tỳ Kheo này nơi thế gian gọi là chơn giải thoát, khi nợ xưa trả sạch thì chẳng sanh vào Tam giới. Tại sao? Vì dùng những bộ phận thân thể của chúng sanh để ăn mặc, thì phải trả nợ chúng sanh. Như người ăn lúa thóc từ đất mọc thì chân chẳng lìa đất. Cũng vậy, NGƯỜI MÀ ĐỐI VỚI THÂN THỂ CỦA CHÚNG SANH ĐỀU CHẲNG ĂN CHẲNG MẶC, TA NÓI NGƯỜI NÀY LÀ CHƠN GIẢI THOÁT.
Như lời Ta thuyết, gọi là Phật thuyết. Chẳng thuyết như thế tức là Ma thuyết”.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Giới là thể của Định, Huệ là dụng của Định. Nếu thể không vững thì dụng chẳng lấy đâu mà sanh được.
Do Giới sanh Định, do Định phát Huệ.
Tất cả Thánh-Hiền đều do Giới mà thành Đạo giác-ngộ. Bởi nên các Thích-tử trong bảy chúng đều phải y Giới mà tu hành.
Phật giáo dùng Từ-Bi làm căn bổn, Phương-tiện làm pháp môn.
Người tu chơn chánh phải biết đem ánh sáng quán sát ở Tâm.
Tâm tự biết thì lý tự đạt, lý đạt thì đạo dễ hành, nhiên hậu chứng được Phước-quả tự tại an lạc.
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên