Vãn cảnh chùa Kỳ Son – Vĩnh Long

date
17/11/2020
Đến với chùa Kỳ Son, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, chúng tôi được biết thêm rất nhiều điều thú vị và là sự kỳ công của ngôi chùa này để lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không để mai một với dòng thời gian. Hiện nay tại chùa có đến hai đội nhạc Ngũ âm với đầy đủ các nhạc cụ và nhạc công để phục vụ lễ hội tại chùa và phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân.

Loan Mỹ là xã có nhiều người dân tộc Khmer đang sinh sống nhất huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong thời gian qua, ngoài sự chăm lo về vật chất của chính quyền từ huyện đến xã thì việc quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có nhu cầu hưởng thụ, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng người dân tộc đã được tập trung đúng mức, đáp ứng được nguyện vọng của bà con nơi đây.

Chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long)

Sư cả Thạch Chanh Nhenh, trụ trì chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết “…địa phương rất quan tâm đến nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người Khmer chúng tôi thông qua việc tạo cơ hội cho bà con có nơi hành lễ khang trang. Hàng năm vào các ngày lễ, tết của người dân tộc, chúng tôi luôn tiến hành các loại hình văn hóa dân tộc truyền thống như ca, múa, diễn tiểu phẩm vừa để phục vụ cho người dân, vừa tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của chúng tôi…”.
 

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chùa Kỳ Son còn là nơi tổ chức biểu diễn, thi đấu các trò chơi dân gian rất lý thú và hấp dẫn, trong đó nổi bật là cuộc thi ghe ngo “mi ni” được tổ chức hàng năm vào dịp lễ tết Óc Bom Bóc với sự tham gia cổ vũ rất nhiệt tình của cư dân địa phương. Đáng chú ý là sự thành công vượt bậc tạo nên thành tích khá vang dội tại đấu trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2013 đến nay khi đội nữ đua ghe ngo chùa Kỳ Son luôn vinh dự được đại diện tỉnh Vĩnh Long tham gia tranh tài và đạt thành tích cao, mang lại niềm tự hào cho nhiều người hâm mộ.

Chị Thạch Ruôn, ngụ ấp Sóc Rừng phấn khởi kể “…Đua ghe ngo là niềm đam mê của chị em chúng tôi, đây còn là niềm tự hào của phụ nữ Khơ Me Tam Bình, vì vậy chúng tôi hăng say luyện tập, thi đấu hết mình và đã đạt thắng lợi liên tục…”.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan chiếc ghe ngo vừa mới sửa chữa thật đẹp mắt đã mang về giải ba cho đội đua ghe ngo nữ chùa Kỳ Son tháng 11/2016 vừa qua, sư cả Thạch Chanh Nhenh phấn khởi nói “… dù huyện còn rất nhiều khó khăn nhưng đã tranh thủ hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhanh chóng, kịp thời chiếc ghe ngo cũ đã xuống cấp nặng, bà con chúng tôi nhất là chị em trong đội đua phấn khởi quá chừng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công trong cuộc thi vừa qua…”. Sư cả cười rất tươi.


Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chùa Kỳ Son còn là nơi tổ chức biểu diễn, thi đấu các trò chơi dân gian rất lý thú và hấp dẫn

Đến với chùa Kỳ Son, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, chúng tôi được biết thêm rất nhiều điều thú vị và là sự kỳ công của ngôi chùa này để lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không để mai một với dòng thời gian. Hiện nay tại chùa có đến hai đội nhạc Ngũ âm với đầy đủ các nhạc cụ và nhạc công để phục vụ lễ hội tại chùa và phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân. Những dàn nhạc này còn đến tận gia đình để phục vụ những gia đình có hữu sự như: tang, ma, hiếu, hỷ… chùa còn có các giàn nhạc cổ khác sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Điều rất trân trọng mà không phải ở những ngôi chùa khác cũng có thể thực hiện được là việc dạy chữ Khơ Me cho học sinh tại địa phương. Mô hình này đã thực hiện trên 40 năm qua với sự tận tụy, cần mẫn, đầy trách nhiệm của các vị sư tại chùa. Các em học sinh (đa phần là người dân tộc Khơ Me) theo học mỗi ngày hai buổi (thứ 7 và chủ nhật với trên 45 em) được miễn học phí, được cấp tập, vở và nhận các phần thưởng nếu đạt kết quả tốt. Một số em khác còn được chùa giảng dạy chữ Pali ( học cùng các vị sư mới tu tập tại chùa). Riêng vào dịp hè, chùa nhận dạy từ 200 đến 300 học sinh.

Em Kim Than (ngụ ấp Đại Nghĩa, xã Loan Mỹ) nói “… Ngoài việc học văn hóa ở trường, ngày nghỉ chúng em vào chùa học chữ Khơ Me, được học thêm, hiểu thêm về văn hóa của dân tộc mình và dân tộc Kinh; được dạy đàn ngũ âm, ca múa các thể loại âm nhạc dân gian truyền thống, chúng em rất thích thú…”.

Chia tay với chúng tôi trong làn gió xuân se lạnh đang về, sư cả Thạch Chanh Nhenh nói rất vui: những gì mà chúng tôi đã và đang làm đều hướng tới mục đích chung: nâng cao nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ tinh thần của bà con, phát huy tốt nhất bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Me trong xu hướng hội nhập chung của nền văn hóa Việt Nam. Đây là trách nhiệm của những người yêu nước, yêu dân tộc.

Chia tay ngôi chùa cổ kính với sự có mặt trên 200 năm tuổi, chúng tôi trân trọng lắm sự tận tâm, tận lực của những nhà sư tại đây đã và đang làm đẹp cho đời bằng những việc làm đầy ý nghĩa, nhân văn.

chuaviet.org tổng hợp