Ý nghĩa ngày vía Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

date
17/10/2020

Ý nghĩa ngày vía Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (30 tháng 7 Âm lịch)


A. DẪN NHẬP

Bồ tát Địa Tạng là vị Bồ tát gần gũi quen thuộc với chúng sanh qua lời thệ nguyện : "Địa Ngục chưa không thề chẳng thành Phật, chúng sanh chưa độ tận thề không chứng quả Bồ đề". Với đại nguyện thậm thâm ấy, Bồ tát thường tuỳ duyên ứng hiện vào cõi Ta Bà hoá độ chúng sanh bằng vô số hình tướng nhân duyên mà chúng sanh không hề hay biết. Phần đông, người Phật tử biết đến Ngài qua hình tướng một vị Tỳ kheo tay cầm minh châu, tay cầm tích trượng, đầu đội mão Tỳ Lô quán đảnh đứng hoặc ngồi trên con Đề Thính, dắt chúng mê tình thoát chốn u đồ, đưa người tỉnh giác về nơi bảo sở. Thế nhưng ! Địa Tạng Bồ tát là con người có thật hay huyền thoại ? Là Bồ tát hiện thực giữa cuộc đời hay hạnh nguyện tiêu biểu mà đức Phật nêu lên cho chúng ta y theo đó tu tiến mà viên thành Bồ Tát đạo ?

B. NỘI DUNG

Theo phẩm Tự kinh "Đại phương quảng thập luân" và "Chiêm sát Thiện ác nghiệp báo" quyển thượng, Bồ tát Địa Tạng thương xót tất cả chúng sanh chịu khổ trong đời ác ngũ trược nên thị hiện vô số thân trong ba ác đạo để giáo hoá giúp họ tiêu tai tăng phước và thành tựu thiện căn lành, theo kinh Địa Tạng, Ngài được Đức Thế tôn phó chúc cứu độ các chúng sanh sau khi Thích Tôn diệt độ cho đến khi Di Lặc Thành Phật, Kinh Địa Tạng cho biết ; BồTát Địa Tạng đã viên mãn Bồ Tát Đạo từ lâu, nhưng vì thệ nguyện cứu tế chúng sanh trong ba cõi, cho nên, Ngài chưa chịu thành Phật. Có thể nói ! nơi nào có khổ đau thì nơi đó có mặt của Bồ tát. Đứng trên lý thì Địa chỉ cho đất tâm thanh tịnh (Chơn Tâm) hàm chứa tất cả công đức, hay Như Lai tâm hàm tàng đủ nhiễm tịnh. Khi nhiễm là có tất cả chủng tử thiện ác nghiệp báo tập khí .Tịnh thì gồm thâu tất cả công đức tạng vô biên phước báo, trí huệ, tam muội biện tài. Chúng sanh ai cũng có sẵn kho tàng trân bảo vô giá nầy! nhưng không biết ứng dụng, cứ theo vọng nghiệp, lẩn lộn trong sáu nẻo luân hồi.

Bài tựa Kinh Địa Tạng nói: "Địa là dầy chắc, tạng chứa đủ." rõ ràng là chỉ cho chơn tâm hay Phật tánh của chính mình. Kinh Địa Tạng Thập Luân nói : "An nhẫn bất động giống như Đại địa, vắng lặng sâu kín giống như cái kho nên gọi là Địa Tạng." Kinh Phương Quảng Thập Luân ví dụ : Địa Tạng là kho báu dấu kín trong lòng đất !

Bồ Tát Địa Tạng là người rõ biết tự tâm xưa nay hằng thanh tịnh không có mê ngộ và chơn vọng tròn đủ tất cả các công đức khi mê thì bị nghiệp kéo lôi, khi tỉnh giác đủ muôn công đức diệu pháp hiện tiền. ai ai cũng sẵn đủ nó. Thế nhưng ! xưa nay quen theo vọng nghiệp nên Phật Tánh hay chơn tâm ẩn khuất trong dòng vọng thức sanh diệt vì không hay không biết mình có Phật tánh nên không ứng dụng được nguồn tâm. Hình ảnh nầy được Kinh Pháp Hoa ẩn dụ cho cùng tử lang thang ôm châu đi làm thuê mướn, nào hay mình sẵn có Như Ý Bảo Châu có thể mặc tình ứng dụng.

Vì thế, Bồ Tát Địa Tạng hiện thân trong cõi Ta Bà với hình tướng Tỳ Kheo, cởi con đề thính, (hoặc đứng trên toà sen) tay cầm tích trượng, tay cầm bảo minh châu vô giá, đầu đội mãoTỳ Lô quán đảnh.

Theo truyền thuyết ! Đề thính là con linh thú, khi mọp xuống trong giây lát thì biết rõ tất cả sự việc trong trời đất. Thế nhưng, thú nầy hình như chưa thật sự hiện hữu tại nhơn gian bao giờ. Lại nữa ! Tại sao Bồ Tát lại cởi thú, mất đi lòng từ bi bình đẳng, làm sao có thể hành bồ tát hạnh, đem từ bi hỷ xã ban rải cho nhơn sanh. Thật ra, cỡi thú là tiêu biểu cho người đã tự chứng ngộ hay nhiếp phục được tâm mình. Chúng sanh bị vọng tâm hay thú tánh vật dục sai khiến bức bách. Bồ tát cởi linh thú Đề Thính là ngụ ý cho người đã nhiếp tâm thanh tịnh, an lập các thức thành tựu thiền định. Cho nên, tâm linh thông thấu suốt vạn pháp. Bởi vì tất cả pháp quy tâm, tâm nhiểm sanh ra muôn pháp thế gian nhiễm ô. Tâm thanh tịnh thì sanh ra tất cả pháp thanh tịnh thù thắng. Đó là huyền nghĩa Địa Tạng cỡi Đề thính ! điều nầy không khác Văn Thù cởi sư tử tiêu biểu cho trí huệ thù thắng dõng mảnh, giáo hoá người không chướng ngại, hay Phổ Hiền cỡi bạch tượng sáu ngà. là Trí huệ hạnh đức tròn đủ, hành lụïc độ …. Như vậy, Bồ tát Địa Tạng cỡi Đề Thính là Bậc đã hiện bày được Căn bản Trí, tâm thanh tịnh hiện tiền, không còn gợn bóng vọng trần. Nên nghe được tất cả âm thanh khổ đau trong địa ngụïc mà phát tâm cứu tế như lời phó chúc trong kinh Địa Tạng của Đức Thích Ca Mưu Ni: "Nếu có chúng sanh nào sắp đoạ địa ngục khi vừa đến cửa ngục có thể niệm một danh hiệu Phật hay Bồ tát , thời Ôâng nên dùng thần lực phá tan địa ngục ấy chớ để cho họ ở trong địa ngục một phút giây nào cả. Huống là để cho họ phải chịu khổ đau trong ngàn muôn ức kiếp ?".

Đứng về huyền nghĩa, người tu hành phải thường hằng sống với thanh tịnh tâm . Tuy vẫn mang thân tướng phàm tụïc như bao chúng sanh khác nhưng tâm hình khác tục, thường hằng phản quan tự kỹ, rõ biết từng tâm niệm của chính mình, thế nào là thiện ác chơn vọng. Chúng sanh mê nên không rõ bổn tâm của mình cùng Phật không sai khác, mãi theo vọng nghiệp luống chịu luân hồi. Cho nên, hiện tại nhân xấu quả ác làm tâm ta khổ đau. Vị lai vào ba ác đạo chịu khổ không cùng. người tu phải đế thính, lắng nghe từng niệm khởi của tự tâm. khi tâm thanh tịnh sáng suốt, có thể thấy nghe khắp mười phương thế giới mà không chạy theo vọng trần không tạo ác duyên. Đó là phá tan địa ngục, cứu độ tất cả chúng sanh. Vì mỗi niệm là một chúng sanh. chỗ nầy không một niệm khởi hiện cùng với ý Phật dạy trong kinh Kim cang "Độ tất cả chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn mà không có chúng sanh nào được độ".

Hình ảnh Địa Tạng Bồ tát đầu đội mão Tỳ Lô thân tướng xuất gia trang nghiêm tay cầm tích trượng minh châu là ngụ ý bậc Đại Bồ tát đã diệu dụng được chơn tâm, do trí căn bản đã hiện bày. Tỳ Lô giá na tức Đức Đại Nhật Như Lai hay Phổ Quang Minh Trí ( Kinh Hoa Nghiêm ). Như vậy, căn cứ vào huyền nghĩa biểu trưng chỉ có Bồ tát từ Thập Địa trở lên, bậc đã Ứng dụng được Trí Định hay Trí Ba La Mật (Căn Bản và Sai Biệt trí hiệp nhất ) làm lợi lạc chúng sanh mới thật sự là người xứng đáng đội mão Tỳ Lô Quán Đảnh. Ngày nay, người hành nghi lễ đội mão nầy không rõ nguồn tâm, không ứng dụng được trí, kẹt trong danh tứơng, thì đi vào mê tín, chớ không thể làm lợi lạc tha nhân. Chúng sanh ai cũng sẵn có Căn bản trí, hay Chơn tâm Phật tánh, nếu y theo đây tu hành, việc thành Bồ Tát hay Phật nào có xa vời.

Gậy báu là tiêu biểu cho Phương Tiện Trí ứng dụng vào đời phá tan Địa ngục . Người mê thường tự tạo địa ngục nhân cho mình mà không tự biết. Thí dụ : hằng ngày trong gia đình có việc bất hòa chửi mắng ấu đả nhau đó là nhân A Tu La. Hoặc có người mắng con mình là quân đầu trâu mặt ngựa, quỷ sứ v..v… đánh đập mắng nhíếc mà không biết chỉ dạy giáo huấn chúng tường tận. Rõ ràng là chúng ta đang tạo cảnh địa ngục ngay tại tư gia. Người thường không rõ cho địa ngục là cảnh giới ở tận đâu đâu trong lòng đất. Kẻ tà kiến si mê chấùp là không có địa ngục, nào hay nó ở ngay trong mảnh đất tâm ta! Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy : "Nên quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo" là chỗ nầy. Người Phật Tử tu tâm cũng ngay đây tu hành. Ngài Địa Tạng cầm tích trượng và minh châu là tiêu biểu hai trí viên dung (căn bản và sai biệt) khi ứng dụng trí vô nhiễm không có mê lầm phiền não. Nghiệp không sanh cho nên nói là phá tan địa ngục cứu toàn chúng sanh. Như bài tựa Kinh Địa Tạng nói : "Lòng từ do chứa hạnh lành, trải bao kiếp số độ sanh khỏi nàn, trong tay đã sẵn gậy vàng, dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sanh. Tay cầm châu sáng tròn vìn, hào quang soi khắp ba ngàn đại thiên ..v..v.." Tay cầm tích trượng là nắm vững pháp Phật, việc tự độ đã xong, lại nguyện độ sanh, cứu tế chúng sanh bằng Phương Tiện, Nguỵện, Lực, Trí. (Theo kinh Hoa Nghiêm Ở Thất Địa Bồ tát đã tu Phương Tiện Ba La Mật, Ở Bát địa bồ tát tu Nguyện, Cửu địa Bồ tát tu Lực Thập địa tu Trí) tay cầm châu sáng là chỉ cho chơn tâm thường thanh tịnh .

Chúng sanh ai cũng sẵn có Phật tánh sáng suốt thường hằng như lời cổ đức nói:
"Không sanh không diệt xưa nay chơn,

Ai hay Phật tánh phóng hào quang.

Phàm phu sống uổng ngàn đời trước,

Lẩn lộn bùn nhơ chẳng xuất trần."

Người người tự sẵn đủ bảo châu nhưng nào ai rõ biết và ứng dụng nó làm lợi lạc tự thân và tất cả sanh chúng. Địa Tạng Bồ tát rõ biết và ứng dụng được tâm nầy. Vậy Địa Tạng là ai ? trên lịch sử, Bồ tát Địa Tạng chưa hề có mặt vào thời Phật tại thế chỉ xuất hiện trong các kinh giáo Đại Thừa qua lời dạy Đức Thế Tôn , Như vậy, đây chỉ là lý tưởng Bồ Tát như Văn thù Phổ hiền Quan Âm…. hoặc cũng có thể, do hạnh nguyện cửu trụ u đồ với thệ nguyện sắt đá, .nên Bồ tát không xuất hiệân tại nhân gian, mà ở các cảnh giới ác đạo, chỉ khi nhân duyên hội đủ, nói hạnh mầu tuyên dương chánh pháp như khi Phật nói kinh Địa Tạng tại cõi trời Đao Lợi, Bồ tát mới hiện thân minh chứng. Bởi vì ! Địa Tạng chính là Chơn Tâm hay Như Lai ẩn khuất hàm tàng trong dòng thức tâm sanh diệt. Ai rõ suốt nguồn tâm, ứng dụng được diệu trí, độ tận chúng sanh tâm của mình và có thệ nguyện lớn làm an lạc tất cả chúng sanh giới, người đó là Địa Tạng. Theo tinh thần Đại Thừa, Ngài Địa Tạng Bồ tát vừa là huyền nghĩa cho diệu pháp tu hành, mà cũng là con người hiện thực như bao nhiêu vị Bồ Tát khác. Điển hình như hạnh Quán Âm, nếu không có Công Chúa Diệu Thiện và Thị Kính là những người hiện hạnh tu hành thì mọi người sẽ cho đây chỉ là pháp tu về Nhĩ căn viên thông hay lý tưởng Bồ Tát. Chính nhờ sự hiện thân hành đạo mà hạnh mầu Bồ Tát được toả sáng khắp nơi trong tâm khảm quần chúng.

1. Nhân hạnh quá khứ qua kinh giáo

Theo kinh Địa Tạng, Tiền thân của Ngài Địa Tạng là một vị trưởng giả tử, vì muốn được thân tướng trang nghiêm tốt đẹp như Chư Phật nên thệ nguyện độ tất cả chúng sanh bị khốn khổ. Trên quá trình tu hành Bồ Tát Đạo đó, vì thấy chúng sanh mê lầm trầm luân trong sanh tử khổ, trong lúc họ tự sẵn có đức tướng thanh tịnh của Như Lai mà không biết ứng dụng nên Ngài phát thệ độ tận tất cả chúng sanh. Bởi vì ! trong mắt thanh tịnh của Bồ tát, tất cả chúng sanh là bà con quyến thuộc cha mẹ anh em của nhau của từ vô lượng kiếp đến nay, vì mê lầm không nhận biết, lại bức bách tổn hại nhau, Có kiếp Ngài là Bà La Môn Nữ cứu mẹ, có lúùc ngài là Quang Mục Nữ lập nguyện lớn cứu mẫu từ nên thệ độ tận chúng sanh giới. Chỉ khi nào ! tất cả chúng sanh thành Phật đạo, lúc đó Ngài mới viên thành thệ nguyện chứng bồ đề.

Như vậy, tiền thân Bồ Tát cũng như bao nhiêu người khác, nhưng do Từ Bi, Trí Huệ phát đại tâm đại lực và thệ nguyện rộng sâu, cho nên, Ngài trở thành Bồ Tát tế độ quần mê. Lẽ ra, Bồ Tát đã thành Phật từ lâu nhưng do bổn nguyện sâu dày, nên hiện tướng Bồ Tát tế độ quần mê không mệt mỏi.

2. Ứng tích hiện thân và kinh thờ

Tại Ấn Độ không thấy có tín ngưỡng Bồ tát Địa Tạng riêng lẻ mà Ngài Địa Tạng được tôn thờ đứng đầu trong Địa Tạng viện thuộc Thai tạng giới (Hiện tượng giới) mạn đà la với mật hiệu là Bi Nguyện Kim Cang hay Đại Nguyện Kim Cang.Ngoài ra Bồ tát Kim Cang Tràng trong bốn vị Bồ tát thân cận Đức Bảo Sanh Như Lai trong Kim Cang giới (Tâm thức giới; Chơn tâm) Mạn Đà La được coi là đồng thể khác tên của ngài Địa Tạng. Do chỉ được đề cập đến trong kinh giáo chứ không còn dấu tích được phụng thờ tại Ấn Độ. Vì thế, các nhà nghiên cứu nghi ngờ Ngài chỉ là người được hình tượng hoá trong giáo pháp Đại Thừa chứ không phải là người thật trong lịch sử.

Tại Trung Hoa, Bồ tát Địa Tạng là một trong bốn vị Đại Bồ Tát được quần chúng sùng tín phụng thờ bậc nhất. (Quán thế Âm Bồ Tát tại Phổ Đà sơn, Văn thù Bồ Tát tại Ngũ Đài sơn, Đức Phổ hiền tại Nga Mi Sơn). Tương truyền, núi Cửu Hoa Tỉnh An Huy Trung Hoa là nơi Bồ Tát Địa Tạng ứng tích hiện thân hóa đạo tại núi nầy.

Theo Tống Cao tăng truyện quyển hai mươi, Bồ tát Địa Tạng ứng tích giáng sanh vào dòng Vua nước Tân La họ Kim tên Kiều Giác, sau khi xuất gia tu hành, Ngài đến Trung Hoa vào thời Đường Huyền Tông tu hành và hoằng đạo tại núi Cửu Hoa rồi thị tịch tại đây. Nhục thân Ngài không hư hoại được đặt trong tháp. Về sau, nơi đây phát triển thành một đạo tràng thánh tích thờ Bồ tát Địa Tạng với hàng ngàn chùa chiền am viện, nguy nga đồ sộ. Thế nhưng, trải qua bao thăng trầm chiến tranh lịch sử và sự tàn phá của thời gian. Ngày nay, chẳng còn lại là bao. Thế nhưng, những chùa tháp tại Cữu hoa sơn hiện còn đã chứng minh một thời kỳ cực thịnh tại đây.

Ở Nhật Bản tín ngưỡng và phụng thờ ngài Địa Tạng Bồ tát bắt đầu từ thời đại Bình An đến thời Liêm Thương thì cực thịnh mãi cho đến ngày nay với các pháp hội Địa Tạng Giảng thiết trai cúng dường, ca ngợi công đức của Ngài rộng lớn vô cùng.

Theo huyền sử, do lòng bi nguyện sâu dày, Bồ Tát Địa Tạng hiện thân vua Diêm la ở địa ngục giáo hoá chúng sanh nên có tên khác là U Minh Giáo Chủ, dưới ngài là Thập điện Diêm vương coi việc hành phạt răn dạy kẻ tội đồ. Như vậy, theo ứng tích thì Ngài Kim Kiều Giác là người hiện hạnh tu hành theo đại nguyện của Bồ tát Địa Tạng, nhờ công đức giáo hoá của ngài và các vị thánh tăng mà núi Cửõu Hoa trở thành đạo tràng tu hành và phụng thờ Địa Tạng Bồ tát. Người xưa thường bảo : "Nhơn năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhơn ; Người hay hoằng truyền đạo, chứ đạo chẳng thể tự hoằng truyền" nếu ngài Kim Kiều giác không tu hành xiển dương được diệu đạo thì ngài Địa Tạng chẳng thể được quần chúng biết đến rộng sâu kính thờ thâm tín tại Trung Hoa, Do đó, người xuất gia và Phật tử chúng ta phải lưu ý điều nầy làm sao cho mạch đạo sáng soi, giáo hạnh nhất như chiếu sáng là điều cần yếu.

3. Pháp tu theo Ngài Địa Tạng Bồ tát

Căn cứ vào kinh giáo, chúng ta thấy rõ nhân hạnh tu hành của ngài Địa Tạng lúc đầu chỉ là mọât người bình thường như bao chúng sanh khác. Thế nhưng, do hiếu hạnh sâu dày và lòng thâm tín Tam Bảo bằng trí huệ vững chắc. Cho nên, lúc đầu lập thệ nguyện rộng sâu cứu mẹ hiền lấy đó làm chánh nhân viên thành Phật đạo. Theo mười Ba la mật của Bồ tát, Ngài Địa Tạng lúc đầu do tín tâm thanh tịnh và thệ nguyện sâu dày hành đạo. Có thể nói khởi điểm tu nhân của Ngài từ Đại Nguyện. Nếu ngài Mục kiền Liên được tôn xưng là đại hiếu, thỉnh Phật nói pháp Vu Lan Bồn độ mẫu thân, nhờ sức mười phương hiền thánh tăng cứu mẹ hiền thoát chốn u đồ, thì Bồ Tát Địa Tạng nhờ cúng dường Tam Bảo và sức niệm danh hiệu Phật cho mẹ hiền thoát khổ nơi địa ngục, rõ chốn thác sanh tường tận. (Bà La Môn nữ) khi là Quang Mục nữ , vì muốn cứu mẹ thoát khổ địa ngục vị lai cúng dường vị La Hán và một lời nguyện dắt mẫu từ vào Bồ Đề đạo, nhập Bồ Tát Hạnh . Qua đó! chúng ta thấy rõ muốn báo hiếu từ thân đâu có phải chỉ hành pháp Vu Lan Bồn mới cứu được hai thân. Pháp Vu Lan thuộc về bố thí cúng dường cho hiền thánh, là pháp đầu tiên trong mười ba la mật (Bố Thí , Trì giới, Nhẩn nhục, Tinh tấn, Thiền định,Trí huệ, Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí.) Ngài Địa Tạng chỉ một lời đại nguyện cũng cứu được mẫu từ .Như vậy, nếu người muốn báo hiếu từ thân thì hành Pháp nào trong Thập Độ đều có thể cứu tế cửu huyền. Thế nhưng ,Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền, Trí thì chỉ có ai nhất tâm tu hành mới thọ trì được, còn bốn độ sau ; Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí nếu không thệ nguyện lớn như Bồ Tát thì không sao hành được. Bố thí cúng dường dể hơn cả vì nương vào tha lực của thập phương hiền thánh tăng với tâm chí thành tha thiết của người con hay thân quyến, nhưng cũng rất khó vì làm sao gặp thánh hiền tăng chứng minh siêu xuất chốn u đồ. Thời nay dễ gì hội ngộ Thánh Hiền Tăng. Cho nên, hiếu tử nào noi theo gương hạnh Địa Tạng Bồ Tát tu hành thì dù ở tại gia, cửu huyền quyết định cũng siêu thoát khổ cảnh. Nếu thọ trì Kinh Địa Tạng cũng có thể siêu giới ngoại, chẳng còn vương vấn nẻo u đồ. Theo kinh Địa Tạng, một trong những nhân tu hành của ngài Địa Tạng là hai vị Vua tu Thập thiện, nguyện cứu độ tất cả chúng sanh. Môt vị phát nguyện thành Phật là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai .Một vị nguyện nếu không trước độ chúng sanh bị khốn khổ chứng thành Phật Đạo thì thệ không thành chánh giác, là Địa Tạng Bồ Tát. Vua tu thập thiện là biểu trưng cho người rõ được Chơn tâm ( Tâm Vương ) trở về thể vắng lặng thanh tịnh, nhờ hành thập thiện (Giới ba la mật), nguyện độ tận chúng sanh tâm (mỗiVọng niệm là một nhơn chúng sanh) nên trí căn bản hiển lộ đó là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai lại phát nguyện độ tận chúng sanh giới, hành lợi tha nên gọi là Địa Tạng. Tuy nói hai vua nhưng kỳ thật không hai. Mà đây là chỉ cho tự lợi và lợi tha, hai hạnh phải tu viên mãn nhất như mới chứng thành Phật đạo. Nếu không độ tận chúng sanh tâm vào Vô Dư Niết Bàn hay trở về niệm vô sanh bất động thì Căn bản trí đâu thể hiển lộ. Độ tận chúng sanh tâm hay chuyển tất cả tâm niệm phiền não thành bồ đề công đức trang nghiêm, đó là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Theo Hoa Nghiêm, chỗ này tương đồng Lục Địa. Thế nhưng ! Nhất thiết trí hiện bày chưa phải là Phật, dừng ở đây chỉ là Độc Giác nên phải tu Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí, độ tận chúng sanh mới thành Phật đạo. Địa Tạng Bồ tát tu Nguyện Ba La Mật chỉ với một lời thệ nguyện sắt đá. Nếu ngài Mục Kiền Liên thiết lễ cứu độ thân mẫu một đời thì ngài Địa Tạng rõ biết tất cả chúng sanh xưa nay là cha mẹ quyến thuộc thân bằng của nhau nên phát nguyện lớn : "Từ nay cho đến tận thuở vị lai, tôi nguyện dùng tất cả phương chước để cứu tế tất cả chúng sanh bị khổ não, lìa tất cả khổ,chứng đạo bồ đề, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật đạo. Nếu một chúng sanh chưa thành Phật thì tôi chưa thể chứng bồ đề". Ngài Mục Kiền phải nhờ sức oai thần của mười phương Thánh Hiền Tăng cứu mẹ hiền , nhưng Địa Tạng Bồ tát chỉ một lời nguyện thậm thâm đã cứu mẫu từ vào Bồ Tát vị, thoát khỏi sáu nẻo luân hồi trong một kiếp. Muốn thế phải lập thệ nguyện sâu dày, y Trí căn Bản mà tu. Kinh Địa Tạng cũng ngầm chỉ rõ phải y Căn bản Trí tu hành qua lời Thế Tôn hỏi Văn Thù Sư Lợi, mà Văn Thù chính là Căn Bản Trí hàm tàng đủ Lục độ. Y Căn bản trí mà tu Đại Nguyện thì bồ đề đạo thọ mới trọn đầy.

Như vậy, để tu theo hạnh nguyện của Địa Tạng Bồ tát, người tu phải:

- Rõ biết mình và tất cả chúng sanh sẵn có chơn tâm thường trụ là Phật tánh thanh tịnh, hay Viên Giác Tánh tròn đầy, xưa nay không thiếu cũng không dư.

- Độ tận tất cả chúng sanh tâm, là trở về chơn tâm thanh tịnh của chính mình bằng cách tu Lục Độ cho chơn tâm hiển lộ ; Căn Bản Trí hiện.

- Khởi lòng Đại Bi lập đại nguyện cứu độ tất cả chúng sanh giới vì rõ biết xưa nay tất cả chúng sanh là cha mẹ anh em thân bằng quyến thuộc của nhau bằng cách tu Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí hay Ma ha Bát nhã ba la mật, viên thành Sai Biệt Trí để từ đó thành tựu Nhất Thiết Chủng Trí.

Đức Thế Tôn phó chúc cho Ngài Địa Tạng độ tận chúng sanh từ nay cho đến khi Ngài Di Lặc thành Phật, hay mỗi người tu Phật phải rõ bản tâm mình, y đấy tu hành, độ tận chúng sanh tâm thì mới có thể chuyển thức thành trí viên thành đạo quả bồ đề.

Người thường, noi theo công hạnh thậm thâm của Ngài kính lễ Bồ Tát để có phước báu, không đọa ác đạo, thường sanh trời người, hưởng an lạc tối thắng hoặc thọ trì danh hiệu, được tất cả nguyện cầu đều như ý. Thế nhưng, dễ lạc vào mê tín thần quyền và cũng không phải là sở nguyện Bồ Tát ! Kính lễ thọ trì danh hiệu của Ngài với tâm chí thành cầu gia bị chúng ta tu hành chứng quả Bồ Đề, có đủ ý chí và nguyện lực tu hành đạo Bồ tát là điều thiết yếu mà Bồ tát muốn gia bị hộ trợ cho Ta. Trên lộ trình ngộ nhập bản tâm, viên thành Phật đạo người tu phải tự mình nổ lực, Thế nhưng, ở bước đầu tu tập và suốt lộ trình đi nếu không có thần lực minh gia thì ít người thành tựu. Lại nữa, nếu rõ Địa Tạng là bản tâm thanh tịnh hạnh và nguyện khế hợp thì mình và Bồ Tát vốn không hai, khi tu hành thành tựu, Hành giả sẽ trở thành Hoá thân của Bồ tát ngay tại thế gian nầy. Hình ảnh Ngài Kim Kiều Giác là một minh chứng điển hình cho Bồ Tát tại nhân gian. Vì thế! Phật đã khen ngợi : "Địa Tạng vô lượng oai thần đó, trăm ngàn muôn kiếp thuật chẳng rồi, rộng tuyên đại sĩ đầy sức nọ, Như người nghe đến Địa Tạng danh, thấy hình chiêm lễ phát lòng thành, hương hoa ăn uống dâng y phục, trăm ngàn báu đẹp hưởng điều lành , nếu hay đem công hồi ( hướng) pháp giới, rốt ráo thành Phật sanh tử khỏi. . ." . Bồ tát là ai ? Là người có đạo tâm rộâng lớn. Có người cho là Bồ Tát là huyền thoại mà không tự hiểu, nếu tự thân chúng ta lập hạnh, tu nhân như vậy là Địa Tạng, hành hạnh, tu pháp như vậy là Chuẩn đề hay Văn thù, Phổ Hiền, Quán Âm vv… Ngay đức Thích Ca Mưu Ni theo kinh giáo, thời quá khứ là vị tiều phu gặp Đức Phật hiệu là Thích Ca Mưu Ni nên cúng dường cùng phát nguyện: nguyện đời sau con thành Phật cũng hiệu là Thích Ca Mưu Ni, cõi nước, chúng hội đều không khác Phật hiện tại. Do nhân ấy mà viên thành Phật đạo. Hạnh đó, Đức Phật thấy rõ, Trong quá khứ, vô số hiền thánh đã xứng tánh lập nguyện, hành đạo khế hợp chân lý, thành Phật Bồ Tát, nên ứng cơ nói ra tất cả hạnh nguyện cho người sau y đây lập hạnh tu hành thành Phật. Cho nên, người tu hành có thể y hạnh nguyện người xưa mà tu hay quán sát tất cả hạnh nguyện chư Phật và Bồ tát lập ra mật hạnh cho mình tu hành để viên thành Phật đạo.

4. Ngày vía Địa Tạng

Theo truyền thống, ngày vía Địa Tạng Bồ tát là ngày ba mươi tháng bảy hằng năm. Thế nhưng, chưa rõ đây là ngày khánh đản hay thị tịch của Ngài. Ở Việt Nam, ngày nầy khá thầm lặng chỉ có một ít chùa có truyền thống tổ chức. Nhưng ở các nước như Trung Hoa Nhật Bản, Triều Tiên v,v, nơi mà tín tâm Đại thừa vững mạnh, hay mảnh đất thiêng nơi đạo tràng Bồ tát như Cữu Hoa Sơn thì là ngày hội lớn, với bao nghi thức trang nghiêm. Theo thông thường rằm tháng bảy là trung nguyên Địa quan xá tội chi kỳ do Bồ tát Địa Tạng phóng xả cứu tế làm chủ tể, hình như, đây là sự pha trộn giữa Lão giáo và Phật giáo. Còn theo Nhật Bản ! vào ngày hai mươi bốn hằng tháng thiết trai cúng dường cầu phước hay kỳ siêu gọi là Địa Tạng giảng.

5. Ích lợi người tu hành theo hạnh nguyện hay kính thờ Bồ tát

Một việc làm nào đều có kết quả của nó, người Phật Tử thuần thành không phải là người có niềm tin mù quáng, mà chánh tín trên tinh thần trí huệ, thấy rõ việc làm và kết quả của mình một cách chính xác. Theo kinh Địa Tạng người tín thờ lễ lạy cúng dường ngài Địa Tạng Bồ tát thì vượt khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp. Do nhân kính lễ người thành tựu diệu đức chơn tâm nên sanh tín tâm lành, ngừng nghĩ không tạo ác nghiệp trong thời gian nên có phước báu như thế và trăm lần sanh lên cõi Trời Đao Lợi. Người đó sẽ được hai mươi tám điều lợi ích :

1/- Các hàng Trời rồng ủng hộ .

2/- Quả lành ngày càng tăng thêm.

3/- Chứa nhóm nhân bậc thánh .

4/- Không còn thối chuyển đạo Bồ Đề.

5/- Đồ ăn mặc dồi dào đầy đủ.

6/- Các bệnh tật không còn đến thân.

7/- Không bị các tai nạn về nước và lửa.

8/- Không bị hại vì trộm cướp.

9/- Người khác thấy sanh lòng kính ngưỡng.

10/- Các hàng quỷ thần thường phù hộ.

11/ -Đời sau sẽ được chuyển thân nam.

12/- Hoặc làm con gái các vị đại thần.

13/- Thân tướng trang nghiêm xinh đẹp.

14/- Được sanh về các cõi trời.

15/- Hoặc làm bậc vua chúa đế vương

16/- Trí huệ sáng suốt thấy rõ .

17/- Mọi sự mong cầu đều toại nguyện..

18/- Bà con thân quyến đều được an vui hòa thuận.

19/- Không gặp các tai hoạ bất ngờ,

20 /- Dứt sạch các nghiệp báo ở ba đường dữ

21/- Đến đâu cũng không gặp điều trở ngại.

22/- Đêm nằm thường chiêm bao những điều an lành.

23/- Bà con thân thuộc đãqua đời đều được thoát khổ.

24/- Theo phước báo đời trước mà thọ sanh.

25/- Các bậc thánh hiền thường khen ngợi ủng hộ.

26/- Căn tánh thông minh sáng suốt.

27/- giàu lòng Từ Bi bác ái.

28/- Cứu cánh sẽ được thành Phật.

C. KẾT LUẬN

Tóm Lại, công đức kính lễ Địa Tạng Bồ tát hay Chơn Tâm vô tận. Nếu ai phát nguyện tu trì trở thành Địa Tạng Bồ Tát hay thành tựu được diệu tâm công đức còn vô lượng hơn phước báu hữu vi. Mục đích ra đời giáo hoá của Đức Phật và Địa Tạng Bồ Tát không ngoài chỉ cho chúng sanh tu hành, ngộ nhập và ứng dụng chơn tâm thanh tịnh sẵn có của chính mình. Người mê vì không tin mình sẵn có bản tâm thanh tịnh nên Phật và Bồ Tát phải nhọc lòng thị hiện giáo hoá bằng nhiều phương tiện dẫn lần vào bảo sở .

Như vậy, theo tinh thần kinh Địa Tạng Bồ Tát và các kinh giáo, thì Địa Tạng là mật hạnh của chư Bồ Tát. Đức Thế Tôn từ mẫn nói ra bổn hạnh ấy cho chúng sanh cỏi Ta Bà rõ biết. Hạnh đó, được nhiều vị Bồ tát noi theo với tên là Địa Tạng, xứng tánh lập hạnh tu hành theo hạnh được tên. Công hạnh rộng lớn của ngài. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện và Địa Tạng Bồ tát Thập Luân kinh nói rất rõ ràng. Trong Văn Khuyên Phát Bồ Đề Tâm ngài Thật Hiền nói: "Có lập nguyện mới độ tận chúng sanh, có phát tâm mới viên thành Phật đạo". Chúng sanh không tin mình có chơn tâm thanh tịnh, ứng dụng diệu tâm nầy lại cứ mãi duyên theo căn trần thức tạo vọng nghiệp khổ đau nên mãi chìm trong sanh tử luân hồi xuống lên ba cõi sáu đường. Vậy ! người có chí tu học Phật Pháp chớ mãi ỷ lại nơi cầu sự gia bị của Bồ tát mà quên đi tự nỗ lực tấn tu chính bản thân mình. Đạo lớn chỉ ở ngay trước mắt, nếu nhất tâm tu hành khế hợp hạnh nguyện thì không cần cầu Bồ Tát cũng gia bị cho Ta. Ngược lại ,van cầu không khế hợp chân lý không đúng chánh pháp thì không bao giờ nhận được sự hộ trì của Bồ Tát ; người Phật tử xuất gia hay tại gia sau khi rõ biết hạnh nguyện và công đức của ngài Địa Tạng Bồ tát hãy y chơn tâm thanh tịnh của mình kính lễ tu tập như Ngài sẽ thành tựu vô lượng công đức.

Nguyện cho tất cả người con Phật khai mở kho tàng vô giá tự tâm thành tựu đại nguyện thậm thâm của chính mình dìu dắt tát cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Mỗi năm, ngày ba mươi tháng bảy là ngày lễ khánh đản của Ngài nhắc nhở chúng ta hãy nhớ đến hạnh nguyện thậm thâm của Bồ tát Địa Tạng, cùng nhau phát đại nguyện độ sanh theo chí nguyện riêng của mình, dõng mãnh tấn tu đồng trang nghiêm Tịnh Độ, biến địa ngục A tỳ thành Cực Lạc, đồng viên thành Vô Thượng Đại Bồ Đề.

Mục Lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19
TIN KHÁC