Afghanistan: 150 tượng Phật cổ sẽ được phục hồi

date
06/10/2020
Các nhà nghiên cứu Viện Đông phương học, Đại học Chicago (Hoa Kỳ) đang làm việc với các nhà bảo tồn Viện Bảo tàng Quốc gia Afghanistan để sửa chữa và lắp ghép những mảnh vỡ tượng Phật cổ xưa của nước này đã bị hủy hoại vào năm 2001.
tuong Phat co.jpg
Lắp ghép các mảnh tượng bị vỡ là một quá trình công phu, đòi hỏi thời gian và sự cẩn thận
Công trình này được tài trợ bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kabul. Các chuyên gia đang tỉ mẫn phục hồi hơn 7.500 mảnh vỡ của các tượng được lưu giữ trong hòm nằm trong tầng hầm của viện bảo tàng sau cuộc tấn công của quân Taliban.
Nhiều trong số các tượng này có nguồn gốc từ Hadda (Afghanistan), một địa điểm khảo cổ Phật giáo thời Hy Lạp từ vùng đất Gandhara cổ xưa - đây là nút đánh dấu cơ bản của Con đường tơ lụa kết nối Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp và các quốc gia Ba Tư.
Các tượng này có lịch sử từ thế kỷ thứ 1 - 6 Tây lịch, là nhiều tượng điêu khắc đứng cũng như để bàn với nhiều kích cỡ khác nhau, cao từ vài cm cho đến 2 m.
“Khi chúng bị vỡ, chúng ta mất mát một phần lịch sử - một thời kỳ quan trọng của thành tựu mang nghệ thuật đỉnh cao, thể hiện qua các vật thể ngày nay. Đó chỉ là những phần còn sót lại từ các di tích khảo cổ. Hadda bị thiêu rụi và cướp bóc trong suốt thập niên 1980 nên các mảnh đang có mặt trong viện bảo tàng là những gì còn sót lại.
Bằng cách phục hồi chúng, chúng ta đang phục hồi lịch sử của mình”, chia sẻ của ông Mohammad Fahim Rahimi, giám đốc Viện Bảo tàng Afghanistan.
Theo đó, các hình ảnh mô tả Đức Phật tương tự với các tượng nguyên thủy mà các học giả ngày nay biết đến với một số đặc điểm chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp, La Mã được biểu đạt trên các phần của tượng như: gương mặt, ngực và vai tượng.
Từ năm 2012, Bộ phận Hợp tác Bảo tồn Văn hóa của Viện Bảo tàng Afghanistan đã làm việc cật lực để bảo tồn những hiện vật thất lạc và xây dựng cơ sở dữ liệu song ngữ đầy đủ về bộ sưu tập của viện bảo tàng.
tuong Phat co 2.jpg
150 bức tượng sẽ được phục hồi, các chuyên gia vui mừng cho biết
Lắp ghép các tượng, từng mảnh từng mảnh là quá trình miệt mài, công phu và vất vả. “Giống như việc chúng ta lắp ghép 30 mảnh khác nhau của một ô hình ghép bị trộn lẫn mà không có ảnh mẫu trên ô hình” - giáo sư Gil Stein, Viện Đông phương và chuyên gia hàng đầu về đa dạng xã hội cho biết.
Một số vật thể được ghi chép lại trong quá khứ và nhiều trong các ghi chép của viện bảo tàng bị tàn phá trong thời kỳ nội chiến Afghanistan. Tuy nhiên, đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện bộ sưu tập các bức hình và dữ liệu về các vật thể tại di chỉ khảo cổ Hadda trong một văn phòng thư viện cũ.
Alejandro Gallego López, giám đốc Viện Đông phương học Afghanistan tin tưởng rằng các ghi chép này sẽ cho phép họ tái phục hồi được 150 tượng.
“Đây là công việc khá hào hứng, đặc biệt khi bạn có thể ghép nhiều mảnh rời lại với nhau. Di sản văn hóa giàu có này thuộc về người dân Afghanistan.
Mục đích của công trình này không chỉ “trả lại” các tượng nguyên bản cho Afghanistan mà còn đảm bảo rằng các thành viên của thư viện được huấn luyện để phân loại và bảo tồn của quý quốc gia” - chuyên gia nói thêm.
chuaviet.org tổng hợp