Nội Dung
Phần giới thiệu: Phật Giáo Hoa Kỳ
Chương 1 – Thiền Định: Tại sao phải bận tâm?
Chương 2 – Tu thiền không phải là?
Chương 4 – Thái độ và Quan điểm
Chương 6 – Làm gì đây với Thân của bạn?
Chương 7 – Làm gì đây với tâm của bạn?
Chương 8 – Cấu trúc của sự tu tập
Chương 10 – Đối diện với khó khăn
Chương 11 – Đối diện với Vọng tâm I
Chương 12 – Đối diện với Vọng tâm II
Chương 14 – Chánh niệm và Sự tập trung
Chương 15 – Tu thiền trong đời sống hàng ngày
Chương 14: Chánh niệm so với sự tập trung
Tu thiền Minh Sát là hoạt động làm thăng bằng tâm. Bạn sẽ vun trồng hai phẩm chất riêng biệt của tâm - Chánh niệm và sự tập trung. Một cách lý tưởng nhất là cả hai làm việc với nhau như một tổ hợp, chúng sẽ luôn luôn nâng đỡ lẫn nhau. Do đó, điều quan trọng nhất là trau dồi cả hai cùng một lúc và giữ cho cân bằng. Nếu bất kỳ một trong hai mạnh hơn thì phần yếu đang trả cái giá cho sự chênh lệch, sự thăng bằng của tâm cũng bị mất đi và sự tu tập không thể nào mang lại kết quả được.
Sự tập trung và Chánh niệm có hai chức năng khác biệt hẳn hoi. Chúng có vai trò riêng trong tu thiền và sự tương quan của cả hai cũng được xác định đến từng mức tinh vi. Sự tập trung thì thường được gọi là “Nhất điểm tâm”. Nó bao gồm hành động áp đặt tâm ở với một điểm cố định liên tục, không bị gián đoạn. Nên ghi nhớ từ ngữ “Áp đặt.” Sự tập trung thì gần như là loại hành động có tính cách ép buộc. Nó có thể phát triển lớn mạnh bởi sự tôi luyện không ngừng hoàn toàn bằng nghị lực. Và một khi đã được vững mạnh, nó có thể được giữ lại để dùng theo đặt tính áp đặt đó. Chánh niệm thì trái ngược lại hẳn, là một chức năng khéo léo, mỏng manh tinh chế dần dần cái khả năng nhạy cảm. Đây là hai người đồng sự trong công việc tu thiền. Chánh niệm là người cộng sự nhạy cảm, chuyên lo nhận biết sự việc; còn sự tập trung là người đồng sự có tránh nhiệm cung cấp năng lực, giữ gìn sự chú tâm bám chặt vào một điểm. Một cách lý tưởng, Chánh niệm chọn ra đối tượng cho sự chú tâm, NHẬN BIẾT khi nào sự chú tâm lơ là với đối tượng. Còn sự tập trung mới thật sự BẮT BUỘC sự chú tâm ở lại với đối tượng đã được chọn bởi chánh niệm. Nếu một trong hai người đồng sự yếu đi (không làm việc của mình hữu hiệu), thì cả tiến trình buổi tu tập không còn có tác dụng nữa.
Sự tập trung có thể định nghĩa như là một tính năng của tâm, có thể tập trung vào duy nhất một đối tượng mà không bị gián đoạn. Cần nên nhấn mạnh ở đây, sự tập trung chân chính là trạng thái tâm lành mạnh tập trung trọn vẹn vào một điểm, lúc đó nó không bị tác động bởi ham muốn, ghét bỏ, và thiếu hiểu biết. Cũng có một trạng thái tâm tập trung vào một điểm nhưng không thiện lành, và nó sẽ không dẫn đến sự giải thoát. Bạn vẫn có thể có một cái tâm tập trung trong sự thèm khát, nhưng nó không đưa bạn đến đâu cả. Sự tập trung liên tục vào điều mình không ưa thích thì chẳng giúp ích được gì cho bạn cả. Thật ra, khả năng tập trung bất thiện có được cũng không tồn tại lâu bền - nhất là khi dùng nó vào việc thương tổn người khác. Khả năng tập trung chân chính thì bản chất của nó không bị ô nhiễm, là trạng thái tâm được kết hợp, có được năng lực và cường độ cao. Dùng thấu kính như là một ví dụ ở đây, tia ngoại tuyến của mặt trời song song chiếu xuống một tấm giấy sẽ không làm tổn hại gì, ngoại trừ làm cho mặt giấy ấm hơn một chút. Nhưng cùng một số lượng đưa xuống xuyên qua một thấu kính, rọi chiếu xuống một điểm và tờ giấy có thể bị bốc cháy. Sự tập trung là thấu kính, tạo ra cường độ nóng cần thiết để thấy xuyên suốt vào những phần sâu thẵm nhất của tâm. Chánh niệm chọn lọc đối tượng cho cái thấu kính chiếu vào và xuyên qua để thấy những gì nơi ấy.
Sự tập trung nên được dùng như một công cụ, mà dụng cụ thì có thể dùng tạo ra kết quả tốt lẫn xấu. Một cây dao bén có thể dùng để chạm trổ một mẫu điêu khắc đẹp hay tổn hại một người, do tùy thuộc vào người dùng con dao. Khả năng tập trung thì cũng giống như thế. Sử dụng đúng đắn có thể giúp bạn gần đến sự giải thoát, nhưng nó cũng có thể dùng để phục vụ cho cái Ngã. Nó có thể vận hành theo khuôn mẫu của sự thành công và sự cạnh tranh. Bạn có thể dùng khả năng tập trung để điều khiển người khác, dùng để thỏa mãn tính ích kỷ. Vấn đề căn bản là khả năng tập trung độc lập sẽ không cho bạn thấy cái hiện trạng của mình. Nó không soi rọi ánh sáng vào những vấn đề căn bản như sự ích kỷ và bản chất của khổ đau. Khả năng tập trung có thể dùng để đào xới vào tầng sâu kín của trạng thái tâm lý, nhưng dù cho là như thế, cái sức ép của bản ngã cũng không thể nào được hiểu thấu. Chỉ có Chánh niệm mới làm được việc đó. Nếu Chánh niệm không có mặt để nhìn xuyên qua thấu kính, xem những gì đang được phơi bày ra, thì sự phô diễn trở thành vô ích. Chỉ có Chánh niệm mới hiểu, mới mang lại trí tuệ. Khả năng tập trung còn có nhiều giới hạn khác nữa.
Sự tập trung thâm sâu (Thiền Định) chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện đặt biệt. Phật tử trải qua nhiều khó khăn để kiến tạo lên những thiền viện và chùa chiền. Mục đích chính của họ là tạo điều kiện cho những hành giả có được một hoàn cảnh không bị chi phối, để học những khả năng này. Không có ồn ào, gián đoạn. Và cũng không kém phần quan trọng là không có sự quấy nhiễu tâm lý. Phát triển khả năng tập trung sẽ bị giới hạn bởi sự xuất hiện của năm Triền cái. Chúng là Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử, và Mạn nghi. Chúng ta đã nói qua những trạng thái tâm này với nhiều chi tiết trong chương 12 ở phần trước.
Tu viện là một nơi có điều kiện ngoại cảnh được xếp đặt sao cho những ồn ào được giảm thiểu đến mức tối đa. Không có những người khác phái được phép sống chung ở đây. Cho nên, rất ít có cơ hội cho sự thèm khát. Không có tư hữu chấp nhận ở đây, để ngăn ngừa những tranh cải lặt vặt và ít cơ hội cho tham lam phát khởi. Những ý niệm nhảy lớp qua khỏi bước tu tập tâm tập trung cũng nên nhắc qua ở đây. Trong định thâm sâu (sự tập trung sâu thẵm), bạn sẽ hòa nhập cao độ vào đối tượng thiền, sẽ làm cho bạn quên hết tất cả những thứ phụ thuộc khác, chẳng hạn như: thân của bạn, định danh hay mọi thứ chung quanh bạn. Một lần nữa, tu viện là một phương tiện hữu ích. Thật tốt khi biết có người chăm sóc cho mình những thứ tầm thường như: thức ăn, an toàn, để thiền giả an tâm đi sâu vào trạng thái định thâm sâu.
Chánh niệm thì trái lại không có bị điều trở ngại nào cả, nó không bị lệ thuộc vào bất kỳ hoàn cảnh nào. Chánh Niệm chỉ là một nhân tố đơn thuần nhận biết thôi. Do đó, nó tự do quan sát bất cứ cái gì phát sinh — thèm khát, ganh ghét, hay huyên náo. Chánh niệm không bị giới hạn bởi điều kiện. Nó tồn tại trong tầm mức của mỗi phút giây trong hoàn cảnh nó phát sinh. Chánh niệm cũng không có một đối tượng cố định, mà luôn thay đổi, cho nên đối tượng cho sự chú tâm vô hạn định. Nó chỉ xem xét bất kỳ những gì đi qua tâm mà không phân loại gì cả. Sự xao lãng và gián đoạn cũng được ghi nhận cùng một mức độ chú ý như là đề mục chính trong thiền. Trong trạng thái chánh niệm thuần khiết, sự chú tâm của bạn chỉ hòa hợp theo với những biến đổi đang xảy ra trong tâm. “đổi, đổi, đổi. Bây giờ cái này, và bây giờ cái này.”
Bạn không thể nào phát triển chánh niệm bằng sức mạnh. Nghị lực diễn đạt qua hành động nghiến răng không giúp được gì cho bạn cả, mà trên sự thật, nó còn làm cản trở sự tiến bộ nữa. Chánh niệm không thể nào vun đắp qua sự đấu tranh. Nó lớn mạnh bởi nhận thức ra được, bởi buông xả, bởi lắng động trong hiện tại và thoải mái với những gì bạn đang kinh nghiệm. Điều này không có nghĩa là chánh niệm tự nó phát triển, mà khác hẳn, cần có nhiều năng lực, sự phấn đấu - nhưng sự phấn đấu không do sức mạnh vật lý. Chánh niệm được vun bồi bởi sự cố gắng dịu dàng, sự cố gắng không có gắng sức. Thiền giả vun đắp chánh niệm bằng cách liên tục không ngừng nhắc nhở mình với một lối nhẹ nhàng để duy trì sự tỉnh giác về bất cứ những gì đang xảy ra. Kiên trì và khều nhẹ (tự nhắc nhở mình) là bí quyết. Chánh niệm là vun bồi bằng cách liên tục kéo mình về trạng thái tỉnh giác, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng.
Chánh niệm không thể nào dùng cho sự ích kỷ. Nó là sự cảnh giác vô ngã. Không có “tôi” trong trạng thái chánh niệm thuần khiết. Vì vậy không có cái tự ngã để cho ích kỷ. Trái ngược lại, chánh niệm đưa ra cái viễn cảnh thật sự về bản thân của bạn, cho phép mang tâm bạn lùi cách xa cơn ham muốn và sự ác cảm một bước, để bạn có thể nhìn chúng và nói, “À ha! Thì ra đó là con người thật sự của tôi.”
Trong trạng thái chánh niệm, bạn thấy mình chính xác như-nó-là. Thấy cách hành xử vị kỷ của mình, khổ đau, và mình đã tạo nên khổ đau ra sao; đồng thời cũng thấy ra bạn đã gây khổ đau cho người khác thế nào nữa. Bạn xuyên thẳng qua những từng lớp dối trá mà mình thường hay tự nhủ lòng về những gì mình thật sự nghĩ hay thấy ở đó. Chánh niệm đưa đến Tuệ giác.
Chánh niệm không phải là cố gắng đạt đến bất kỳ thứ gì, mà chỉ là quan sát. Vì thế, ham muốn và sự ác cảm không thể nào dính líu vào. Tranh đua và đấu tranh cho sự thành công không có chỗ đứng trong quá trình này. Chánh niệm không nhắm vào thứ nào cả, chỉ nhìn thấy bất kỳ những gì đang có ở đó.
Chánh niệm là chức năng rộng lớn và bao quát hơn khả năng tập trung. Nó bao gồm tất cả mọi chức năng. Tâm tập trung (Định) thì có tính dành riêng, chú tâm vào một vật và làm ngơ với những thứ khác. Chánh niệm thì có tính bao hàm, đứng cách xa từ điểm chú tâm và quan sát với tầm rộng của điểm tụ hội, nhanh nhẹn ghi nhận bất kỳ biến chuyển nào đang xảy ra. Nếu bạn đang chú tâm vào một cục đá, định tâm sẽ chỉ thấy cục đá mà thôi. Còn chánh niệm đứng gần đó, chú ý cục đá, nhận biết cái tâm đang tập trung vào cục đá, biết được cái cường độ của sự tập trung kia và lập tức biết ngay nếu sự chú tâm kia lén rời xa cục đá. Chính chánh niệm nhận biết sự xao lãng xảy ra và nó sẽ mang sự chú tâm trở về lại với cục đá. Chánh niệm thì khó trau dồi hơn khả năng tập trung bởi lẽ tác dụng ở tầng mức sâu xa hơn. Khả năng tập trung chỉ nhắm vào tâm như là một tia sáng phóng xạ, có sức mạnh đốt cháy, chạy thẳng vào tâm làm sáng tỏ những gì ở đó, nhưng lại không hiểu những gì nó thấy. Chánh niệm có thể kiểm nghiệm cái cơ cấu của tự ngã và hiểu rõ những gì nó đang thấy, có thể xuyên thủng những bí ẩn của khổ đau và cơ chế của lo âu, phiền muộn. Chánh niệm có thể giúp cho bạn được tự do.
Nhưng có một điều tiến thoái lưỡng nan khác. Chánh niệm không phản ứng lại những gì nó thấy, mà chỉ quan sát và học hỏi. Nó là bản chất của sự kiên nhẫn. Vì thế, những gì bạn thấy cần phải được một cách đơn giản chịu trách nhiệm, chấp nhận, và quan sát không thiên vị. Điều này thật không dễ nhưng lại rất ư cần thiết thực hiện một cách toàn diện. Chúng ta là những người ngu dại, ích kỷ, tham lam, thích khoe khoang, nhiều thèm khát và lắm lừa dối. Đó là sự thật. Chánh niệm có nghĩa là thấy những sự thật này và kiên nhẫn với chính mình, chấp nhận tự thân như-nó-là. Điều này chừng như trái lại lẽ tự nhiên, vì chúng ta thường không chịu chấp nhận mà còn luôn luôn phủ nhận, biến đổi chúng, hay tự biện hộ cho mình về chúng. Điều này xảy ra có thể là do tình trạng nhàm chán, sự tức giận, nỗi sợ hãi, sự yếu đuối, nhiều khuyết điểm, hay đầy dẫy lỗi lầm. Dù cho là gì đi nữa, đó cũng là sự vận hành của con người chúng ta, và đó là sự thật.
Chánh niệm đơn giản chấp nhận bất cứ cái gì đang ở đây. Nếu bạn muốn phát triển chánh niệm, lối duy nhất là kiên nhẫn chấp nhận. Chánh niệm chỉ lớn mạnh theo một chiều mà thôi bằng cách tu tập chánh niệm liên tục không ngừng và chỉ đơn thuần có sự cố gắng chú tâm, còn có nghĩa là kiên nhẫn. Quá trình này không thể nào ép buộc và hấp tấp được, nó có vận tốc riêng của nó.
Chánh niệm và Khả năng tập trung hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc tu tập thiền. Chánh niệm hướng dẫn năng lực của khả năng tập trung, là chỉ đạo viên của qui trình hoạt động. Khả năng tập trung cung cấp năng lực để cho chánh niệm xâm nhập vào tận cùng sâm thẵm của tâm. Sự hợp tác sẽ mang lại kết quả cho khả năng thấu hiểu sự thật ẩn dấu bên trong và sự hiểu biết. Hai chức năng này phải được vun đắp cùng lúc và theo tỷ lệ cân bằng. Chỉ một chút nặng hơn cho Chánh niệm vì nó là trọng tâm của thiền định. Định thâm sâu thì không thật sự cần thiết cho quá trình giải thoát, nhưng vừa phải thì vẫn là điều cốt yếu. Sự tỉnh giác quá mạnh mà không có sự êm ả để thăng bằng, thì sẽ gây ra trạng thái quá nhạy bén một cách man dại tương tự như lạm dụng bạch phiến. Sự tập trung cao độ mà không được thăng bằng với tỷ lệ của sự tỉnh giác sẽ gây ra chứng bệnh “tượng phật.” Thiền giả có được trạng thái tĩnh lặng đến nỗi ngồi đó như một cục đá. Hai trạng thái này cần phải tránh.
Giai đoạn ban đầu trong sự vun bồi tâm thì mỏng manh một cách đặt biệt. Đặt nặng vào chánh niệm vào lúc này sẽ chỉ làm chậm lại sự phát triển khả năng tập trung. Khi mới bắt đầu tọa thiền, việc làm trước tiên của thiền giả là ghi nhận sự hoạt động của tâm như thế nào vào lúc đó một cách chuẩn xác. Trường phái Phật giáo nguyên thủy gọi hiện tượng này là “tâm viên ý mã”. Trường phái Mật Tông Tây Tạng ví nó như dòng thác tư tưởng. Nếu bạn đặt nặng ở chức năng tỉnh giác vào lúc này, thì sẽ có nhiều thứ để chú ý cho sự tập trung, thành ra trở thành không thể. Đừng nản lòng, hiện tượng này xảy ra cho mọi người, và có giải pháp rất đơn giản để đối trị. Gom tất cả sự phấn đấu của bạn vào một điểm lúc ban đầu, và chỉ liên tục kéo về cái tâm lơ đễnh trở về lần này sang lần khác. Cứng rắn đối với nó. Toàn bộ phương pháp hướng dẫn để làm việc này được diễn đạt trong chương 7 và 8. Chỉ vài tháng sau khi tu tập đúng đắn thì bạn sẽ phát triển tiến bộ sức mạnh tập trung. Để rồi bạn có thể bắt đầu mang năng lực đó vào cho Chánh niệm. Nhưng đừng đi quá xa với khả năng tập trung đến nỗi bị rơi vào tình trạng ngu muội.
Chánh niệm vẫn là bộ phận quan trọng hơn khả năng tập trung. Nó nên được gầy dựng khi nào bạn cảm thấy mình sẵn sàng. Nó cung cấp nền tảng cần thiết cho sự phát triển của định thâm sâu sau này. Phần lớn những sai lầm trong phạm vi thăng bằng rồi sẽ được điều chỉnh theo thời gian. Chánh định phát triển một cách tự nhiên nối tiếp theo sau trạng thái chánh niệm bền vững. Càng phát triển yếu tố nhận biết nhiều hơn, bạn sẽ bắt ra sự xao lãng nhanh hơn và kéo tâm về lại đề mục thiền chóng hơn. Kết quả tự nhiên là khả năng tập trung lớn mạnh hơn. Khi khả năng tập trung phát triển, nó sẽ giúp phát triển chánh niệm. Sức mạnh tập trung bao nhiêu, thì cơ hội sự xao lãng xảy ra ít bấy nhiêu. Bạn chỉ đơn giản ghi nhận vọng tâm và rồi mang sự chú tâm về lại đề mục chính.
Vậy thì hai nhân tố nên có khuynh hướng thăng bằng và giúp đỡ nhau để lớn lên một cách tự nhiên. Dường như chỉ có một nguyên tắt cần thiết để tuân theo ở đây, là đặt sự phấn đấu của bạn vào sự tập trung ở lúc ban đầu, cho đến khi nào cái tâm khỉ vượn kia lắng xuống một chút. Rồi mới chú trọng vào Chánh niệm. Nếu bạn thấy mình bị bấn loạn, thì chú trọng vào sự tập trung. Nếu thấy mình bị rơi vào u mê, chuyển qua chú trọng vào chánh niệm. Trên bình diện khái niệm, nói tổng quát thì chánh niệm là bộ phần cần phải chú trọng hơn.
Chánh niệm hướng dẫn sự phát triển tu tập trong thiền định bởi vì nó có khả năng chú tâm vào chính nó nữa. Chính chánh niệm sẽ cho bạn sự nhận biết về sự tu tập của mình. Nó sẽ cho bạn biết mình tu tập ra sao, nhưng đừng nên quá lo lắng nhiều về điều này. Đây không phải là một cuộc đua. Bạn không phải tranh đua với bất kỳ một ai và không có giới hạn của thời gian.
Điều khó khăn nhất trong khi học chánh niệm là không ỷ lại vào bất kỳ trạng thái tâm hay cảm giác nào cả. Chúng ta vốn đã có những hình tượng nhất định về tu thiền rồi. Một người trầm lặng làm việc âm thầm trong một cái hang động nào đó một cách chậm chạp. Những thứ này chỉ là điều kiện huấn luyện. Chúng được gầy dựng để nuôi dưỡng khả năng tập trung và học tu tập chánh niệm. Một khi đã học được kỷ năng này rồi, thì bạn có thể pha chế với những hạn chế tu tập khác cho phù hợp với hoàn cảnh của riêng mình. Bạn không cần phải di chuyển với vận tốc của con ốc để có được chánh niệm. Thậm chí bạn không cần đến sự bình tĩnh. Trong khi đang giải những bài toán vi phân cao cấp, bạn vẫn có thể chánh niệm. Dù cho đang dự khán cuộc xô xát trong trận đấu bóng, bạn vẫn có thể giữ vững chánh niệm, hay ngay lúc giữa cơn giận điên tiết dữ dội lên cao. Hoạt động sinh-tâm lý không làm trở ngại cho chánh niệm. Nếu bạn thấy tâm của mình đang ở trong tình trạng cực kỳ năng động, thì chỉ đơn giản quan sát cái bản chất và cường độ của sự tích cực đó mà thôi. Nó chỉ là một phần của cuộc trình diễn đang đi qua bên trong tâm bạn.