Kiến trúc Chùa Dơi cũng giống như bao kiến trúc Chùa Khmer khác ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Về họa tiết trang trí, điêu khắc, hội họa mang sắc thái văn hóa Khmer cổ. Theo lời kể của các già làng về lịch sử hình thành của Chùa thì nơi đây đã trải qua 19 đời Đại Đức. Các văn bản còn lại, được ghi trên lá thốt nốt, trải qua nhiều năm tháng đã bị mục nát và chỉ còn lại một số, cho đến hiện nay chỉ biết được 08 đời Đại Đức sau này.
Theo lời kể của các già làng thì loài Dơi sống ở đây từ trước đến lúc bắt đầu xây dựng Chùa. Một số người Khmer đặc tả loài Dơi ở đây như sau:
Dơi thuộc họ thú có cánh bay, những con lớn nặng từ 700 - 1.000g. Dơi có một số đặc điểm khác với loài chim, Dơi là động vật có vú. Thức ăn của Dơi là trái cây, không ăn lúa hay thịt cá. Dơi đi ăn vào ban đêm, ban ngày thì ngủ. Theo thường lệ hằng năm, bước vào mùa khô, thời tiết nóng nực, thiếu nước, trái cây ít, điều kiện sinh sống khó khăn, chúng thường tổ chức đi ăn ở xa, những nơi có nhiều trái cây và nước ngọt. Đôi khi chúng đi tìm thức ăn ở quá xa, không thể bay về Chùa trước lúc bình minh, Dơi phải ngủ lại nơi đó, và đường về được tiếp nối từng chặng đường của tối hôm sau.
Khoảng cuối tháng tư, khi thời tiết thay đổi, tiếng sấm đầu mùa mưa báo hiệu, lác đác đây đó mưa rơi, cây trái phát triển, dơi thay màu lông. Lúc đó dơi quay về Chùa chuẩn bị cho mùa sinh sản. Từ đó, bà con xung quanh vùng xem chu kỳ sinh sản của Dơi như thời điểm vào mùa - họ chuẩn bị giống má, đắp bờ, nhổ cỏ, cày ải, cuốc bẩm chờ mưa để gieo hạt. Dơi không ấp trứng như loài chim khác, nên chúng không xây tổ mà chỉ dùng hai chân móc lấy cành cây quay lộn đầu xuống treo mình lủng lẳng, kết lại với nhau như những chùm trái cây.
Dơi sinh sản vào đầu tháng năm dương lịch, khi sắp đẻ thì một cánh móc lấy nhánh cây, một cánh đỡ lấy con ôm vào lồng ngực. Đẻ xong vài giờ dơi con bắt đầu mở mắt, lúc đó chúng đã biết đói, bú mẹ như chó con mới lọt lòng và trong đêm đó dơi mẹ vẫn đi kiếm ăn bình thường, con chúng mang theo, ôm ghì sát vào lồng ngực.Dơi cũng biết yêu thương nhau, nhất là dơi mẹ. Trước khi đi ăn dơi mẹ cho con bú và lúc trở về chúng đều nhớ đem mồi về cho con.
Hiện nay không ai tính được đàn dơi của Chùa Dơi này có bao nhiêu con, chỉ ước lượng khoảng vài vạn con, dơi sinh sản thì thấy, nhưng tuổi thọ của chúng được bao lâu thì không ai theo dõi và biết được chính xác, vì chúng không trở về đầy đủ. Quang cảnh hoàng hôn ở Chùa Dơi rất rộn ràng, chi chít tiếng dơi gọi đàn, xào xạc tiếng vỗ cánh va chạm vào cành cây, tạo nên bầu không khí rất khẩn trương.
Có một điều mà không ai lý giải được là dơi không ăn trái cây vùng lân cận cũng như trái cây trong khuôn viên Chùa, mà phải đi ăn rất xa. Từ những hiện tượng gần như là huyền bí của đàn dơi ở chùa Dơi Sóc Trăng, tiếng đồn vang xa, khách thập phương ai cũng muốn tới viếng thăm để tận mắt chứng kiến. Từ thời chiến tranh chống Mỹ “Chùa Dơi” đã vang tiếng với những điều huyền bí , cho nên khuôn viên Chùa lúc ấy cách ly với cảnh sinh hoạt bên ngoài. Vì vậy, cán bộ của ta thường lui tới hoạt động cách mạng.
Cho đến ngày nay Chùa Dơi rất nổi tiếng, vì phong cảnh hữu tình, gần gũi với thiên nhiên, có quần thể kiến trúc tôn giáo chính thống của dân tộc Khmer và bầy dơi huyền bí đã thôi thúc khách tham quan đến viếng Chùa ngày càng đông đúc.
Kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương
Chùa Dơi là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… Toàn bộ các công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ, diện tích khoảng 04 hecta.
Cổng chùa được xây dựng theo kiến trúc tôn giáo, trang trí các hoạ tiết các hoa văn hình cánh sen và hoa cà ri cách điệu. Công trình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể kiến trúc Chùa Dơi là ngôi chính điện. Ngôi chính điện có chiều dài 20m8, chiều rộng 11m3; được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m bao quanh là đá kết xi-măng. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây. Cửa chính quay ra hướng Đông. Phần mái chính điện là một kết cấu đặc biệt, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau với khoảng cách nhất định.
Bên trong chánh điện có tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, trên bệ thờ cao khoảng 1,5m được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen. Ngoài tượng Phật lớn còn có nhiều tượng Phật nhỏ khác.
Đối diện với ngôi chính điện về hướng Tây là dãy nhà Sa La (nhà hội của sư sãi), phòng của sư trụ trì, phòng khách và rải rác xung quanh ngôi chính điện là những tháp đựng cốt tro người chết, mỗi tháp mang dáng kiểu khác nhau. Nhìn chung toàn bộ quần thể kiến trúc cân đối nhau một cách hài hoà, làm chúng ta liên tưởng đó là cả một rừng hoa văn với những bố cục hài hoà, gọn gàng, những đường nét uyển chuyển đầy ấn tượng… toát lên tinh thần lao động cần cù và sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer.
Xung quanh quần thể kiến trúc của chùa là những tán cây cổ thụ, được các vị sư săn sóc hàng ngày. Không khí mát mẻ, thanh tịnh chỉ có tiếng gió xào xạc và thỉnh thoảng xen vào tiếng kêu chi chít của những chú dơi con tìm mẹ… Tất cả tạo thành một bản hoà tấu với nhạc điệu du dương của thiên nhiên làm say mê lòng người.
Chùa Dơi với quần thể kiến trúc đẹp mắt, có giá trị thẩm mỹ cao. Ngoài chức năng thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của đời sống tâm linh, còn hướng con người đến chân - thiện - mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời. Cái đẹp và sức thu hút của Chùa Dơi là cảnh quan gần gũi với thiên nhiên, với một quần thể kiến trúc mở, hoà quyện với môi trường sống của con người - thực vật - động vật nơi đây đã gắn bó với con người từ lâu đời.
Hơn nữa, cộng đồng dân cư ở đây có sự giao lưu giữa ba dân tộc Việt - Khmer - Hoa kết hợp với tinh hoa văn hoá, nghệ thuật trong cuộc sống, học hỏi lẫn nhau cùng phát triển. Ngoài ra, Chùa Dơi Sóc Trăng còn là trung tâm sinh hoạt giáo dục - văn hoá và các lễ thức cúng kiếng, lễ hội của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương.
Ngày 12 tháng 02 năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT công nhận Chùa Dơi là di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Đây thực sự là một môi trường sinh thái kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên, văn hoá và cuộc sống đời thường. Không những vậy,Chùa Dơi còn là một thắng cảnh, một địa điểm du lịch, tham quan và hành hương viếng Phật nổi tiếng của du khách trong và ngoài tỉnh. Danh lam thắng cảnh Chùa Dơi Sóc Trăng sẵn sàng đón tiếp các du khách thập phương ghé thăm và chắc hẳn làm chuyến đi của bạn thêm nhiều bất ngờ, thú vị và đáng nhớ.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)