Chùa Tiên Châu – Ngôi chùa cổ trên cù lao Vĩnh Long

date
18/11/2020
Tiên Châu Tự là một trong những ngôi chùa cổ ở tỉnh Vĩnh Long, có lịch sử tồn tại khoảng 250 năm. Chùa nằm trên bãi Tiên bên cánh trái sông Cổ Chiên, thuộc cù lao An Bình (ở ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ngôi chùa này không chỉ nổi tiếng linh thiêng mà còn là một công trình kiến trúc cổ độc đáo để du khách có thể chiêm ngưỡng. Trong những chuyến du lịch về khám phá cù lao An Bình, rất nhiều du khách dành thời gian đến chiêm bái, vãn cảnh chùa Tiên Châu

Tiên Châu Tự là một trong những ngôi chùa cổ ở tỉnh Vĩnh Long, có lịch sử tồn tại khoảng 250 năm. Chùa nằm trên bãi Tiên bên cánh trái sông Cổ Chiên, thuộc cù lao An Bình (ở ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ngôi chùa này không chỉ nổi tiếng linh thiêng mà còn là một công trình kiến trúc cổ độc đáo để du khách có thể chiêm ngưỡng. Trong những chuyến du lịch về khám phá cù lao An Bình, rất nhiều du khách dành thời gian đến chiêm bái, vãn cảnh chùa Tiên Châu.

Tiên Châu Tự là một trong những ngôi chùa cổ ở tỉnh Vĩnh Long, có lịch sử tồn tại khoảng 250 năm.

Lịch sử hình thành

Chùa Tiên Châu do Hòa thượng Đức Hội dựng có hình chữ “tam”, gồm ba gian nối liền nhau là chánh điện, hậu tổ và hậu liêu. Trong chùa có tất cả 96 cột gỗ tròn bằng danh mộc, các kèo, xuyên đính bằng căm xe, gỗ đỏ được chạm trỗ khéo léo từ các nghệ nhân nổi tiếng ở địa phương và từ kinh đô Huế vào. Chùa trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng lần có thay đổi lớn nhất là vào năm 1899. Thời điểm này chùa có bốn gian, gồm tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Các gian đều thiết kế theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo chiều ngang dọc nhờ các kèo đấm, kèo quyết. Chùa lợp bằng ngói âm dương, vách ván bổ kho (ván gỗ) đóng theo chiều ngang.

Vào khoảng năm 1945, quân đội Pháp đến tái chiếm vùng đất Vĩnh Long, chùa Tiên Châu bị chiến tranh phá hủy chỉ còn lại các tượng Phật. Đến sau tết Mậu Thân năm 1968, chùa Tiên Châu một lần nữa bị chiến tranh làm cho hư hại rất nhiều. Về sau, chùa được trùng tu lại theo bản thiết kế của Hòa thượng Thiên Hương từ Sài Gòn mang về. Nội điện chùa vẫn giữ nguyên như cũ, mặt tiền chùa được dựng lại bằng vật liệu bê tông chắc chắn. Diện tích chùa xây dựng lại khoảng 920m2, trên nóc chùa có 5 ngọn tháp, chính giữa tháp treo tâm biển đề “Tiên Châu Tự”. Năm 2009, cổng chùa Tiên Châu được xây mới và toàn bộ ngôi chùa cũng được phết sơn trang hoàng lại. 

Chùa Tiên Châu còn có tên gọi là chùa Di Đà.

Chùa Tiên Châu còn có tên gọi là chùa Di Đà. Tên gọi này bắt nguồn từ một truyền thuyết khá thú vị. Chùa Tiên Châu được xây dựng vào khoảng năm 1750. Cũng năm này, hòa thượng Giác Nguyên quê ở Thừa Thiên Huế đến đây thấy phong cảnh chùa ưu nhã nên đã dựng một am nhỏ bằng tre, vách lá thờ Phật Di Đà -  giáo chủ cõi Tây phương cực lạc, từ đó mới có tên gọi là Tiên Châu Di Đà Tự. Còn có truyền thuyết cho rằng hai làng Bình Lương và An Thành mặc dù cách nơi đô hội không xa nhưng không khí tĩnh mịch, xa xăm mờ nhạt. Nơi đây có xóm chài lưới, cửa nhà thưa thớt. Vào những đêm trăng thanh gió mát thường có tiên nữ xuống tắm gội, nô đùa. Do đó mà có tên là chùa Tiên Châu, nghĩa là bãi tiên.

Chùa Tiên Châu do Hòa thượng Đức Hội dựng có hình chữ “tam”, gồm ba gian nối liền nhau là chánh điện, hậu tổ và hậu liêu

 Khám phá chùa Tiên Châu

Hiện nay, bên trong chùa Tiên Châu được trang trí bắt mắt. Giữa trụ là một khánh thờ, bên trong tôn trí hai pho tượng to lớn là tượng Phật Di Đà và tượng Phật Di Lặc. Ngoài ra, còn có các pho tượng khác như tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca tọa thiền, Phật Thích Ca đản sinh. Hai bên vách hông của chùa là khánh thờ các vị thần như Địa Tạng Bồ Tát, Phật Chuẩn Đề, tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập điện Diêm vương, Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tiêu Diện Đại Sĩ Hộ Pháp… tất cả đều được đắp tạc khéo léo, công phu và được sơn son thếp vàng đẹp đẽ.

 

Phía trước chùa Tiên Châu có tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen

Trong khuôn viên, phía trước chùa Tiên Châu có tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen, tay phải cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ, mang nhiều ơn phước cho chúng sinh (mang ý nghĩa trong Phật giáo). Bên trái của ngôi chùa có tượng Phật Thích Ca “cưỡi” chín con rồng, đằng sau là cội bồ đề râm mát. Bên phải chùa Tiên Châu là tượng Phật Di Lặc – biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc trong phong thủy. Ngoài ra, chùa Tiên Châu vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa nghệ thuật cao như bộ bao lam chạm Thập Bát La Hán cùng nhiều bức tranh, liễn đối được chạm khắc rất tinh tế có từ thế kỷ thứ 19 như tứ linh, tứ quý…Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển cùng với những giá trị văn hóa và lịch sử, năm 1994, chùa Tiên Châu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

chuaviet.org tổng hợp