Lá ngải cứu và những công dụng tuyệt vời

date
09/10/2020
Ngải cứu là một trong những loại thảo dược phổ biến và có nhiều tác dụng trong y học cổ truyền. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về cây ngải cứu, xem xét lại những lợi ích và cách sử dụng, thông tin về liều lượng và những nhược điểm tiềm ẩn của loại cây này.
Gội đầu bằng nước ngâm ngải cứu có tác dụng tiêu lạnh, giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, kích thích tuyến tiêu hóa, chống ho và đờm. Đây chỉ là một trong rất nhiều công dụng tuyệt vời của lá ngải cứu.

Ngải cứu là loài thực vật thuộc họ Cúc, tên khoa học Artemisia vulgaris, còn được gọi thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải…

Lá ngải cứu có hình mác hẹp, đầu nhọn, mặt trên lá có màu lục sậm còn mặt dưới thì phủ đầy lông nhung màu trắng. Ngải cứu có vị rất đắng nhưng mùi lại thơm và vì có tính ấm nên được sử dụng như một bài thuốc chữa bệnh trong Đông y từ bao đời nay.

1. Một số món ăn bổ dưỡng từ ngải cứu

Trứng luộc ngải cứu

– Nguyên liệu: 15 gram ngải cứu, 25 gram gừng, 2 quả trứng.

– Cách làm: Cho trứng, ngải cứu và gừng vào hầm chung, khi trứng chín lọc lấy nước uống, ăn cùng trứng rất tốt cho sức khỏe.

– Công dụng: Làm ấm người, giải cảm.

Trứng gà rán ngải cứu

- Nguyên liệu

2 - 3 quả trứng gà lớn hoặc trứng vịt

Ngải cứu

Hành khô, tiêu, muối, nước mắm

Dầu ăn.

- Cách làm:

Ngải cứu nhặt lấy ngọn, bỏ cuống, rửa sạch, để ráo, thái nhỏ.

Đập trứng ra bát. Đánh trứng thật đều tay, nêm gia vị và hạt nêm vừa ăn, thêm một chút tương ớt cho phồng trứng rồi đánh thật bông.

Trộn ngải cứu vừa thái nhỏ vào bát trứng ở trên, khuấy đều.

Đặt chảo lên bếp, đợi chảo nóng, đổ dầu vào. Dầu nóng, cho hỗn hợp trứng vào láng mỏng theo lòng chảo.

Rán cho vàng phần trên và trở mặt dưới của miếng trứng lên, rán vàng đều hai mặt là được.

- Công dụng: Chữa đau đầu

Canh trứng, ngải cứu, đường nâu

– Nguyên liệu chính: Ngải cứu, đường nâu, trứng.

– Cách làm: Cho 10-15 gram ngải cứu vào nước lạnh đun sôi trên lửa nhỏ khoảng 15-20 phút. Vớt cái ra để ráo nước, đập hai quả trứng vào nước luộc ngải cứu, đánh tan rồi thêm đường nâu vào là được.

Gà hầm ngải cứu

– Nguyên liệu: 150 gram ngải cứu cả cây (nếu là thân khô thì giảm 1 nửa), 1 con gà mái già (khoảng 1500 gram hoặc hơn), lượng vừa phải muối, 10 gram gừng với lượng vừa phải nước.

– Cách làm: Gà rửa sạch, chặt miếng lớn. Gừng rửa sạch không gọt vỏ, thái lát. Cho ngải cứu, gà, gừng vào nồi, thêm chút muối, nước, đun sôi trên lửa lớn, sau đó chuyển sang lửa nhỏ hầm trong khoảng 1-2 giờ. Trước khi tắt bếp nêm nếm cho vừa ăn.

– Lưu ý: Ngoài gà mái, bạn cũng có thể sử dụng hàu tươi để hầm cùng ngải cứu sẽ rất thơm. Khi ăn thịt gà nếu cảm thấy nhạt có thể thêm nước tương để chấm. Bạn cũng có thể thêm một ít bột ngọt hoặc tinh chất gà vào súp để tăng hương vị.

Óc heo hấp ngải cứu

- Nguyên liệu:

Óc heo 1 hoặc 2 cái

Ngải cứu, gừng, rau ngổ, tiêu, muối, bột nêm

- Cách làm:

Óc heo là sạch gân máu, rửa lại nước thật sạch, ngâm vào nước pha muối chừng vài phút.

Ngải cứu rửa sạch để ráo, gừng thái nhỏ, rau ngổ một nhúm rửa sạch

Lót lá ngải cứu quánh tô, đặt óc heo lên để hấp, chỉnh nhỏ lửa chừng 10-15 phút là chín. Ta tiếp tục cho tiêu, gừng, rau ngổ, chút muối, bột nêm. Món này ăn nóng mới ngon.

- Công dụng: Điều hòa khí huyết; tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu, nhất là đối với những người bệnh mới khỏi, tinh thần mỏi mệt…

2. Ngoài là nguyên liệu chế biến món ăn, ngải cứu còn có nhiều công dụng tuyệt vời khác

Nước gội đầu

– Gội đầu bằng nước ngâm ngải cứu có tác dụng tiêu lạnh, giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, kích thích tuyến tiêu hóa, chống ho và đờm, thúc đẩy lưu thông và đặc biệt là không làm tổn thương tóc và da đầu.

– Cách làm: Cho một lượng nước thích hợp vào nồi cùng khoảng một nắm ngải cứu vào, đun sôi.

– Cách dùng: Pha nước vừa đun với một chút nước lạnh sao cho độ ấm vừa đủ để gội đầu. Làm ướt tóc và da đầu với nước ngải cứu, để vậy trong 10 phút.

Gội đầu lại với nước sạch hoặc nước ấm. Dùng 10 ngón tay thay lược, chải nhẹ nhàng vào tóc và massage da đầu.

Ban đầu có thể gội đầu bằng nước ngải cứu 3 lần 1 tuần, sau này khi da đầu không còn ngứa và nhờn có thể gội 1-2 lần một tuần, duy trì trong một khoảng thời gian dài rất có ích cho tóc và cơ thể.

Nước tắm

– Công dụng: Dùng nước ngải cứu đun sôi để tắm có tác dụng giảm ngứa rát da, dị ứng cơ thể.

Mùa hè đến, những người có cơ địa yếu hoặc các bé hay bị ngứa phát ban thường bị nổi mẩn đỏ. Lúc này có thể đun sôi nước ngâm ngải cứu để làm nước tắm, tắm khoảng 2 lần bạn sẽ thấy tình trạng phát ban đỡ hơn rất nhiều.

– Cách làm: Cho 30 gram ngải cứu và nước vào nồi và nấu trong 15 phút. 

Để một lúc cho nước nguội, dùng khăn bông thấm nước đun ngải cứu rồi lau lên người các bé.

Sau đó đổ nước ngải cứu vào chậu, điều chỉnh nhiệt độ nước và tắm cho bé.

– Lưu ý:  Sau khi tắm với nước ngải cứu, đừng tắm lại với nước sạch hoặc xà bông.

Tiêu trừ phồng rộp ở chân

– Cách làm: Cho 50 đến 100 gram lá ngải cứu vào nước đun sôi, sau đó đổ ra chậu, điều chỉnh nhiệt độ nước thích hợp rồi dùng nó ngâm chân. Lưu ý không nên dùng chậu sắt hay chậu nhôm vì kim loại lạnh không tốt cho việc giữ ấm.

– Lượng nước ngâm chân ít nhất phải qua mu bàn chân, có thể cao đến mắt cá chân hoặc đầu gối. Thời gian ngâm khoảng nửa giờ hoặc lâu hơn.

– Người cổ đại cũng thường thêm các loài hoa hoặc cây khác vào nước nóng ngải cứu để ngâm cùng:

+ Cảm lạnh, khớp lạnh, viêm phế quản: có thể thêm gừng.

+ Co giãn tĩnh mạch, viêm dây thần kinh ngoại biên, tê và ứ máu ở tay và chân: có thể thêm nghệ tây.

+ Đau mắt đỏ, đau răng, tức giận, buồn bực, lạnh: có thể thêm chút muối.

+ Mồ hôi chân, chân có mùi hôi: có thể thêm hoa tiêu.

– Ngải cứu cũng có thể được sử dụng để pha trà uống giúp tiêu lạnh, giải cảm. Phụ nữ mang thai cũng có thể uống trà để dưỡng thai.

– Mùi hương đặc biệt của ngải cứu có tác dụng xua đuổi côn trùng, đặc biệt là đuổi muỗi.

Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)